Kính thưa quý thính giả, “phản động” là một thứ tội danh mơ hồ được sử dụng một cách lan tràn và bừa bãi ở Việt Nam. Nó có thể là một ý tưởng đùa giỡn trong một câu nói, một lời cảnh cáo, hay được nâng lên hàng quan điểm để bị đấu tranh phê phán, thậm chí bị kết án tù tội nặng nề; và nếu là một tập thể “phản động” thì phải bị tiêu giệt như câu “đế quốc, sài lang với phe phản động, ta giệt tan hoang” trong bài hát “Kết Đoàn” quen thuộc ở Việt Nam. Như vậy thực chất “phản động” là gì? Và sau mấy chục năm được dùng bừa bãi, nhận thức của người Việt ngày nay đối với tội danh này ra sao? Tác giả Vũ Thạch sẽ phân tích ngọn ngành về vấn đề này trong bài viết nhan đề “Chưa bao giờ Phản Động đáng kính đến thế”. Trong mục bình luận hôm nay, chúng tôi xin gửi đến quý vị phần 1 của bài viết này. Mời quý vị cùng nghe sau đây.
**********
Trong thời gian qua, với từng bước xâm lấn ngày càng trắng trợn của Trung Cộng (TC), người ta càng thấy Ban Tuyên Giáo Trung Ương lúng túng không biết biện hộ thế nào cho chính sách cứ từ bại đến thua của lãnh đạo Đảng CSVN. Và như để bù vào khoảng trống đó, đạo quân dư luận viên (DLV) được lệnh túa ra chửi hết mọi người là “phản động”.
– Ai nhắc lại chuyện lỗ lã Bôxít Tây Nguyên và có địch trên Nóc nhà Đông Dương … là phản động.
– Ai đụng tới chỗ nhược 16 chữ vàng, 4 tốt và quan hệ hữu hảo … là phản động.
– Ai tự tưởng niệm các chiến sĩ Hoàng Sa, Trường Sa, Biên giới 1979 … là phản động.
– Ai còn tiếc rẻ vụ sửa Hiến Pháp thua cả Miến lẫn Miên … là phản động.
– Ai đòi bất cứ cái gì “độc lập” … đều là phản động.
– Cả người biểu tình ôn hòa chống giàn khoan và kẻ bạo loạn được công an làm ngơ … đều là phản động.
– Và đặc biệt trên thế giới Internet, blogger, mạng xã hội … chỉ toàn là đám phản động và phản động.
Nhưng có DLV nào hay những người ra lệnh cho họ dành ra chỉ vài phút để tự hỏi “phản động” là gì không? Hoặc nếu “phản động” là thế, thì “chính động” là gì? Chính động có đương nhiên tốt không?
Phản động từ đâu ra?
Điều cần nhấn mạnh là yếu tố “chỉ so với các lãnh tụ đang nắm quyền” khi qui kết ai là phản động. Vì đã có rất nhiều trường hợp như lãnh tụ Trotsky, một trong những cha đẻ ra chế độ Liên Bang Xô Viết. Khi Lenin còn sống, mỗi lời của Trotsky đều là chân lý và mọi kẻ bất đồng với chân lý đó đều là lũ phản động. Nhưng chỉ mấy tháng sau khi Lenin chết và Stalin thắng thế trong cuộc chạy đua lên ngôi, cũng cùng là con người và tư tưởng Trotsky đó, thì nay bị lên án là tên “cực kỳ phản động”. Bà Giang Thanh là trường hợp tương tự tại Trung Quốc trước và sau ngày chết của Mao Trạch Đông. Và hiện nay là trường hợp Chu Vĩnh Khang, Giang Trạch Dân. Ông Khang từng là trùm công an – an ninh Trung Quốc, từng ném bao kẻ phản động vào chỗ chết, nhưng nay đang bị lãnh tụ đương quyền Tập Cận Bình đạp xuống cùng hàng những kẻ phản động đó. Sẽ không mấy ai kinh ngạc nếu vài tháng nữa thuyết Ba Đại Diện của ông Giang Trạch Dân bị liệt vào loại tư tưởng phản động. Và còn hàng ngàn hàng vạn thí dụ khác nữa tại từng chế độ cộng sản.
“Phản động”, do đó, chỉ là vũ khí chính trị của lãnh tụ nào đang ngồi ở cực đỉnh. Các định nghĩa về “thành phần phản động” có thể thay đổi bất kỳ lúc nào. Đặc biệt trong thời Cách Mạng Văn Hóa của Mao Trạch Đông, có khi chỉ qua một đêm định nghĩa đã đổi khác, và vô số cán bộ hôm trước còn đứng giảng huấn người khác về cách mạng, hôm sau đã bị đội mũ giấy ghi chữ phản động hữu khuynh, phản động tả khuynh. “Phản động” do đó hoàn toàn không có giá trị khoa học hay luân lý, và hầu như luôn đi ngược lại đạo lý truyền thống của các dân tộc.
Dân chúng dưới mọi chế độ cộng sản, từ thời Lenin, Stalin, đến Mao Trạch Đông dài đến Tập Cận Bình, đã từ lâu đồng nghĩa “phản động” với kinh hoàng. Phản động đồng nghĩa với “không biết bị bắt đi lúc nào, ngày hay đêm, và biệt tăm tích kể từ đó” dưới thời Lenin. Phản động đồng nghĩa với “không biết sẽ bị tra tấn đến cỡ nào và sẽ tự thú thêm cho mình bao nhiêu tội nữa trước khi bị bắn” dưới thời Stalin. Phản động đồng nghĩa với “chết đói cứng đờ giữa các trại tù tuyết trắng” dưới thời Kim Nhật Thành. Phản động đồng nghĩa với “té chết trong những hố phân lỏng tại các trại lao cải” dưới thời Mao Trạch Đông.
Phản động vào Việt Nam
Ngày nay cũng vậy, cả công an và ban tuyên giáo đều đang liên tục dùng lại nhãn “phản động” với ước mong nó cũng lại gióng lên sự kinh hãi tột cùng trong lòng người nghe — cả các đối tượng lẫn những người chung quanh họ — như trong thế kỷ trước. Họ luôn nghĩ ra những cách mới để làm cuộc đời các “thành phần phản động” phải tăng thêm phần khốn đốn, đau đớn, bất kể những người này còn ở ngoài hay đã vào tù.
Nhưng trong suốt 60 năm ngột ngạt, căng thẳng ngày đêm đó vẫn có những con người đứng lên chấp nhận mình là “phản động”. Họ là những nhà trí thức như trong vụ Nhân Văn – Giai Phẩm phản đối chính sách Cải Cách Ruộng Đất và đòi quyền tự do tư tưởng; kéo dài đến những đảng viên CS cao cấp như Trần Xuân Bách, Nguyễn Hộ, Trần Độ, Hoàng Minh Chính, … đòi trả quyền làm chủ đất nước cho người dân; dài đến những người yêu nước nồng nàn như Điếu Cày Nguyễn Văn Hải, Nguyễn Xuân Nghĩa, Trần Huỳnh Duy Thức, … báo động toàn dân về tai họa Bắc Thuộc.
Câu hỏi được đặt ra là tại sao những con người này lại nhất quyết chọn con đường “phản động” như thế?
Câu trả lời có lẽ khá đơn giản: Vì họ còn lương tâm.
Kính thưa quý thính giả, những người nhất quyết chọn con đường “phản động” như vừa được nêu trên đã làm những gì, và tại sao nhờ còn có lương tâm nên họ mới làm như vậy? Đây là những điều sẽ được tác giả Vũ Thạch phân tích trong phần hai bài viết, sẽ được gửi đến quý vị trong mục bình luận kỳ tới. Mời quý vị đón nghe.
(Còn tiếp)
Leave a Comment