Quảng Cáo

Sổ tay hướng dẫn bất tuân dân sự Hồng Kông

Quảng Cáo

Những người tổ chức biểu tình tại Hồng Kông có thực hiện một sổ tay ngắn gọn về bất tuân dân sự để giúp người biểu tình ý thức được tinh thần bất bạo động khi tham gia biểu tình. Nhận thấy một số kinh nghiệm của Hồng Kông có thể hữu ích cho Việt Nam, chúng tôi xin giới thiệu đến quí độc giả tài liệu này. Cảm ơn bạn Hướng Thiện đã chuyển ngữ.

BBT-RadioCTM

 

 SỔ TAY HƯỚNG DẪN BẤT TUÂN DÂN SỰ HỒNG KÔNG

 

Bất tuân dân sự

Lý thuyết căn bản

1. Bất tuân dân sự được coi là những hành động phản kháng những điều bất công bằng việc từ chối tuân theo một bộ luật, nghị định hoặc chỉ thị. Những người thực hiện bất tuân dân sự sẽ không dùng bạo lực. Thay vào đó, họ sẽ phải chủ động chấp nhận những hậu quả liên quan đến pháp luật. Hành động bất tuân phải thể hiện sự văn minh của người tham gia và cũng cần phải thể hiện thái độ bất tuân bằng cách từ chối hợp tác với chính quyền, và hướng đến sự thay đổi xã hội bằng cách liên tục biểu tình. Bất bạo động không có nghĩa là từ chối chống lại điều ác, mà là đấu tranh chống lại những điều ác bằng phương pháp bất bạo động.

2. Sử dụng bạo lực để chống lại bạo lực sẽ chỉ làm tăng thêm sự sợ hãi và khác biệt, nó sẽ là lý do để chính quyền đàn áp và làm tăng sức mạnh cho những kẻ đàn áp. Bất tuân dân sự là sự chiến thắng thù hận bằng tình yêu thương. Những người tham gia phải đối mặt với sự đàn áp bằng thái độ cao thượng, để thu phục lương tâm của những kẻ đàn áp và làm giảm đi sự thù hận ẩn sau hành động đàn áp. Và quan trọng hơn hết, bất bạo động sẽ thu phục được sự cảm thông của những người quan sát, và phơi bày việc sử dụng bạo lực bất hợp pháp của giới cầm quyền. Sự hy sinh sẽ đánh thức lương tâm công chúng.

3.  Mục tiêu tối thượng của chiến dịch là thiết lập một xã hội cổ vũ sự bình đẳng, công bằng, yêu thương và quan tâm. Chúng ta chiến đấu chống lại hệ thống bất công, chứ không phải chống lại những cá nhân. Chúng ta không chống lại hoặc làm nhục lực lượng thực thi pháp luật, mà chúng ta chinh phục nhận thức và sự tôn trọng từ họ. Chúng ta không chỉ tránh việc đối đầu bằng cơ bắp mà cần phải tránh làm tăng sự hận thù.

4. Những người tham gia phong trào Chiếm giữ trung tâm phải triệt để tuân theo những nguyên tắc của bất bạo động nếu chúng ta muốn có sự cảm thông và ủng hộ từ công chúng. Những người biểu tình không được tham gia vào những cuộc cãi vã và xung đột bạo lực với lực lượng hành pháp cũng như không được hủy hoại tài sản công cộng. Khi đương đầu với lực lượng công quyền hung dữ, bạn có thể có những hành động bảo vệ bản thân nhưng không được đánh trả. Khi đối mặt nguy cơ bị bắt, những người biểu tình có thể kết thành hàng người nắm chặt tay nhau và nằm xuống đất để gây khó khăn cho việc bắt giữ nhưng không nên chống trả quyết liệt. Những người biểu tình nên thể hiện thái độ ôn hòa và hợp lẽ. Họ nên nhắc nhở bản thân cần thể hiện tiêu chuẩn đạo đức cao hơn so với những người đàn áp, để từ đó nhận được sự ủng hộ từ xã hội.

(2) Những nguyên tắc của một cuộc biểu tình bất bạo động

1. Cương quyết sử dụng phương pháp bất bạo động. Khi đối diện với lực lượng cảnh sát và đám đông chống biểu tình không bao giờ được gây thương tích cho bất kì ai về mặt thể xác cũng như tinh thần, hoặc hủy hoại bất kỳ tài sản nào.

2. Hãy dũng cảm đối diện với chính quyền và chấp nhận những trách nhiệm của hành động bất tuân dân sự. Không được sử dụng mặt nạ để che mặt.

3. Không được mang vũ khí hoặc bất kỳ thứ gì có thể sử dụng làm vũ khí.

4. Khi bị bắt, hãy hình thành hàng người khoác chặt tay nhau và nằm xuống đất để thể hiện sự bất hợp tác. Đừng chống trả quá mạnh để tránh bị thương.

5. Hãy mạnh mẽ khi đối diện với bạo lực. Không đánh trả. Hãy di chuyển đến nơi an toàn và yêu cầu giúp đỡ từ đồng đội hoặc nhóm y tế.

6. Để kiểm soát thông tin trong đám đông, chỉ những người được chỉ định được dùng loa phóng thanh. Không để cờ hoặc biểu ngữ to chắn tầm nhìn của mọi người.

7. Những người lãnh đạo của nhóm tổ chức có thể bị bắt bất kì lúc nào. Hãy chuẩn bị cho sự thay đổi trong nhóm lãnh đạo và cố gắng duy trì trật tự suốt thời gian.

8. Tôn trọng những quyết định của OCLP. Mọi bất đồng sẽ được xem xét sau khi đã tổ chức biểu tình xong. Tránh bất kì hành động nào làm gián đoạn hoạt động biểu tình.

Các vấn đề pháp lý

(1) Lưu ý về những vấn đề pháp lý

OCLP là một phong trào bất tuân dân sự ôn hòa, mục đích là truyền cảm hứng cho những người khác trong xã hội, để cho họ thấy những bất công của pháp luật và hệ thống hiện tại, và để khuyến khích họ ủng hộ việc sửa đổi. Những người tham gia bất tuân dân sự sẽ thách thức những bất công trong luật pháp và hệ thống bằng cách vi phạm ở mức nhất định những đạo luật bất công và chấp nhận những hậu quả luật pháp của việc vi phạm đó. Điều này để thể hiện nỗ lực của người dân Hồng Kông trong đấu tranh cho phổ thông đầu phiếu ngay cả khi đối mặt với trách nhiệm pháp lí, cũng như làm thức tỉnh xã hội. Mặc dù chúng ta sẵn sàng chấp nhận những hậu quả pháp lí, chúng ta cần phải hiểu những luật lệ liên quan, cần phải bảo vệ quyền của cá nhân và tập thể, và cần phải có nhận thức về những hành động của chúng ta, nhằm ngăn chặn những trở ngại và xung đột không cần thiết.

1.1. Các luật truy tố có thể sử dụng để chống lại việc Tụ tập đông người

1. Làm tắc nghẽn công cộng: Điều 4A trong Pháp lệnh Tổng hợp Các Vi phạm, Cap. 228 Bộ luật Hồng Kông.

2. Hội họp khi chưa được phép: Điều 17A của Pháp lệnh trật tự Công Cộng, Cap.245 Bộ luật Hồng Kông.

3. Hội họp trái phép: Điều 18 của Pháp lệnh trật tự Công Cộng, Cap.245 Bộ luật Hồng Kông

4. Gây rối công cộng: Điều 17B của Pháp lệnh trật tự Công Cộng, Cap.245 Bộ luật Hồng Kông

*: Những người tham gia sẽ không vi phạm những Điều này nếu họ giữ niềm tin vào nguyên tắc bất bạo động của phong trào Chiếm giữ Trung tâm.

1.1.1 Làm tắc nghẽn nơi công cộng

Điều 4A trong Pháp lệnh Các Vi phạm, Cap. 228 Bộ luật Hồng Kông.

“Bất kỳ người nào không có thẩm quyền pháp lý hoặc lý do khi đặt, để đồ vật gây ra hoặc có nguy cơ gây cản trở, gây phiền hà hoặc gây nguy hiểm, cho người hoặc phương tiện giao thông nơi công cộng sẽ bị phạt 5000 đô la hoặc tù 3 tháng.”

Sẽ bị ghi vào hồ sơ nếu bị truy tố và kết tội. Hầu hết vi phạm lần đầu chỉ bị phạt tiền.

1.1.2 Hội họp khi không có phép: Điều 17A của Pháp lệnh Trật tự Công cộng, Cap.245 Bộ luật Hồng Kông

Điều 7 của Pháp lệnh trật tự Công Cộng quy định rằng một cuộc hội họp hơn 50 người chỉ có thể diễn ra nếu như có thư đảm bảo sẽ Không Gây Cản Trở gửi tới Cảnh sát trưởng chiếu theo Điều 8 của Pháp lệnh trật tự Công Cộng. Điều 9 của Pháp lệnh trật tự Công Cộng quy định Cảnh sát trưởng có quyền nghiêm cấm việc tổ chức bất kỳ cuộc hội họp nào đã được báo trước theo điều 8 vì lợi ích an ninh quốc gia hoặc an toàn công cộng, trật tự công cộng hoặc bảo vệ các quyền và tự do của người khác.

Theo Điều 17A(3)(a) của Pháp lệnh trật tự Công Cộng, Cap.245 của Bộ luật Hồng Kông, Chiếm giữ Trung tâm là tập họp trái phép và “những cá nhân không có thẩm quyền pháp luật hoặc lí do chính đáng, tham gia, tiếp tục tham gia hoặc tổ chức, tiếp tục tổ chức hội họp trái phép sẽ bị coi là phạm tội và bị phạt – (i) Trong trường hợp nghiêm trọng, có thể bị tù giam 5 năm; và (ii) trong trường hợp nhẹ hơn, sẽ bị phạt tiền ở mức 2 cho đến tù 3 năm.”

Sẽ có hồ sơ phạm tội nếu bị truy tố và kết tội vi phạm. Hầu hết vi phạm lần đầu chỉ bị phạt tiền, hoặc có thể bị án tù vài tuần, nhưng có thể là án treo.

1.1.3 Hội họp bất hợp pháp

Chiếu theo Điều 18 của Pháp lệnh trật tự Công Cộng, Cap.245 của Bộ luật Hồng Kông, “Tụ tập bất hợp pháp là khi 3 hoặc hơn 3 người tụ tập, hành xử mất trật tự, đe dọa, xúc phạm hoặc kích động có mục đích hoặc làm cho người khác nghĩ rằng sẽ đe dọa ổn định. – (a) Trường hợp nghiêm trọng, có thể bị tù giam 5 năm; và (b) trường hợp ít nghiêm trọng hơn, sẽ bị phạt tiền ở mức 2 cho đến tù 3 năm.”

Những thành viên của phong trào OCLP chỉ được đứng hoặc ngồi trên đường mà không được có hành động gì khác và luôn phải giữ tinh thần bất bạo động, bình tĩnh và ôn hòa, nếu như vậy thì ít có nguy cơ bị quy tội tụ tập bất hợp pháp.

1.1.4 Gây rối nơi công cộng

Điều 17B của Pháp lệnh trật tự Công Cộng nói rằng, “(1) Bất kỳ người nào có những hành động gây rối nhằm cản trở các doanh nghiệp, những người này kêu gọi hoặc xúi giục người khác gây rối thì những người đó đã phạm pháp và bị phạt tiền ở mức 2 và bị tù 12 tháng” hoặc “(2) Bất kì người nào ở nơi công cộng gây tiếng ồn hoặc gây rối, sử dụng, phát tán hoặc tuyên truyền tài liệu có lời lẽ đe dọa, lăng mạ hoặc sỉ nhục người khác nhằm kích động gây rối, hoặc có thể dẫn đến bạo lực sẽ bị phạm tội và sẽ bị kết tội từ phạt tiền ở mức 2 đến tù giam 12 tháng.”

Nếu chúng ta giữ đúng tinh thần bất bạo động của phong trào Chiếm giữ Trung tâm thì nguy cơ phạm vào tội này không cao.

(2) Lưu ý nếu như bị bắt

2.1 Trước khi tham gia phong trào

Chuẩn bị một số liên lạc khẩn, số liên lạc này thuộc về người không tham gia biểu tình và hãy để người đó biết họ tên tiếng Anh và tiếng Trung của bạn, cũng như số Chứng minh thư để người đó có thể liên hệ với OCLP hoặc liên hệ hỗ trợ pháp lí trong trường hợp không liên lạc được với bạn hoặc biết rằng bạn đã bị bắt;

Hãy soạn sẵn một tin nhắn bao gồm họ tên đầy đủ bằng tiếng Anh và tiếng Trung của bạn cũng như số chứng minh thư. Như vậy bạn có thể gửi tin nhắn đó theo số khẩn cấp cho OCLP khi bạn bị bắt.

Chuẩn bị quần áo và một áo khoác ấm.

Nếu bạn có tiền sử bệnh hoặc cần chăm sóc y tế đặc biệt thì nên mang theo hồ sơ y tế;

Khi bị bắt, cảnh sát sẽ giữ toàn bộ các giấy tờ và đồ dùng cá nhân, vậy nên bạn không nên mang theo tài liệu và thông tin nhạy cảm;

Không nên có các thông tin nhạy cảm về cuộc biểu tình lưu trong điện thoại di động cũng như quá nhiều các dữ liệu cá nhân.

2.2 Khi bị bắt

Điều đầu tiên là cảnh sát sẽ thông báo rằng vụ biểu tình là bất hợp pháp, họ sẽ đưa ra các Điều luật trong Pháp lệnh trật tự Công Cộng và kêu gọi những người biểu tình giải tán hoặc cảnh sát sẽ can thiệp.

Nếu những người tham gia không giải tán, cảnh sát sẽ cảnh báo lần cuối, họ sẽ tuyên bố rằng cuộc biểu tình là bất hợp pháp và thông báo sẽ có biện pháp hành động. Cảnh sát sẽ vây những người biểu tình và có thể ngăn cản người biểu tình bỏ chạy trước khi cảnh sát dẹp đám đông.

Một khi cảnh sát bắt đầu dẹp khu vực biểu tình, khi mọi người ôn hòa thì cảnh sát chỉ được cưỡng chế ở mức tối thiểu để di dời người biểu tình. Trước khi di dời người biểu tình, đầu tiên cảnh sát sẽ yêu cầu người biểu tình lên xe cảnh sát một cách tự nguyện. Khi người biểu tình tự nguyện lên xe, cảnh sát sẽ không dùng vũ lực; nếu người biểu tình không chịu lên, thì bốn cảnh sát sẽ cưỡng chế bằng cách bê tay chân. Khi lôi người biểu tình đi, dù cho người biểu tình có phản đối cảnh sát sẽ khóa tay người biểu tình. Những người biểu tình nên thả lỏng cơ thể nếu rơi vào trường hợp này để tránh gây thương tích và tránh để cho lực lượng cảnh sát hợp pháp hóa việc dùng vũ lực. Nếu bị đưa lên xe cảnh sát, tình nguyện viên của phong trào sẽ có mặt để ghi tên của những người bị bắt (nếu tình nguyện viên không bị cảnh sát ngăn cản). Xin hãy tuân theo những yêu cầu của tình nguyện viên và hãy hét to tên của bạn để tình nguyện viên có thể liên hệ hỗ trợ pháp lí.

Sau khi lên xe cảnh sát, tùy thuộc vào hoàn cảnh lúc đó cảnh sát sẽ lập danh sách những người bị bắt. Người bị bắt nên hỏi cảnh sát sẽ đưa họ về đồn cảnh sát nào.

Ngay khi vừa đến đồn cảnh sát hoặc trung tâm tạm giam, cảnh sát sẽ bắt đầu lập danh sách theo nhóm, tùy vào tên tuổi, chiều cao, nghề nghiệp, địa chỉ và số liên lạc. Cảnh sát cũng sẽ nói lí do bắt giữ, người bị bắt sẽ được biết các cáo buộc mà họ sẽ phải đối mặt. Cảnh sát cũng sẽ hỏi họ có muốn liên lạc với thân nhân, tùy người bị bắt lựa chọn liên lạc hay không. Trong lúc lập danh sách, cảnh sát sẽ cung cấp một túi nilon để cho người bị bắt cho đồ cá nhân vào. Túi sẽ được niêm phong, người bị bắt có thể cầm túi đó theo, túi này không được mở nếu không được phép của người bị bắt và chỉ được bóc sau khi cảnh sát tuyên bố thả người. Túi này không được phép mở ra khi người bị bắt chưa được thả. Người bị bắt có thể yêu cầu thêm túi nilon và được phép cho các bộ phận khác nhau của đồ đạc vào các túi khác nhau (như điện thoại, pin điện thoại, và sim cho vào các túi khác nhau).

Sau khi tra hỏi thông tin cá nhân và niêm phong túi nilon, cảnh sát sẽ chụp ảnh người bị bắt. Nếu quá đông người bị bắt thì cảnh sát sẽ dùng máy chụp ảnh lấy ngay để chụp hình. Sau đó, cảnh sát sẽ lấy cung và chuẩn bị cho người bị bắt gặp luật sư. Người bị bắt có thể yêu cầu luật sư có mặt lúc lấy cung. Nếu quá nhiều người bị bắt cùng lúc, cảnh sát có thể không yêu cầu lấy cung người bị bắt ngay nhưng cảnh sát phải sắp xếp cho họ gặp luật sư.

Sau các công đoạn trên, thủ tục bắt giữ kết thúc. Nếu người bị bắt giữ chỉ bị cảnh cáo (thông thường chỉ là lời cảnh cáo khi tham gia biểu tình) mà không cần phải đóng tiền bảo lãnh thì ngay sau đó cảnh sát sẽ thả người bị bắt. Nếu cảnh sát yêu cầu có tiền bảo lãnh (thường là người tổ chức biểu tình), người bị bắt có thể chọn đóng tiền bảo lãnh hoặc cứ ở tại đó 48 tiếng. Người bị bắt có quyền được bảo lãnh và ra tòa sớm nhất; bất kể tình huống nào người bị bắt không thể bị tạm giữ quá 48 giờ đồng hồ khi không có lệnh của tòa.

Nếu người bị tạm giữ lựa chọn đóng tiền bảo lãnh, cảnh sát sẽ thả rất sớm, nhưng sau khi được thả thì người đó phải trình diện tại sở cảnh sát thường xuyên với điều kiện đặt ra của cảnh sát. Không có tiêu chuẩn cụ thể về tuần suất và thời gian trình diện, và cảnh sát vẫn có quyền truy tố.

Nếu người bị bắt lựa chọn ở lại trụ sở cảnh sát trong 48 tiếng, cảnh sát phải chọn liệu có truy tố người này và đem ra tòa án hay không. Nếu cảnh sát chọn thả người, họ vẫn sẽ có quyền được truy tố, người bị tạm giữ không cần phải đến trình diện thường xuyên và không cần đóng tiền bảo lãnh.

Ngay khi cảnh sát bắt đầu bắt giữ, các quyền của người bị bắt sẽ có hiệu lực (xem ở chương sau: Quyền của người bị bắt giữ). Khi đến sở cảnh sát, người bị bắt có thể yêu cầu đi vệ sinh và yêu cầu thực phẩm từ phía cảnh sát.

2.3 Sau khi bị bắt giữ

Khi bị bắt giữ, hãy viết các điều cần lưu ý vào sổ và cố gắng nhớ số hiệu của người cảnh sát đã bắt giữ bạn, cố gắng nhớ lí do bị bắt và cáo buộc;

Bạn chỉ cần cung cấp cho cảnh sát số điện thoại, địa chỉ và số thẻ chứng minh thư.

Sau khi bị bắt, những điều bạn nói ra có thể sẽ được coi là bằng chứng kết tội, kể cả khi những câu nói không nằm trong các cuộc thẩm vấn (ví dụ như khi đang di chuyển trong xe cảnh sát, hoặc lúc chờ đợi ở sở cảnh sát…).

Bạn không bị bắt buộc phải nói bất kì điều gì khi thẩm vấn, và bạn có thể nói “tôi không có gì để nói” để trả lời các câu hỏi của cảnh sát;

Bạn có quyền liên lạc với bên ngoài, và nên ưu tiên liên lạc tới số điện thoại khẩn cấp, nói cho người đó biết địa điểm của đồn cảnh sát, tội danh và yêu cầu trợ giúp pháp lí.

Bạn có thể yêu cầu cảnh sát cung cấp cho bạn danh sách luật sư.

Cảnh sát có thể yêu cầu khám xét, nhưng nếu không có lí do chính đáng họ không được phép yêu cầu cởi quần áo để khám xét;

Bạn được phép yêu cầu nghỉ ngơi và yêu cầu cảnh sát cung cấp đồ ăn.

Bạn có thể yêu cầu có bác sĩ, có kiểm tra y tế và yêu cầu thuốc thang cần thiết;

Bạn sẽ nhận được thông báo khi bị tạm giữ vậy nên bạn có thể biết được quyền của mình khi bị tạm giữ;

Người bị bắt có quyền được bảo lãnh và ra tòa sớm nhất có thể; bất kể tình huống nào người bị tạm giữ không thể bị tạm giữ quá 48 giờ đồng hồ khi không có lệnh của tòa.

2.4 Những lưu ý khi thẩm vấn

Nếu bạn được yêu cầu thẩm vấn thì bạn nên yêu cầu cảnh sát chờ đến khi có luật sư. Một người bị bắt có quyền từ chối cung cấp thông tin cho cảnh sát trước khi luật sư tới.

Bạn không cần phải trả lời bất kỳ câu hỏi nào trừ khi bạn tự nguyện trả lời. Cảnh sát sẽ lấy thông tin trong biên bản làm bằng chứng. Nếu bạn thấy bất kỳ sai xót hoặc bất hợp lí, những điều không đúng, bạn nên yêu cầu sửa biên bản ngay lập tức và nên từ chối kí biên bản.

Cảnh sát không được đe dọa ép buộc người biểu tình khai hoặc nói bất kì điều gì.

Người bị tạm giữ có quyền ngắt quãng hoặc từ chối tiếp tục tham gia cuộc thẩm vấn nếu cảm thấy không khỏe.

_________

 

Trang phục và đồ dùng (để diễu hành đến trung tâm)

  1. Những thứ thiết yếu

– Nhiều bữa ăn nhỏ sẽ tốt hơn cho tiêu hóa và đảm bảo năng lượng. Mang đủ đồ ăn cho 2 hoặc 3 ngày. Nhóm tổ chức biểu tình sẽ cung cấp thêm thức ăn.

– Nước uống.

– Thức ăn khô (bánh quy, hoa quả sấy khô, đồ ăn nhiều năng lượng…).

– Nước điện giải (nước Pocari Sweat, ở VN là nước Revive)

– Đồ y tế cá nhân.

– Thẻ bảo hiểm (với các chi tiết về tiền sử bệnh tật và các số liên lạc khẩn cấp).

* Không khuyến khích người có tiểu sử bệnh tật tham gia đứng ngoài trời quá lâu.

 

  1. Sức khỏe

– Mang đồ nhẹ và đảm bảo.

– Quần áo ấm và chống gió, mang quần áo để thay.

– Mang theo giày thể thao để tiện đi lại.

– Mang theo kính bảo hộ. Không mang theo kính áp tròng.

– Quần áo chống nắng và chống mưa.

– Mang theo nước rửa, băng sát trùng, khăn to và nhiều chai nhựa rỗng thật to (cho nam giới).

 

  1. Đồ dùng

– Nhóm tổ chức sẽ phân phát sổ tay hướng dẫn ngay khi tham gia.

– Giấy và bút (để ghi lại những điều quan trọng).

– Điện thoại di động (để nhắn tin), pin dự phòng, sạc pin, túi đựng chống nước.

– Tiền mặt (để trả tiền taxi khi về nhà ban đêm).

– Túi ngủ (không nên mang lều), ghế gấp.

– Balo to và nhiều túi nhỏ.

======================================================

 

Chiếm trung tâm bằng tình yêu và hòa bình

Thư diễn tả ý định

Tôi đồng ý với ba niềm tin căn bản của Phong trào Chiếm giữ Trung tâm bằng Tình yêu và Hòa Bình

1.  Hệ thống bầu cử Hong Kong phải tuân thủ những yêu cầu của cộng đồng quốc tế về tính đa nguyên và bầu cử công bằng, bao gồm những     điều sau: mỗi công dân có số phiếu bằng nhau với sức nặng ngang nhau, và ai cũng có quyền bầu cử mà không bị gây cản trở.

  1. Quá trình xác định hệ thống bầu cử tại Hong Kong phải dân chủ và phải có những yếu tố của tự do và đồng ý của người dân.

3. Mặc dù bất tuân dân sự là trái luật, những hành động của chúng tôi cho quyền phổ thông đầu phiếu tại Hong Kong là và sẽ là phi bạo lực.

Tôi sẽ tham gia quá trình dân chủ nhằm thảo luận và quyết định kiến nghị phổ thông đầu phiếu cho Trưởng đặc khu hành chính, và tôi sẽ tham gia vào “Phong trào Chiếm giữ Trung tâm bằng Tình yêu và Hòa Bình” bằng những cách sau:

Hỗ trợ những công dân thực hiện bất tuân dân sự, nhưng sẽ không thực hiện hành động đó.

Tham gia vào bất tuân dân sự, nhưng sẽ không chủ động tham gia và không từ bỏ quyền tự vệ.

Tham gia vào bất tuân dân sự, và sẽ chủ động tham gia và sẽ không bảo vệ bản thân trước tòa.

* Tuyên bố này chỉ là ý định hiện tại của bạn, và nó được hoàn thiện sau này

* Hãy điền đầy đủ các thông tin

* Tất cả các thông tin cá nhân sẽ được bảo mật và sẽ được xóa bỏ khi Phong trào Chiếm Trung Tâm kết thúc. Tên của bạn và các thông tin khác sẽ không được tiết lộ mà không được bạn ủy quyền.

* Chúng tôi sẽ liên hệ với bạn về các chi tiết hành động của Phong trào Chiếm Trung tâm bằng Tình yêu và Hòa Bình


(Hình bản giấy nguyên thủy tiếng Anh)

Quảng Cáo
Bài Liên Hệ
Leave a Comment
Quảng Cáo
WordPress Appliance - Powered by TurnKey Linux