98% khiếu nại, tố cáo ở Việt Nam liên quan đến đất đai
Theo Bộ Tài nguyên – Môi trường Việt Nam, 80% khiếu nại – tố cáo mà họ nhận được thuộc loại “vượt cấp”. Khoảng 61% khiếu nại – tố cáo mà bộ này đã nhận thuộc loại gửi nhiều lần, đến nhiều nơi. Điều đáng lưu ý là khiếu nại – tố cáo đang có xu hướng giảm về số vụ nhưng tính chất “gay gắt, phức tạp” không giảm.
Ông Nguyễn Bá Thuyền, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Việt Nam, nhận định, hai năm qua, do kinh tế suy thoái, số dự án cần thu hồi đất giảm nên đó là lý do số lượt, số đơn, số vụ khiếu nại – tố cáo giảm. Tuy nhiên, phải chú ý đến những vụ khiếu nại, tố cáo đông người đã tăng thêm 12%, trong đó có những đoàn người khiếu nại – tố cáo với vài trăm người, căng biểu ngữ, diễu hành ngoài đường hoặc tập trung trước tư gia các viên chức lãnh đạo đảng, nhà nước để đưa đơn kêu oan, yêu cầu được tiếp và giải quyết ngay khiếu nại – tố cáo của họ.
Trong khi chế độ Hà Nội vẫn một mực cho rằng, việc dân chúng tập họp thành nhiều đoàn để khiếu nại – tố cáo với thái độ “gay gắt”, tính chất “phức tạp” là do “kẻ xấu lợi dụng, kích động” thì ông Thuyền nhận định, đó là do dân chúng khiếu nại – tố cáo mà chính quyền không giải quyết nên họ buộc phải liên kết để đòi quyền lợi.
Ông Thuyền cảnh báo, nếu để tình trạng này kéo dài thì sẽ “hết sức nguy hiểm”. Ông Thuyền cho rằng, khi tỷ lệ khiếu nại – tố cáo “vượt cấp” tăng đến 80% thì rõ ràng là hiệu quả của việc giải quyết khiếu nại – tố cáo chưa cao.
Trước kết luận tỉ lệ khiếu nại sai là 59%, tỉ lệ tố cáo sai là 63%, ông Thuyền khuyến cáo chính phủ Việt Nam phải “nghiên cứu lại”.
Cũng theo ông Thuyền, giải quyết khiếu nại – tố cáo chỉ là ngọn, phải giái quyết từ “gốc”. “Gốc” là chính sách. Chính sách không đồng nhất, không phù hợp với thực tế đã tạo ra nhiều điều rất vô lý. Chẳng hạn dân bỏ tiền mua đất với giá 20 triệu đồng/m2 nhưng khi thu hồi chỉ bồi thường có 2.4 triệu đồng/m2. Chưa kể, khi tổ chức thực hiện thì làm không đến nơi đến chốn. Rồi năng lực công chức vừa kém, vừa vô trách nhiệm. Thậm chí còn tham nhũng. Tất cả những yếu tố đó mới là nguyên nhân khiến khiếu nại – tố cáo càng ngày càng phức tạp.
Ngoài ra, tuy đã có Luật Khiếu nại, tố cáo, song hai năm qua, chưa thấy viên chức lãnh đạo cấp huyện, cấp tỉnh nào bị kỷ luật, trong khi cán bộ sai rất nhiều.
Xóa sổ chợ Tân Bình, nhiều tiểu thương mất sạp
Theo đó, khu đất gần 22,000m2 tọa lạc bốn mặt tiền đường Lý Thường Kiệt – Phú Hòa – Tân Tiến – Lê Minh Xuân của chợ Tân Bình hiện nay sẽ được xây dựng mới thành hai phần. Theo bản vẽ qui hoạch của chính quyền quận Tân Bình, một trung tâm thương mại sẽ được xây dựng trên nền chợ cũ hiện nay, gồm 17 tầng lầu và 3 tầng hầm, cùng với ngôi chợ Tân Bình mới có 6 tầng lầu. Tổng chi phí xây dựng trung tâm thương mại và chợ Tân Bình mới lên đến gần 5,000 tỉ đồng, tương đương 250 triệu Mỹ Kim.
Điều đáng lo là 3,000 tiểu thương chợ Tân Bình sẽ phải dời đến địa điểm kinh doanh mới kể từ sau tết nguyên đán 2015 tới đây. Riêng việc xây dựng khu chợ tạm hoạt động trong vòng 3 năm cũng ước tính tốn tới 220 tỉ đồng, tương đương 11 triệu Mỹ Kim. Đó là tiền của tiểu thương phải chi ra để không bị mất chỗ kinh doanh, mua – bán. 3,000 tiểu thương chợ Tân Bình hiện nay đang khủng hoảng, vì giá bồi thường sạp chợ bị giải toả của chính quyền địa phương hiện nay chỉ vào khoảng 30 triệu đồng (1,500 Mỹ Kim), trong khi trị giá sạp chợ theo thị trường hiện nay lên đến 2 tỉ đồng (100,000 Mỹ Kim). Một số tiểu thương nói rằng, chợ Tân Bình đã được hàng ngàn người góp tiền xây dựng nên, từ một bãi đất sình lầy cách nay 30 năm. Nhiều người đã bán hết đất đai, nhà cửa để mua một cái sạp, để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng sạp vô thời hạn, để giờ đây bị trắng tay. Đó là chưa kể nỗi lo của giới kinh doanh là bị buộc phải ngồi bán ở các tầng lầu cao của ngôi chợ mới sẽ hoàn thành trong vòng 4 năm tới.
Được biết, trúng thầu xây chợ Tân Bình là công ty xây dựng Tân Quang, đồng thời cũng là một bên liên doanh thực hiện dự án trung tâm thương mại dịch vụ 17 tầng ? Việc này càng làm cho tiểu thương thêm nghi ngờ về sự minh bạch của dự án.
Dư luận cho rằng điều được gọi là “hiệu quả, và lợi ích vật chất” từ việc xây chợ mới sẽ không thuộc về giới tiểu thương, mà sẽ rơi vào tay các cán bộ lãnh đạo Cộng sản Việt Nam các cấp.
Dịch cúm gia cầm H5N6 đang lan rộng tại Việt Nam
Dịch cúm gia cầm do virus H5N6 gây ra đang có dấu hiệu lan rộng trên toàn Việt Nam. Riêng tại khu vực miền Trung, Quảng Trị, Quảng Nam, Quảng Ngãi đều đã có các ổ dịch cúm gia cầm do virus H5N6 gây ra.
Tất cả các trung tâm thú ý trong tỉnh đã được lệnh chuẩn bị các biện pháp phòng chống sự lây lan, đặc biệt là các phương pháp ngăn ngừa virus từ gia cầm lây sang người. Giới hữu trách khuyến cáo người dân không nên tiêu thụ các sản phẩm gia cầm bị nhiễm bệnh.
Suốt thập niên vừa qua, Việt Nam liên tục phải đối phó với các đợt dịch cúm gia cầm và phải gánh chịu nhiều tổn thất về nông nghiệp, chưa kể sức khỏe cộng đồng bị đe dọa.
Hồi tháng hai năm nay, dịch cúm gia cầm do virus H5N1 gây ra tái bùng phát và lan rộng ở 22 tỉnh, thành phố tại Việt Nam. Trong đợt dịch đó, có ít nhất ba người đã thiệt mạng vì nhiễm vius H5N1 từ gia cầm sống.
Bên cạnh những nguy cơ về các đợt dịch cúm gia cầm do virus H5N1 gây ra. Việt Nam còn dối diện với nguy cơ dịch cúm gia cầm do virus H7N9 gây ra có thể sẽ bùng phát. Giống như virus H5N1, virus H7N9 cũng lây lan từ gia cầm sang người.
Virus H7N9 được phát giác hồi tháng 2 năm ngoái và vẫn khu trú trong phạm vi Trung Quốc song khả năng loại virus này xâm nhập Việt Nam rất lớn bởi các tỉnh của Trung Quốc nằm giáp với biên giới Việt Nam đều đã có ổ dịch do virus H7N9 gây ra.
Ðáng chú ý gia cầm nhiễm virus H7N9 không có bất kỳ triệu chứng bất thường nào và chỉ có thể xác định virus H7N9 qua xét nghiệm, trong khi loại virus này lại có độc tính rất cao đối với con người. Cứ bốn người nhiễm thì có một người chết. Chưa kể virus H7N9 không chỉ xuất hiện trên gà, vịt mà còn tồn tại trên chim trời.
Cho đến nay, Việt Nam chưa tìm thấy sự hiện diện của virus H7N9 nhưng không thể loại trừ nguy cơ dịch cúm gia cầm do virus H7N9 bùng phát vì chính quyền Việt Nam không thể kiểm soát việc vận chuyển và kinh doanh gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập cảng trái phép từ Trung Quốc vào Việt Nam.
Interpol truy quét hàng giả ở Trung Cộng và Việt Nam
Đó là kết quả của một chiến dịch truy quét hàng giả của Trung Cộng tại Trung Cộng và Việt Nam có tên là Operation Real do Interpol thực hiện trong thời gian từ ngày 5/5/2014 tới ngày 11/5/2014 tại 10 quốc gia và vùng lãnh thổ bao gồm Campuchia, Trung Quốc, Ấn Độ, Philippines, Fiji, Indonesia, Nam Hàn, Thái Lan và Việt Nam.
Thông cáo của Interpol cho biết là các cuộc thử nghiệm cho thấy mỹ phẩm giả có chứa một lượng thủy ngân rất cao vốn rất độc cho con người.
Ông Michael Ellis, người đứng đầu bộ phận chống hàng gian, hàng giả của Interpol cho biết : “Chiến dịch này một lần nữa cho thấy quy mô xuyên quốc gia của tội phạm buôn hàng gian, hàng giả cũng như phạm vi hoạt động quốc tế của các mạng lưới tội phạm trong lĩnh vực này. Để chống lại loại tội phạm này có hiệu quả thì cần phải có một phản ứng phối hợp toàn cầu giữa các lực lượng thực thi pháp luật và tất cả các bên có liên quan như chúng ta đã thấy trong kết quả thắng lợi của chiến dịch Operation Real”.
Leave a Comment