Công an ngăn chặn cuộc họp hội đoàn xã hội dân sự
Ðó là blogger Mẹ Nấm, thuộc Mạng Lưới Blogger Việt Nam; Hòa Thượng Thích Thiện Minh thuộc Hội Ái Hữu Tù Nhân Chính Trị và Tôn Giáo; ông Phạm Chí Dũng thuộc Hội Nhà Báo Ðộc Lập; cựu tù nhân lương tâm (TNLT) Phạm Bá Hải thuộc tổ chức Bạch Ðằng Giang Foundation; cựu TNLT Lư Văn Bảy, một người vừa mới được trả tự do; ông Nguyễn Bắc Truyển, thuộc Hội Ái Hữu Tù Nhân Chính Trị và Tôn Giáo; cô Nguyễn Nữ Phương Dung thuộc Phong Trào Con Ðường Việt Nam.
Một số vị tuy bị ngăn chặn nhưng vẫn tìm cách đến tham dự buổi họp như Bác Sĩ Nguyễn Ðan Quế, Hòa Thượng Thích Không Tánh, chị Dương Thị Tân, Hoàng Dũng, Nguyễn Hoàng Vi,…
Một vài nét của nội dung chính được thông qua trong cuộc họp như góp phần “Xây dựng, phát triển nghiệp đoàn độc lập tại Việt Nam; Ðòi tự do cho Nguyễn Hoàng Quốc Hùng và Ðoàn Huy Chương.”
Các tham dự viên đã thảo luận về vấn đề biển Ðông và chủ quyền, đi đến kết luận là “Yêu cầu nhà nước Việt Nam kiện Trung Quốc ra Liên Hiệp Quốc và công khai những nội dung đã ký kết với Trung Quốc ở Hội nghị Thành Ðô.”
Theo MLBVN, cũng trong phiên họp này, “vấn đề được các nhóm quan tâm trên hết và nhiều nhất vẫn là trả tự do cho những người yêu nước và những tù nhân lương tâm: Hoàn thành sớm cơ sở dữ liệu về các tù nhân lương tâm để tiếp tục vận động quốc tế can thiệp” .
Cựu tổng thanh tra chính phủ có nhiều biệt thự
Sự kiện làm hao tốn không ít thời gian và bút mực của truyền thông ở Việt Nam lâu nay đó là Cựu tổng thanh tra chính phủ CS Việt Nam – Trần Văn Truyền có bao nhiêu căn nhà.
Ðến nay, người ta mới biết rằng ít nhất 3 căn biệt thự mà ông Trần Văn Truyền xác nhận là “của ông, mà không phải là của ông,” đều là của người này tặng, người kia cho; của con trai mua, của “em gái nuôi” tặng.
Ông Trần Văn Truyền là cựu bí thư Tỉnh Ủy Bến Tre, cựu ủy viên Trung Ương Ðảng CSVN, phó chủ nhiệm Ủy Ban Kiểm Tra Trung Ương. Năm 2006, ông này được Quốc Hội Việt Nam phê chuẩn vào cương vị tổng thanh tra chính phủ. Trong suốt 5 năm giữ chức vụ này, từ năm 2006 đến năm 2011, ông Truyền chọn lĩnh vực đất đai và tài sản công để ưu tiên thanh tra. Ông đã có mặt trong hàng loạt vụ thanh tra tham nhũng nổi cộm ở Vietnam Airlines, Ngân Hàng Nhà Nước Việt Nam…
Theo như lời đồn đãi, thì cứ mỗi lần bị dư luận soi mói, rêu rao, ông Trần Văn Truyền lại có dịp chứng minh cho sự trong sạch của mình, coi như ông không có gì ghê gớm hết.
Quanh tin đồn nói rằng, ông có một biệt thự lớn xây trên diện tích rộng 3 ha ở ấp 3, xã Sơn Ðông, thành phố Bến Tre, tỉnh Bến Tre. Ðây là ngôi nhà có cổng sắt, tường rào bao quanh khắc hình rồng bay, mặt trống rồng. Ông xác nhận, ngôi biệt thự “khủng” ở Bến Tre của ông còn có bốn căn nhà gỗ bên trong khuôn viên, được dựng lên bằng loại gỗ xưa, ráp nối nhau bằng mộng, mà không cần đến một cây đinh nhỏ nào. Ông Truyền cũng cho biết, tiền xây nhà một phần do gia đình ông “tích cóp” mà có, và một phần nhờ sự giúp đỡ của bạn bè, người cho đá, người cho gạch. Nhưng theo con gái của ông Truyền, thì tiền xây ngôi biệt thự “khủng” này là của một “người em gái kết nghĩa” ở quận 9 biếu tặng.
Báo mạng Một Thế Giới mới đây dẫn lời “người đồng thừa kế,” và là “người em gái kết nghĩa” của ông Truyền chính thức lên tiếng về ngôi biệt thự của ông này, xây trên lô đất rộng 5.000 thước vuông ở quận Long Phước, quận 9, Sài Gòn. Bà này xác nhận chính bà đã đưa cho ông Truyền 4 tỉ đồng, tương đương 200.000 đô la để xây ngôi biệt thự ở thành phố Bến Tre. Ðến năm 2005, người “đồng thừa kế” này tìm gặp ông Truyền để “xin ông nhận lại phần thừa kế ở quận 9, vì đó là tài sản thiêng liêng của dòng họ.”
Theo báo mạng Soha.vn, thì tại thành phố Bến Tre, ông Truyền chỉ có thêm một căn nhà nữa ở phường 1, đã mua với diện “nhà thuộc sở hữu nhà nước bán cho người đang thuê.”
Nhiều tin tức đồn đãi còn nói rằng, ông Truyền về hưu hồi đầu năm 2012 vẫn giữ lại một căn nhà ở khu nhà công vụ tại quận Ðống Ða, Hà Nội mà không ai dám làm gì. Ông còn có nhiều căn nhà khác, ở khu đô thị “năm sao” Phú Mỹ Hưng; ở quận 5; ở phường Thảo Ðiền, quận 2… Tuy nhiên, ông Truyền bác bỏ gần hết.
Báo Một Thế Giới dẫn thông báo của Ủy Ban Kiểm Tra Trung Ương đảng Cộng Sản Việt Nam cho hay, đã cử một đoàn cán bộ phối hợp với tỉnh Bến Tre tiến hành cuộc xác minh toàn bộ tài sản và bất động sản của ông Trần Văn Truyền. Cuộc kiểm tra này dự tính kéo dài trong 90 ngày.
Dư luận không hiểu rằng, 90 ngày liệu đủ để giải tỏa nỗi thắc mắc của người dân về khối tài sản khổng lồ của một ông cựu tổng thanh tra chính phủ Việt Nam hay không. Nhất là, về mối liên hệ của ông với người “đồng thừa kế, cô em kết nghĩa” giàu có ở quận 9.
Vàng ròng VN biến mất đầy bí ẩn
Nhiều ngàn tấn vàng ròng bị đào bán ra nước ngoài, và tiền không thu về cho Sở Thuế bao nhiêu. Câu hỏi từ thông tấn VietnamNet là: Chỉ trong vòng 4 năm, từ 2008 đến cuối 2012, tổng lượng vàng tại hai nhà máy khai thác vàng lớn nhất nước ở Quảng Nam là Bồng Miêu và Đắk Sa của Tập đoàn Besra Việt Nam đã đào được hơn 4.430 tấn vàng. Số vàng đã bán hết, vậy tiền đâu?
Ngoài con số trên, khối lượng vàng đào được trong năm 2013 và 6 tháng đầu năm 2014 tại hai nhà máy này vẫn đang là điều “bí mật”.
Theo các chuyên gia, mỏ vàng Phước Sơn có công suất khai thác 1.000 tấn quặng/ngày, tỷ lệ thu hồi vàng là 92-95%. Mỏ vàng Bồng Miêu 500 tấn quặng/ngày, tỷ lệ thu hồi vàng là 88%.
Cục Thuế Quảng Nam cho biết, tổng số tiền thuế các loại mà hai nhà máy khai thác vàng Bồng Miêu và Đắk Sa nộp vào ngân sách là hơn 650 tỷ đồng (tương đương 30,7 triệu USD), sau khi đưa ra nước ngoài tiêu thụ hơn 4.430 tấn vàng thành phẩm.
Tuy nhiên, số nợ thuế phát sinh các loại tính từ năm 2004 đến tháng 7/2014 đã lên tới hơn 1.033 tỷ đồng. Nghĩa là, nợ thuế tới 49 triệu USD.
Bản tin cũng nói, theo tính toán của Cục Thuế Quảng Nam, nếu trừ khoản hoàn thuế giá trị gia tăng 105 tỷ cho hai nhà máy, cộng với khoản thuế đã nộp vào ngân sách 650 tỷ đồng thì đến nay, khoản nợ thuế các loại chưa nộp vào ngân sách là 278 tỷ đồng. Tức là nợ thuế chưa nộp 13,2 triệu USD.
Cục Thuế Quảng Nam thì nói đã 11 lần ra quyết định xử phạt nộp chậm thuế. Tuy nhiên, đại diện công ty khai thác vàng cho rằng từ năm 2013, họ chưa hề nợ thuế.
Lời giải thích của 2 phía đều dài dòng và khó hiểu. Chỉ thấy một điều là vàng của VN được khai thác bán ra nước ngoài, và công quỹ lại bị nợ thuế. Vì thế, đến nay tất cả vẫn là một ẩn số.
Leave a Comment