Để tìm hiểu thêm sự việc, Radio Chân Trời Mới đã có cuộc phỏng vấn GS Kals. Mời quý thính giả cùng theo dõi.
CTM : Thưa Giáo Sư Kals, Nhân dịp Thủ Tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng qua Đức, Ông có viết thư tới bà Thủ Tướng Angela Merkel. Xin Ông cho biết lý do ra đời bức thư này ?
GS Kals : Đây là chiến dịch lâu dài đòi trả tự do cho luật sư nhân quyền Lê Quốc Quân. Cách đây một thời gian tôi đã lưu tâm đến trường hợp Lê Quốc Quân vì „nhân quyền“, nó luôn là ưu tư của tôi. Vả lại, điều quá rõ ràng là chính quyền Việt Nam dựng chuyện trốn thuế để bỏ tù ông Lê Quốc Quân, nên tôi đã tìm đến với công luận và vận động qua mạng lưới toàn cầu giới trí thức, mới đầu với 30 tiến sĩ và giáo sư. Hiện nay số người hưởng ứng chiến dịch đã lên đến trên 150. Bên cạnh đó còn có Hội văn bút thế giới, các nghị sĩ Quốc Hội Hoa Kỳ.. v..v.. Nó tạo nên một áp lực đối với nhà nước Việt Nam nên xét lại trường hợp này. Nhân chuyến viếng thăm từ Việt Nam tôi muốn một lần nữa nhắc nhở các chính trị gia cao cấp của chúng ta (nước Đức), hãy mang trường hợp ông Lê Quốc Quân ra bàn thảo để có thể đưa đến một giải pháp.
CTM : Việt Nam gạt bỏ mọi phê bình từ bên ngoài với lý do đó là chuyện nội bộ. Ông nghĩ gì về lập luận này?
GS Kals : Trong một thời đại „làng toàn cầu“ ( „Global Village“) chúng ta cần định nghĩa lại danh từ „chủ quyền quốc gia“. Chúng ta là một cộng đồng thế giới. Cách đây 200 năm một ngư phủ Schottland (Tô-Cách-Lan) hay một nông dân Việt Nam làm một việc gì, không có ảnh hưởng đến nhau. Bây giờ chúng ta có một hệ thống thương buôn toàn cầu, một hệ thống tài chánh toàn cầu. Ngày hôm nay chúng ta bắt chước nhau thải thán khí. Và tất cả chúng ta đều phải gánh chịu hậu quả này. Vì thế, chúng ta cần phải tìm những con đường chung. Bởi vì hành động của người này có ảnh hưởng tới người kia. Cộng đồng là như thế. Cộng đồng chỉ có thể hoạt động tốt nếu chúng ta có những điều lệ chung. Bởi thế các quốc gia không thể nói rằng: Với người dân của chúng tôi, với phe đối lập, chúng tôi làm điều gì chúng tôi muốn; với năng lượng chúng tôi hành xử tùy ý. Chúng ta hãy cùng nhau suy nghĩ theo nguyên tắc. Tôi không muốn nói về mặt vật chất song về những nguyên tắc chung mà chúng ta đã thỏa thuận với nhau. Trong mạng lưới toàn cầu rất dễ kiếm. Quý vị hãy nhìn vào „Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền“, đã được ra đời sau Thế Chiến Thứ Hai, sau cái thảm họa khủng khiếp này, và đã được hầu hết các nước trên toàn thế giới, trừ một số nhỏ, công nhận, và các nguyên thủ quốc gia đã ký tên.
Trong Bản Tuyên Ngôn này ta tìm thấy mọi điều ta mong ước: Tự do trong mọi lãnh vực, một đời sống vật chất chắc chắn và vững vàng, như ở nước Đức hiện nay; mong ước này cần phải được lan rộng trên toàn thế giới. Việt Nam đã ký kết vào Bản Tuyên Ngôn. Vì thế, họ phải giữ lời họ đã hứa.
CTM : “Chính phủ toàn cầu”, toàn-cầu-hoá các cơ-cấu quyền-lực dân-chủ, là một trong những ưu tư của Ông. Xin Ông giải thích thêm.
Gs Kals : Ước vọng của tôi là thế giới có được một thể-chế liên-bang, trong đó Liên-Hiệp-Quốc đóng vai trò chính-phủ với nhiều cơ-cấu kiểm tra và nhiều quyền tự lập cho các cơ-chế địa-phương. Qua đó chúng ta sống ở nước nào cũng thế. Chẳng hạn như ở nước Đức với những tiểu bang. Chúng ta không cảm nhận sự khác biệt nào nếu giả sử chúng ta dọn từ tiểu bang Rheinland-Pfalz qua tiểu bang Baden-Württemberg. Tất cả đều giống nhau. Nhân quyền được bảo đảm. Chúng ta nên cố gắng làm sao mà tất cả mọi nước trên thế giới cũng được như vậy, có nghĩa là dù đi tới nước nào chúng ta cũng không cảm nhận được ai đang điều hành cơ quan hành chánh, song chúng ta có một chính quyền chuyên nghiệp được lèo lái bởi người dân và vì hạnh phúc chung của tất cả chúng ta. Đó là ước vọng của tôi. Và là ước mơ của „Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền“.
CTM : Ông là Giáo Sư về kinh tế. Theo Ông nhân quyền đóng vai trò như thế nào trong phát triển kinh tế ?
Gs Kals : Việt Nam có một thể chế giống Trung Cộng, trong đó một số tự do bị cấm cản, song thị trường kinh tế phát triển tương đối tốt. Người ta đã có hy vọng kết hợp chặt chẽ hơn hai khía cạnh này, nghĩa là qua thị trường tự do thì cũng sẽ dẫn đến bầu cử tự do. Tôi vẫn còn hy vọng là điều đó khả thi. Về mặt khác tôi cũng nhìn thấy một số nước phát triển kinh tế tốt mặc dù có những hạn chế. Những gì đang xảy ra ở Hồng- Kông tôi thấy thật đáng phục. Chúng ta nên tâm niệm rằng: Càng có nhiều tự do thì sức mạnh kinh tế càng cao. Tôi không cho là một sự ngẫu nhiên khi nước Đức là một trong những quốc gia có nhiều tự do nhất và song song cũng là một trong các nước có nền kinh tế mạnh nhất trên toàn thế giới.
CTM : Ông so sánh những thay đổi tại Đông Đức với tình hình Việt Nam ra sao ? Bất bạo động đóng vai trò nào?
Gs Kals : Việt Nam và Đức có vài điểm giống nhau. Trong thế kỷ vừa qua cả hai nước đều phải trải qua những chiến tranh thảm khốc. Và nước Đức đã bị chia đôi về mặt chính trị. Nhờ những nỗ lực bất bạo động mà sự ngăn cách này đã được nối kết lại. Tôi nghĩ, giống như ở nước Đức, Việt Nam cũng còn nhiều vết thương chưa được chữa lành; những ngăn cách vẫn còn. Việt Nam cũng có nhu cầu thống nhất. Một sự thống nhất trong tinh thần tương trợ lẫn nhau, trong khoan dung và tôn trọng tính đa dạng. Lúc đó Việt Nam sẽ hạnh phúc hơn.
CTM : Nếu Ông có thể trực tiếp nói chuyện với Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng, Ông và các nhân sĩ trong chiến dịch này muốn chia xẻ điều gì ?
Gs Kals : Đối với những người yểm trợ chiến dịch tôi chỉ có thể nói hạn chế thôi, vì họ hưởng ứng lời kêu gọi và cùng đứng vào; vì thế trước tiên tôi chỉ xin được nói cảm nghĩ của riêng tôi. Tôi có niềm hy vọng và lời kêu gọi như sau:
Xin Ông Thủ Tướng hãy là một Nelson Mandela của Việt Nam. Xin Ông hãy gạt bỏ những bế tắc và phong tỏa, những sợ hãi chắc chắn cũng có từ phía chính quyền….., những sự thiếu cảm thông cho những người đối kháng như chúng tôi; sự phụ thuộc vào hoàn cảnh sinh trưởng, cách nhận định vấn đề, và những dự kiện có được và cách đánh giá một sự kiện; xin Ông nỗ lực phối hợp những khía cạnh vừa kể trên, tạo điều kiện và khuyến khích tự do ngôn luận cũng như giáo dục. Lúc đó, sẽ kết hợp đất nước thành một và dẫn dắt vào một cộng đồng quốc gia trong ý nguyện của „Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền“. Nelson Mandela đã đạt được điều đó ở Nam Phi Châu. Thật đáng phục! Một tiến trình với những nét giống như thế sẽ đưa Việt Nam tới một tương lai tốt đẹp hơn.
CTM : Xin chân thành cảm ơn Ông cho cuộc phỏng vấn này.
Leave a Comment