Giả dối với cả người đã khuất, trời đất nào dung tha ?
Đất Nước trải qua ba cuộc chiến tranh : chống Pháp, chống Mỹ và chống Tàu. Có biết bao liệt sỹ đã ngã xuống trong 3 cuộc kháng chiến đó. Nói tới những liệt sỹ chống pháp, không thể quên Bế Văn Đàn, Phan Đình Giót. Nói tới liệt sỹ thời chống Mỹ không thể quên Nguyễn văn Trỗi, Nguyễn Viết Xuân.
Chống bành trướng cộng sản Trung Quốc, ai cũng nhớ tới Lê Đình Chinh, Hoàng Thị Hồng Chiêm…; Có thể có người trong số họ chưa được phong anh hùng, nhưng hành động hy sinh của hết thảy họ đều được xem là anh hùng, vì họ dám quên mình trong chiến đấu, “quyết tử cho Tổ Quốc quyết sinh”.
“Có những phút làm nên lịch sử
“Có cái chết hóa thành bất tử”
…
Mười cô gái Ngã ba Đồng Lộc có thể nói suốt ngày trong năm được ngửi hương thơm từ mọi miền Tổ Quốc. Những đóa hoa trên mộ các cô chưa kịp héo, người ta đã vội dọn đi để nhường chỗ cho những bông hoa tươi hơn mà người đến viếng vừa mang tới. Nếu nói về hành động anh hùng, các cô có hơn gì những cô gái thanh niên xung phong khác cùng trang lứa, cùng công việc, cùng thời đạn bom nơi tuyến lửa, (có thể cùng quê nữa)…; Họ cũng đã hy sinh, nhưng không hề được ai biết đến.
Mười cô gái Ngã ba Đồng Lộc chỉ “may mắn” hơn đồng đội vì họ được hy sinh tập thể, bởi một trái bom đánh trúng hầm lúc họ đang trú ẩn máy bay địch; và bởi sự hy sinh của họ là hiếm và khá thương tâm, nên họ trở nên nổi tiếng. Dẫu vậy, chắc rằng đồng đội của các cô, những người ngã xuống vì bom đạn kẻ thù, vì sốt rét rừng … mà nhiều người trong số họ vẫn chưa được tìm thấy phần mộ, chắc cũng không hề ghen tỵ với những đồng đội mình hy sinh tại Ngã ba Đồng Lộc kia đâu, thậm chí họ còn… mừng cho đồng đội là đằng khác…Những người đã “chia ngọt sẻ bùi” lúc sống, khi chết đi, linh hồn họ chắc chắn vẫn cao thượng và đáng sống vậy thôi, không thể nào khác đi được !…
Nhiều người trong chúng ta, có thể nói hầu hết trong chúng ta, vì mãi mưu sinh, chỉ giật mình khi đài báo, truyền hình nhắc ngày mai, ngày mốt là “ngày thương binh liệt sỹ” !…Đó có phải là sự thiệt thòi cho những liệt sỹ đã quên mình chăng ? Một năm dành ra một ngày để tưởng nhớ, để tri ân, để “uống nước nhớ nguồn”…Người ta chiếu lên tv hình ảnh đoàn cán bộ này, quan chức kia đến thắp hương tại nghĩa trang X,Y,Z. Họ chắp tay, khấn vái, bật diêm châm lửa đốt nhang…giông giống như khi họ đến thăm các bà mẹ VN anh hùng, “ân cần” hỏi thăm, tặng gói quà và chụp ảnh…
Điều đáng nói nữa là những liệt sỹ hy sinh trong hai cuộc kháng chiến trước, chống Pháp và chống Mỹ rất được đảng và nhà nước quan tâm săn sóc nêu gương.
Còn những liệt sỹ hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Tàu sau này, đài báo, tv, nghĩa là truyền thông của đảng bơ lác, lờ tịt đi. Đến mức ai có lòng với nghĩa sỹ đã trận vong nơi biên ải vì giặc bành trướng, liền bị vạ với đủ chiêu trò hèn hạ.
Tăng cường tuyên truyền cho sự hy sinh chống thực dân Pháp, chống đế quốc Mỹ, và không cho phép nhắc nhớ về những cái chết của chiến sỹ, đồng bào trong cuộc chiến ngăn giặc phương Bắc, liệu có là “chủ trương lớn của đảng”, hay là của các thế lực thù địch ?
Những chiến binh của nền Cộng Hòa anh dũng hy sinh trong trận hải chiến với bọn giặc Trung Cộng năm 1974 nhằm gìn giữ biên cương hải đảo, chịu thua thiệt không được công nhận liệt sỹ, vì mác “lính ngụy”.
Nhưng còn Lê Đình Chinh và đồng đội anh, những người ngã xuống Lạng Sơn, Cao Bằng, Pò Hèn Thán Phún… Họ là ai ? Để đến mức bất kỳ ai nhắc tới tên họ cũng bị coi là “cac thế lực thù địch” ???
Những ai với bất cứ danh nghĩa gì, khi đứng trước mộ liệt sỹ thắp hương, phải có tấm lòng thơm như hương, phải kính cẩn.
Nếu không thì chỉ làm uất nghẹn người dưới mồ !
Giả dối với người sống đã nên tội.
Giả dối với cả người đã khuất, Trời đất nào dung tha ?
Leave a Comment