Ô nhiễm mức báo động tại Quảng Ninh
Thủ phạm chính gây ra ô nhiễm ở cả vùng này là các đơn vị thành viên của Tập đoàn Than-Khoáng sản Việt Nam Vinacomin. Nhiều xe chở đất đá, than không che chắn, chạy tốc độ cao trên đường phát tán bụi bay mù mịt. Những xe trọng tải lớn cày nát con đường. Tuyến đường này bị xuống cấp nghiêm trọng như xuất hiện nhiều ổ voi, đường lầy lội mỗi khi mưa, trời nắng thì bụi bay mù mịt, than cám vương vãi khắp đường. Còn dòng sông Mông Dương, suối Diễn Vọng đen ngòm do nước từ các điểm khai thác than của Vinacomin xả thải trực tiếp ra.
Nhiều người dân ở xã Dương Huy cho biết, trước đây họ vẫn tắm, giặt, thậm chí lấy nước dùng cho sinh hoạt bình thường. Nhưng nhiều năm gần đây suối Diễn Vọng đã bị đầu độc và đã trở thành suối chết, nhiều đoạn đã bị đất đá vùi lấp, dòng chảy bị đẩy chệch sang hướng khác. Theo thống kê, mỗi năm các cơ sở sản xuất than thải ra môi trường khoảng 20 triệu m3 nước dơ, hàng triệu m3 đất đá thải tại các mỏ.
Được biết, mỗi năm Vinacomin dành nguồn kinh phí đầu tư khá lớn cho công tác bảo vệ môi trường và phân bổ cho các đơn vị thành viên, nhưng cũng chỉ như đá ném ao bèo. Ông Hoàng Văn Bốn, trưởng phòng Tài nguyên Môi trường thành phố Cẩm Phả thừa nhận, do tác động bởi hoạt động khai thác than quá lớn, nên lượng đất đá, bụi phát tán ra môi trường, sông suối là có thật. Ông Bốn cũng đã ra nhiều văn bản yêu cầu Vinacomin và một số đơn vị thực hiện cam kết bảo vệ môi trường, nạo vét sông, suối, kênh rạch nhưng cũng chỉ được thời gian đâu lại vào đó.
CSVN đầu tư không hiệu quả vì không giám sát
Theo một số chuyên gia, các “báo cáo giám sát” mà Bộ Kế hoạch – Đầu tư của chế độ đã nhận cũng chưa ổn. Những qui định hiện hành giao việc giám sát cho chính chủ đầu tư. Bộ Kế hoạch – Đầu tư chỉ đảm nhận vai trò “tổng hợp các báo cáo giám sát” mà chủ đầu tư muốn thì gửi, không gửi cũng chẳng sao. Thành ra hoạt động giám sát các dự án đầu tư bằng ngân sách dù có cũng không có hiệu quả vì thiếu hai yếu tố quan trọng là tính độc lập và sự chuyên nghiệp. Việc cho phép chủ đầu tư tự thực hiện “báo cáo giám sát” thì báo cáo đó thiếu tính độc lập và vì vậy, không bảo đảm sự khách quan và trung thực.
Dẫu Quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp của chế độ có quyền giám sát đầu tư công song trước nay,nhưng chỉ theo kiểu hành chính vì thiếu cả chuyên môn sâu lẫn kỹ năng giám sát chuyên nghiệp. Không thể nào phát giác dự án có được thực hiện đúng yêu cầu và tương xứng với vốn đầu tư hay không; Và cái gọi là „nhân dân giám sát“ chỉ là khẩu hiệu.
Bởi chỉ vung tiền đầu tư chứ không muốn giám sát, tại Việt Nam, lãng phí trong đầu tư công vượt ngoài sự tưởng tượng của nhiều người.
Cuối năm ngoái, chế độ Hà Nội công bố một thống kê về việc sử dụng ngân sách để đầu tư vào các “dự án trọng điểm”. Theo đó, chỉ trong vòng mười năm, Việt Nam đổ tiền xây 20 cảng biển quốc tế, 22 phi trường (có 8 là phi trường quốc tế), 267 khu công nghiệp (trung bình một tỉnh có 4 khu công nghiệp), 18 khu kinh tế ven biển, 28 khu kinh tế cửa khẩu, 1,757 dự án trong các lãnh vực giao thông, thủy lợi và di dân.
Tổng vốn đầu tư cho tất cả các “dự án trọng điểm” ấy ngốn hết khoảng 444 ngàn tỉ đồng và gần như toàn bộ các “dự án trọng điểm” đều bỏ hoang sau khi hoàn tất.
Chế độ thừa nhận lãng phí là nguyên nhân khiến ngân sách bội chi và nợ nần của Việt Nam gia tăng. Nhưng quên đề cập đến nguyên nhân thứ hai là tham nhũng hối lộ, rút ruột công trình,…
Quốc Hội CSVN không tin báo cáo về tăng trưởng
Tuy nhiên ông Nguyễn Văn Giàu, Chủ nhiệm Ủy Ban Kinh Tế của Quốc Hội nhận định, báo cáo của chính phủ Việt Nam chưa thuyết phục. Thay mặt Ủy Ban Kinh Tế của Quốc Hội, ông Giàu nhận định, báo cáo về chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế GDP quí 3 tăng hơn 6% là khó tin vì không chỉ ra được nguồn lực nào tạo tăng trưởng đột biến trong quí 3 làm cho tăng trưởng 9 tháng vừa qua đạt 5,62%.
Ông Giàu nêu thắc mắc, tại sao tổng mức đầu tư toàn xã hội giảm, vài năm qua, số doanh nghiệp phá sản, giải thể, ngừng hoạt động rất lớn mà tăng trưởng vẫn cao hơn các năm trước. Ông Giàu cũng thắc mắc, tại sao thất nghiệp tràn lan mà năm nào chỉ tiêu tạo việc làm mới cũng xấp xỉ 1,6 triệu lao động.
Theo ông Giàu, trong 9 tháng vừa qua, số doanh nghiệp giải thể, phá sản lên tới 51.244, số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động là 18.873, trong số này có cả những doanh nghiệp quy mô trung bình và lớn, vài năm qua vẫn cố gắng kháng cự với khó khăn nhưng nay vẫn phải ngừng hoạt động, giải thể hoặc xin phá sản.
Điều này sẽ ảnh hưởng nguy hại tới việc làm, sự ổn định của nguồn thu cho ngân sách, hoạt động của hệ thống ngân hàng, tốc độ tăng trưởng kinh tế,… Thế thì nhà cầm quyền trung ương dựa vào đâu để tuyên bố “tình hình kinh tế – xã hội trong 9 tháng đầu năm tiếp tục có chuyển biến tích cực”?
Leave a Comment