Quyền im lặng, là một thước đo về dân chủ của một xã hội
Dân chủ hiểu một cách giản đơn là quyền của nhân dân; quyền cơ bản của con người được pháp luật bảo vệ. Quyền con người được pháp luật thừa nhận và thực thi càng nhiều thì xã hội đó dân chủ càng cao.
Nội dung “Quyền im lặng” đã được ghi nhận ở Công ước quốc tế về quyền dân sự và chính trị năm 1966 mà Việt Nam tham gia năm 1982. Và tinh thần của “Quyền im lặng” cũng được thể hiện trong các điều của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003. Nhưng tất cả những sự ghi nhận đó là chưa đầy đủ vì nó chưa được minh định, cụ thể bằng một điều luật rõ ràng trong Bộ luật tố tụng hình sự. Chính vì lý do đó mà các cơ quan bảo vệ pháp luật luôn lẩn tránh và tìm mọi cách chối bỏ “Quyền im lặng”, quyền cơ bản của người dân.
Không thực thi “Quyền im lặng” là một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng ép cung, nhục hình, án oan và người dân chết trong trụ sở của cơ quan công an.
Không thực thi “Quyền im lặng” là đất sống cho tình trạng trả thù, tra tấn tinh thần và thể xác người dân, bắt giam, bỏ tù tùy tiện; đe dọa, khống chế làm cho người dân không dám đứng lên tố cáo, khiếu nại những vi phạm pháp luật đang diễn ra phổ biến của những người có quyền hiện nay.
Không thực thi “Quyền im lặng” là tước đi một cơ hội, một vai trò xã hội cần thiết của luật sư trong việc bảo vệ công lý trong một nhà nước pháp quyền. Luật sư không có chỗ đứng chính đáng trong một xã hội sẽ có xu hướng bị tha hóa; trở thành lớp người trung gian giữa người phạm tội và các cơ quan tiến hành tố tụng, đó là làm: môi giới, cò mồi, dàn xếp án, chạy án…Tình trạng này không phải là xa lạ trong xã hội đang làm xấu đi hình ảnh của giới luật sư.
Mọi quy định của pháp luật cuối cùng đều nhằm bảo vệ lợi ích con người, tức bảo vệ quyền con người. Ví như những bộ luật bảo vệ môi trường hay bảo vệ loài vật cũng đều là bảo vệ quyền con người. Vì vậy, có vị đại biểu Quốc hội nói “Quyền im lặng” không phải là quyền con người thì thật đáng tiếc.
Quyền của người dân lại chính là nghĩa vụ của nhà nước. Quốc hội hiện nay chưa phải thực sự do nhân dân bầu ra. Cơ chế làm luật hiện nay là nhà nước làm luật chứ không phải nhân dân làm luật. Vì thế, luật pháp hiện nay chỉ cốt ban hành làm sao có lợi cho nhà nước chứ chưa xuất phát từ nhu cầu của người dân. Nên khi ban hành, sửa đổi luật pháp Quốc hội đã đặt lợi ích của nhà nước lên trên lợi ích của người dân. Bằng chứng là các đại biểu Quốc hội đã nại ra đủ lý do để khước từ “Quyền im lặng” khi sửa đổi Bộ luật tố tụng hình sự mặc dù nội dung và tinh thần đó đã được ghi nhận trong Công ước quốc tế và Bộ luật tố tụng hình sự hiện hành. Thậm chí có đại biểu Quốc hội để bác “Quyền im lặng” đã bất chấp vai trò của “một chính khách” sẵn sàng thóa mạ giới luật sư trước báo chí, truyền thông rằng: “Luật sư hiện nay bào chữa chỉ vì tiền”.
Ghi nhận “Quyền im lặng” trong luật là cần thiết, là minh chứng quyết tâm đổi mới trật tự hiện hành và thực hiện nguyên tắc “Nhà nước của dân, do dân, vì dân”. “Quyền im lặng” cũng chính là thước đo của quá trình dân chủ hóa xã hội và là mục tiêu đấu tranh của người dân nói chung và giới luật sư nói riêng.
Leave a Comment