Quảng Cáo

Việt Nam và lối thoát duy nhất (phần 3)

Quảng Cáo

Kính thưa quý thính giả, phần một và hai bài viết nhan đề : “Việt Nam và lối thoát duy nhất” của tác giả Trần Thế Kỷ, đăng trên trang mạng Diễn Đàn Hội Nhà Báo Độc Lập, VN đã trình bày về thực trạng suy sụp và bế tắc trong mọi lãnh vực của Việt Nam hiện nay. Nguyên nhân của mọi vấn nạn này đều đến từ một nguồn, đó là sự lãnh đạo toàn diện của đảng CSVN. Phần cuối bài viết của tác giả Trần Thế Kỷ được gửi đến quý vị trong mục bình luận hôm nay sẽ điểm lại một số vấn đề của của nguyên nhân này, và đó là lý do tại sao chỉ có cải cách toàn diện mới đưa VN ra khỏi vực thẳm sụp đổ. Mời quý vị cùng nghe sau đây.

***************

Nền “dân chủ” vì… Đảng

Nhân dân không mấy ai còn tin vào chế độ. Tháng 9-2014, bộ phim “Sống cùng lịch sử” được thực hiện để ca ngợi chiến thắng Điện Biên Phủ và tướng Võ Nguyên Giáp (được nhà nước đầu tư 21 tỷ đồng) đã phải ngưng chiếu sau hai tuần ra rạp vì không bán được vé do người dân không buồn vào xem.

Trong mắt người dân, chế độ nói xóa bỏ giai cấp nhưng lại tạo nên một giai cấp ăn trên ngồi trước. Nói là đầy tớ nhân dân nhưng thực tế lại là cha mẹ nhân dân. Khoảng cách giàu nghèo giữa quan và dân ngày càng lớn. Quan chức thì thì giàu lên vì vật chất, trong khi dân thì giàu lên ở các khoản… phí thuế.

Chương II, Điều 27 của Hiến Pháp 2013 quy định: “Công dân đủ mười tám tuổi trở lên có quyền bầu cử và đủ hai mươi mốt tuổi trở lên có quyền ứng cử vào Quốc hội, Hội đồng nhân dân. Việc thực hiện các quyền này do luật định.”

Tuy nhiên, hiện nay việc bầu cử, ứng cử vẫn bị chi phối bởi chế độ “Đảng cử, dân bầu”. Trong khi, tạo ra đặc quyền chính trị riêng biệt cho một tầng lớp Đảng viên, lãnh đạo, hình thành nên hệ thống “Thái Tử Đảng” – một cụm từ dùng để chỉ tầng lớp con cháu của các quan chức cao cấp ưu tiên tuyển vào các vị trí lãnh đạo tại các cơ quan nhà nước.

Nền dân chủ bị bóp ngẹt, nạn thuế phí chồng chất, đặc biệt việc tước đoạt ruộng đất nhân danh “Đất đai là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý” đã dẫn đến nhiều cuộc biểu tình trong nước, lượng dân oan ngày một tăng.

Tiếng nói bảo vệ người dân nghèo của hệ thống báo chí, truyền thông trong nước với con số trên 800, các hội đoàn như Công đoàn, Mặt trận Tổ Quốc, Hội nông dân không mang tính phản ánh thực trạng, quyền lợi của người dân mà chỉ chuyên về tuyên truyền, bảo vệ cho các chủ trương, chính sách (dù sai lầm) của Đảng.

Điều đó, dẫn đến việc, người người dân chủ động sáng lập những tờ báo mạng của riêng mình thu hút hàng triệu người đọc như: Dân Làm Báo, Anh Ba Sàm, Bauxite Việt Nam… Những hội đoàn dân sự đối trọng với các hội đoàn nhà nước như: Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam, Văn đoàn Độc lập Việt Nam… ra đời.

Dù sự ra đời hoàn toàn hợp pháp, vì nằm trong Điều 25 của Hiến pháp 2013, trong đó ghi rõ: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”, nhưng các Hội đoàn, trang báo “lề dân” lại không được thừa nhận, ngược lại liên tiếp bị đả kích trên các phương tiện báo chí nhà nước, các hội viên và người sáng lập liên tục bị sách nhiễu.

Sự suy sụp về kinh tế, suy thoái về đạo đức con người, rối loạn về xã hội, độc quyền về chính trị đã cho thấy, Đại hội Đổi mới (1986) mới chỉ giải quyết trước mắt về vấn đề kinh tế, tuy nhiên điều này đã không kéo được dài lâu, mà ngược lại, càng khiến cho sự hấp hối kéo dài của thể chế làm hao hụt nguồn nhân lực, tiềm lực sẵn có của quốc gia.

Chính vì vậy, người dân mong muốn một sự thay đổi về gốc, trong một Đại hội Đổi Mới – về thể chế, chính trị, làm nền tảng cho việc chấn hưng lại nền kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa tại Việt Nam. Đó là lối thoát duy nhất và là tương lai của Việt Nam, cũng là bước đi hợp lý nhất mà một lãnh đạo có tâm, có tầm có thể làm được.

Quảng Cáo
Bài Liên Hệ
Leave a Comment
Quảng Cáo
WordPress Appliance - Powered by TurnKey Linux