Quảng Cáo

Trung quốc khởi xướng FTAAP – đó cũng là tử huyệt của Bắc Kinh

Quảng Cáo

Cho đến nay hiệp định Đối tác Thương mại xuyên Thái Bình Dương (gọi tắt là TPP) có tất cả 12 quốc gia tham gia đàm phán, trong đó không có Trung quốc. Bắc Kinh cho rằng TPP được Mỹ sử dụng để gạc Trung quốc sang một bên hầu làm suy yếu sức mạnh kinh tế của Trung quốc bởi vậy Bắc Kinh phải đề xướng việc thành lập một khu vực Thương mại Tự do châu Á-Thái Bình Dương gọi tắt là FTAAP (Free Trade Area of the Asia-Pacific). Chính quyền Cộng sản Trung quốc đã chọn thời điểm tổ chức hội nghị APEC Bắc Kinh 2014 để chính thức công bố về FTAAP. Trước hội nghị APEC vài ngày, Trung quốc cũng đã tuyên bố thành lập Quỹ Con đường Tơ lụa và đóng góp số tiền lên đến 40 tỷ USD để thúc đẩy kết nối thương mại giữa các nền kinh tế châu Á. Ngoài ra, vào đầu năm 2014, Bắc Kinh đã khai trương một ngân hàng phát triển khu vực với sự tham gia của 20 quốc gia châu Á- Thái Bình Dương và đến tháng 5, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã kêu gọi xây dựng một cấu trúc về an ninh mới tại châu Á với sự tham gia của một nhóm các quốc gia như Nga và Iran nhưng lại không có Mỹ.

Trong hội nghị APEC, Trung quốc tìm đủ mọi cơ hội để nói về một Thương mại Tự do châu Á-Thái Bình Dương và đưa việc khởi xướng FTAAP vào trong bản lên tiếng chung của hội nghị và được nguyên thủ các quốc gia tham dự APEC đồng ý. Vì là bản lên tiếng chung nên các quốc gia không bị ràng buộc phải thực thi những gì về FTAAP được ghi trong đó. Tổng thống Obama và Tổng thống Putin đều đồng ý sẽ để ra hai năm nghiên cứu về đề xuất này của Trung quốc.

Trong cuộc đối thoại với các doanh nghiệp, ông Obama phát biểu rằng Washington muốn thấy Trung Quốc thành công nhưng Bắc Kinh phải là một đối tác trong trật tự thế giới. Tổng thống Hoa Kỳ cũng hối thúc Trung Quốc không sử dụng tin tặc để đánh cắp bí mật thương mại, đồng thời tạo sân chơi công bằng cho các doanh nghiệp nước ngoài.

Về phía Trung quốc, trên cương vị chủ trì hội nghị APEC Bắc Kinh 2014 và nhất là quốc gia đề xướng ra FTAAP nên có trách nhiệm, nếu Bắc Kinh chỉ đề xướng mà không thực hành thì sẽ mất uy tín, rất có hại cho sự phát triển kinh tế của Trung quốc, tuy nhiên để tiến hành việc thành lập khu Thương mại Tự do châu Á-Thái Bình Dương không dễ chút nào cả, ý tưởng thành lập FTAAP đã được nêu lên trong hội nghị APEC năm 2006 ở Hà Nội và đã được hội nghị coi đây là một mục tiêu lâu dài vì quy mô của nó quá lớn hơn cả APEC. Nếu FTAAP thành hình thì khi giao thiệp song phương hay đa phương sẽ có nhiều quốc gia tham dự hơn cả APEC và vì Trung quốc là quốc gia đề xướng ra FTAAP nên phải mở rộng thị trường của mình cho các nước gia nhập FTAAP vào đầu tư với luật lệ rõ ràng, nhất quán và không được dấu diếm thông tin. Đây là những điều mà một quốc gia Cộng sản độc tài như Trung quốc không thể chấp nhận được vì nếu áp dụng thì lãnh đạo Trung quốc từ trung ương đến địa phương mất đi rất nhiều cơ hội tham nhũng, đó là chưa muốn nói đến chuyện sụp đổ chế độ.

Mặc dù trong hội nghị APEC Bắc Kinh vừa rồi, ông Tập Cận Bình nói đến ”Giấc mộng Á châu-Thái Bình Dương” bao gồm cả việc Trung quốc giúp các quốc gia trong vùng xây dựng hạ tầng cơ sở, nhưng phản ứng của các quốc gia rất lạnh nhạt. Thủ tướng Lý Hiển Long của Singapore nói với phóng viên tờ Straits Times rằng Trung quốc chẳng có sáng kiến gì cả, cái mà ông Tập gọi là Giấc mộng châu Á-Thái Bình Dương thực tế là Giấc mộng của Trung quốc.

Tạp chí The Diplomat, ấn bản Á châu, hôm 16/11/2014 cho rằng Trung Quốc đừng mong thành lãnh đạo khu vực nếu chỉ dùng sức mạnh kinh tế mà phải thuyết phục các nước láng giềng rằng Bắc Kinh sẽ không đe dọa an ninh của họ. Nếu chỉ hào phóng về kinh tế thì Trung Quốc không thể có được vai trò lãnh đạo, bởi vì an ninh mới là mối quan tâm chủ chốt của tất cả các nước. Trật tự do Mỹ tạo ra được cho là đang rất bền vững vì nó khiến cho đa số chính phủ và người dân trong khu vực cảm thấy an toàn.

Theo các quan sát viên ở hội nghị APEC Bắc Kinh 2014 thì việc Trung quốc xâm chiếm biển Đông và biển Hoa đông đã làm cho nhiều nước trong vùng không có thiện cảm và rất cảnh giác trước một Trung quốc hung hãn. FTAAP do Trung quốc đề xuớng, nhưng không chừng nó có thể trở thành cái tử huyệt của chế độ Cộng sản Trung quốc.

Quảng Cáo
Bài Liên Hệ
Leave a Comment
Quảng Cáo
WordPress Appliance - Powered by TurnKey Linux