Quảng Cáo

Trường trung học bắt học sinh làm đơn khất nợ

Quảng Cáo

Trường trung học bắt học sinh làm đơn khất nợ

Nhiều gia đình ở huyện Ðắk Glong kêu cứu khắp nơi về việc trường trung học cấp 2-3 làm tiền học sinh. Được biết, trường Lê Duẩn vừa mới hoạt động tại xã Quảng Sơn chưa kịp mang lại niềm vui cho người dân một số xã vùng sâu ở huyện Ðắk Glong, tỉnh Ðắk Nông, thì đã gây bực tức cho phụ huynh học sinh bởi tự đặt ra nhiều khoản thu vô lý. Năm học 2013-2014 vừa kết thúc, nhà trường chưa phúc trình các khoản thu chi thì đã vội thông báo thu tiền trường cho năm học mới, dù không có sự chấp thuận của phụ huynh học sinh. Theo đó, mỗi học sinh phải đóng đến 16 khoản, với số tiền từ 2.45 triệu đến 2.67 triệu đồng (khoảng $105 đến $120 USD), một khoản tiền khá lớn đối với người dân địa phương.

Ðáng chú ý là có những khoản thu bắt buộc nằm ngoài quy định của nhà nước như: quỹ hoạt động dạy và học, điện, máy bơm nước, đồng phục, tu sửa cơ sở vật chất, nâng cấp phòng máy vi tính, bảo trì máy photocopy, ôn tập, phụ đạo, photocopy giấy thi…

Nhiều giáo viên của trường tiết lộ cách làm tiền của hiệu trưởng như sau: Phụ huynh hoặc học sinh phải viết giấy khất nợ nộp cho hiệu trưởng để “ký nháy” vào góc. Sau đó giáo viên mới được nhận học sinh. Khi có thanh tra, hiệu trưởng sẽ đổ hết trách nhiệm cho người thu tiền. Trong năm học 2013-2014, trường có hơn 900 học sinh thì đã có đến 500-600 giấy khất nợ.

Rất nhiều phụ huynh đến nay vẫn bất bình vì không biết nhà trường đã sử dụng bao nhiêu tiền cho năm học trước? Vậy mà mới đầu năm học, trường lại tiếp tục bắt học sinh phải nộp ngay những khoản tiền không nhỏ thì mới nhận hồ sơ.

Tuy nhiên trao đổi với báo Tiền Phong, ông Lê Ðức Ánh, hiệu trưởng nhà trường phủ nhận: “Không có chuyện phụ huynh ký giấy khất nợ, mà chỉ có đơn xin hoãn và hẹn thời gian nộp”!?

 

Sinh viên Hồng Kông thách thức chính quyền Bắc Kinh

Hôm 29/09 hàng ngàn người dân Hồng Kông tiếp tục biểu tình, thách thức chính quyền, sau một đêm đối mặt với cảnh sát chống bạo động. Khí thế đấu tranh của sinh viên Hồng Kông không hề suy giảm, bất chấp sự trấn áp của cảnh sát.Chính việc cảnh sát dùng vũ lực để trấn áp giới sinh viên đã làm dấy lên làn sóng ủng hộ, đặc biệt từ phong trào Occupy Central.

Đối phó với lựu đạn hơi cay và bột tiêu của cảnh sát, giới sinh viên chỉ có một vũ khí duy nhất là những chiếc ô và từ nay, vật dụng này đã trở thành biểu tượng cho phong trào đấu tranh đòi dân chủ tại Hồng Kông.

Thành ngữ « cách mạng ô dù » đang được lan truyền rộng rãi và thảo luận sôi nổi trên mạng xã hội. Thậm chí, một dải băng mang dòng chữ này còn được gắn trên hàng rào cố thủ của sinh viên biểu tình ngay trước một trạm tàu điện ngầm ở Hồng Kông.

Phong trào bất phục tùng dân sự tại Hồng Kông hiện nay có mục đích đòi Bắc Kinh phải tôn trọng quyền tự do lựa chọn người lãnh đạo lãnh thổ này trong cuộc bầu cử vào năm 2017. Từ một tuần qua, giới sinh viên đã bãi khóa và đến cuối tuần, có thêm sự ủng hộ của giới học sinh trung học. Phong trào đấu tranh bất ngờ gia tăng cường độ trong những ngày cuối tuần và Hồng Kông đã trải qua những cuộc biểu tình, rối loạn, nghiêm trọng nhất kể từ khi lãnh thổ này được trao trả cho chính quyền Trung Quốc.

Được biết, có 41 người bị thương đã được đưa đến bệnh viện chăm sóc, 78 người bị bắt giữ. Hôm nay, hơn 200 tuyến đường xe khách ngừng hoạt động hoặc đổi hướng, hệ thống tàu điện ngầm bị xáo trộn. Các trường học, nhiều doanh nghiệp bị đóng cửa.

Trong phong trào đấu tranh đòi dân chủ, bất phục tùng dân sự, giới sinh viên đã đi đầu, tố cáo sự thao túng của Bắc Kinh đối với chính quyền Hồng Kông. Hôm thứ Sáu, họ đã tràn vào chiếm trụ sở chính quyền lãnh thổ, trước khi bị cảnh sát trấn áp, đẩy lui ra ngoài.

Chính hành động dùng bạo lực của cảnh sát đã làm dấy lên làn sóng ủng hộ phong trào đấu tranh của sinh viên. Hôm 28/09, Occupy Central quyết định khởi động sớm, trước 3 ngày rưỡi so với dự kiến ban đầu, phong trào chiếm lĩnh khu trung tâm và các địa điểm công cộng khác tại Hồng Kông. Theo giới quan sát, dường như Occupy Central đang trở thành Occupy Hongkong

Tháng Tám vừa qua, Bắc Kinh thông báo là tân lãnh đạo hành pháp đặc khu Hồng Kông sẽ được bầu ra theo hình thức phổ thông đầu phiếu, vào năm 2017, nhưng người dân Hồng Kông chỉ được lựa chọn trong số 2 hoặc 3 ứng viên do một ủy ban có thẩm quyền giới thiệu.

Phong trào Occupy Central đã đòi Trung Quốc phải từ bỏ quyết định này và kêu gọi thúc đẩy tiến trình cải cách chính trị tại Hồng Kông. Tuy nhiên, cho đến nay, lãnh đạo hành pháp Hồng Kông, ông Lương Chấn Anh (Leung Chun Ying) đã yêu cầu người biểu tình trở về nhà và không nên « làm xáo trộn cuộc sống hàng ngày của người dân Hồng Kông ». Mặt khác, ông Lương cũng phủ nhận tin đồn là chính quyền Hồng Kông có thể cầu cứu đến quân đội Trung Quốc.

Những người biểu tình đã bác bỏ lời kêu gọi của ông Lương Chấn Anh và đòi ông phải từ chức. Theo tổ chức Occupy, « bất kể ai có chút lương tâm cũng phải hổ thẹn về việc đã hợp tác với một chính phủ rất ít quan tâm đến công luận ».

Trong khi đó, báo chí chính thức của Trung Quốc tố cáo các vụ biểu tình là những manh động của những kẻ « cực đoan chính trị », muốn lợi dụng suy nghĩ lý tưởng hóa và lòng nhiệt tình của sinh viên đòi có bước tiến dân chủ mới. Theo website Mỹ China Digital Times, chuyên theo dõi hoạt động tuyên truyền của Trung Quốc, thì Bắc Kinh đã ra lệnh cho tất cả các website tại nước này phải xóa bỏ ngay lập tức tất cả thông tin về các cuộc biểu tình tại Hồng Kông. Trong thời đại bùng nổ internet, mọi nỗ lực cấm đoán thông tin chỉ là « dã tràng xe cát ».

 

Đại Học Chicago đóng cửa Viện Khổng Tử

Đại Học Chicago, Hoa Kỳ, vừa ra thông báo ngắn gọn cho biết là sẽ không gia hạn hợp đồng của Viện Khổng Tử.

Quyết định nói trên là kết quả của việc 108 giáo sư của Đại Học này đã ký một kiến nghị tố giác nhà trường đã “tham gia một dự án sư phạm mang tính chính trị, hoạt động trên toàn thế giới, một dự án về nhiều mặt đi ngược với giá trị học thuật của một trường đại học” khi cho phép viện này có mặt trong khuôn viên của trường.
Giọt nước làm tràn ly có lẽ là việc làm của bà Xu Lin, là người trách nhiệm cao nhất của toàn thể chương trình Viện Khổng Tử trên toàn thế giới, khi bà này, trong một hội nghị giáo dục tại Portugal, đã ra lệnh xé bỏ một trang của tờ chương trình vì đã nhắc đến tên Đài Loan mà bà cho là bị xúc phạm.

Cho đến nay đã có khoảng 400 Viện Khổng Tử được thành lập bên ngoài Trung Quốc, ở cấp Trung Học và Đại Học, do Bộ Giáo Dục Trung Quốc tài trợ.

Sự hiện diện của các Viện Khổng Tử tại các trường đại học Hoa Kỳ ngày càng trở thành một đề tài tranh cãi gay gắt. Nhiều lập luận cho rằng các Viện Khổng tử không phải là điều tốt lành mà thực sự là một sự thách đố đối với quyền tự do vì chúng chỉ là những cánh tay tuyên truyền của một chế độ chà đạp quyền tự do học thuật, và cho rằng Viện Khổng Tử là một cơ hội cho Bắc Kinh quảng cáo cho đất nước họ, và để xóa bỏ đi hình ảnh bị nhiều người xem là một chế độ đơn điệu và một xã hội khép kín.

Ông Bruce Lincoln, một giáo sư sử học và tôn giáo cho rằng việc để cho chính phủ Trung Quốc thuê mướn và trả lương cho các giáo viên tại trường đại học là chuyện đi quá xa.

Đại Học Chicago không phải là nơi đầu tiên đóng cửa Viện Khổng Tử. Đại học Mc Master ở Canada đã đóng cửa Viện Khổng Tử khi một giáo viên người Trung Quốc, Sonia Zhao, cho biết vào năm 2012 rằng hợp đồng của cô yêu cầu cô phải giấu, không được nói mình là thành viên của Pháp Luân Công, một phong trào duy linh bị chính phủ Trung Quốc cấm hoạt động. Cô cũng nói rằng, trong khi dạy, cô đã được yêu cầu lách câu hỏi của sinh viên về các chủ đề nhạy cảm – sự chống đối của người  Tây Tạng,những người bất đồng chính kiến ​​bị giết ở Thiên An Môn – bằng cách đổi đề tài sang những chủ đề đã được phê duyệt.

Năm ngoái, cũng tại Canada, Hiệp hội các Giảng viên Đại học kêu gọi các trường đại học giảm hoặc tránh quan hệ với các Viện Khổng Tử bởi vì nó được “trợ cấp và giám sát của chính quyền độc tài Trung Quốc.”

 

 

 

Quảng Cáo
Bài Liên Hệ
Leave a Comment
Quảng Cáo
WordPress Appliance - Powered by TurnKey Linux