Obama có thật sự muốn xoay trục sang Á châu?

- Quảng Cáo -

Liệu hai năm còn lại của nhiệm kỳ Tổng thống, ông Obama có thực sự muốn xoay trục chiến lược sang Á châu-Thái Bình Dương để đối đầu với một Trung quốc đang hung hãn hay không là đề tài kết thúc tiết mục Một Vòng Châu Á tuần này, kính mời quý thính giả theo dõi qua sự trình bày của Nguyễn Khanh và Nam Phương.

Sau hội nghị APEC Bắc Kinh 2014, Tổng thống Hoa Kỳ, ông Obama, đã sang Miến Điện và Australia để họp tiếp hai hội nghị ASEAN mở rộng và G20, tại hai nơi này Tổng thống Obama đều nhấn mạnh đến chính sách xoay trục của Hoa Kỳ sang Á châu-Thái Bình Dương. Nếu chỉ nghe những gì ông Obama phát biểu tại hai nơi này thì không còn nghi ngờ gì nữa về chuyện xoay trục chiến lược của Hoa Kỳ, nhưng chỉ trước đó vài ngày khi hội đàm với ông Tập Cận Bình ở Bắc Kinh thì chẳng thấy ông Obama có ý định đối đầu với một Trung quốc đang hung hãn ở biển Đông và biển Hoa Đông bằng sức mạnh quân sự.

Theo truyền thông Hoa Kỳ thì Tổng thống Obama đang bị ông Tập Cận Bình cho ăn bánh vẽ khi nói rằng Trung quốc tôn trọng quyền lợi tự do đi lại ở biển Đông của Hoa Kỳ và các quốc gia. Ông Tập đã yêu cầu Hoa Kỳ không nên xía vào chuyện tranh chấp ở biển Đông và biển Hoa đông giữa Trung quốc với các quốc gia trong vùng vì Bắc Kinh sẽ giải quyết tranh chấp trong hòa bình dựa theo luật pháp quốc tế. Cứ nhìn thái độ và hành động của Trung quốc trong hơn một thập niên qua không bao giờ thấy Bắc Kinh tuân thủ luật pháp Quốc tế và luật Biển của Liên Hiệp quốc, ngược lại ngày càng bành trướng lãnh hải và lãnh đảo bằng sức mạnh quân sự. Trước khi lên đường sang dự hội nghị APEC, Hoa Kỳ đã lên tiếng chỉ trích việc Trung quốc xây sân bay ở đảo Spratly (Trường Sa) thế mà khi họp với ông Tập thì chẳng nhắc tới chuyện này, hành động như thế Hoa Kỳ sẽ mất đồng minh hay ít ra là mất niềm tin từ các quốc gia bạn ở khu vực Á châu-Thái Bình Duơng, cụ thể là Nhật Bản và Philippines.

Về vấn đề nhân quyền thì tờ New York Times viết rằng Tổng thống Obama tuy có đề cập đến vấn đề nhân quyền ở Hoa lục đang bị vi phạm, vấn đề biểu tình đòi tự do bầu cử của người dân Hồng Kông, nhưng ông Tập Cận Bình phản biện lại rằng quan niệm về nhân quyền của Trung quốc khác với các quốc gia Âu Mỹ, còn chuyện Hồng Kông là chuyện nội bộ của Trung quốc, Hoa Kỳ không nên xen vào. Rút cuộc chỉ lên án Trung quốc vi phạm nhân quyền bằng mồm chứ chẳng có một hành động chế tài cụ thể nào cả, như thế thì chính quyền Bắc Kinh vẫn tiếp tục vi phạm, bất quá là chỉ trích vài tiếng rồi đâu cũng vào đó. Một Hoa Kỳ đi đầu trong việc cổ võ tôn trọng nhân quyền sẽ không chỉ trích suông.

- Quảng Cáo -

Một nhà ngoại gia lão luyện của Hoa Kỳ là ông Winston Lord, từng làm Đại sứ Hoa Kỳ thì cho rằng quan hệ Mỹ-Trung rất phức tạp nhiều khi có những vấn đề nói ít làm nhiều hoặc ngược lại. Trước đây dưới thời Tổng thống Richard Nixon, Hoa Kỳ muốn bắt tay với Trung quốc là để đối đầu lại với Sô Viết hồi đó nên trước khi thiết lập bang giao đó, là nhiều cuộc hội đàm mật giữa hai bên, nay thì chuyện mật đàm thỉnh thoảng vẫn có nhưng nó không ở mức độ bí mật như xưa. Nhiều người, kể cả những chuyên gia chiến lược về quân sự, cho rằng Tổng thống Obama không dứt khoát trong vấn đề xoay trục chiến lược, chuyện đánh giá như thế nào là quyền của mọi người, nhưng không nên dựa vào những lời phát biểu trước truyền thông báo chí để suy đoán vì có vị Tổng thống Hoa Kỳ nào ngu dại gì mà tuyên bố sẽ đối đầu với Trung quốc bằng sức mạnh quân sự hay kinh tế.

Nói Hoa Kỳ đứng ngoài sự tranh chấp giữa Trung quốc và các nước trong vùng ở biển Đông và biển Hoa đông là không sai, nhưng giải thích ra sao khi Washington tuyên bố sẽ bảo vệ quần đảo Senkaku vì nó nằm trong hiệp ước Bảo an Mỹ Nhật. Ngoài ra Hoa Kỳ cũng còn bảo vệ cho Philippines mỗi khi quốc gia này bị Trung quốc tấn công.

Thưa quý thính giả, Việt Nam là quốc gia bị Trung quốc xâm chiếm biển đảo nhiều nhất so với các nước khác thế mà trong thời gian gần đây, cụ thể là sau Diễn đàn An ninh Á châu Shangri La lần thứ 13 tại Singapore, mỗi khi nói đến một liên minh chống Trung quốc xâm lược biển Đông và biển Hoa đông thì thường bị Việt Nam gạt ra ngoài, lý do rất đơn giản vì chính ngay ông Bộ trưởng Quốc phòng của chế độ CSVN là Phùng Quang Thanh khẳng định là quan hệ Việt-Trung vẫn “phát triển tốt đẹp” và so sánh xung đột hiện nay trên Biển Đông như là chuyện ‘mâu thuẫn gia đình’ . Chắc chắn những lời phát biểu này của ông Thanh phải có sự đồng ý của bộ Chính trị đảng CSVN. Hiện nay Nhật Bản là quốc gia có đủ khả năng chống lại sự xâm lược của Trung quốc thế mà vẫn đi tìm sự hiệp tác của các quốc gia khác, nhưng lãnh đạo đảng CSVN thì không, chẳng hiểu tại sao? ngoại trừ chuyện cắt đất nhượng biển cho Bắc Kinh để mưu cầu quyền lợi riêng tư.

- Quảng Cáo -

Chúng Tôi Mong Có Góp Ý Kiến Thêm Từ Quý Vị

Please enter your comment!
Please enter your name here