Cuộc gặp bí mật giữa 2 đoàn đại biểu đảng CS Việt Nam và Trung Quốc ở Thành Đô, Trung Quốc, tháng 9 năm 1990, đang là đề tài nóng ở trong nước. Cả một phong trào rộng lớn “Tôi cần biết”, “Chúng tôi muốn biết”, “Quyền được biết là quyền công dân” đang lan rộng, ăn sâu, theo đúng cam kết của đảng CS với nhân dân. “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” là phương châm căn bản trong mối quan hệ giữa đảng CS với nhân dân .
Ngày 1 tháng 1 năm 2014, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cam kết trong Thông điệp đầu năm rằng “Mọi quyết định của Nhà nước đều phải minh bạch”. Ông phải giữ lời hứa.
Trong khi đó báo chí chính thống và không chính thống của Trung Quốc đều đưa tin về cái gọi là Thỏa thuận Thành Đô tháng 9/1990, nói rõ rằng phía Việt Nam đã chấp thuận sẽ trở thành một khu tự trị của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa như Nội Mông, Tây Tạng, Tân Cương sau 30 năm, nghĩa là kể từ năm 2020…
Cả một làn sóng giận dữ trào dâng khắp đất nước ta. Do đó buộc lòng Ban Tuyên huấn Trung ương phải đưa ra một tài liệu giải thích trong nội bộ đảng CS rằng không có chuyện “Việt Nam chấp nhận trong 30 năm trở thành một khu vực tự trị của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa như Nội Mông, Tây Tạng, Tân Cương”.
Cái kiểu cải chính vuốt đuôi, úp úp mở mở như thế không làm hài lòng dư luận được.
Dư luận nhân dân, nhất là trí thức, tuổi trẻ cùng đảng viên ở cơ sở yêu cầu Bộ Chính trị phải nói rõ cho nhân dân nội dung cụ thể của Thỏa thuận Thành Đô, phải thật sự công khai minh bạch, bạch hóa đầy đủ, khi đã qua thời gian hơn 25 năm rồi.
Trước hết không phải chỉ thông báo vắn tắt trong đảng CS, mà phải là trình bày cho tòan dân được biết. Lẽ ra từ ngay sau khi có thỏa thuận, Bộ Chính trị, chính phủ phải báo cáo trước phiên họp của tòan thể Quốc hội, hay ít ra là trước Ủy ban đối ngọai và Ủy ban quốc phòng của Quốc hội theo đúng Hiến pháp, phép tắc quy định. Từ lý lẽ này, Bộ Chính trị cần báo cáo đầy đủ về cuộc mật đàm Thành Đô ngay trong phiên họp Quốc hội sắp tới, rồi phổ biến rộng rãi cho tòan dân biết rõ. Để đến nay là quá chậm rồi.
Hai là trong khi bác bỏ tin tức từ phía Trung Quốc đưa ra, là không hề có thỏa thuận nào về “VN chấp nhận việc trở thành khu tự trị của TQ trong 30 năm”, phải nói rõ đây là sự bịa đặt có tính chất dựng đứng xấu xa của phía TQ và đòi hỏi chính quyền TQ phải công khai cải chính và xin lỗi phía VN về vụ việc này, vì chính Tân Hoa xã, cơ quan thông tấn chính thức của TQ đã tham gia truyền bá tin thất thiệt này. Cần yêu cầu họ không để xảy ra việc tái phạm. Tại sao không dám phản đối một sự xúc phạm lớn đến vậy?
Ba là qua sự kiện trên đây, cần nhìn lại tòan bộ các mối quan hệ Việt – Trung, quan hệ giữa 2 đảng, 2 nhà nước, giữa nhân dân 2 nước, trong đó nổi lên vấn đề lãnh thổ, lãnh hải, biển đảo, an ninh tài nguyên, khai thác biển, giao thông trên biển Đông, vấn đề hợp tác khai thác rừng vùng biên giới, khai thác bô-xít trên Cao nguyên, việc các công ty TQ đấu thầu trên đất VN, vấn đề công nhân TQ vào VN sinh cơ lập nghiệp… đều có nhiều vấn đề nảy sinh cần giải quyết rốt ráo theo luật pháp và chủ quyền đất nước. Không thể để nhiều nơi như đất vô chủ, người Tàu lộng hành vì giỏi đút lót bọn tham quan địa phương.
Từ sự kiện trên đây cần công khai chỉ ra vừa qua phía TQ đã gây nên căng thẳng kéo dài khi cho giàn khoan HD 981 vào cắm trong vùng biển quốc gia nước ta, họ chỉ rút ra khi thời tiết không thuận vì mùa mưa bão, cho nên ta nên từ bỏ, trả lại họ mối quan hệ “4 tốt” và “16 chữ vàng” do phía TQ đưa ra mà không thực hiện, và từ đó VN có toàn quyền liên minh với các nước bạn bè tin cậy ở mọi nơi, nhằm bảo vệ nền độc lập và tòan vẹn lãnh thổ, lãnh hải quốc gia, không nhằm chống một nước nào, trong khi vẫn duy trì quan hệ bình thường bình đẳng với TQ, quan hệ thân hữu với nhân dân Trung Hoa.
Nhân dân ta luôn chủ trương thực hiện một nền ngọai giao hòa bình, hợp tác, hữu nghị với tất cả các nước, một nền ngọai giao nhân dân, công khai minh bạch, không chấp nhận những cuộc đi đêm mờ ám, sau lưng nhân dân và quân đội, để mất đất, mất biển, mất đảo, chủ quyền bị vi phạm, nền độc lập giành lại bằng xương máu bị chà đạp phũ phàng như hiện nay.
Việc bạch hóa đầy đủ sự kiện Thành Đô là thuộc quyền được biết của mỗi công dân Việt Nam.
Blog / Bùi Tín
Leave a Comment