Thái Quân Thực và Nguyễn Tông Trụ làm nhục quốc thể
Thưa quý thính giả, lịch sử bốn ngàn năm dựng nước và giữ nước lẫy lừng của tiền nhân ta đã làm nên niềm tự hào dân tộc. Tiếc thay lịch sử cũng có lúc đầy đau thương, đắng cay, tủi nhục, và hèn kém; tuy nhiên những bài học đắng cay, hay hèn kém này lại chính là những bài học cần ghi nhớ hơn hết. Điển hình như Cải Cách Ruộng Đất, một bài học mà chúng ta và các thế hệ sau không bao giờ được quên; vì nó gây tang tóc, tàn phá văn hoá đất nước và để lại những hệ quả trầm trọng mãi cho đến tận ngày nay.
Trên tinh thần học hỏi từ những điều lỗi lầm sai sót của đời xưa, Ngày hôm nay chương trình CDT xin được đến với quý vị bằng câu chuyện về hai sứ thần dưới thời nhà Lê; làm nhục quốc thể khi đi sứ sang Trung Quốc. Đi sứ là một nhiệm vụ cực kỳ khó khăn, nguy hiểm. Sứ thần phải đủ bản lĩnh để giữ vững khí tiết của mình và không làm nhục đến quốc thể. Nếu như những đối đáp của các sứ thần Giang Văn Minh, Trần Khắc Chung từng làm quân giặc nễ sợ thì câu chuyện sau đây của hai sứ thần nhà Lê đã hoàn toàn ngược lại. Hai sứ thần Thái Quân Thực và Nguyễn Tông Trụ đã để nhân cách thấp kém của mình làm xấu mặt triều đình và quốc gia Đại Việt.
Sách Đại Việt sử kí toàn thư (bản kỉ, quyển 11, tờ 24 a-b) chép rằng:
“Hai người này khi nhận mệnh sang sứ nhà Minh đã phạm tội lớn, Thái Quân Thực bị xử đày viễn xứ, còn Nguyễn Tông Trụ bị đày cận xứ. Khi ấy, Hữu ti làm giấy tờ (cho hai người đi sứ), theo thứ tự mà ghi Nguyễn Tông Trụ là Bồi thần (hàng quan Đại phu – ND) còn Thái Quân Thực là Kì lão (dưới Đại phu một bậc ND).
Do điều này mà Thái Quân Thực tỏ ý bất bình. Khi đến triều Minh, triều Minh cứ chiếu theo thứ bậc (đã ghi trong giấy tờ của sứ bộ) mà ban áo. (Vì là Kì lão), áo của Quân Thực không có hoa văn kim tuyến. Quân Thực hậm hực bảo với người phương Bắc rằng:
– Ta cũng là quan Tứ phẩm, lại ở dưới Tông Trụ là làm sao?
Đến lúc vào dự yến tiệc, Thực không chịu mặc áo được (triều nhà Minh) ban mà lại mặc áo có thêu kim tuyến của mình mang theo. Thực còn đem cả biểu văn do Nguyễn Trãi soạn ra mà chửi bới, lại còn chửi luôn cả quan Tham tri Đông Đạo là Đào Công Soạn chỉ vì ông này đã tiến cử Nguyễn Tông Trụ cùng đi sứ với mình.
Tông Trụ giận dữ, tranh cãi mãi (với Thái Quân Thực). Hai người đánh nhau, Tông Trụ bị vỡ mặt, người đi theo can ngăn cũng không được. Hai người còn kiện nhau ở Hồng Lô Tự (của nhà Minh), nói xấu nhau đủ điều.
Tông Trụ lại còn lén tới nhà viên nội quan của Bắc triều ở Long Châu (Quảng Tây, Trung Quốc – ND), nhận riêng lễ vật, lại nói riêng với viên quan của Long Châu đi tiễn là Lã Hồi về chuyện (Thái Quân Thực) khi đi sứ ở Ai Lao đã nói vụng Tiên đế (tức Lê Lợi – ND) nghe lời gièm pha của kẻ xấu mà giết hại nhiều người.
Hai người này đều vì đi sứ mà giao thiệp với người nước ngoài, tức giận mà đánh lẫn nhau, làm nhục quốc thể, đáng phải xử tử. Nhưng bởi cả hai đều từng là người có công lao, nên tùy mức độ mà xử bị đi đày.
Tông Trụ còn phạm tội đem nhiều tiền lụa sang mua hàng phương Bắc. Vua ghét Trụ làm liều, bất chấp cả lệnh cấm của triều đình, bèn tịch thu hành trang (của Tông Trụ) mà chia cho các quan”.
Qua câu chuyện trên, tác giả Nguyễn Khắc Thuần có lời bàn rằng: Thái Quân Thực quyết mặc cho bằng được chiếc áo có thêu kim tuyến, nhưng hoa văn lấp lánh của chiếc áo ấy nào có đủ để che nổi một tâm hồn nhỏ nhen và ngang ngược của ông. Mới hay, nhún nhường trong xử thế quả là rất khó.
Bởi nhỏ nhen và ngang ngược, đến nỗi đánh nhau ngay giữa triều đình nhà Minh, hai thành viên của sứ bộ đã hóa thân thành hai kẻ vũ phu tầm thường. Sử chép Tông Trụ bị đánh vỡ mặt, nhưng xem ra, trước khi họ đánh nhau, hai gương mặt ấy cũng có phải là lành lặn đâu.
Họ đem nhau đến kiện cáo ở Hồng Lô Tự nhà Minh, nhưng, thua kiện đau đớn nhất lại chính là những người không hề dính dáng gì đến vụ kiện này, đó là triều đình, là nhân dân Đại Việt. Với họ, quốc thể sao mả rẻ rúng đến thế?
Họ chửi nhau rồi đánh nhau chưa đủ, còn đi bêu riếu đồng liêu và triều đình ở khắp nơi. Điều họ quan tâm chỉ là quà cáp và buôn bán kiếm lời. Hẳn nhiên là với đà ấy, đến một dịp có thể, họ sẵn sàng bán cả giang sơn này.
Triều đình xử họ phải đi đày, kẻ viễn xứ, người cận xứ. Phép nước mỗi thời một khác, chẳng ai dám bàn sự đúng sai án quyết của triều đình thời ấy, nhưng, sống thêm mà làm gì nữa, hỡi hai con người kia. Giá mà hai người biết được sử viết gì về họ, hậu thế nghĩ gì về họ.
Thưa quý thính giả, nếu phải ghi lại lịch sử thì thời gian này là những trang u ám nhất của lịch sử dân tộc. Ước mong mỗi người dân VN chúng ta sẽ dần vượt qua sợ hãi, để sát cánh cùng các nhà dân chủ đem đất nước vượt qua giai đoạn đen tối đầy cam go thử thách này. Với niềm ước mong đó, VĐ và MH xin thân ái chia tay cùng quý thính giả ở đây, chân thành cám ơn tác giả Nguyễn Khắc Thuần và xin hẹn gặp lại quý thính giả vào chương trình kỳ tới.
Leave a Comment