Quảng Cáo

Hàng chục ngàn sinh mạng người dân bị đe dọa vì các dự án thủy điện

Quảng Cáo

Hàng chục ngàn sinh mạng người dân bị đe dọa vì các dự án thủy điện

Theo báo điện tử Một Thế Giới, 3 dự án thủy điện Ðakđrinh 2, Sơn Trà 1, Trà Khúc 1 nếu được xây tiếp tục xây dựng thì hậu quả không dừng ở việc làng mạc ở huyện Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi sẽ bị nhấn chìm, mà rừng bị phá vô tội vạ, ảnh hưởng trầm trọng đến môi sinh, thiếu nước…

Không dừng lại ở đó, quy hoạch của thủy điện Ðakđrinh 2 chiếm dụng gần 200 hecta, trong đó có 5.38 hecta rừng phòng hộ. Thủy điện Trà Khúc 1 chiếm dụng diện tích hơn 290 hecta…

Vài năm trước, tỉnh Quảng Ngãi đã phải vật vã đi “đòi nước” vì thủy điện Ðakđrinh tích nước gây khô hạn hàng chục hecta cây trồng ở hạ du sông Trà Khúc. Viễn cảnh sẽ tồi tệ hơn khi tiếp tục rừng bị phá, thủy điện mới mọc lên đua nhau tích nước…

Bên cạnh đó, dân tái định cư vì thủy điện “trở nên nghèo đói hơn, nhiều nhóm dân cư buộc phải xâm hại tài nguyên rừng, di cư tự do tìm nguồn sinh kế mới”. Và một điều ẩn họa hơn, vào đầu năm nay, đã có nhiều rung chấn và tiếng nổ tại lòng hồ thủy điện Ðakđrinh phía huyện Sơn Tây, Quảng Ngãi và Kon Plông, tỉnh Kon Tum.

Ðiều này không chỉ riêng Quảng Ngãi mà toàn khu vực miền Trung và Tây Nguyên cần phải được nhà cầm quyền CSVN xem xét lại.

Xin nhắc lại, hiện nay hàng ngàn người cư trú tại thị trấn Đầm Hà, huyện Hải Hà, tỉnh Quảng Ninh, vẫn đang bị cô lập giữa biển nước sau khi đập phụ của hồ Đầm Hà bị vỡ vào rạng sáng 30 Tháng Mười.

Sức nước đã làm bật nóc nhiều căn nhà, nhiều căn khác bị sập, hàng ngàn người bị cô lập. Chủ các ao, hồ nuôi cá, tôm trắng tay. Sự kiện đập phụ của hồ Đầm Hà bị vỡ gây lo âu cho hàng triệu người vì tại Việt Nam hiện có hơn 30 quả bom nước mà sức công phá có thể gấp hàng chục lần hồ Đầm Hà.

Hồi Tháng Chín năm ngoái, Bộ Nông Nghiệp-Phát Triển Nông Thôn loan báo, Việt Nam có khoảng 7,000 hồ, cung cấp nước cho thủy lợi và thủy điện, Trong số này, có 317 hồ chứa nước đang trong tình trạng “không an toàn”, vì được xây dựng theo phương pháp thủ công, hoặc khả năng khảo sát thiết kế của chủ đầu tư kém cỏi về hiểu biết kỹ thuật. Mỗi hồ chứa nước đó có dung tích hàng triệu khối nước nên được ví von là “bom nước”.

Theo kết quả điều tra, các hồ, đập đã vỡ đều mắc một số lỗi nghiêm trọng, không đủ khả năng chống lũ, đập không đảm bảo kích thước, tràn thiếu khả năng xả, hoặc đập bị xuống cấp, tràn xả lũ bị hư nhưng không được sửa chữa, cống hư, nước thấm qua thân đập, mối xâm hại thân đập…

Điểm đáng chú ý là ngay sau khi các viên chức cao cấp của nhà cầm quyền trung ương, cảnh báo về thảm họa “bom nước” và  yêu cầu nhà cầm quyền các địa phương phải kiểm tra, sửa chữa gấp những hồ, đập dành cho thủy lợi, thủy điện thì các viên chức cầm quyền địa phương không muốn nhận trách nhiệm.

 

Siêu thị, người dân Sài Gòn Cứu Cà Chua Đà Lạt

Trước thực trạng hàng trăm tấn cà chua trên Đà Lạt phải đổ ra đường hoặc cho heo ăn, nhiều siêu thị, người dân Sài Gòn đã đồng loạt mua ủng hộ nông dân Lâm Đồng.

Từ đầu tháng 10 đến nay, nhiều vùng trồng cà chua ở huyện Đức Trọng, Đơn Dương (Lâm Đồng) rơi vào tình trạng dư thừa do thương lái không mua hoặc chỉ mua với giá 500-1,500 đồng một kg, trong khi cà chua Trung Quốc vẫn tiếp tục nhập về nhiều. Điêu đứng vì cà chua mất giá, nhà vườn đành phải bán đổ bán tháo hoặc cho heo ăn.

Trước tình trạng trên, một số siêu thị, người dân Sài Gòn đã ra tay hỗ trợ nông dân. Ngay từ cuối tháng 9, khi cà chua có dấu hiệu rớt giá mạnh do được mùa, một số hệ thống siêu thị đã tiến hành thu mua với giá mua đầu vào dao động quanh mức 6,000 đồng một kg, bán ra ở mức 6,900 đồng.

Hiện, Saigon Co.op đang tiêu thụ trung bình khoảng 12 tấn mỗi ngày, cao điểm cuối tuần đạt 16 tấn, đưa tổng lượng cà chua đã tiêu thụ cho đến thời điểm này hơn 300 tấn và sẽ còn tăng trong thời gian tới.

Ông Nguyễn Thành Nhân, Phó tổng giám đốc Saigon Co.op cho biết, hiện hệ thống trên cả nước chỉ bán cà chua Đà Lạt. “Đây cũng là cách hỗ trợ người trồng có thể thu hồi vốn, tái sản xuất, từ đó có thể ổn định nguồn cung cho thị trường, tránh khan hiếm và đội giá ở những vụ sau.

Tại Big C, hệ thống này cũng đã lên kế hoạch tiêu thụ 150 tấn cà chua trên tổng số 28 siêu thị của mình, đồng thời tìm nhiều giải pháp quảng bá, tăng đầu ra cho nông dân Lâm Đồng. Sức tiêu thụ trên khiến cho sản lượng cà chua tại Big C tăng 5-6 lần so với trước đó. Phía siêu thị cho biết quyết định bán ra bằng giá vốn cho mặt hàng cà chua tại khu vực miền Nam và chấp nhận bù lỗ chi phí vận chuyển cho khu vực miền Bắc và miền Trung để khuyến khích người tiêu dùng mua hàng.

Còn tại các chợ lẻ ở Sài Gòn, cà chua Đà Lạt đổ về khá nhiều.

 

Ký giả Trương Minh Đức bị côn an hành hung dã man

Tin từ các trang mạng thì vào khoảng 8g tối ngày 2 tháng 11, trên đường ở Bến Cát, Bình Dương hướng về Sài Gòn, ký giả Trương Minh Đức đã bị nhóm người ít nhất là 8 tên côn an chận đường truy sát, đánh đập ông Đức hết sức tàn nhẫn.

Nhóm người này đầu tiên đạp xe ông nhưng xe không bị ngã, ông Đức vội chạy vào quán café gần đó nhưng nhóm công an này vẫn xông vào đánh tới tấp vào người ông, dùng mũ bảo hiểm đập, đạp đá rất mạnh vào mạng sườn ông, rồi bỏ mặc ông nằm mê man ở đó. Hiện tại ông đang được cấp cứu tại bệnh viện Hoàn Mỹ và rất đau đớn. Chúng đã lấy đi túi xách của ông gồm 1 laptop, 1 iPad và 600 Mỹ kim. Được biết, trong số những tên công an tham gia vụ truy sát này, có một trung tá tên Hòa. Tên này đã có mặt trong hai lần ông bị đánh đập trước đó tại Bến Cát.

Hình ảnh của ông Trương Minh Đức bị đánh bầm dập đã tố cáo hành vi dã man, hèn hạ của nhà cầm quyền CSVN đối với những người bất đồng chính kiến. Ký giả Trương Minh Đức bị tòa án Kiên Giang xử giam 5 năm tù, sau khi mãn hạn tù, ông tiếp tục đấu tranh, đi đây đó thăm các cựu tù nhân, có mặt ở mọi phiên tòa. Ông nhận thức được mọi việc rủi ro đến với bản thân ông, từ việc bị công an đánh đập, côn đồ truy sát hay  gia đình bị phong tỏa kinh tế. Nhưng những đày đọa này vẫn không làm chùn bước chân của ký giả Trương Minh Đức.

 

Tình hình Biển Đông vẫn chưa ổn định

Nhân Dân Nhật Báo của Trung Cộng ngày 30 tháng 10 nhận định, tình hình biển Đông vẫn ổn định. Cùng ngày, trang Eurasia Review của Hoa Kỳ lại khẳng định ngược lại.

Báo Trung Cộng cho rằng, các phương tiện truyền thông nước ngoài đã thổi phồng căng thẳng tại biển Đông, như thể tình hình sắp biến thành xung đột, trong khi tình hình không đến nỗi nghiêm trọng như thế. Báo nêu có một số mâu thuẫn, tranh chấp giữa Trung Cộng, Việt Nam và Philippines. Nhưng nhìn chung, không có nước nào có ý định gây chiến, và hoạt động giao thương trên biển Đông vẫn tấp nập.

Bài báo cho rằng, trong tìm kiếm giải pháp cho vấn đề biển Đông giữa ASEAN và các bên liên quan, Trung Cộng đã có thái độ linh hoạt hơn. Cụ thể là Trung Cộng đã đưa ra cách tiếp cận hai điểm là các nước trực tiếp liên quan tìm kiếm giải pháp thông qua tham vấn và đàm phán, Trung Cộng và ASEAN hợp tác gìn giữ hòa bình và ổn định trên biển Đông.

Trả lời trang Eurasia Review, Giám đốc Trung tâm Luật quốc tế Robert Beckman nêu lên ba vấn đề pháp lý.  Thứ nhất, hoạt động xây dựng trên các đảo  của Trung Cộng không phù hợp với luật pháp quốc tế. Thứ hai, khi tiến hành xây dựng đảo, không thể xem như Trung Cộng đã xác lập chủ quyền.

Lý do là đảo là đất hình thành tự nhiên nổi trên mặt nước khi thủy triều lên. Một đảo nổi được hình thành do bồi đắp địa hình thì đó chỉ là đảo nhân tạo. Cuối cùng, bởi đảo được định nghĩa là đất hình thành tự nhiên, vì thế sẽ không hợp lý khi nói một nước biến đá thành đảo rồi tuyên bố đảo mới thuộc vùng đặc quyền kinh tế hay thềm lục địa của mình.

Theo Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS), đảo nhân tạo không được xem là khu vực hàng hải, không được xem xét để xác định vùng lãnh hải 12 hải lý. Do đó, hoạt động bồi đắp đất của Trung Cộng không thể thay đổi hiện trạng pháp lý trên biển Đông.

 

 

 

 

 

 

 

Quảng Cáo
Bài Liên Hệ
Leave a Comment
Quảng Cáo
WordPress Appliance - Powered by TurnKey Linux