Quảng Cáo

CSVN Liên Tục Ngăn Cản Quyền Tự Đo Đi Lại Của Công Dân

Quảng Cáo

CSVN Liên Tục Ngăn Cản Quyền Tự Đo Đi Lại Của Công Dân

Chỉ trong 4 ngày từ 14/11 đến 17/11/2014, nhà cầm quyền Việt Nam đã ngăn chặn và tịch thu hộ chiếu của 5 người với lý do rất chung chung là vì “bảo vệ an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội”

Ngày 14/11/2014, anh Hoàng Văn Dũng và Nguyễn Nữ Phương Dung cùng bị cấm xuất cảnh và tịch thu hộ chiếu lúc 13h30 tại trạm kiểm soát biên phòng cửa khẩu quốc tế Dinh Bà, tỉnh Đồng Tháp.

Lúc 11 giờ ngày 16/11, anh Lê Đức Triết đang làm thủ tục xuất cảnh Đi Yangon (Myanmar) thì bị công an cửa khẩu Tân Sơn Nhất chặn lại và tiến hành lập biên bản dừng xuất cảnh, tịch thu hộ chiếu.

Ngày 17/11/2014, theo thông tin từ facebook Dustin Tý (Hoàng Tuấn Nam), anh Nam bị mời làm việc khi chuẩn bị làm thủ tục xuất cảnh. Sau đó công an cửa khẩu Nội Bài đã lập biên bản cấm xuất cảnh và giữ hộ chiếu của anh. Tương tự, facebooker Nguyen Huu (Nguyễn Công Thủ) cũng bị chặn tại cửa khẩu Tân Sơn Nhất lúc 9 giờ sáng cùng ngày.

Việc ngăn chặn quyền tự do đi lại của chính quyền Việt Nam đã vi phạm nghiêm trọng điều 12 Công ước quốc tế về những quyền dân sự và chính trị (1966): “Mọi người đều được quyền tự do rời khỏi một quốc gia, kể cả quốc gia của mình.”

Những người bị cấm xuất – nhập cảnh tại Việt Nam chủ yếu là các nhà hoạt động, đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền hoặc các nhà hoạt động xã hội, thành viên các NGO hoặc các chính khách mà Hà Nội cho là “không thân thiện, thiếu thiện chí” ở trong và ngoài nước.

CSVN luôn đưa ra lý do “an ninh quốc gia” khi cấm công dân của mình được xuất cảnh ra nước ngoài. Khi các nhà hoạt động tới phi trường để ra nước ngoài, an ninh chặn giữ họ, lập biên bản “về người chưa được phép xuất cảnh” và bắt họ để tra hỏi các vấn đề liên quan đến chuyến đi. An ninh CSVN thường lập lờ trong các lập luận và không chỉ rõ, cũng như không chứng minh nguyên nhân “an ninh quốc gia” là thế nào và sự liên hệ nhân – quả giữa lý do đó và chuyện cấm xuất cảnh ra sao.

Bên cạnh đó, có những trường hợp các nhà hoạt động từ nước ngoài về bị “cướp” passport mà không hề có bất cứ biên bản nào hoặc bị cấm xuất cảnh sau khi về nước.

Ước tính, hiện đã có gần 100 nhà hoạt động bị chính quyền CSVN cấm xuất cảnh được ghi nhận qua các sự vụ được giới hoạt động lên tiếng, chưa kể các trường hợp có trong danh sách của Bộ Công an CSVN nhưng chưa “thử xuất cảnh”.

Hiện tại đang có những nỗ lực từ phía các nhà hoạt động, các tổ chức dân sự, chính phủ các nước tự do nhằm ép buộc Chính quyền CSVN phải tôn trọng quyền tự do đi lại của người dân Việt Nam, nằm trong tổng thể các áp lực buộc tôn trọng dân chủ, nhân quyền – điều kiện tiên quyết trong mọi cuộc đàm phán thương mại với các nước Phương Tây.

Với việc gia tăng cấm công dân xuất cảnh, Chính quyền CSVN đã tự mình chứng minh sự vi phạm nhân quyền, các quyền tự do, dân chủ phổ quát của công dân trước cộng đồng quốc tế.

 

Việt Nam bị đánh giá thấp nhất về tính minh bạch

Theo thông tin của Trace International, một tổ chức vận động chống hối lộ đặt ở Hoa Kỳ, lần đầu tiên công bố bảng xếp hạng nhằm giúp các công ty đánh giá rủi ro.

Có tên là  Trace Matrix, chỉ số này đánh giá cách thức doanh nghiệp quan hệ với chính phủ, luật chống hối lộ, tính minh bạch của chính quyền và khả năng giám sát của xã hội dân sự.

Việt Nam bị xếp thứ 188, Campuchia 193, rơi vào nhóm 10 nước tệ nhất, gồm Burundi, Chad, Guinea, Nigeria, Nam Sudan, Uzbekistan và Yemen. Canada và Hoa Kỳ nằm trong danh sách 10 nước hàng đầu về tính minh bạch.

Về sự rủi ro cao, thì Việt Nam có tổng số điểm 82 trên 100, còn Campuchia có tổng điểm 89. Vẫn theo Trace, sự minh bạch của chính phủ thì Việt Nam bị điểm thấp tối đa, chứng tỏ bộ máy hành chánh bị đánh giá rất thấp. Về khả năng giám sát của xã hội dân sự cũng rất kém. Riêng về luật pháp và thi hành luật chống hối lộ, Việt Nam được đánh giá là khá hiệu quả trong vấn đề này.

Đây là lần đầu tiên Trace International, hợp tác với Rand Corporation, tiến hành bảng xếp hạng về vấn nạn hối lộ của doanh nghiệp trên thế giới. Trước đây cũng đã có các bảng xếp hạng về tình trạng hối lộ như của Transparency International.

 

Dân Tiệp kỷ niệm 25 năm cuộc Cách Mạng Nhung

Vào ngày 16/11 nhiều ngàn người đã đổ về thủ đô Praha của Cộng Hoà Tiệp (Czech) để kỷ niệm 25 năm ngày chủ nghĩa cộng sản sụp đổ với cuộc Cách Mạng Nhung tại quốc gia này – vào thời điểm đó là Tiệp Khắc (Czechoslovakia) – vào ngày 17/11/1989, chỉ 8 ngày sau khi Bức Tường Bá Linh sụp đổ, chấm dứt chế độ cộng sản kéo dài 41 năm, từ năm 1947 tới 1989.

4 năm sau đó, 1993, nước Tiệp Khắc, trong một tiến trình hoà bình, chia thành 2 quốc gia độc lập là Cộng Hoà Czech và Cộng Hoà Slovakia.

Việc cảnh sát đàn áp mạnh bạo cuộc xuống đường ôn hoà đòi hỏi dân chủ của sinh viên Tiệp Khắc sau khi Bức Tường Bá Linh sụp đổ đã khiến người dân Tiệp Khắc nổi giận, ồ ạt xuống đường với số người biểu tình lên tới nửa triệu. Và khi 75% tổng số dân Tiệp Khắc cùng đồng ý tham gia một cuộc đình công kéo dài chỉ 2 giờ đồng hồ thì lãnh đạo chế độ cộng sản Tiệp Khắc quyết định từ nhiệm, nhường chỗ cho một chính phủ không cộng sản đầu tiên chỉ 2 tuần lễ sau đó với người Tổng Thống là nhà văn Vaclav Havel.

Cuộc cách mạng ôn hoà không chết một mạng người này được thế giới gọi là Cách Mạng Nhung, trở thành khuôn mẫu cho một cuộc cách mạng toàn hảo mà những nhà đấu tranh dân chủ khắp nơi trên thế giới học hỏi và áp dụng.

Cuộc xuống đường kỷ niệm 25 năm cuộc Cách Mạng Nhung là cũng là dịp để người dân Tiệp phản đối chính sách hiện thời của Tổng Thống Milos Zeman và chính phủ của ông mà người dân cho là quá “thân Nga”.

 

 

 

Quảng Cáo
Bài Liên Hệ
Leave a Comment
Quảng Cáo
WordPress Appliance - Powered by TurnKey Linux