Kính thưa quý thính giả, trong mục bình luận hôm nay và kỳ tới chúng tôi xin gửi đến quý vị bài nhận định nhan đề : “ Nhân quyền và vũ khí sát thương”. Bài của Lý Thái Hùng. Sau đây mời quý vị nghe phần 1 của bài viết.
***********
Trong thời gian vừa qua, sau vụ giàn khoan HD 981 của Trung Cộng, nhiều chính giới Hoa Kỳ đã lên tiếng về nhu cầu tháo bỏ lệnh cấm vận vũ khí sát thương đối với Việt Nam.
Thượng Nghị sĩ John McCain của đảng Cộng Hòa và Thượng Nghị sĩ Sheldon Whitehouse của đảng Dân Chủ đã vào tận Việt Nam, tổ chức cuộc họp báo tại Hà Nội vào ngày 8/8 vừa qua để nói về viễn cảnh mới của quan hệ Mỹ Việt chuẩn bị đánh dấu 20 năm (1995-2015) bình thường hóa quan hệ ngoại giao.
Mặc dù ông McCain có đề cập đến thành tích tôn trọng nhân quyền của Hà Nội sẽ ảnh hưởng rất lớn vào mối quan hệ Việt Mỹ trong thời gian tới; nhưng nhiều chỉ dấu cho thấy là giới lãnh đạo Hoa Kỳ, đặc biệt là Tổng thống Obama đang có những chuẩn bị dư luận nhằm bãi bỏ lệnh cấm vận vũ khí sát thương cho Hà Nội vào tháng 9 tới đây.
Cấm Vận Vũ Khí
Mặc dù Tổng thống Bill Clinton đã bãi bỏ lệnh cấm vận vào tháng 2 năm 1994, nhưng CSVN vẫn tiếp tục bị cấm mua vũ khí vì đã vi phạm nhân quyền trầm trọng. Nói cách khác, tình trạng đàn áp nhân quyền của CSVN là lý do khiến cho Hoa Kỳ cấm vận vũ khí, đặc biệt là từ năm 1994 cho đến nay.
Năm 2007, dưới thời Tổng thống Bush (con), Hoa Kỳ đã nới lỏng lệnh cấm nói trên khi cho phép bán vũ khí phi sát thương (non-lethal arms) đối với CSVN.
Trong năm 2010 và 2011, Trung Cộng bắt đầu xâm phạm thềm lục địa Việt Nam, cắt cáp tàu Bình Minh và tấn công thô bạo vào thuyền đánh cá của ngư dân Việt Nam. Ông Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng CSVN và cả Tướng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Quốc phòng CSVN đã chính thức yêu cầu Hoa Kỳ bãi bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam nhân chuyến viếng thăm Việt Nam của ông Leon Panetta, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ vào tháng 6 năm 2012.
Lúc đó, CSVN muốn mua ngay một số thiết bị tuần dương như Radar, thiết bị phát âm thanh tầm xa (LRAD) vân, vân… nhưng Hoa Kỳ không mấy quan tâm. Lý do mà Hoa Kỳ đưa ra là không hài lòng về thái độ coi thường các cam kết tôn trọng nhân quyền của Hà Nội qua những cuộc đối thoại nhân quyền hàng năm và nhất là gia tăng đàn áp đối với những người Việt Nam yêu nước chống Trung Cộng kể từ năm 2011.
Bỏ Cấm Vận
Sự ngang ngược của Trung Cộng khi mang giàn khoan HD 981 vào sâu trong thềm lục địa Việt Nam vào tháng 5/2014 vừa qua đã làm thay đổi quan điểm về mối quan hệ của cả phía Hoa Kỳ lẫn Cộng sản Việt Nam.
Mặc dù cho đến nay, Hà Nội chưa biểu hiện bất cứ sự thay đổi quan hệ nào đối với Trung Quốc; nhưng sau vụ giàn khoan HD 981, bộ chính trị CSVN không còn là khối thuần nhất với chủ trương ôm chặt Bắc Kinh như quá khứ mà đã hình thành một khuynh hướng muốn tìm đến Hoa Kỳ và Nhật Bản để cân bằng các ảnh hưởng.
Những phê phán Trung Quốc hơi mạnh bạo của ông Nguyễn Tấn Dũng, những khẳng định mang tính ba phải về chủ quyền của ông Nguyễn Phú Trọng trong thời gian xảy ra vụ giàn khoan và nhất là chuyến đi Mỹ đột ngột của ông Phạm Quang Nghị sau khi Bắc Kinh rút giàn khoan HD 981 ra khỏi lãnh hải của Việt Nam, cho thấy là bộ chính trị CSVN đang có những dự tính thay đổi thế trận.
Thế trận đó chưa định hình, nhưng nhiều phần là khuynh hướng muốn đi gần với Hoa Kỳ và Nhật Bản sẽ có tiếng nói trong các thảo luận tái định hình mối quan hệ với Trung Cộng, chấm dứt thời kỳ “vừa là đồng chí, vừa là anh em” từ năm 1990 cho đến nay.
Nhiều phần trong Hội nghị trung ương đảng lần thứ 10 tới đây, lãnh đạo CSVN sẽ định hình mối quan hệ giữa CSVN – Trung Cộng – Hoa Kỳ trong đó vấn đề nộp đơn kiện Trung Quốc lên Tòa trọng tài quốc tế Liên Hiệp Quốc về Luật Biển sẽ chi phối rất lớn các quyết định của Hà Nội.
Trong khi đó, giàn khoan HD 981 đã cho phép Hoa Kỳ đẩy mạnh tiến trình xoay trục, qua sự hình thành liên minh chống Trung Cộng tại Á Châu. Liên minh này hiện có các đồng minh của Hoa Kỳ gồm Nhật Bản, Nam Hàn, Phi Luật Tân và Úc Châu.
Đây có thể coi là liên minh bao vây Trung Cộng đầu tiên ở Á Châu kể từ năm 1972 khi Hoa Kỳ nối lại bình thường hóa bang giao với Bắc Kinh.
Liên minh này không thể thiếu sự hợp tác “dưới một hình thức nào đó” của Cộng sản Việt Nam và đó là lý do mà các nhà chiến lược Hoa Kỳ và Nhật Bản đã tìm cách tranh thủ Hà Nội.
Từ năm ngoái, Nhật Bản đã giúp cho lực lượng cảnh sát biển 4 chiếc tàu kiểm ngư và hứa sẽ huấn luyện về các kỹ năng phòng vệ biển. Hoa Kỳ giúp 18 triệu Mỹ Kim cho cảnh sát biển CSVN mua 5 tàu tuần tra cao tốc và hai bên đã ký một biên bản chung về hợp tác hàng hải – cảnh vệ duyên hải.
Muốn CSVN đi gần với liên minh chống Trung Cộng, việc Hoa Kỳ tháo bỏ lệnh cấm vận vũ khí sát thương đối với CSVN chỉ còn là thời gian.
Kính thưa quý thính giả, trong bối cảnh như vừa kể, việc Hoa Kỳ gỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí sát thương đối với CSVN sẽ diễn tiến như thế nào? Và người Việt Nam ở trong và ngoài nước sẽ cần phải vận dụng tiến trình này ra sao để đóng góp hữu hiệu nhất cho công cuộc đấu tranh cho tự do dân chủ của VN, đồng thời ngăn chặn sự tiếp tay của ngoại bang trong việc duy trì chế độ độc tài trên đất nước ta? Đó là những vấn đề được bàn tới trong phần hai bài viết của tác giả Lý Thái Hùng, sẽ được gửi tới quý vị trong mục bình luận kỳ tới. Mời quý vị đón nghe.
Leave a Comment