Kính thưa quý thính giả, nhân cuộc triển lãm cải cách ruộng đất ở Hà Nội, trong mục bình luận hôm nay và kỳ tới, chúng tôi xin gừi đến quý vị bài viết nhan đề “Chọc cải cách ra mà ngửi” của tác giả Ngô Nhân Dụng, đăng trên nhật báo Người Việt. Sau đây mời quý vị nghe phần một của bài viết.
******************
Nghe tin có cuộc triển lãm về Cải Cách Ruộng Đất tại Hà Nội, tôi đã tìm đọc mấy bài tường thuật trên các báo trong nước và các mạng thông tin. Cảm tưởng chung: Đây chỉ là một trò tuyên truyền rất vụng về, mạo xưng là “lịch sử;” mà nó lại nhạt phèo, chẳng có gì mới mẻ đáng coi. Người ta trưng bày những sập gụ, tủ chè, bát đĩa dùng trong nhà địa chủ; bên cạnh cảnh sống bần hàn của những nông dân. Những người tổ chức cuộc triển lãm chắc hy vọng mọi người xem xong sẽ kết luận: Xã hội thời xưa thật lắm cảnh bất công. Nếu có bất công tức là có bóc lột, đó là cách suy nghĩ đơn giản, dễ khiến người ta tin.
Nhưng người biết suy nghĩ sẽ nhận ra điều này: Thời nay cũng nhiều cảnh bất công không khác gì 60 năm trước. Chỉ cần nhìn vào ngôi nhà của một ông Bí Thư Huỳnh Đức Hòa, tỉnh ủy Lâm Đồng, người ta cũng có thể thấy ông giàu có gấp ngàn lần các địa chủ thời 1946-1957. Trong khi đó thì bao nhiêu người lao động đang sống trong các ổ chuột ở thành phố vẫn chạy ăn từng bữa. Và cảnh sống của đồng bào nghèo tại các vùng nông thôn xa; nếu so sánh nhà cửa của họ với ngôi nhà tồi tàn của người nông dân nghèo khổ, của các bần cố nông thời cải cách ruộng đất, chắc cũng như nhau. Nếu khá hơn cũng chỉ hơn đến gấp đôi, gấp ba là cùng. Hố cách biệt giàu nghèo ngày nay tăng lên gấp trăm, gấp ngàn lần so với thời 1950! Nếu có bất công tức là có bóc lột, thì ngày nay ai bóc lột ai?
Xưa: Nhà Địa chủ – Nhà Đầy tớ
Nay: Nhà Đầy tớ – Nhà Ông chủ
Do đó, cuộc triển lãm về Cải Cách Ruộng Đất sẽ gây tác dụng ngược. Thay vì “gây căm thù” đối với các địa chủ ngày xưa, cuộc triển lãm sẽ khiến người đi coi nghĩ tới các đại địa chủ thời nay. Một điều hiển nhiên ai cũng thấy: Sau khi Đảng Cộng Sản cướp ruộng đất từ tay các địa chủ, thì nông dân Việt Nam bây giờ có được làm chủ ruộng đất hay không? Câu trả lời là: Không! Ngày nay tất cả ruộng đất thuộc quyền của “nhà nước.” Nhà nước là tay đại địa chủ, nắm quyền cho dân “cấy rẽ,” cho ai thì người ấy được “quyền sử dụng,” chỉ là quyền sử dụng chứ không phải quyền sở hữu. Nhà nước là một bộ máy khổng lồ vô hình, nhưng đại diện của nó là các quan chức, cán bộ từ tỉnh xuống huyện, xuống xã. Họ nắm toàn quyền, ban bố quyền sử dụng cho đám dân đen. Họ có thể lấy lại quyền sử dụng của nông dân để ban phát cho các nhà tư bản đỏ, bồi thường dân một đồng thì thu lời hàng trăm đồng. Cả bộ máy nhà nước này nằm gọn trong tay Đảng Cộng Sản. Đảng là tay đại địa chủ thời nay. Đảng đưa ra khẩu hiệu “Người cầy có ruộng,” nhưng cuối cùng chỉ có đảng là có ruộng, nông dân Việt Nam vẫn đóng vai tá điền. Thay vì các địa chủ thu tô, ngày nay nông dân sống dưới chế độ đảng thu thuế. Báo chí trong nước vừa so sánh số thuế má, dưới nhiều hình thức, tại một tỉnh Thanh Hóa ngày nay còn nhiều hơn các món thuế nông dân phải đóng trong thời thuộc Pháp.
Một phản ứng ngược khác, là người đi xem triển lãm sẽ bất mãn thêm khi thấy đây chỉ là một trò tuyên truyền cũ kỹ, hoàn toàn không phải là lịch sử, dù được trưng bày tại Viện Bảo Tàng Lịch Sử Quốc Gia. Người biết suy nghĩ sẽ thấy, như Tiến Sĩ Nguyễn Xuân Diện, tại sao một cuộc triển lãm tự xưng là lịch sử mà lại không được trung thực. Tiến Sĩ Nguyễn Xuân Diện nói, “… những sai lầm – tội ác do chính quyền gây ra thời đó không được đưa ra, những việc phá tan chùa, đình, miếu, làng, xã…làm phá vỡ những truyền thống đạo lý – văn hóa tốt đẹp của con người Việt Nam qua ngàn năm …” cũng không được trưng bày ra.
Nhưng việc phá tan những miếu mạo, đình chùa cũng không phải là tội ác văn hóa lớn nhất của Đảng Cộng Sản. Ông Nguyễn Tường Thụy, một người làm blog riêng có tiếng ở Hà Nội đã nhắc đến tội ác khác về văn hóa, là cuộc Cải Cách Ruộng Đất “nó tàn phá luân lý đạo đức lúc bấy giờ” với những cảnh “cha tố con, con tố cha, vợ tố chồng, anh em tố nhau …” Và ông nhấn mạnh rằng, “Cải cách ruộng đất là do người Trung Quốc, các chuyên gia Trung Quốc chỉ đạo và cố vấn…” Một blogger khác, J.B Nguyễn Hữu Vinh đã đi xem triển lãm, kể lại, “Đi bên cạnh, cô thuyết minh viên áo đỏ (nói) liên tục (rằng): ‘Cải cách ruộng đất xóa bỏ chế độ người bóc lột người, là cách mạng về quan hệ sản xuất và nông dân đổi đời…’ Tôi (tức nhà báo Nguyễn Hữu Vinh) quay lại nói, ‘Quan chức Cộng Sản ngày nay thì đất đai, nhà cửa, ăn chơi còn gấp trăm lần địa chủ phong kiến trước đây. Mà tất cả là từ tiền tham nhũng của dân, còn địa chủ phong kiến ngày xưa có ăn chơi cũng là tiền của họ. Bây giờ có ông quan hàng trăm ha đất như chủ tịch Bình Dương thì bọn địa chủ sao so được nhỉ?’”
Nguyễn Hữu Vinh trông thấy một nhiếp ảnh gia đi chụp các vật trưng bày trong phòng triển lãm, khi chụp hình xong, anh ta kết luận, “Thôi, cái hay, là chúng nó đưa ra để dân biết rằng cái giai cấp địa chủ, phong kiến ngày xưa chẳng là cái gì so với bọn quan Cộng Sản tham nhũng hôm nay.”
Nhà và đất của Chủ tịch tỉnh Bình Dương
Một di họa văn hóa của thời Cải Cách Ruộng Đất vẫn để lại bóng đen lảng vảng trong xã hội Việt Nam: “Cái gọi là ‘thành phần’ xuất hiện trong thời đó, cho đến nay tròn 60 năm sau vẫn ám ảnh trong từng tờ hồ sơ, lý lịch của các em nhỏ đến trường, dù chúng chẳng hiểu “thành phần” nghĩa là cái gì và từ đâu ra.”
Cuối cùng, chỉ vì Đảng Cộng Sản tổ chức cuộc triển lãm tuyên truyền vô duyên này, những người như các ông J.B Nguyễn Hữu Vinh, Nguyễn Tường Thụy, Nguyễn Xuân Diện có cơ hội bày tỏ những suy nghĩ thật của người dân Việt thời nay. Rõ là chỉ làm cho rách việc thêm!
Kính thưa quý thính giả, qua cuộc triển lãm CCRĐ, nhiều người đã đặt ra câu hỏi tại sao lại tổ chức triễn lãm vào lúc này, và phản ứng của dân chúng đối với cuộc triển lãm người dân ra sao? Đó là những điều được tác giả Ngô Nhân Dụng trình bày trong phần hai của bài viết, sẽ được gửi đến quý vị trong mục bình luận kỳ tới. Mời quý vị đón nghe.
Leave a Comment