Quốc tế phản ứng về việc blogger Điếu Cày ra tù và đi Mỹ ngay
Là một trong những sáng lập viên “ Câu lạc bộ nhà báo tự do”, sau khi tham gia các cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc xâm lấn biển đảo của Việt Nam vào năm 2008, blogger Điếu Cày đã bị chính quyền Hà Nội kết án 30 tháng tù với tội danh « trốn thuế ». Nhưng vừa mãn hạn tù, ông lại bị đưa ra xử và bị kết án thêm 12 năm tù với tội danh « tuyên truyền chống Nhà nước ». Blogger Điếu Cày vừa được thả ra vào chiều tối ngày 21/10/2014 và đã được đưa ra sân bay ngay sau đó để bay sang Hoa Kỳ. Ông đã đến sân bay Los Angeles ngay tối hôm đó và đã được những người ủng hộ ông đón tiếp nồng nhiệt.
Theo ông Phil Robertson, phó giám đốc khu vực Châu Á của Human Rights Watch thì việc blogger Điếu Cày được ra khỏi tù là một tin tốt lành, nhưng không ai có thể quên rằng lẽ ra chính quyền không được bỏ tù ông. Nhà cầm quyền Việt Nam đã ngược đãi ông một cách khắc nghiệt trong nhiều năm, bởi vì ông có dũng khí để phát biểu chính kiến của mình và nói lên những sự thật không mấy dễ chịu mà các nhà lãnh đạo ở Hà Nội không muốn lan truyền trên Internet.
Còn trong thông cáo hôm 22/10/2014, tổ chức Ân xá Quốc tế (Amnesty International) tuy hoan nghênh việc thả blogger Nguyễn Văn Hải, tức Điếu Cày, nhưng cũng nhấn mạnh rằng Điếu Cày không phải là trường hợp riêng lẻ ở Việt Nam. Tổ chức này yêu cầu chính quyền trả tự do cho những tù nhân lương tâm khác còn bị giam cầm, cũng như chấm dứt đàn áp quyền tự do ngôn luận, ngưng sách nhiễu các nhà hoạt động ôn hòa và cho phép xã hội dân sự có một tiếng nói.
Ngoài ra, điều phối viên chương trình Châu Á của CPJ Bob Dietz cho biết họ sẽ tiếp tục hỗ trợ blogger Điếu Cày và gia đình ông trong thời gian ông hồi phục sức khỏe và bắt đầu cuộc sống mới, với tư cách một người « tự do ».
Cũng vào ngày 21/10, tổ chức Phóng viên không biên giới, trụ sở tại Paris, đã ra thông cáo bày tỏ sự vui mừng khi thấy blogger Điếu Cày được ra khỏi tù, nhưng nhắc lại rằng hiện vẫn còn 26 nhà báo công dân bị giam giữ ở Việt Nam, quốc gia mà theo Phóng viên biên giới hiện là nhà tù giam giữ công dân mạng đứng hàng thứ ba trên thế giới.
Cũng lên tiếng trong sự kiện blogger Điếu Cày được thả, đảng Việt Tân, một đảng chính trị của người Việt đang hoạt động, có trụ sở chính tại Nam California, USA cho biết: “Đảng Việt Tân cực lực phản đối chính sách vô lương tâm và phi nhân bản của nhà cầm quyền CSVN khi dùng người Việt làm món hàng mặc cả với nước ngoài. Chính sách này còn vô cùng ngu tối và tai hại cho tương lai đất nước khi cứ nhất định trục xuất những người muốn bảo vệ chủ quyền quốc gia ra khỏi đất nước.
Đảng Việt Tân sẽ tiếp tục nhắc nhở và vận động công luận quốc tế về hàng ngàn những Nguyễn Văn Hải cao quí khác đang bị giam cầm trong tù ngục CSVN.
Lãnh Đạo Ngoại Giao Trung Quốc Dương Khiết Trì Lại Sang Việt Nam
Theo Bắc Kinh, ông Dương Khiết Trì sẽ có các cuộc hội đàm với Phó Thủ tướng, kiêm Ngoại trưởng Việt Nam Phạm Bình Minh. Hai bên tập trung thảo luận về « quan hệ song phương » trong khuôn khổ cuộc họp lần thứ 7 Ủy ban định hướng hợp tác Trung – Việt.
Chuyến thăm này của ông Trì diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc đang xây dựng sân bay trái phép tại bãi đá Chữ Thập, đang hoàn thành việc xây dựng và mở rộng bãi đá Chữ Thập thành đảo lớn trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam và việc Trung Quốc lên tiếng ủng hộ Đài Loan triển khai tàu vũ trang thường trú, thường trực trên đảo Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Đây là lần thứ hai, lãnh đạo ngoại giao Trung Quốc sang Việt Nam trong vòng 5 tháng qua. Vào tháng 6.2014, ông Dương Khiết Trì đã sang Việt Nam dự cuộc gặp giữa hai Chủ tịch Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam – Trung Quốc.
Cuộc gặp Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh lần đó đánh dấu cuộc thảo luận cấp cao đầu tiên giữa hai nước, kể từ khi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trên vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam.
Giọng điệu của những bài báo Trung Quốc tô vẽ họ Dương như một người thầy kiên nhẫn đến để xử sự với một học trò cứng đầu cứng cổ. Thái độ này hiển hiện rõ ràng nhất trong cơ quan truyền thông theo chủ nghĩa dân tộc mang tên Hoàn Cầu, mô tả chuyến thăm của họ Dương như một món quà của Trung Quốc, nhằm tặng cho Việt Nam một cơ hội nữa để “tự kiềm chế trước khi quá muộn”. Dựa trên sự diễn dịch đó, có vẻ như họ Dương đến Hà Nội không phải để đối thoại thực sự, mà chỉ để giảng bài, và kêu gọi Việt Nam ‘đứa con hoang đàng hãy trở về’
Theo tờ New York Times của Mỹ dẫn lời một số quan chức ngoại giao thì ông Dương Khiết Trì là một Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc được biết đến như một người luôn cổ vũ cho sự bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông, và nhiều khả năng ông này sẽ không chịu nhượng bộ hay đưa ra giải pháp đột phá cho tình hình.
Thẩm phán Liên Hiệp Quốc thúc đẩy đưa Bắc Hàn ra tòa án quốc tế
Là người đứng đầu Ủy ban của Liên Hiệp Quốc điều tra về các vi phạm nhân quyền có hệ thống tại Bắc Hàn trong thời gian qua, thẩm phán Kirby cho biết Ủy ban điều tra đã có những bằng chứng về các tội ác của lãnh đạo Bắc Hàn. Những vụ vi phạm nhân quyền trầm trọng của chính quyền Bình Nhưỡng đã được Ủy Ban công bố trong bản phúc trình về Bắc Hàn hồi tháng 2 vừa qua.
Tại một cuộc họp bán chính thức của Hội đồng Bảo an LHQ sau đó hồi tháng 4, ông Michael Kirby đã đưa vấn đề này ra và cho biết Hội đồng Bảo an Liên hiệp Quốc sẽ có những biện pháp trừng phạt nhắm đến những quan chức Bắc Hàn chịu trách nhiệm về tình hình vi phạm nhân quyền ở nước cộng sản này. Trong dịp này, ông Kirby cũng mong muốn LHQ truy tố chính quyền Bình Nhưỡng ra trước Tòa án Tội phạm Quốc tế. Theo ông, những kẻ chủ trương tội ác này phải chịu trách nhiệm, như thế mới có thể ngăn ngừa những tội ác khác trong tương lai
Thẩm phán Michael Kirby một lần nữa nhấn mạnh tại thời điểm của sự thật hiện nay, việc quan trọng là Liên Hiệp Quốc không được thoái thác trách nhiệm của mình mà phải hành động. Không vì một vài nhân nhượng từ phía Bình Nhưỡng mà đánh đổi các trừng phạt nghiêm khắc nhắm vào Bắc Triều Tiên.
Được biết, Bắc Hàn gần đây đã bày tỏ muốn đối thoại với Hàn Quốc sau hơn 5 năm cấm cửa. Cách đây vài ngày, chính quyền Bình Nhưỡng cũng đã trả tự do cho một công dân Mỹ. Tuy nhiên, theo ông Kirby, đây chỉ là những động tác hỏa mù nhằm đánh lạc hướng cộng đồng quốc tế.
Vị lãnh đạo Ủy ban điều tra của Liên Hiệp Quốc nhấn mạnh rằng, các vi phạm nhân quyền tại Bắc Hàn là tội ác chống nhân loại, và thủ phạm phải bị truy tố ra Tòa Hình sự La Haye. Đây là kết luận của bản báo cáo được xây dựng dựa trên nhiều tuần lễ thẩm định công khai với những người Bắc Triều Tiên chạy trốn chế độ cộng sản.
Giới công chức Hồng Kông ủng hộ người biểu tình
Bên cạnh sinh viên, thành phần chủ lực của phong trào đòi dân chủ tại Hồng Kông, còn có sự góp mặt của một số trí thức trẻ. Họ tham gia biểu tình cũng vì mối lo cho chính tương lai của mình. Kể từ khi ông Lương Chấn Anh được chỉ định làm đặc khu trưởng năm 2012, họ cảm thấy có sự trượt đà nguy hiểm.
Chưa bao giờ tình trạng tự do ngôn luận bị đe dọa nghiêm trọng đến như vậy. Báo chí địa phương tự kiểm duyệt ngày càng nhiều. Họ không còn đọc báo nào khác ngoài các tờ báo quốc tế. Họ cảm thấy mọi thứ đang thay đổi theo chiều hướng ngày càng tệ, đàng sau những đòi hỏi về chính trị, là còn cả những bức xúc về xã hội. Chưa bao giờ xã hội Hồng Kông lại trở nên bất bình đẳng đến như thế. Họ đấu tranh là vì bảo vệ các giá trị cơ bản, những giá trị đã biến thành phố đảo này thành nơi duy nhất cho sự giao thoa Đông – Tây.
Sự kiện đáng chú ý tại Hồng Kông là giới công chức địa phương, qua mạng xã hội Facebook, đã bày tỏ thái độ ủng hộ cuộc biểu tình đòi dân chủ, vào lúc cuộc khủng hoảng dường như bế tắc. Phong trào biểu tình đòi dân chủ đã bước sang tuần lễ thứ tư và cuộc đối thoại đầu tiên giữa giới sinh viên và chính quyền Hồng Kông không mang lại kết quả gì. Chính quyền dường như hy vọng phong trào sinh viên sẽ tự xẹp xuống. Tuy nhiên, yheo một thăm dò dư luận của Đại học Trung Quốc tại Hồng Kông, 38% người dân Hồng Kông ủng hộ phong trào sinh viên, tăng 7% so với tháng trước. Thái độ ủng hộ này cũng được thể hiện trên mạng Facebook : Viên chức của nhiều ngành – trong đó có dịch vụ truyền thông của chính quyền địa phương, cảnh sát và tư pháp – đã đưa lên trên mạng xã hội các ảnh thẻ nghề nghiệp cá nhân, với tên họ được giấu đi, để thể hiện nỗi tức giận trước việc Bắc Kinh từ chối không cho Hồng Kông tổ chức bầu cử tự do ».
Ít nhất 1.300 viên chức đã tham gia vào một diễn đàn trên tờ nhật báo Ming Pao (Minh Báo) để lên án việc các nghiệp đoàn của họ chỉ trích người biểu tình hồi đầu tuần này.
Hôm 23/10/2014, Ủy ban Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, họp tại Genève, đã kêu gọi chính quyền Hồng Kông thực hiện cải tổ dân chủ, mà theo Ủy ban vẫn còn yếu kém. Ủy ban còn đánh giá là chính quyền Hồng Kông vẫn chưa nghe thấy lời kêu gọi, nguyện vọng của người biểu tình.
Mặt khác Ủy ban Nhân quyền cũng yêu cầu Bắc Kinh tôn trọng các nguyên tắc bầu cử theo thể thức phổ thông đầu phiếu tại Hồng Kông, trên vấn đề quyền được bỏ phiếu cũng như quyền ra ứng cử.
Leave a Comment