Quảng Cáo

Ðà Lạt: hàng trăm tấn cà chua bị đổ bỏ

Quảng Cáo

Ðà Lạt: hàng trăm tấn cà chua bị đổ bỏ

Theo báo Tuổi Trẻ, thì đây là vụ cà chua thứ ba liên tiếp nông dân nhiều huyện của tỉnh Lâm Ðồng lâm vào cảnh lao đao. Hàng trăm tấn cà chua chín đỏ bị nông dân mang đổ ra đường vì rớt giá thê thảm.

Hàng trăm tấn cà chua chín đỏ bị đổ ra đường

Hiện có khoảng 4.000 hecta cà chua với sản lượng khoảng 160.000 tấn/vụ đã tới mùa thu hoạch nhưng hiện giá rớt chỉ còn 500-1.500 đồng/kg.

Huyện Ðơn Dương, vùng trồng cà chua lớn nhất tỉnh Lâm Ðồng với khoảng 3.000 hecta, người dân đang phải đem cà chua đổ bỏ cho bò, heo ăn thay bữa vì thương lái mua giá rẻ không đủ tiền thuê nhân công.

Tại thị trấn Thạnh Mỹ, xã Ðạ Ròn, nhiều vườn cà chua cho thu hoạch hơn tháng nay, nhưng chưa thương lái nào vào hỏi mua.

Nhiều nông dân không đủ kiên nhẫn đợi thương lái mua đã phải phá bỏ cho kịp vụ nông sản mới. Cà chua nhiều nơi chín rục, rụng đỏ khắp các cánh đồng. Nhiều hộ dân bấm bụng ra tìm vựa chào bán giá 700-1.000 đồng/kg cà chua nhưng thương lái vẫn lắc đầu từ chối.

Thậm chí, một số địa điểm cách xa vựa thu mua khoảng 15-30km, giá cà chua mua tại vườn thương lái bỏ công ra hái chỉ còn 300-500 đồng/kg do chi phí vận chuyển cao. Người dân cho biết, với giá cà chua rẻ mạt như hiện nay, chỉ bán huề vốn tiền mua phân, cây giống… Riêng tiền công chăm sóc, thuê nhân công bỏ ra coi như mất trắng.

Trước đó nông dân ở Ðồng Tháp đổ bỏ bắp cải, nông dân Bình Thuận đổ bỏ thanh long, nông dân Vĩnh Phúc, Hà Nội đổ bỏ sữa bò tươi… tất cả chỉ vì nguyên nhân giá rẻ mạt, không có nơi tiêu thụ.

 

Ân xá quốc tế lên án Hàn Quốc bóc lột người lao động nhập cư

Trong bản phúc trình đưọoc công bố vào ngày 20.10.2014 của Ân xá Quốc tế- tổ chức bảo vệ nhân quyền trụ sở tại Anh Quốc- đã dựa trên lời chứng của hàng chục người trên khắp lãnh thổ Hàn Quốc để lên án các hành vi cưỡng bách và lạm dụng lao động nhập cư trong nông nghiệp, được chính quyền tôn lên thành cả một hệ thống.

Công nhân Philippines bị chủ Hàn quốc đánh đập

Theo bà Norma Kang Muico, người đặc trách hồ sơ quyền của người lao động nhập cư khu vực Châu Á-Thái Bình Dương thuộc Tổ chức Ân xá Quốc tế, việc bóc lột lao động nhập cư trong ngành nông nghiệp tại Hàn Quốc là một “quốc sách”.

Theo ghi nhận của hãng tin Pháp AFP, trong năm 2013, có khoảng 250.000 lao động nhập cư ở Hàn Quốc, trong đó có 20.000 người làm việc trong lãnh vực nông nghiệp theo các điều khoản quy định của Chế độ Giấy phép Lao động (SPE).

Theo Ân xá Quốc tế, chế độ SPE hoàn toàn có lợi cho người sử dụng lao động, có quyền tùy tiện sa thải nhân công, mà số đông đến từ Việt Nam, Cam Bốt, Népal, nhiều người trong số này đã phải vay những món nợ khổng lồ để qua Hàn Quốc. Trong lúc đó, lao động nhập cư nào muốn rời bỏ chủ nhân thuê mình đều phải xin trước một mẫu đơn cho phép.

Đối với Ân xá Quốc tế, chế độ EPS đã đẩy những người lao động nhập cư vào vòng sinh sát của những người chủ vô lương tâm, đã lợi dụng những khó khăn của nhân công nước ngoài trong thay đổi chỗ làm. Theo bà Muico : “Đối với nhiều người nhập cư đã mang công nợ, giải pháp duy nhất là tiếp tục ở lại với người chủ lạm dụng mình.”

Bộ Nhân dụng Hàn Quốc đã bác bỏ báo cáo của Ân xá Quốc tế, cho rằng hệ thống luật lệ đã được sửa đổi, giúp cho việc thay đổi chủ nhân dễ dàng hơn.

Tuy nhiên, Ân xá Quốc tế đã cáo buộc Chính quyền Hàn Quốc là cố tình ngăn cản các hành động khiếu nại. Bà Muico nêu ví dụ của một người Cam Bốt, đã đến cơ quan nhân dụng với một đoạn video quay bằng điện thoại di động cho thấy cảnh anh bị người chủ đánh đập. Cơ quan này đã đổ lỗi cho người công nhân, kêu anh phải lập tức trở về và xin lỗi người chủ.

Báo cáo của Ân xá Quốc tế được công bố ít lâu sau chuyến công du Hàn Quốc của Báo cáo viên Đặc biệt của Liên Hiệp Quốc phụ trách phân biệt chủng tộc. Vào đầu tháng Mười, nhân vật này thẩm định rằng người lao động nhập cư và phụ nữ nước ngoài kết hôn với người Hàn Quốc đã phải gánh chịu những “vấn đề nghiêm trọng” do tình trạng kỳ thị chủng tộc, tệ nạn bóc lột và lạm dụng các loại.

 

Việt Nam: số người mắc bệnh ung thư tăng nhanh

Viện Ung Bướu Sài Gòn

“Tại Việt Nam, theo ghi nhận ung thư tại một số tỉnh, thành phố lớn bao gồm Hà Nội, Sài Gòn, Thái Nguyên, Hải Phòng, Huế, Cần Thơ… ước tính mỗi năm có từ 130 nghìn đến 160 nghìn trường hợp mắc mới, trong đó có khoảng 85 nghìn đến 115 nghìn người tử vong do căn bệnh này“. Đó là con số thống kê được nêu ra trong buổi hội thảo thảo quốc gia về phòng chống ung thư lần thứ 17, do Bộ Y Tế Việt Nam phối hợp với Hội Ung Thư Việt Nam tổ chức tại Hà Nội vào ngày 16.10.2014.

Cuối năm 2012, một cuộc hội thảo về bệnh ung thư tại Việt Nam do Viện Ung bướu ở Sài Gòn tổ chức cũng đã từng báo động rằng bệnh ung thư đang tăng nhanh. Bệnh nhân dồn đến viện Ung Bướu quá đông nên bệnh nhân nằm 4 người cài vào nhau trên một giường nhỏ. Ở khu bệnh nhi ưng bướu thì bệnh nhân phải nằm cả dưới gầm giường.

Trong bản tin ngày 7.12.2012, báo Tuổi Trẻ thuật lại bản báo cáo thời gian này cho biết “mỗi năm có thêm khoảng 150.000 ca mắc bệnh và 75.000 ca tử vong do ung thư. Ở Sài Gòn, ung thư là một trong những bệnh phổ biến nhất và đang có dấu hiệu gia tăng nhanh”. Bây giờ nói mỗi năm tăng lên tới 160.000 người bị bệnh ung thư mới. Các nguyên  nhân chính yếu dẫn đến bệnh này, theo bản phúc trình trong buổi hội thảo là do uống rượu, hút thuốc lá quá độ, môi trường sống độc hại, thực phẩm đầy hóa chất.

Những thống kê trước đây nói 30% các trường hợp ung thư tại Việt Nam có hậu quả từ thuốc lá. Vì khám phá và điều trị quá trễ (70%) nên phần lớn các con bệnh ung thư tại Việt Nam không qua khỏi chỉ trong vòng ít tháng kể từ khi biết mình bị ung thư. Nếu khám phá sớm, nhiều loại ung thư có thể chữa được hay ít nhất cũng kéo dài tuổi thọ.

Quảng Cáo
Bài Liên Hệ
Leave a Comment
Quảng Cáo
WordPress Appliance - Powered by TurnKey Linux