Vào những ngày cuối tháng 8 này, khi sự kiện giàn khoan tạm thời lắng xuống, ông Lê Hồng Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban bí thư đã được phép đến Bắc Kinh với tư cách là đặc phái viên của ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Vào phút chót, trước khi kết thúc chuyến đi, ông Lê Hồng Anh cũng được gặp Tổng bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình để nghe huấn dụ
Về sự kiện này, từ thành phố Đà Lạt, tiến sĩ Hà Sĩ Phu đã có đôi lời bình luận qua cuộc phỏng vấn của phóng viên Trần Quang Thành.
***
– TQT: Xin chào TS Hà Sĩ Phu
– HSP: Vâng, xin chào nhà báo Trần Quang Thành thân mến
– TQT: Thưa TS HSP, sứ thần Lê Hồng Anh đã sang Trung Quốc 2 hôm nay, ngày 26 và 27 tháng 8, TS có theo rõi chuyến đi này của sứ thần LHA không ạ?
– HSP: Mấy hôm nay tôi bị đau nên không theo rõi được chi tiết nhưng cũng nắm được khái quát tình hình. Trước đó có hai đại biểu Hoa Kỳ, ông John Mccain và tướng Demsey, sang thăm Việt Nam thì nhiều người đã hy vọng về quan hệ Việt Mỹ có thể cải thiện, lại thấy rằng ngay cả cánh bảo thủ Việt Nam cũng muốn liên kết với Mỹ thì tình hình đã có chút hy vọng trong việc cân bằng với Trung Quốc. Nhưng nay thấy ông Lê Hồng Anh sang Trung quốc, muốn nói lời đền bù, xin lỗi về một số lời phát biểu có thể làm phật lòng Trung Quốc, nay xin “khôi phục” lại tình hữu nghị thì khác nào một cuộc “tiểu Thành Đô”, thế nên bây giờ nhiều người mới ngã ngửa ra rằng tình hình nó chẳng có thay đổi gì cả. Tôi muốn nhắc đến một câu thế này: “Dĩ bất biến ứng vạn biến”. Câu này không phải câu của riêng ông Hổ đâu, sách vở chữ nho đã có từ trước rồi, nghĩa là phải nắm vững, nắm chắc những điều cơ bản, từ gốc rễ, thì mới có thể hiểu và ứng xử những điều chi tiết ở trên ngọn.
Trong tình hình chính trị hiện nay thì nắm cái gì là cái gốc để khỏi dao động trước những diễn biến lặt vặt cụ thể? Cái gốc là ĐCSVN đã bán dần chủ quyền đất nước mình cho Trung Quốc, để trở thành một nước chư hầu hoặc thành một tỉnh của Trung Quốc, còn những hoạt động cụ thể lúc thì tô điểm, lúc thì thích nghi, lúc thì đánh lừa, song cái thế “bán nước” đã định hình không có thay đổi. Muốn thay đổi thì phải có những áp lực gì? Về áp lực của thế giới, đòi hỏi phải có dân chủ nhân quyền thì mới được thế này thế kia, nhưng thực tế nước nào cũng vì quyền lợi của mình nên chưa có áp lực gì thật quan trọng cả. Áp lực trong nước thì nhân dân từ chỗ tay trắng đã làm được như hôm nay, khoảng 2 chục tổ chức xã hội dân sự đã hình thành, đã ngồi lại được với nhau, chúng ta đã cố gắng rất nhiều nhưng bấy nhiêu cũng chưa đủ thành áp lực. Áp lực về kinh tế thì đáng kể, nếu phá sản, vỡ nợ, hệ thống ngân hàng sụp đổ thì đúng là áp lực, nhưng biết đâu Việt nam lại càng dựa vào Trung Quốc để cứu nguy? Giới trí thức thường có 2 điều ngộ nhận. Thứ nhất là tin vào quy luật “cùng tắc biến”, đến tận cùng thì nó phải đổ, nhưng trong khi chưa có lực lượng tốt đủ mạnh tiếp cận vào để kéo nó đi, thì có khi nó lại biến thành một cái gì đó xấu hơn. Nói một cách nôm na cho dễ hiểu thì ví dụ có một thằng khốn nạn đến bước đường cùng phải đổ, nhưng nó lại biến thành một thằng khốn nạn khác, chứ chắc gì đã thành một người tử tế, khi cái lực lượng bắt nó phải thành tử tế thì chưa có, chưa đáng kể.
– TQT: Bảy mươi năm dân ta sống dưới chế độ do ĐCSVN cầm đầu, đã thấy nhiều lần ĐCSVN thay đổi, thí dụ đổi ĐCS thành đảng Lao động Việt Nam, rồi lại đổi thành ĐCS, bây giờ có người lại muốn nó trở lại thành đảng Lao động Việt Nam? Ông thấy thủ đoạn đó có thể làm cho Việt Nam này thay đổi hay không thưa ông?
– HSP: (Xin nhắc lại điều vừa nói), trí thức ta học nhiều nên cứ tin vào quy luật, “cùng thì tắc biến”, rồi nó cũng phải tốt thôi. Nghĩ thế là rất sai, tôi thường nói bỗ bã với anh em, bước đường cùng thì một thằng tồi tệ thường biến thành một thằng tồi tệ khác, chứ tin nó phải thành người tử tế thì chẳng có quy luật nào như thế cả. Một khi cái độc tài toàn trị được chủ động thiết kế con đường thay đổi của nó thì nó bỏ cái xấu cũ và thực hiện cái xấu mới thôi. Đất nước hiện nay chưa có có lực lượng nào có thể đối trọng với cái độc tài toàn trị. Tôi muốn trở lại với ý kiến: Muốn thoát khỏi ách nô dịch của Trung Quốc thì dứt khoát phải thoát khỏi ách Cộng sản. Hai việc ấy phải làm đồng thời. Thủ phạm làm mất nước là chế độ CS độc tài toàn trị. Quý vị nói Thoát Trung là phải thoát bằng Văn hóa, tức là chĩa mũi nhọn vào văn hóa, chĩa mũi nhọn vào 4000 năm lịch sử, quy tội vào tất cả mọi người Việt Nam, thì cái anh Cộng sản nó sướng quá! Thực ra Văn hóa là cái nền nhưng cái nền rất xa, đừng quên thủ phạm trực tiếp là Cộng sản!
– TQT: Thưa TS HSP, có người nói rằng chúng ta công nhận đa nguyên đa đảng, có nghĩa là rồi đây vẫn có ĐCS nên họ lưu lại để làm cho đảng của họ tốt hơn. Vậy ý kiến của ông về điều này thế nào?
– HSP: Nói đa nguyên đa đảng là phải đa nguyên đa đảng thật, bình đẳng, chứ đa đảng mà lại dưới sự lãnh đạo của một đảng, thì cũng giống như Trung Quốc, cũng 8-9 đảng chứ có phải không có đâu, nhưng thế là đa đảng cuội. Đa đảng thật thì đảng cộng sản tất nhiên cũng có quyền tồn tại như các đảng khác, nhưng trong điều kiện bình đẳng như thế thì đảng cộng sản không thể trở thành một đảng lãnh đạo được, vai trò lịch sử của đảng cộng sản chỉ là vai trò đối trọng, phản biện khi chủ nghĩa tư bản còn man rợ, chứ khi trở thành một đảng cầm quyền để lãnh đạo xây dựng đất nước thì đảng cộng sản bao giờ cũng là một đảng tồi, là một đảng nhỏ yếu, thực tế khắp thế giới đã chúng minh điều đó, vì chủ nghĩa cộng sản vốn là một lý thuyết phi khoa học và phản dân chủ, phản quy luật, nhân loại đã đào thải, cho nên tôi không tin rằng cứ là cộng sản mà lại chân chính, ví như cả một tà giáo đã không chân chính thì tín đồ của nó sao lại chân chính được? Nói thế là ngụy biện. Hiện nay những đảng viên còn trong đảng cũng có một vai trò trong cuộc đấu tranh cho dân chủ, nếu quả thực muốn đấu tranh, chứ hy vọng ở lại trong đảng để xây dựng một thứ cộng sản chân chính thì chỉ là ảo tưởng.
Xin nói tiếp về 2 nhận thức sai lầm: sai lầm thứ nhất là cứ tin vào quy luật rằng cuối cùng nó sẽ phải tốt. Sai lầm thứ hai, nói rằng ta chỉ cần chống độc tài toàn trị chứ không cần chống cộng sản, nếu cộng sản lại dân chủ, lại tử tế lại thì ta cũng chấp nhận chứ sao. Đó chỉ là cái bệnh lý thuyết của trí thức, thực tế không có điều ấy xảy ra. Đảng cộng sản chỉ có thể tốt khi chưa cầm quyền, chứ khi đã cầm quyền thế nào cũng tha hóa, đi vào tồi tệ, không thể trở thành dân chủ. Nhân loại đã từng hy vọng có một “chủ nghĩa cộng sản với bộ mặt dân chủ” nhưng thực tế không có. Không ít người nghĩ cứ theo ông Hồ là sẽ tử tế thì rất sai lầm. Dựa vào ông Hồ là sẽ đi lại vết xe cũ.
– TQT: Vậy thì theo TS HSP, việc ông Phạm Quang Nghị sang Mỹ, rồi sứ thần Lê Hồng Anh sang Tàu đều là những hoạt động dối gian của đảng cộng sản phải không ạ?
– HSP: Dù là động tác này hay động tác kia thì đều phục vụ cho chính sách độc tài toàn trị và đầu hàng Tàu, những động tác đó đều có Tàu nó “duyệt” cả, Tàu không đồng ý chắc chẳng dám làm. Chuyến đi của ông Nghị cũng có một dư luận thế này tôi cứ nói để ta nghiên cứu thêm : mục đích giới thiệu đây là một ứng cử viên tổng bí thư tương lai thì đã đạt, nhưng việc tặng chủ nhà 2 tấm ảnh vớ vẩn như “chửi” vào mặt chủ nhà thì nhằm mục đích gì? Phải chăng tặng phẩm 2 tấm ảnh lố bịch là để che cho một tặng phẩm nào đó to hơn, biếu Mỹ một quyền lợi gì đó của đất nước, hay chỉ nhằm nói với Trung Quốc rằng “tôi chơi đểu” với Mỹ đấy, xin đừng giận chúng tôi? Những động tác ấy cũng là xoa vuốt cả thôi, chẳng có lợi ích quan trọng gì cho đất nước cả. Tôi cứ hình dung rằng bỗng nhiên giới lãnh đạo Việt Nam rất yêu nước, chống Tàu, và bỗng nhiên Mỹ muốn gắn bó giúp đỡ Việt Nam hết sức như giúp Nhật Bản hay Đài Loan thì cũng chẳng giải quyết được tình hình, một khi Trung Quốc nó đã khống chế khắp cả từ trên xuống dưới bao nhiêu năm nay rồi, ra thế nào được? Chỉ còn mỗi khả năng phụ thuộc vào nhân dân, nếu nhân dân có sức mạnh để giải thoát khỏi chủ nghĩa cộng sản thì mới cứu được nước chứ chẳng ai cứu được.
– TQT: Xin cảm ơn TS HSP đã có một cuộc trò chuyện rất là thẳng thắn, rất rõ ràng, thái độ không có mơ hồ.
– HSP: Vâng, xin cảm ơn.
Leave a Comment