Quảng Cáo

TNLT Phêrô Nguyễn Đình Cương bị biệt giam

Quảng Cáo

TNLT Phêrô Nguyễn Đình Cương bị biệt giam

Trong chuyến thăm nuôi Tù Nhân Lương Tâm (TNLT) Nguyễn Đình Cương vừa qua, gia đình cho biết, anh Cương bị kỷ luật 10 ngày, từ ngày 10 – 20/10/2014, sau đó anh tiếp tục bị biệt giam.

Trong thời gian anh bị kỷ luật, thì anh bị cùm 1 chân, mỗi ngày anh chỉ được 1 nắm cơm, anh không được tắm, không được giặt quần áo, mọi vấn đề ăn, ngủ, vệ sinh một nơi, anh phải sống trong bầu không khí ô nhiễm, mặc dù thời tiết rất lạnh nhưng anh không được đắp chăn và phải nằm trơn trên bục bê tông lạnh lẽo.

Lý do anh bị kỷ luật và biệt giam là vì anh không ký biên bản nhận tội và đấu tranh đòi cán bộ trại giam tôn trọng quyền sống của con người.

Gia đình cho biết thêm, hôm 13/11/2014 có 3 viên công an, 1 công an của bộ, còn 2 công an của tỉnh Nghệ an đến phòng trại giam bắt 2 TNLT là anh Nguyễn Đình Cương và anh Hồ Đức Hòa ký biên bản nhận tội, nhưng cả 2 anh cương quyết không ký.

Trong lần thăm gặp này, gia đình có gửi lương thực, tiền ăn, sách công giáo, nhưng cán bộ trại giam không cho anh Cương nhận các sách, với lý do là anh Cương không chịu chấp hành nội quy của trại.

TNLT Nguyễn Đình Cương là thành viên nhiệt thành của Trung tâm Bảo Vệ Sự Sống Gioan Phaolo II, yêu mến công lý sự thật, hoạt động tích cực cho công việc bảo vệ môi trường và các công việc phòng chống tệ nạn xã hội ở giáo xứ Yên Đại và thành phố Vinh, lập blog “Sự thật và Canh Tân”, tham gia “Quỹ phát triển con người Vinh”, tham gia tất cả các cuộc biểu tình phản đối nhà cầm quyền Nghệ An cướp đất đai của nhà thờ Cầu Rầm, Giáo phận Vinh trong năm 2011, anh bị bắt ngày 24/12/2011, tới ngày 8-9/1/2013 bị đưa ra xử tại TAND Nghệ An và bị kết án 4 năm tù và 3 năm quản chế, anh bị chụp cho cái tội danh “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền”.

 

Căn bệnh trầm kha trong quản trị, điều hành của Việt Nam

Năm 2008, Bộ Giao Thông-Vận Tải Việt Nam đề nghị chi 522 tỷ để thực hiện Dự Án Xây Dựng Hệ Thống Bảo Vệ An Toàn Giao Thông giữa đường bộ và đường sắt tại Việt Nam. Mục tiêu của dự án này là xây dựng hàng rào dọc hệ thống đường sắt, nhằm phân cách giữa hệ thống đường sắt và đường bộ, giảm tai nạn giao thông.

Để có tiền giao cho Bộ Giao Thông-Vận Tải thực hiện dự án vừa kể, nhà cầm quyền Việt Nam phải phát hành trái phiếu và phải trả lãi cho khoản này. Nhưng mới đây, Bộ Giao Thông-Vận Tải xác nhận, chi phí thực hiện dự án chỉ khoảng 57 tỷ.

Được biết, trong báo cáo xin tiền thực hiện dự án vừa kể, Bộ Giao Thông-Vận Tải cho biết phải xây dựng 283 cây số hàng rào tại các đoạn đường sắt song song với một số quốc lộ. Tuy nhiên trên thực tế thì chỉ cần xây dựng 118 cây số hàng rào là đã đạt mục tiêu đề ra.

Sự kiện vừa kể thêm một lần nữa cho thấy, tại Việt Nam, việc lập – duyệt các dự án thực hiện bằng ngân sách hết sức tùy tiện, khó tin cậy.

Tháng trước, Bộ Kế Hoạch-Đầu Tư Việt Nam cho biết, trong số từ 34,000 đến 36,000 dự án đang được thực hiện bằng ngân sách, chỉ có khoảng 60% thực hiện “báo cáo giám sát.”

Tại hội thảo về việc xây dựng định hướng nhằm giám sát và đánh giá về đầu tư công cho giai đoạn từ 2015 đến 2020, ông Nguyễn Xuân Tự, vụ trưởng Vụ Giám Sát và Thẩm Định Đầu Tư của Bộ Kế Hoạch và Đầu Tư, nhận định, bởi giám sát lỏng lẻo nên đầu tư công trong thời gian vừa qua không hiệu quả

Theo một số chuyên gia, các “báo cáo giám sát” mà Bộ Kế Hoạch-Đầu Tư đã nhận cũng chưa ổn. Những qui định hiện hành giao việc giám sát cho chính chủ đầu tư. Bộ Kế Hoạch-Đầu Tư chỉ đảm nhận vai trò “tổng hợp các báo cáo giám sát” mà chủ đầu tư muốn thì gửi, không gửi cũng chẳng sao. Thành ra hoạt động giám sát các dự án đầu tư bằng ngân sách dù có cũng không có hiệu quả vì thiếu hai yếu tố quan trọng là tính độc lập và sự chuyên nghiệp. Không thể nào phát giác dự án có được thực hiện đúng yêu cầu và tương xứng với vốn đầu tư hay không.

Cuối năm ngoái, chính quyền Việt Nam công bố một thống kê về việc sử dụng ngân sách để đầu tư vào các “dự án trọng điểm.” Theo đó, chỉ trong vòng mười năm, Việt Nam đổ tiền xây 20 cảng biển quốc tế, 22 phi trường (có 8 là phi trường quốc tế), 267 khu công nghiệp (trung bình một tỷnh có 4 khu công nghiệp), 18 khu kinh tế ven biển, 28 khu kinh tế cửa khẩu, 1,757 dự án trong các lãnh vực giao thông, thủy lợi và di dân. Tổng vốn đầu tư cho tất cả các “dự án trọng điểm” ấy ngốn hết khoảng 444 ngàn tỷ đồng và gần như toàn bộ các “dự án trọng điểm” đều bỏ hoang sau khi hoàn tất.

Hồi tháng 4 vừa qua, tại một cuộc thảo luận về việc sửa luật xây dựng hiện hành, Bộ Trưởng Xây Dựng Việt Nam thừa nhận, lãng phí đã trở thành phổ biến ngay từ định hướng xây dựng đến thực hiện dự án, có khi lên tới 100% giá trị công trình. Lãng phí là nguyên nhân khiến ngân sách bội chi và nợ nần của Việt Nam gia tăng.

Tại Việt Nam, năm nào chi tiêu cho đầu tư công cũng tăng so với dự tính nhưng hiệu quả thì chẳng ra gì. Nhiều cựu viên chức và viên chức công khai thú nhận, đó là căn bệnh trầm kha trong quản trị, điều hành của Việt Nam.

 

Sinh viên Myanmar biểu tình đòi hỏi tự do học thuật

Vào ngày 16/11 hàng trăm sinh viên đại học ở Myanmar tuần hành qua thành phố Yangon. Người biểu tình hô khẩu hiệu và giơ những biểu ngữ đòi hỏi tự do học thuật. Các cuộc biểu tình theo sau hai cuộc biểu tình trong tháng qua về cái chết của nhà báo Par Gyi trong một tình huống bí ẩn khi đang bị quân đội câu lưu vào ngày 4 tháng 10.

Một số nhà quan sát cho biết các cuộc biểu tình có thể là dấu hiệu do thấy sự bực tức với chính phủ đang gia tăng.

Chính phủ cho biết luật giáo dục đại học mới sẽ cho các trường đại học nhiều quyền tự chủ hơn và cho phép một cơ quan độc lập điều phối hoạt động của các trường. Các sinh viên nói cơ quan này thực ra sẽ làm giảm quyền tự chủ.

Myanmar từng có một trong những hệ thống trường đại học tốt nhất ở Đông Nam Á. Nhưng nền giáo dục đại học ở đây đã sa sút mạnh trong thời gian gần năm thập niên dưới nền cai trị quân sự vì chính phủ kiểm soát chặt chẽ tính độc lập và sự tự do học thuật,

Cuộc biểu tình hôm 16/11 bắt đầu ở cổng phía đông của Chùa vàng Shwedagon, ngôi chùa linh thiêng nhất của đất nước, nơi lãnh tụ đối lập Aung San Suu Kyi lần đầu tiên diễn thuyết trước công chúng 500.000 người vào năm 1988, và nơi các nhà sư phát động cuộc biểu tình chống chính phủ hồi năm 2007.

Các cuộc biểu tình nổ ra vào thứ Sáu khi khoảng 350 sinh viên tập trung tại Yangon và tuần hành qua các ngả đường. Ngày thứ Bảy, sinh viên kéo đến trường Đại học Yangon và trèo qua cổng trường bị khóa.

 

Mỹ, Úc, Nhật kêu gọi giải pháp ôn hòa cho tranh chấp biển đảo

Các nhà lãnh đạo Mỹ, Úc và Nhật hôm 16/11 vừa qua đã kêu gọi có giải pháp ôn hòa cho các cuộc tranh chấp biển đảo, một ngày sau khi ông Obama cảnh cáo rằng đang nguy cơ chiến tranh tại Á Châu khi Trung Quốc tìm cách khẳng định chủ quyền của họ.

Trong bản thông cáo chung, các ông Obama, Tony Abbott và Shinzo Abe kêu gọi “có tự do hải hành và phi hành, cùng là giải pháp hòa bình cho các cuộc tranh chấp biển đảo theo luật lệ quốc tế.”

Cả ba ông nói rằng họ quyết tâm gia tăng hợp tác an ninh trong vùng Á Châu-Thái Bình Dương, nơi Bắc Kinh đang tạo sự lo ngại qua thái độ hung hãn.

Bắc Kinh hiện đang có tranh chấp biển đảo với bốn quốc gia vùng Đông Nam Á ở Biển Đông và với Nhật ở Biển Hoa Đông.

Ba nhà lãnh đạo này, họp riêng với nhau ở Brisbane bên lề hội nghị của nhóm G20, cho hay sự hợp tác của họ nhằm bảo đảm hòa bình, ổn định và thịnh vượng cho vùng Á Châu-Thái Bình Dương.

Ông Obama liên tiếp bác bỏ cáo buộc cho rằng Mỹ đang tìm cách ngăn chặn sự phát triển ảnh hưởng kinh tế và chính trị của Trung Quốc trong khu vực Á Châu-Thái Bình Dương, nhấn mạnh rằng Bắc Kinh phải là một thành viên có trách nhiệm trên trường quốc tế.

Trong bài diễn văn ở Brisbane, ông Obama cảnh cáo về mối nguy hiểm của việc xảy ra đối đầu quân sự ở Á Châu và hứa hẹn rằng Washington sẽ tiếp tục duy trì sự hiện diện của mình trong khu vực.

 

 

 

Quảng Cáo
Bài Liên Hệ
Leave a Comment
Quảng Cáo
WordPress Appliance - Powered by TurnKey Linux