Quảng Cáo

Chính sách ngoại giao hiện nay của CSVN

Quảng Cáo

Sự kiện Thủ tướng CSVN Nguyễn Tấn Dũng viếng thăm Ấn Độ trong 2 ngày 28 và 29 tháng 10 để bàn thảo về việc hợp tác an ninh và khai thác dầu khí ở biển Đông;  cùng lúc ông Dương Khiết Trì, uỷ viên quốc vụ viện Trung Quốc sang Việt Nam vào ngày 27 tháng 10 để họp với Phó thủ tướng CSVN kiêm bộ trưởng ngoại giao Phạm Bình Minh về mối quan hệ Việt Trung cũng như chuẩn bị cho chuyến đi thăm Trung Quốc vào tháng 11 tới đây của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, cho thấy là nhà cầm quyền CSVN đang mở rộng thế ngoại giao đu giây không chỉ giữa Hoa Kỳ với Trung Quốc mà cả Ấn Độ, một cường quốc đang lên tại Á Châu.

Trước đó, vào đầu tháng 10, ông Phạm Bình Minh viếng thăm Hoa Kỳ và trong cuộc gặp gỡ tại Thủ đô Hoa Thịnh Đốn, Ngoại trưởng Mỹ ông John Kerry đã thông báo cho ông Minh biết là Hoa Kỳ chính thức bãi bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam. Những diễn biến này đã khiến cho nhiều người nhận định rằng, CSVN đang muốn giảm  bớt các lệ thuộc vào Trung Quốc, tiến hành chính sách ngoại giao tích cực hơn với Mỹ và Ấn Độ để thoát Trung. Có thật như vậy hay không ? Để tìm hiểu thêm các mối quan hệ đối ngoại của CSVN hiện nay xin mời quý vị theo dõi phần nhận định sau đây của ông Lý Thái Hùng, Tổng Bí Thư đảng Việt Tân trong chương trình hôm nay.

 

 

 

Radio CTM: Kính chào ông Lý Thái Hùng. Thưa ông, Hoa Kỳ đã bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho CSVN nhưng Hà Nội vẫn tiếp tục mở rộng quan hệ với Ấn Độ và Nhật. Theo ông điều này có thể hiểu như thế nào về thế ngoại giao của lãnh đạo Hà Nội hiện nay? Họ muốn quân bằng lại với áp lực của Trung Quốc hay là một hình thức thách thức với Bắc Kinh vì cả 3 quốc gia này đều là những đối thủ mà Trung Quốcđang gườm?

 

Lý Thái Hùng: Kể từ sau khi xảy ra vụ Trung Quốc mang giàn khoan HD 981 vào sâu trong thềm lục địa Việt Nam, CSVN đã có hai động thái đáng chú ý:

Thứ nhất là tiếp cận tích cực hơn với Hoa Kỳ và khối các quốc gia đồng minh của Hoa Kỳ như Phi Luật Tân, Nhật Bản và Ấn Độ. Sự kiện Nhật tặng CSVN 6 chiếc tàu tuần tra cho cảnh sát biển, Phi Luật Tân khuyến khích và sẵn sàng cố vấn cho Hà Nội nộp đơn kiện Trung Quốc và nhất là Đại tướng Martin Dempsey, chủ tịch hội đồng liên quan Hoa Kỳ viếng thăm VN hồi tháng 8 và sau đó Hoa Kỳ tuyên bố bãi bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương, cho thấy là Hà Nội đang muốn tiến gần đến Hoa Kỳ và những quốc gia đang chống lại Trung Quốc.

Thứ hai là qua vụ giàn khoan, trong nội bộ lãnh đạo CSVN đã có những phát biểu phê phán Trung Quốc mạnh mẽ hơn so với trước đây. Những phát biểu công kích Trung Quốc một cách công khai trên các diễn đàn quốc tế của ông Nguyễn Tấn Dũng đã ít nhiều tạo một ấn tượng chung là lãnh đạo Hà Nội đang cố vượt ra khỏi những ảnh hưởng cùa Trung Quốc từ nhiều thập niên qua.

Biết rõ thế xoay này của CSVN nên ngay sau khi rút giàn khoan HD 981 hôm 15 tháng 7, Bắc Kinh đã có những thái độ làm lành với CSVN bằng một số diễn biến:

1/Mời lãnh đạo CSVN sang Bắc Kinh để “thương thảo” thay vì khước từ các cuộc xin gặp từ phía lãnh đạo CSVN trong thời gian xảy ra vụ giàn khoan HD 981. Để giữ thể diện, Bộ chính trị CSVN đã cử Lê Hồng Anh, Ủy viên bộ chính trị, Thường trực Ban Bí thư đi sang Bắc Kinh với tư cách đặc sứ của Tổng bí thư để trao đổi về cái gọi là thống nhất cái nhìn về đại cục để duy trì 16 Vàng và 4 Tốt giữa hai đảng và nhà nước, coi như không có vụ giàn khoan xảy ra.

2/Mời một phái đoàn quân sự hùng hậu của CSVN gồm 13 vị tướng do Bộ trưởng Phùng Quang Thanh dẫn đầu để thiết lập đường dây nóng giữa hai quân đội hầu tránh những đụng độ trong tương lai.

3/Cử Dương Khiết Trì sang Việt Nam họp với Phó thủ tướng Phạm Bình Minh về nét mặt thân thiện và biết điều hơn kỳ họp tháng 6/2014 để cho thấy rằng mọi sự xung đột quá khứ giữa Hà Nội và Bắc Kinh đã và đang được giải quyết.

Tuy bề ngoài, Trung Quốc đang dịu giọng hay nói đúng hơn là xuống nước làm lành với CSVN; nhưng thực tế là Trung Quốc vẫn đang duy trì sức ép lên CSVN để Hà Nội không bung ra khỏi vòng kiềm tỏa của Trung Quốc từ Hội nghị Thành Đô tháng 9 năm 1990 cho đến nay. Nói cách khác là Bắc Kinh không muốn Hà Nội đi gần với Mỹ.

Trong bối cảnh đó, CSVN biết rất rõ là họ không thể thoát ra khỏi Bắc Kinh nhưng cũng không còn có thể phụ thuộc quá đáng vào Bắc Kinh vì sẽ tạo sự phẫn nộ từ trong nội bộ đảng. Mặc dù muốn gần Hoa Kỳ nhưng CSVN chưa đủ tin Hoa Kỳ và sợ Trung Quốc khó chịu nên Hà Nội đã tìm cách liên lạc riêng với những đồng minh của Hoa Kỳ, đó là Nhật Bản và Ấn Độ.

Nói tóm lại, việc CSVN đang tìm cách mở rộng giao tiếp với Nhật Bản và Ấn Độ là muốn gỡ thế bí trong quan hệ tay ba giữa họ với Mỹ và Trung Quốc. Từ đó có thể dẫn đến một liên kết mới giữa CSVN, Nhật Bản và Ấn Độ trong tương lai.

 

Radio CTM: Nếu dựa theo sự phân tích của ông thì chuyến viếng thăm Ấn Độ của ông Nguyễn Tấn Dũng mang ý nghĩa ra sao?

 

Lý Thái Hùng: Ấn Độ hiện đang là đối tác chiến lược thứ 3 của CSVN vào năm 2007, sau Nga vào năm 2001 và Nhật Bản năm 2006 và trước Trung Quốc vào năm 2008. Những mốc điểm này cho thấy là trong 4 cuờng quốc mà CSVN có ít nhiều liên hệ, ngoại trừ Trung Quốc thì Ấn Độ là một nước mà CSVN muốn đặt các quan hệ ở tầm chiến lược.

Hơn thế nữa trong bối cảnh căng thẳng của tình hình biển Đông hiện nay, sự quan hệ giữa Ấn Độ và CSVN cần phải thắt chặt nên chuyến viếng thăm của ông Nguyễn Tấn Dũng tại Ấn Độ theo tôi có 3 ý nghĩa đặc biệt.

Ý nghĩa đầu tiên là tìm một thế liên minh mới đối với Ấn Độ, trong lúc đang rơi vào thế lúng túng do cả hai sức ép từ Trung Quốc và từ Hoa Kỳ vì vấn đề biển Đông.

Ý nghĩa thứ hai là tìm một sự hợp tác mới của Ấn Độ để tiến hành khai thác dầu khí trên biển Dông vì không thể dựa vào Mỹ hay Trung Quốc.

Ý nghĩa thứ ba là tìm một nơi có thể học hỏi hay hợp tác về mặt quân sự để qua đó tăng cường bộ máy quân đội vốn đang trên đà rệu rã về khả năng chiến đấu sau hơn 3 thập niên không có chiến tranh.

Trong chuyến viếng thăm Ấn Độ hai ngày, ông Nguyễn Tấn Dũng đã trao đổi với Thủ tướng Narendra Modi của Ấn nhiều vấn đề nhưng đáng chú ý nhất là vấn đề khai thác dầu khí trên biển Đông đã khiến cho Trung Quốc nổi giận và vấn đề hợp tác trong lãnh vực quốc phòng, qua đó Ấn Dộ đang huấn luyện 54 thủy thủ tàu ngầm cho CSVN.

 

Radio CTM: Việc CSVN nhờ Ấn Độ đào tạo thủy thủ tàu ngầm và việc ông Phạm Bình Minh tuyên bố rằng việc mua vũ khí có thể mua từ nhiều nước chứ không chỉ từ Hoa Kỳ, như vậy phải chăng CSVN muốn cho thấy họ không cần Hoa Kỳ?

 

Lý Thái Hùng: Không hẳn là như vậy thưa chị. Vì những áp lực từ phía Trung Quốc, CSVN đã có chủ trương 3 không mà tôi cho là không phù hợp với tình hình căng thẳng hiện nay. Chủ trương ba không

đó là: Không tham gia bất kỳ liên minh quân sự nào; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự trên lãnh thổ của mình, không sử dụng vũ lực hay đe doạ sử dụng vũ lực đối với nước khác.

Chính vì tự cột chặt mình vào cái ba không vô lý như vậy, chúng ta thấy CSVN đã có những chính sách đối ngoại lúng túng và trái nghịch với chủ trương xây dựng quan hệ đối tác chiến lược hiện nay. Nói cách khác là hiện nay CSVN đặt quan hệ với nhiều nước nhưng họ vẫn coi Trung Quốc là trục chính mà mọi chính sách từ chính trị, kinh tế, đối ngoại, an ninh, quốc phòng đều bị ảnh hưởng từ Bắc Kinh.

Việc CSVN nhờ Ấn Độ đào tạo thủy thủ tàu ngầm mua từ Nga, hay mua vũ khí từ Ukraina hay từ Pakistan là những liên hệ không mang tính thách đố chiến lược đối với Trung Quốc. Trong khi đó, CSVN muốn mua những vũ khí chiến lược của Hoa Kỳ như Radar, máy bay P3 là những loại vũ khí có khả năng khống chế được Trung Quốc trên biển Đông, do đó phải thận trọng vì sợ Trung Quốc tạo sức ép.

Điều đáng nói là tình hình trao đổi mậu dịch hiện nay giữa CSVN và Hoa Kỳ lên đến 30 tỷ Mỹ kim hàng năm, trong đó mức thặng dư mậu dịch về phía CSVN lên đến hơn 12 tỷ Mỹ, trong khi đối với Trung Quốc, CSVN luôn luôn bị thâm thủng. Nhìn trên tổng thể thì CSVN muốn đi gần Hoa Kỳ vì có lợi hơn về cả mặt kinh tế lẫn quân sự, nhưng vì CSVN quá lệ thuộc vào Trung Quốc và lo ngại Bắc Kinh khó chịu nên lãnh đạo HàNội cố đóng kịch “không cần Mỹ”.

Điều này đang trở thành bi kịch trong thượng tầng lãnh đạo khi đa số con cái và thân nhân của họ đang tìm cách trồn sang Mỹ hơn là chuẩn bị sồng ở Hoa Lục

 

Radio CTM: Như vậy thì liệu điều mà nhiều nhà phân tích cho rằng CSVN hiện đang muốn đu giây giữa Hoa Kỳ với Trung Quốc, theo ông có hợp lý hay không?

 

Lý Thái Hùng: Nhiều người cho rằng chính sách ngoại giao của CSVN hiện tại là đu giây giữa Mỹ và Trung Quốc. Về chính trị thì dựa vào Bắc Kinh còn buôn bán tài chánh thì đi theo Mỹ. Tôi không đồng quan điểm như vậy. Lý do là từ trong thâm tâm của lãnh đạo Hà Nội họ không chọn thế đu giây mà vì tình thế bắt buộc họ đang phải dọ dẫm đi gần với Hoa Kỳ.

Thứ nhất, từ hàng chục năm qua, CSVN luôn luôn coi Trung Quốc là chỗ dựa quan trọng từ kinh tế, chính trị, văn hóa, đảng, nhà nước. Hơn thế nữa vì cùng nằm trong khối xã hội chủ nghĩa, lãnh đạo Hà Nội nghĩ rằng nếu có thiệt thòi một chút ít đối với Bắc Kinh cũng không sao vì đàn anh luôn luôn bảo vệ và giúp đỡ họ. Chính đầu óc nô lê vào Bắc Kinh như vậy, CSVN chưa bao giờ có những ý nghĩ thoát Trung để đi với Mỹ hay với Phương Tây.

Thứ hai, từ quá khứ chiến tranh trước năm 1975 và nhất là qua các cuộc cách mạng Màu, CSVN coi Mỹ là đế quốc tư bản, chuyên dùng diễn biến hòa bình để lật đổ các chế độ đôc tài nên Hà Nội không bao giờ tin tưởng vào sự cộng tác của Hoa Kỳ. Chính vì vậy mà CSVN thiết lập đối tác toàn diện với Hoa Kỳ từ năm 2013 chỉ là để giảm bớt sức ép Trung Quốc trên biển Đông chứ không nhằm mục tiêu tìm đến Mỹ, đi gần Hoa Kỳ để cân bằng với Trung Quốc.

Do đó, CSVN luôn luôn nghiêng về phía Trung Quốc chứ không bao giờ đi giữa hay tìm cách đi gần Hoa Kỳ. Nói cách khác CSVN tìm mọi cách khai thác những quan hệ với Mỹ để phục vụ cho mục tiêu của họ là làm sao sống yên, tiếp tục duy trì quyền lực và không làm cho Trung Quốc khó chịu như vụ giàn khoan HD 981 đã xảy ra.

 

Radio CTM: Sau vụ giàn khoan HD 981, Trung Quốc đã có những thái độ hòa hoãn hơn đối với CSVN như đón tiếp ông Lê Hồng Anh, ủy viên Bộ chính trị, đặc sứ của ông Nguyễn Phú Trọng, tiếp phái đoàn 13 sĩ quan cao cấp của CSVN do Tướng Phùng Quang Thanh dẫn đầu cũng như tiếp phái đoàn cao cấp của Bộ công an CSVN do Đại tướng Trần Đại Quang dẫn đầu… Những sự kiện này cho thấy là mối quan hệ Việt Trung đã trở lại như xưa, không còn tranh chấp; vậy thượng tầng lãnh đạo CSVN có còn bị phân hóa vì những sự hung hăng hiếu chiến của Bắc Kinh hay không?

 

Lý Thái Hùng: Trên thượng tầng lãnh đạo, họ đang biểu diễn màn kịch “làm lành” sau vụ giàn khoan HD 981 để chứng tỏ với bên ngoài là Bắc Kinh và Hà Nội đề cao tình hữu nghị. Tuy nhiên cả lãnh đạo của hai phía đều thấy là tình hình chưa yên vì vấn đề tranh chấp biển Đông vẫn còn nguyên vẹn, khi mà Bắc Kinh cố tình đẩy nhanh việc thiết lập các căn cứ quân sự trên hai quần đảo Hoàng sa và Trường sa.

Nói cách khác, Trung Quốc đang cố tạo ấn tượng trong dư luận quốc tế rằng mối quan hệ giữa Hà Nội và Bắc Kinh đã cải thiện; nhưng trong thực tế cả Hà Nội và Bắc Kinh đều dè chừng lẫn nhau trong các mối quan hệ hiện nay. Sự dè chừng đến từ ba lý do có thể nhìn thấy.

Thứ nhất, lãnh đạo CSVN không còn là khối thuần nhất đặt hết tin tưởng vào Trung Quốc như thời gian vừa qua. Khi thượng tầng lãnh đạo bị phân hóa sẽ tạo ra nhiều bất lợi cho Bắc Kinh trong việc tạo ảnh hưởng và lôi kéo CSVN đi với Bắc Kinh trong thời gian tới.

Thứ hai, thái độ trịch thượng và hiếu chiến của Bắc Kinh qua vụ giàn khoan đã khơi động lòng phẫn uất của người dân Việt Nam và nhất là những đảng viên đảng CSVN, khiến cho lãnh đạo Hà Nội phải dè chừng để không bị mang tiếng là “tay sai” Bắc Kinh.

Thứ ba, phản ứng mạnh mẽ của thế giới đặc biệt là Hoa Kỳ, Nhật Bản, Úc, Ấn Độ về sự an toàn hàng hải trên biển Đông trước hành động bá quyền của Bắc Kinh khiến cho CSVN nhận thức rằng họ có thể bị cô lập nếu tiếp tục làm tay sai cho Bắc Kinh.

Ngần ấy các vấn đề được đề cập nói trên cho thấy là CSVN đang gặp rất nhiều áp lực; nhưng vì họ còn quá lệ thuộc Bắc Kinh nên những quan hệ với Mỹ, Ấn Đổ, Nhật hiện nay chỉ làm tăng thêm tình trạng phân hóa thượng tầng lãnh đạo mà thôi.

 

Radio CTM: Xin cảm ơn ông Lý Thái Hùng.

 

Quảng Cáo
Bài Liên Hệ
Leave a Comment
Quảng Cáo
WordPress Appliance - Powered by TurnKey Linux