Quảng Cáo

Việt Nam và lối thoát duy nhất (kỳ 1)

Quảng Cáo

Kính thưa quý thính giả, nhu cầu cải cách thể chế tại Việt Nam là điều đã được nói đến từ mấy năm nay. Trong thông điệp đầu năm, ông Nguyễn Tấn Dũng đã đưa ra một thông điệp rất tích cực về nhu cầu cải cách. Không hiểu là ông nói để lấy điểm hoặc được đảng phân công, nhưng gần một năm trôi qua mọi chuyện vẫn như cũ. Trong tình trạng đất nước hiện nay, ngày người ta càng nhận thấy cải cách là lối thoát duy nhất để Việt Nam thoát khỏi sự bế tắc mọi mặt đang gặp phải. Trong mục bình luận hôm nay và 2 kỳ tới, chúng tôi xin gửi đến quý vị bài viết của tác giả Trần Thế Kỷ, bàn về sự thiết yếu của nhu cầy này. Bài đăng trên trang blog Vietnam Thời Báo. Sau đây mời quý vị nghe phần 1 của bài viết.

***************

Từ một nước đói ăn triền miên, thông qua Đại hội Đổi mới (1986) đã trở thành nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, kéo theo nhiều sự thay đổi về diện mạo kinh tế – xã hội. Thế nhưng, càng về sau này Việt Nam càng lâm vào những khủng hoảng trên các lĩnh vực Kinh tế, xã hội, môi trường, giáo dục… Sự tụt hậu so với các nước trong khu vực không còn là nguy cơ mà đã trở thành hiện thực.
Kinh tế yếu kém, phát triển kiểu “tụt hậu”

Dưới sự điều hành kinh tế yếu kém của chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, kinh tế Việt Nam mang một sắc màu u ám.

Tính đến ngày 01-04-2012, Việt Nam chỉ còn hơn 312.000 doanh nghiệp hoạt động trong tổng số trên 694.000 doanh nghiệp thành lập. Nền kinh tế hiện đang bị phụ thuộc, sản xuất chủ yếu là làm gia công, làm thuê cho Trung Quốc và các nước khác. Ngay cả khi nền kinh tế thế giới ra khỏi cơn suy thoái thì Việt Nam vẫn còn lặn hụp trong vũng lầy. Theo ông Bùi Quang Vinh, Bộ trưởng Kế hoạch – Đầu tư, “Tăng trưởng của Việt Nam không nhờ tăng năng suất hay tiến bộ về khoa học công nghệ…mà chủ yếu dựa vào tăng qui mô nguồn vốn, khai thác tài nguyên…”

Nhưng có một yếu tố giúp kinh tế Việt Nam “dựa vào” mà ông Bộ trưởng quên nhắc đến, đó chính là lượng kiều hối hằng năm chảy vào Việt Nam. Lượng kiều hối chuyển về Việt Nam liên tục tăng mỗi năm. Tổng cộng từ năm 1993 tới 2013 là khoảng 84 tỷ USD. Riêng năm 2013 của Việt Nam đạt 11 tỷ USD giúp Việt Nam đứng vào danh sách các quốc gia nhận kiều hối nhiều nhất thế giới. Chính lượng kiều hối đã “giúp đỡ” Việt Nam gượng dậy trong sự suy sụp về mặt kinh tế.

Nhưng điều đó cũng không giúp được nhiều, theo thông báo chính thức từ Chính phủ, đến tháng 11-2013, mỗi người Việt Nam gánh 860 USD trong tổng số gần 77 tỉ USD mà chính phủ Việt Nam đi vay trong và ngoài nước. Tỉ lệ vay để trực tiếp trả nợ đang ngày một lớn, dẫn đến tỉ lệ nợ công lên tới 98% (so với 55% mà Chính phủ báo cáo) trong khi mức an toàn của nợ công là 65% GDP.

Ông Vũ Đình Ánh, một chuyên gia kinh tế đã phải thừa nhận rằng, Việt Nam làm ra 100 đồng thì phải dùng 98 đồng để trả nợ. Nguy cơ “vỡ nợ” hiện hữu, khác hẳn so với cam kết của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về việc “sẽ không để vỡ nợ”.

Một trong những nguyên nhân gây ra nạn nợ công tăng cao là vấn đề về việc sử dụng ODA địa phương, một trong những nguồn trực tiếp gây ảnh hưởng đến vấn đề nợ công cũng gặp nhiều yếu tố tiêu cực. Không ít các lãnh đạo địa phương vẫn tồn tại quan điểm rằng ODA là cho không, vay được càng nhiều càng tốt. Chưa kể, bộ máy hành chính lại quá cồng kềnh nhưng hoạt động kém hiệu quả trong khi ngân sách nhà nước dành cho bộ máy chiếm tới 70%. Một nghịch lý là, Hoa Kỳ – đất nước có nền kinh tế số 1 thế giới với 320 triệu dân mà bộ máy nhà nước chỉ hơn 2 triệu người còn Việt Nam gần 90 triệu dân lại có tới 2.8 triệu công chức.

Do đó, theo Báo cáo phát triển Việt Nam năm 2009 của Ngân hàng Thế giới, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam tụt hậu tới 51 năm so với Indonesia, 95 năm so với Thái Lan và 158 năm so với Singapore. Và “Thực tế là Việt Nam sẽ phải rất lâu mới đuổi kịp được”. Giáo sư Hà Văn Thịnh viết trên báo Một Thế Giới: “Có tìm thấy ở đâu giống với nước ta là nói nhiều, nói lắm mà tất cả sự sai trái, trì trệ vẫn y nguyên? Hình như chỉ có một cái thay đổi thôi: Nỗi đau của hàng triệu người nghèo ngày một nhức nhối hơn”.

Theo Báo cáo của Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc công bố tháng 9 – 2014, Việt Nam không có tiến bộ về “Phát triển con người”. Từ năm 2000 đến 2013, chỉ số HDI của Việt Nam đã giảm từ 1.7 xuống còn 0.96. Trong khi, hầu hết quốc gia châu Á đều có chỉ số HDI cao hơn Việt Nam (HDI là chỉ số tổng hợp từ các yếu tố tuổi thọ, tri thức, mức sống).

“Việt Nam nhẽ ra phải nằm trong nhóm các nước có thu nhập bình quân 7.000 USD thay vì 1.400 USD như hiện nay (2014) song thực tế không được do điều hành kém hiệu quả”, ông Olin McGill chuyên gia của USAID (Cơ quan phát triển quốc tế Mỹ) chia sẻ.

Để kinh tế Việt Nam thoát khỏi tình trạng này, đa số các chuyên gia cho rằng Việt Nam cần đổi mới thể chế. Bộ trưởng Kế hoạch Đầu tư Bùi Quang Vinh khẳng định: “Đến thời điểm hiện tại (2014) nền kinh tế Việt Nam đã hết động lực để phát triển và Việt Nam cần cơ chế, chính sách mới để phát triển”. Tiến sỹ kinh tế Phạm Chí Dũng nhận định rằng vấn đề chính trị là cái gốc của thể chế kinh tế, “Không thể giải quyết vấn đề chính trị nếu không giải quyết vấn đề các nhóm lợi ích hiện nay. Cho nên đó là một cái vòng lẩn quẩn, các nhóm lợi ích lại thao túng chính trị, xây dựng chính trị và thậm chí hoàn chỉnh chính trị”.

*****

Kính thưa quý thính giả, chúng tôi xin mượn nhận định “chính trị là cái gốc của thể chế” vừa nêu của tiến sĩ Phạm Chí Dũng để kết luận cho phần 1 bài viết vừa được gửi đến quý vị. Đây là điều hiển nhiên, vì nếu cái gốc chính trị là xã hội chủ nghĩa thì tất nhiên nền kinh tế và các lãnh vực khác cũng sẽ định hướng như vậy. Vì thế, nếu không cải cách cái gốc chính trị thì lại lẩn quẩn đi theo lối mòn cũ và đi vào bế tắc như hiện nay.

Quảng Cáo
Bài Liên Hệ
Leave a Comment
Quảng Cáo
WordPress Appliance - Powered by TurnKey Linux