Với 7 triệu đồng, mua được bằng tiến sĩ
Ở Việt Nam, các loại bằng vẫn được rao bán công khai trên các trang mạng trong nhiều năm nay nhưng không thấy Bộ Giáo dục lên tiếng.
Chẳng hạn như nhiều năm nay, ở thành phố Biên Hòa (Đồng Nai), nhiều người rỉ tai nhau có một đường dây “chạy” tất cả các loại giấy tờ từ bằng tốt nghiệp trung học, đại học, thạc sĩ, tiến sĩ… cho đến các loại giấy tờ công chứng khác với giá cực rẻ. Nhiều người còn khẳng định đường dây này cung cấp các loại giấy tờ, bằng cấp giống như thật tới 99,99%…
Phóng viên của báo Dân Trí cho biết ngay tại Sài Gòn cũng có các đường dây móc nối cho các nơi làm bằng cấp giả như vậy. Người ta có thể làm ở đó tất cả các loại bằng cấp của tất cả các trường từ đại học, cao đẳng, trung cấp, cấp 3… trong nước.
Thậm chí các đường dây làm bằng cấp giả đang cạnh tranh nhau hạ giá từng ngày.
Giá làm bằng giả ở Việt Nam chưa bao giờ thấp đến vậy. Bằng Trung học là 1,5 triệu đồng; Cao đẳng 3 triệu đồng; Đại học 4,5 triệu; Thạc sĩ 5 triệu đồng; tiến sĩ 7 triệu đồng”. Thậm chí, nhiều cán bộ, quan chức của các công ty biết được nhu cầu làm bằng giả này của người đi tìm việc nên chính họ là người móc nối cho các nơi làm bằng giả để ăn tiền trung gian.
Mỗi năm, trong nước có hàng trăm vụ làm bằng giả bị phanh phui, hàng ngàn người mua bằng bị phát hiện. Tuy nhiên hầu như những vụ án đó đều được xử qua loa, coi như là điều không quan trọng.
Với các cơ quan nhà nước, khi phát hiện cán bộ, nhân viên sử dụng bằng giả vẫn chỉ là xử lý kỷ luật cảnh cáo, hạ bậc… chính vì cách xử không nghiêm này mà đất sống cho mua bán bằng giả vẫn còn rất mạnh mẽ.
Gần đây, các quyết định của Nhà nước CSVN về đối chiếu bằng cấp để thăng quan tiến chức, lại khiến nạn bằng giả lại bùng phát mạnh hơn.
Muốn chủ quyền hợp pháp người dân phải ‘biếu’ đất cho quan
Thậm chí hồ sơ chuyển đổi mục đích sử dụng đất về đến huyện, cũng có người ở xã lên huyện chơi và “mượn” mất hồ sơ… những câu chuyện khó tin này nếu không được những người dân dũng cảm tố cáo với báo chí, chắc chắn không bao giờ được đưa ra ánh sáng.
Năm 2004, bà Vũ Thị Liêm ở thôn Mỹ Khánh, xã Phấn Mễ, có nhu cầu chuyển đổi hơn 400m2 đất vườn tạp ở mặt đường QL3 Bắc Cạn, Thái Nguyên sang đất thổ cư để chia cho 4 người con. Biết chuyện, ông Hải nói sẽ làm thủ tục và yêu cầu bà Liêm phải nộp 20 triệu đồng để làm thủ tục, nộp tiền chuyển đổi…
Sau đó, ông Hải đến nhà và đưa ra một số giấy tờ trắng và bảo bà Liêm ký vào đó, vì ông Hải là cán bộ xã nên bà tin tưởng ký mà không hỏi ý kiến chồng, các con. Một thời gian sau, nhận được sổ đỏ nhưng diện tích chỉ có 165m2.
Diện tích đất còn lại 240m2, gia đình bà Liêm phát hiện được chuyển thành sổ đỏ mang tên Nguyễn Thị Hảo – con gái ông Hải (120m2) và vợ chồng ông chủ tịch xã lúc đó là ông Nguyễn Ngọc Sơn, bà Nguyễn Thị Toan (120m2). Hiện ông Sơn là bí thư Ðảng Ủy xã Phấn Mễ.
Ông Sơn thừa nhận vợ chồng ông đã được cấp sổ đỏ cho 120m2 đất có nguồn gốc từ đất của hộ bà Liêm, song cho rằng chuyện giữa bà Liêm cho ông Hải thế nào không biết, còn 120m2 đất đó, ông Hải bán cho gia đình ông. Tuy nhiên, khi hỏi vợ chồng ông mua với giá bao nhiêu, ông Sơn cho biết: “Tôi chỉ phải nộp hơn 16 triệu một tí để đóng thuế cho Nhà nước, còn việc ông Hải bán cho tôi là việc chỉ tôi với ông Hải biết. Sau đó, ông Hải làm thủ tục và tôi chỉ nhận giấy chứng nhận đứng tên vợ chồng tôi. Thế là xong!”
Ngoài bà Liêm, còn hàng chục hộ khác ở Phấn Mễ bị cướp đất tương tự, song không ai dám tố cáo vì sợ “khó sống” với “ nhóm lợi ích” địa phương này, bởi hiện thế lực của chúng còn rất mạnh.
Tại nhiều vùng nông thôn ở Việt Nam hiện nay, việc các “quan cộng sản” từ xã đến huyện như vua một cõi, họ có thể thao túng, làm bất cứ điều gì từ việc làm giàu bất chính đến cướp ruộng đất của người dân để trục lợi cho bản thân và đồng bọn.
Hậu vụ Vinalines: Những con tàu giá triệu đô trở thành ‘tàu ma’
Có giá trị sổ sách hơn 1,000 tỉ đồng (tương đương $50 triệu), đầu tư gốc 1,600 tỉ đồng nhưng hiện nhiều con tàu có xác “hoành tráng” của tổng công ty hàng hải Việt Nam (Vinalines) đang chờ bán với giá sắt vụn.
Theo báo Người Lao Ðộng, hơn 3 năm kể từ khi chuyển từ tập đoàn Vinashin về Vinalines, đội tàu Vinashinlines với hơn 10 chiếc, có tải trọng lên đến trên 200,000 tấn đến nay chỉ còn 4 chiếc đang hoạt động.
Số còn lại đã phải tạm dừng khai thác do xuống cấp nghiêm trọng phải neo đậu vạ vật tại Quảng Ninh, Hải Phòng, Sài Gòn, thậm chí sang tận Cambodia trong suốt hai năm qua. Vinashinlines thừa nhận hệ thống tàu Lash (chuyên dùng để chở sà lan, có thể nhận và trả hàng sâu trong nội thủy) hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, đã dừng khai thác.
Ngoài các con tàu kể trên, số tàu nhỏ thuộc “tập đoàn tham nhũng” Vinalines đang bỏ hoang không thể nhớ hết. Vinashinlines từng rao bán các tàu này hơn một năm trước nhưng hiện chưa có người mua.
Ngoài ra, riêng tiền trông coi bảo quản tối thiểu cho mỗi con tàu cũng đã ngốn thêm trên dưới 400 triệu đồng mỗi tháng.
Do không còn nguồn thu để duy trì tình trạng an toàn tối thiểu nên các giấy chứng nhận an toàn cho các con tàu trên sẽ hết hiệu lực. Khi đó chỉ có thể bán dưới dạng thanh lý, giải bản với giá sắt vụn chứ không thể bán với giá tàu còn hoạt động.
Từ khi vụ án điển hình “Ụ nổi 83M,” với bị cáo Dương Chí Dũng, nguyên cục trưởng Cục Hàng Hải CSVN nâng giá mua ụ nổi khoảng hơn $14 triệu lên $19.5 triệu, nhằm tham nhũng ăn chia với “nhóm lợi ích” dưới sự chỉ đạo của “đồng chí X” (ám chỉ Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng), Vinalines đã trở nên nổi tiếng.
Cũng từ đây, những khoản nợ ngàn tỉ của “nhóm lợi ích” này gây ra đổ hết lên đầu người dân Việt.
Chiến dịch bãi khóa đòi dân chủ của sinh viên Hồng Kông
Vào cuối tuần qua, Trung Quốc thông báo quyết định các ứng cử viên ra tranh chiếc ghế lãnh đạo hành pháp Hồng Kông năm 2017 phải được Bắc Kinh chấp thuận, nói cách khác, phải là người tuân thủ mệnh lệnh của Hoa lục, dưới mỹ từ « yêu nước ».
Hình thức « phổ thông đầu phiếu » nửa mùa này đã gây phản ứng thất vọng tại Hồng Kông nhất là trong bộ phận dân chúng muốn hưởng một quy chế dân chủ thật sự « một đất nước, hai chế độ », không có bàn tay can thiệp của đảng Cộng sản Trung Quốc.
Một Liên minh tranh đấu cho dân chủ kêu gọi phát động phong trào bất phục tùng công dân chống quyết định của Trung Quốc, chiếm đóng đường phố quan trọng ngay trung tâm tài chính.
Tham gia phong trào tranh đấu, sinh viên Hồng Kông cho biết họ sẽ bãi khóa bỏ học suốt một tuần kể từ ngày 22 tháng 9 trước khi chuyển sang giai đoạn quyết liệt hơn « bất phục tùng công dân ».
Theo lãnh đạo sinh viên đại học Hồng Kông Yvonne Lương thì bãi khóa là lời cảnh cáo yêu cầu chính quyền phải lắng nghe nguyện vọng dân chúng.
Vào trưa ngày 5/09, sinh viên đại học Trung Hoa (Hồng Kông) tụ tập trước bức tượng « Nữ thần Dân chủ » trong khuôn viên đại học, biểu tượng của phong trào dân chủ Thiên An Môn 1989.
Leave a Comment