Làng gốm 300 năm tuổi bị xóa sổ
Theo báo mạng VNExpress, các cơ sở sản xuất nói trên phải dời đến các vùng đất xa xôi, hẻo lánh khác để không gây ô nhiễm môi sinh cho các khu vực dân cư lân cận. Còn theo dư luận, công cuộc đô thị hoá thành phố Biên Hoà diễn ra như cơn lốc hàng chục năm qua, trong khi chính quyền địa phương không hề có phương cách bảo tồn nền kỹ nghệ truyền thống nổi tiếng lâu nay, trong đó có các làng gốm sứ Tân Hạnh, Tân Vạn, Bửu Long, Hiệp Hoà v.v…
Nhiều tài liệu để lại cho thấy, có nhiều sản phẩm gốm Biên Hoà dành được huy chương vàng tại các cuộc triển lãm mỹ thuật quốc tế tổ chức tại Paris hai năm 1990 và 1993. Làng gốm Biên Hoà nằm dọc theo lưu vực sông Đồng Nai, sản xuất nhiều sản phẩm được ưa chuộng như đôn voi, đôn tròn, chậu hoa… Năm 2002, kim ngạch xuất cảng gốm thủ công mỹ nghệ của Biên Hoà đạt gần 10 triệu Mỹ Kim.
Với chính sách ăn xổi, ở thì, chính quyền tỉnh Biên Hoà đã tận diệt ngành sản xuất gốm truyền thống đã có từ hàng trăm năm nay tại vùng đất này.
Học sinh miền Trung đu dây vượt dòng nước xiết để đến trường
Dọc theo quãng sông dài ở hai thôn Nước Rinh và thôn Tang, xã Sơn Bao, có ba bến đò đu dây kéo bè, ghe qua sông. Những thân tre dài chừng 15 m được ghép lại bằng dây dừa thành một chiếc bè rộng khoảng 4 m. Mỗi lúc qua sông, dân làng cùng học sinh lại chen chúc, bì bõm trong dòng nước xiết.
Cả phụ huynh và giáo viên đều lo ngại nguy cơ mất an toàn tính mạng học sinh. Nhưng hoàn cảnh kinh tế của các gia đình ở vùng cao còn nghèo khó, sáng sớm cha mẹ lên nương rẫy nên hầu hết học sinh phải tự qua sông đến trường. Trường có 250 học sinh, mỗi lần có mưa lớn, nước sông cuồn cuộn đổ về, là hơn một nửa số lượng học sinh phải nghỉ học.
Theo ông Đinh Văn Phèng, Chủ tịch UBND xã Sơn Bao, có khoảng 300 hộ dân với hơn 1.500 nhân khẩu ở bốn thôn: Nước Rinh, Mang Nà, Nước Bao và Nước Tang nằm cách biệt bên kia sông Rinh, sông Tang. Do nước sông thường chảy xiết nên người dân địa phương nghĩ cách đóng cọc gỗ, tre hai bên bờ rồi nối dây để kéo bè, ghe qua sông.
Cách đây vài ngày, đã có trường hợp người dân đu dây cáp qua sông, bị ngã dẫn đến tử vong do đứt cáp. Trong nhiều năm gần đây, những cảnh tương tự như: chui vào túi nilon để qua sông, đu dây qua sông, … được truyền thông trong nước đưa tin rất nhiều. Nỗi khổ của người dân vùng núi phải vượt sông, đặc biệt trong mùa mưa, nước lũ dâng cao vẫn chưa được giải quyết triệt để từ nhiều năm qua.
Tại một số tỉnh miền núi Phía Bắc, những chiếc cầu treo đã được xây dựng, nhưng chất lượng còn đáng nghi ngại, kể từ khi cầu treo Chu Va 2 bị đứt cáp, gây thiệt hại về người.
Trước hiện trạng này, khiến dư luận thắc mắc về dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam, dự án sân bay Long Thành, dự án cáp treo trong hang Sơn Đòong, … liệu có cấp bách hơn những nỗi khó khăn này của người dân, đặc biệt là với trẻ em vùng cao đến trường tìm cái chữ hay không ?
Hàng trăm hộ dân phải sử dụng nước độc hại của nghĩa địa
Theo báo chí, để thực hiện dự án đường Sa Huỳnh-Dung Quất, hơn 200 hộ dân của xã phải di dời đến khu tái định cư mới, phần lớn là đất nghĩa địa cũ. Tại đây, chủ đầu tư là Sở Giao Thông và Vận Tải tỉnh Quảng Ngãi có xây dựng công trình nước sạch cấp nước cho 4 khu dân cư thuộc xã Tịnh Long, đoạn Mỹ Khê-Trà Khúc, tổng vốn đầu tư 11 tỷ đồng bằng nguồn tiền giải tỏa đất dự án. Nhưng từ khi bàn giao cho xã vào cuối năm 2013, công trình thường xuyên gặp “sự cố,” trục trặc, đường ống nước, van trong các khu dân cư thường xuyên bị vỡ.
Công trình bị hư hỏng nặng, nên nước sạch trở thành chuyện “đau đầu” với hàng trăm người dân. Phần lớn, mọi người đi xin nước xài, còn một số hộ thì đành đào giếng lấy nước… nghĩa địa. Một sự lãng phí khác đó là, chỉ có 22 hộ dân sử dụng công trình nhưng một ngày đài nước mất đến 80m3 nước.
Trong khi đất khu tái định cư trước đây là nghĩa địa và cánh đồng, dân sử dụng nước giếng tự đào là rất nguy hiểm. Xã đã rất nhiều lần kiến nghị chủ đầu tư sửa chữa song vẫn chưa được khắc phục.
Người dân phản đối nhà cầm quyền cấu kết với nhà thầu ăn chặn vật tư
Con đường giao thông nông thôn dài khoảng 540m, rộng chừng 2 thước rưỡi được lát đá, trải nhựa từ làng Mật Thôn đến khu vực trung tâm. Báo mạng Infonet dẫn lời đại diện cư dân làng Mật Thôn nói rằng, con đường giao thông nói trên đã bị nhà thầu thi công ăn chặn.
Một số cư dân trong đoàn biểu tình đã dùng thước đo tại chỗ cho thấy độ dày của mặt đường nhựa theo khế ước ký kết là 15 cm, nhưng thực tế cho thấy mặt đường chỉ dầy đến 12 cm là cùng. Nhiều người khác còn dùng tay bốc và bẻ được từng lát đá và bê tông cho thấy sự yếu kém của phẩm chất công trình.
Một số cư dân nói chính quyền xã đã cấu kết cùng nhà thầu ăn chặn vật tư, cố tình làm sai hợp đồng ký kết trước đó. Hầu hết người biểu tình đòi chính quyền địa phương phải mở ngay cuộc thanh tra để xác định phẩm chất của con đường xây dựng. Cuộc biểu tình, bao vây trụ sở xã Thiệu Phúc kéo dài cho đến nay vẫn chưa được đáp ứng.
Mặt khác, tại huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hoá, hàng trăm cư dân địa phương cũng đã kéo đến vây trụ sở chính quyền huyện, để đòi dời ngay một trại nuôi heo ra khỏi khu vực dân cư. Cuộc biểu tình bao vây trụ sở chính quyền huyện Yên Định kéo dài suốt từ đêm 27 cho đến sáng ngày 28 tháng 10, 2014. Người dân ngồi tràn ra đường làm tê liệt giao thông. Trại heo đã gây ô nhiễm trầm trọng môi sinh trong khu vực. Rất nhiều người biểu tình phải bịt mũi vì không chịu nổi mùi phân heo bốc lên hôi thối.
Leave a Comment