Liệu có phải hiện trạng xã hội Việt Nam chưa chín muồi để tiếp nhận nền dân chủ đa đảng?

- Quảng Cáo -

Khi nêu ra vấn đề dân chủ đa đảng cho Việt Nam, ngoài những ý kiến ủng hộ thì các ý kiến còn lại là bác bỏ với hai lý do trái ngược nhau. Một là: Đa đảng gây rối loạn xã hội và kéo chệch khỏi con đường tiến lên tương lai cộng sản chủ nghĩa. Hai là: Đa đảng tuy tốt nhưng chưa phù hợp với xã hội VN hiện nay, tức là xã hội ta chưa đủ phát triển, nền sản xuất còn lạc hậu, manh mún, nhận thức của dân chúng còn thấp kém, nên việc áp dụng mô hình dân chủ đa đảng vào xã hôi ta sẽ dẫn đến những hậu quả tai hại.

Ở đây chúng tôi không bàn về loại ý kiến thứ nhất (vì trước những nhà “lý luận” bảo vệ ý kiến này thì chúng ta chắc chắn luôn luôn thua!). Để thảo luận về loại ý kiến thứ hai, ta hãy so sánh tình hình xã hội ta hiện nay với xã hội các nước dân chủ đa đảng khi họ mới thiết lập chế độ này.

Để cho cụ thể, hãy so sánh VN hiện nay, ví dụ, với Hàn Quốc cuối thập niên 1950.

Trước hết, xin nhắc lại là vào năm 1945, bán đảo Triều Tiên bị chia đôi dọc theo vĩ tuyến 38. Nửa phía bắc nằm dưới sự cai quản của quân Liên Xô; nửa phía Nam do quân Mỹ và lực lượng thân Mỹ kiểm soát. Tháng 11 năm 1947, Liên Hợp Quốc yêu cầu tổ chức tổng tuyển cử trên toàn bộ bán đảo này. Tuy nhiên, lực lượng của Kim Nhật Thành và quân đội Liên Xô đã cản trở tuyển cử. Năm 1948, miền Nam đã tổ chức tuyển cử thành công, với Lý Thừa Vãn (Rhee Syng-man) trở thành tổng thống đầu tiên của Đại Hàn Dân Quốc.

- Quảng Cáo -

Mặc dù trong những năm đầu của Đại Hàn Dân Quốc có những sự bất ổn, và năm 1961 thì Phác Chính Hy (Park Chung-hee) lật đổ Trương Miễn (Chang Myon) để trở thành một tổng thống mang tiếng cai trị bằng bàn tay sắt, về thực chất Hàn Quốc ngay từ đầu thập niên 1950 đã là một nhà nước đa đảng, nhờ đó đã phát triển đến mức thần tốc, và đến nay đã đứng vào hàng những nước phát triển với một nền “dân chủ đầy đủ”.

Liệu có phải ngay từ những năm 1950 xã hội Hàn Quốc đã ở nấc thang cao hơn xã hội Việt Nam hôm nay? Hãy thử so sánh theo vài phương diện.

Về kinh tế, Hàn Quốc đến 1960 còn bị đánh giá ngang hàng với các nước châu Phi. Tuy không có con số chính thức nhưng bình quân thu nhập của VN hiện nay chắc phải cao hơn Hàn Quốc khi đó hàng chục lần (tất nhiên đa số dân ta hiện nay vẫn nghèo). Cái gọi là hạ tầng cơ sở của Hàn khi đó càng không thể so với VN hiện nay (dù nhiều công trình ở ta bị rút ruột, nhưng tổng giá trị trong toàn xã hội vẫn lớn, có lẽ người Hàn khi đó không tưởng tượng nổi).

Về môi trường khoa học – công nghệ và thông tin, khi đó Hàn Quốc gần giống Việt Nam (cùng thời). Thông tin chủ yếu là truyền mồm.

Về trình độ học vấn thì không thể nào so dân Hàn khi đó với dân ta bây giờ.

Với những so sánh như vậy, liệu có phải hiện trạng xã hội Việt Nam chưa chín muồi để tiếp nhận nền dân chủ đa đảng?

Ai đó có thể nói: Bất kể những điều trên, nhận thức của dân ta thực sự vẫn còn quá thấp kém nên chưa thể xài được món dân chủ đa đảng. Có thể là nhận thức của dân ta còn kém thật (cho dù đa số đều học hết bậc giáo dục phổ thông và số cử nhân, thạc sỹ, tiến sỹ đều rất lớn). Có thể còn thấp hơn cả tầm nhận thức của dân Hàn năm 1950. Nhưng như thế có nghĩa là thấp hơn chính dân ta vào thời đó. Nghĩa là về nhận thức, dân Việt đi lùi. Nếu đúng vậy thì nguyên nhân ở đâu?

Tôi không dám quả quyết nhận định vừa nêu đúng hay sai. Nhưng nếu nó đúng thì tội làm nhận thức của dân xuống dốc chính là tội của chế độ độc đảng, bởi từ 1950 đến này chưa có chế độ nào khác cầm quyền ở đất nước này. Còn nếu sai, nghĩa là nhận thức của dân ta không thấp hơn trước đây, thì dân chủ đa đảng không có gì thiếu phù hợp vào lúc này.

Như vậy, trong cả hai trường hợp, nhận định dân chủ đa đảng không/chưa phù hợp với xã hội VN đều vô lý.

 

Nguyễn Trần Sâm/ Quê Choa

http://bolapquechoa.blogspot.ca/2014/10/lieu-co-phai-hien-trang-xa-hoi-viet-nam.html#more

 

- Quảng Cáo -

Chúng Tôi Mong Có Góp Ý Kiến Thêm Từ Quý Vị

Please enter your comment!
Please enter your name here