Ở Hà Nội vừa xảy ra một sự kiện chính trị – văn hóa gây tiếng vang lớn. Một cuộc triển lãm về Cải cách ruộng đất (CCRĐ)1945-1956 mở ra tại Bảo tàng lịch sử Việt Nam dự định kéo dài đến cuối năm, được khai mạc khá trọng thể, bỗng đóng cửa sau có 2 ngày «vì lý do ánh sáng».
Đã có nhiều bài viết trên các blog tự do phỏng đoán vì sao một cuộc triển lãm quan trọng đến vậy lại đột nhiên «đứt phim» khi vừa khởi đầu. Có người cho rằng đó là vì ngay lúc khai mạc, hàng trăm bà con nông dân ở phường Dương Nội – Hà Đông đã rủ nhau tụ tập thành hàng ngũ ra thủ đô cùng mặc áo đỏ với nhiều biểu ngữ, truyền đơn tố cáo bọn cường hào mới đã cướp đất, cướp nhà của bà con nông dân địa phương. Bà con cho rằng nếu cuộc triển lãm có mục đích biểu dương chính sách bênh vực nông dân của đảng thì đây có thể là nơi đảng sẽ phải biểu thị tiếp tình nghĩa công – nông liên minh nhất quán của mình.
Và thế là đảng bị chóng mặt. Vì việc gì sẽ xảy ra nếu như nông dân bị oan ức ở Thái Nguyên, Vĩnh Phú, Hòa Bình, Sơn Tây, rồi Hưng Yên, Thái Bình, Nam Định…cùng rủ nhau đi xem triển lãm với yêu sách đòi đảng phải có chính sách bảo vệ thực sự quyền lợi của nông dân? Đóng cửa là thượng sách.
Một phản ứng của giới trí thức là cuộc triển lãm quá sơ sài, chỉ có 150 hiện vật, tranh ảnh, đồ dùng sinh họat hàng ngày của nông dân và của địa chủ, những khẩu hiệu sách báo nói về CCRĐ, những tài liệu đã được tuyển chọn kỹ nói về tội ác bán nước của giai cấp địa chủ VN theo thực dân Pháp, Nhật, bóc lột đến cùng cực nông dân. Cuộc triển lãm có chủ ý minh họa đường lối đúng đắn của đảng CS, tuy có sai lầm nhưng đã được sửa chữa, mở ra một cuộc phát triển chưa từng có của nông thôn, nông nghiệp và nông dân.
Mặc dù toàn bộ sự thật về nông thôn và nông dân VN đã bị che giấu, nhưng tất cả mọi điều che giấu quan trọng nhất càng thêm nổi bật trong thời buổi thông tin nhanh nhạy ngày nay. Đúng vào lúc nhạy cảm, cuốn Trần Đức Thảo – Những Lời Trăng Trối của ký giả Tri Vũ Phan Ngọc Khuê và cuốn Đèn Cù của nhà báo Trần Đĩnh đã có nhiều tư liệu về CCRĐ phong phú, chính xác gấp bội phần so với cuộc triển lãm nghèo nàn nói trên.
Biết bao câu hỏi được đặt ra trong cuộc đối thoại toàn xã hội về CCRĐ. Có thật Hồ Chí Minh đã gửi thư kèm kế hoạch CCRĐ để xin ý kiến xét duyệt của Stalin, và kế họach ấy đã được xem xét bởi Lưu Thiếu Kỳ, chủ tịch nước CHND Trung Hoa hồi đó? Vai trò của đoàn cố vấn Trung Quốc về CCRĐ ra sao? Có bao nhiêu địa chủ bị tử hình và tỷ lệ oan sai là bao nhiêu? Con số do tiết lộ từ lưu trữ của Văn phòng Trung ương đảng là 172.008 địa chủ bị tử hình, trong đó oan sai là 123.266, có đúng không? Rồi thái độ của Hồ Chí Minh đối với việc bà Nguyễn Thị Năm – Cát Hanh Long thực sự là ra sao? Ông ga-lăng kiểu Tây phương – «không đánh phụ nữ dù bằng một cành hoa» (theo lời ông Hoàng Tùng), ông hứa «sẽ can thiệp với các đồng chí Trung Quốc để không khởi đầu cuộc CCRĐ bằng cách xử bắn một phụ nữ» (qua lời kể của ông Hoàng Quốc Việt), hay chính ông đã che chòm râu lẩn vào đám đông đích thân dự cuộc xử bắn bà Năm, và cũng chính ông viết bài kể tội bà Năm «Địa chủ ác ghê», gửi đăng báo Nhân Dân, ký tên C.B., nghĩa là Của Bác. Tôi tin 2 chi tiết vừa nói theo lời kể của nhà báo Trần Đĩnh trong Đèn Cù là chính xác.
Nhưng lý do chính đóng cửa vội vã cuộc triển lãm CCRĐ có thể là ở chỗ nó đụng đến cái tử huyệt của đảng CS VN hiện nay.
Vì CCRĐ cũng như Cải tạo tư sản, Cải tạo gian thương, cải tạo Công thương nghiệp đều tuân theo lời dạy của Mác và Lênin là «Tước đọat của những kẻ tước đọat». Tài sản của địa chủ đều là tài sản từ sức lao động của nông dân bị địa chủ tước đọat, nay CCRĐ chỉ là tước đọat trở lại trả về cho nông dân, theo lẽ công bằng của đạo lý và pháp luật. Cuộc triển lãm trưng bày ảnh nhà cửa, bữa ăn, bàn đèn hút thuốc phiện của địa chủ và chòi rơm rạ, bữa ăn đạm bạc của bần cố nông. Thế nhưng người xem liền liên tưởng đến giai cấp «tư sản Đỏ» hiện nay, mà nhà thơ Hà Sỹ Phu gọi là những «phú nông, địa chủ, cường hào cộng sản» mới, thì những địa chủ ác ôn cũ chỉ đáng xách dép cho các địa chủ và tư sản mới ngày nay.
Chẳng cần phải sưu tầm để triển lãm và giải thích minh họa cũng có thể thấy giai cấp địa chủ, tư sản Đỏ hiện nay đang sống ra sao – nhà cao cửa rộng gấp trăm ngàn lần địa chủ ác ôn thế kỷ trước, có xe xịn Nhật, Đức, có tài sản, cổ phần cổ phiếu, tài khoản ngân hàng lên đến vài triệu đôla. Tất cả không phải có được từ tài năng, cạnh tranh hợp pháp, mà phần lớn là từ đầu cơ quyền lực, chức vụ, mánh mung phe nhóm, chia chác của công, tức là của xã hội, của nhân dân nghèo khổ.
Họ giật mình là phải lẽ. Họ sợ, vì bị điểm trúng tử huyệt. Cái huyệt chết người. Người dân trước cuộc «triển lãm» của cuộc sống thật khắp nơi nhận ra bất công xã hội không thể chấp nhận nổi nữa, đang không đòi gì hơn là lẽ công bằng: Phải tước đoạt lại của những kẻ tước đoạt để trả về cho nhân dân, cho xã hội. Và ngay lúc này.
Tài sản của nguyên tổng thống Tunisia hơn 8 tỷ đôla đã bị sung công, tài sản của nguyên tổng thống Gaddafi ở Libya lên đến 12 tỷ cũng đã bị sung vào công quỹ. Ở Trung Quốc, toàn bộ tài sản ước tính lên đến 80 tỷ đôla của nguyên bộ trưởng Công an Chu Vĩnh Khang cùng với tài sản của hơn 400 cán bộ cấp cao liên quan đến ông Chu đã bị phong tỏa và sung công.
Những gì của Cesar phải trả lại cho Cesar. Các nhà lãnh đạo CS ở VN định khoe công lao của họ trong CCRĐ qua cuộc triển lãm sơ sài chỉ nói lên một góc nhỏ của sự thật, đã và khơi dậy một đòi hỏi lớn lao và chính đáng là phải nói lên đầy đủ sự thật, và hãy thực hiện công bằng xã hội ngay nhãn tiền: chống tham nhũng thật sự, trả lại tài sản phi pháp đã tước đọat của xã hội cho nhân dân, trả lại quyền tự do và quyền làm người cho toàn dân, đã bị đảng tước đoạt quá lâu. Đây là cái huyệt nợ đời của đảng CS.
Bùi Tín
Leave a Comment