Kính thưa quý thính giả, mấy ngày vừa qua thanh thiếu niên Hong Kong đã tái chiếm Trung tâm thành phố này như một bày tỏ thái độ đối với sự lật lọng từ chối đàm phán của chính quyền Hong Kong, cũng như để tiếp nối cuộc đấu tranh cho dân chủ của Hồng Kông khởi diễn từ tuần lễ cuối của tháng 9 và lên đến cao điểm vào những ngày đầu tháng 10. Dư luận thế giới, nhất là dư luận VN đã đặc biệt quan tâm đến cuộc đấu tranh này của giới trẻ Hồng Kông, phần vì địa dư gần gũi, phần vì người dân VN cũng có cùng mục tiêu đấu tranh như vậy. Từ đó, bên cạnh sự thán phục giới trẻ Hồng Kông, một số dư luận đã so sánh và chê bai giới trẻ VN. Đây là sự so sánh, chê bai bất công. Tại sao như vậy? Trong bài viết nhan đề: “Không chê bai tuổi trẻ Việt Nam”, được gửi đến quý vị trong mục bình luận hôm nay, tác giả bài viết là giáo sư Hoàng Cơ Định đã đưa ra những nhận định và phân tích sâu sắc về vấn đề này. Mời quý vị cùng nghe sau đây.
******
Ca ngợi Tuổi Trẻ Hồng Kông.
Học hỏi ở kinh nghiệm Hồng Kông.
Nhưng không chê bai Tuổi Trẻ Việt Nam.
Có rất nhiều điều để ca ngợi tuổi trẻ Hồng Kông. Riêng phần tôi, điều đáng khâm phục hơn cả là quan niệm của họ về chuỗi ngày biểu tình Tháng 10 vừa qua. Đối với họ, đây không phải là những ngày tranh đấu để “đập tan” chính sách độc tài mà Trung Cộng nhằm áp đặt lên Hồng Kông, mà đây chỉ là một thể hiện cụ thể trong chuỗi dài những nỗ lực nhằm xây dựng nền dân chủ cho xã hội của họ.
Nếu gọi đây là một “bài nghiệm thâu” trong học trình dân chủ, như lời tuyên bố của Joshua Wong, thì giới trẻ Hồng Kông, và cả phụ huynh của họ, đã đạt được Điểm A+.
Với những người dân đang phải chịu đựng một thể chế độc tài, đặc biệt cho người Việt Nam chúng ta, “Bài Học Hồng Kông” là một bài học không riêng gì cho giới thanh niên, mà chung cho cả người lớn tuổi, ở trong nước cũng như hải ngoại, trong thành phần tranh đấu cũng như giới thống trị, bọn a dua và lũ tay sai.
Trước các tấm gương, các hình ảnh thanh khiết của Tuổi Trẻ Hồng Kông, đã có những tiếng nói chê bai và trách móc Tuổi Trẻ Việt Nam… Đây là một thái độ thiếu khách quan và không công bằng.
Không nên gạt bỏ những ánh sao Phương Uyên, Nguyên Kha, Minh Hạnh, Minh Mẫn, Công Nhân … và nhiều hơn nữa trong đêm dài độc tài của CSVN.
Cũng không thể quên đi hoàn cảnh những người trẻ như Đỗ Nam Hải, Ngô Duy Quyền, Thúy Quỳnh … đã bị chính cha mẹ của họ ruồng bỏ, áp lực, thậm chí còn bị hành hung vì họ đã góp phần đem lại tự do cho Dân Tộc.
Trước năm 1997, Hồng Kông là một xã hội tự do dân chủ và thịnh vượng trong nhiều thập niên. Chính nhờ sự thịnh vượng đó, khi bị trao lại cho Trung Cộng, nền kinh tế của Hồng Kông chẳng những chiếm 10% tổng sản lượng của Trung Quốc mà còn là cửa ngõ giúp cho lục địa phát triển. Bọn cướp CS Bắc Kinh vì vậy mà không thể nào (và không dại gì) vơ vét Hồng Kông như chế độ đàn em của chúng tại Hà Nội vào năm 1975.
Đó cũng là lý do, mặc dầu trước khi bị chính thức trao về cho Trung Cộng, Hồng Kông chỉ là một thuộc địa của Anh Quốc, nhưng không có ai trong guồng máy công quyền của thuộc địa này bị gọi là Ngụy, bị tập trung cải tạo, bị cướp đoạt tài sản hay phải liều chết chạy ra biển để mong có được tự do. Những tấm gương sáng trong mọi lãnh vực và những bậc thầy trong xã hội vẫn còn đó.
Trong 17 năm “thuộc về Trung Cộng” xã hội Hồng Kông không hề là nạn nhân của “Cải Cách Ruộng Đất” của “Cải Tạo Công Thương Nghiệp” như trong xã hội Việt Nam. Trong khi tại nước Ta, suốt 69 năm kể từ khi CSVN CƯỚP CHÍNH QUYỀN, đã bao phen những thành phần tàn bạo nhất, lưu manh nhất, ích kỷ nhất và dốt nát nhất được đưa lên làm giới thượng lưu trong xã hội. Những người làm cha mẹ, những người lãnh đạo, những người thầy cũng từ đó mà ra!
Xin đừng trách móc hay chê bai tuổi trẻ Việt Nam, họ chỉ là chứng nhân của sự bất hạnh và kém cỏi của chính chúng ta, nhưng họ cũng lại là nguồn hy vọng duy nhất của Tổ Quốc.
Xin hãy coi mỗi thanh niên Việt Nam như một phân tử nước (H2O), uế tạp là từ bên ngoài tới. Mọi phân tử nước đều giống nhau và hữu ích cho sự sống, dầu đến từ dòng suối tinh khiết hay một con lạch đen bẩn.
Xin đừng quên là trong thế giới văn minh ngày nay, nước cống cũng có thể tinh chế để dùng lại được.
Hoàng Cơ Định
hoangcodinh@comcast.net
Leave a Comment