Quảng Cáo

Trung cộng rút giàn khoan ra khỏi vùng biển Việt Nam

Quảng Cáo

Trung cộng rút giàn khoan ra khỏi vùng biển Việt Nam

Sau 75 ngày hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương (Haiyang Shiyou) 981 trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, khoảng 23g17 ngày 15-7 hãng tin Tân Hoa xã dẫn nguồn từ Công ty TNHH cổ phần dịch vụ mỏ dầu trên biển Trung Quốc tuyên bố, giàn khoan Haiyang Shiyou 981 đã hoàn tất quá trình khoan thăm dò dầu khí và ngưng hoạt động ở khu vực biển gần đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Giàn khoan này sẽ được đưa về hoạt động ở khu vực Lăng Thủy ở đảo Hải Nam.

Tân Hoa xã dẫn lời ông Khâu Trung Kiến, chuyên gia địa chất dầu khí thuộc viện kỹ thuật Trung Quốc cho rằng sở dĩ Trung Quốc cho rút giàn khoan Haiyang Shiyou 981 ra khỏi khu vực biển gần đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam là để bảo vệ an toàn tính mạng cho công nhân Trung Quốc đang làm việc trên giàn khoan, cũng như trang thiết bị của giàn khoan này trong thời điểm mùa bão đang bắt đầu ở biển Đông.

Khâu Kiến Trung còn cho rằng dù đã phát hiện có nguồn dầu ở khu vực Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan này trong vùng biển của Việt Nam nhưng tạm thời chưa cho khai thác vì Bắc Kinh còn phải tổng hợp, phân tích và đánh giá những tài liệu về khu vực này.

Như vậy là vì trận bão Rammasun sắp tới nên Bắc Kinh rút giàn khoan sớm hơn dự trù thay vì tháng 8. Tuy nhiên giới quan sát quốc tế tiên đoán Bắc Kinh sẽ tuyên bố vùng biển quanh giàn khoan này là vùng quân sự cấm tàu bè qua lại và đưa tàu hải quân đến chiếm đóng. Khi thế giới đã quen dần với việc kéo giàn khoan đến và đi, sau mùa biển động năm nay, Bắc Kinh sẽ giăng tràn ngập nhiều giàn khoan khác khắp biển Đông.

Cho đến nay, các tiên đoán của giới quan sát đã diễn ra đúng với thực tế.

Liệu nhà cầm quyền CS Việt Nam có tuyên bố đây là “chiến thắng” của họ (dù không làm gì cả) và lại ngủ yên trên chiến thắng đó không? Và quan trọng không kém, liệu việc rút giàn khoan đi có làm ngưng việc bắn, giết, giam giữ các ngư dân Việt Nam đang bị nhà cầm quyền đẩy ra “bám biển” không?

 

Hà Nội tuyên truyền nhằm giảm tội bán nước của công hàm Phạm Văn Đồng

Trong chiến dịch tuyên truyền, nhằm giảm nhẹ tội lỗi cho Phạm Văn Đồng, cũng như của Đảng CSVN qua công văn bán biển năm 1958 cho Trung Cộng, ngày 6 tháng 7, Ban tuyên giáo CSVN đã cho tung ra một luận điệu mới, từ cựu phi công đào binh Nguyễn Thành Trung, cho rằng lỗi để mất đảo Hoàng Sa là do tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đã thiếu quyết tâm tái chiếm vì bị phía Mỹ ép phải hủy kế hoạch không kích.

Tưởng cũng cần nhắc lại, trước năm 1975, Nguyễn Thành Trung là phi công chiến đấu của quân lực Việt Nam Cộng Hoà, tuy nhiên, gần đến ngày 30 tháng 4 năm 1975, khi thấy miền Nam có thể rơi vào tay chế độ Cộng sản Bắc Việt, Trung đã phản bội và dùng chiếc máy bay F5e để ném bom vào Dinh Độc Lập, sau đó bay ra vùng kiểm soát của Cộng sản Bắc Việt, hướng dẫn các phi công Cộng Sản tấn công Sài Gòn.

Sau năm 1975, dù có công trạng rất lớn, Nguyễn Thành Trung vẫn không được Hà Nội tin dùng, và cuối cùng, bị chuyển sang lĩnh vực hàng không dân sự. Hiện tại Trung là phi công được một nhà kinh doanh lớn trong nước thuê lái máy bay riêng.

Tuyên bố với báo chí, ông Trung nhận định, và làm ra vẻ ngậm ngùi: “Nếu tổng thống Thiệu cứng hơn chút nữa, Hoàng Sa có lẽ đã không mất…”.

Nhưng sự thật lịch sử lúc đó, ai cũng biết rằng Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đang phải chỉ huy cuộc chiến khốc liệt từ phía Bắc Việt đánh vào, nay Trung Cộng mở thêm mặt trận trên biển, quân lực Việt Nam Cộng Hoà không thể cáng đáng nổi 2 mặt trận cùng một lúc, trong khi phải ra sức chiến đấu để bảo vệ cho dân chúng chạy CS trên đất liền.

Hôm nay, toàn dân Việt Nam đều biết chuyện công hàm Phạm Văn Đồng đã chính thức bán nước như thế nào cho Đảng CS Trung Quốc đàn anh, thêm vào một tiếng nói chạy tội của Nguyễn Thành Trung, chỉ càng làm cho dân chúng hiểu thêm sự sợ hãi của chế độ CSVN trước tội ác bán nước này.

 

Trung Cộng xin Unesco xác nhận biển Đông là di sản thế giới

Báo mạng Wantchinatimes của Đài Loan đưa tin, nhà cầm quyền Trung Cộng đang cố gắng xin tổ chức UNESCO công nhận cái gọi là “con đường tơ lụa hàng hải”, đồng thời đẩy mạnh việc bảo vệ các địa điểm khảo cổ tại những vùng tranh chấp ở Biển Đông.

Ông Wang Yiping, quan chức phụ trách di sản văn hóa của tỉnh đảo Hải Nam cho hay, cơ quan của ông có dự định khai quật những xác tàu đắm gần quần đảo Hoàng Sa trong vòng 2 năm tới.

Wang Yiping còn nói, có các vật liệu xây dựng bằng đá và chạm khắc niên đại nhà Thanh (1644-1911) đã được tìm thấy ở các điểm quanh Hoàng Sa. Theo Wang Yiping thì cái gọi là thành phố Tam Sa của Trung cộng, từ đầu năm nay cũng đã lên chương trình bảo tồn trên đảo Hữu Nhật và đảo Đá Bắc cũng thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam mà Trung cộng gọi là Ganquan và Beijiao.

Nhà cầm quyền tỉnh đảo Hải Nam trong thời gian qua đã ngang nhiên tiến hành các cuộc khảo cổ thường xuyên ở quần đảo Hoàng Sa, và hiện mở rộng hoạt động này xa hơn xuống phía nam, tới tận quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam.

Để hỗ trợ cho việc xin xác nhận di sản của UNESCO, nhà cầm quyền Hải Nam còn dự định xây một cơ sở khảo cổ học dưới nước, một trạm làm việc và một nhà bảo tàng liên quan tới Biển Đông. Tất cả các đề mục này hy vọng sẽ giành được một vị trí trong danh sách Di Sản Thế Giới của UNESCO.

Tuy nhiên theo báo mạng Wantchinatimes, thì Trung Cộng sẽ khó có thể giành được sự phê chuẩn của UNESCO, vì yêu sách chủ quyền với toàn bộ hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà họ đưa ra, không được cộng đồng quốc tế công nhận.

 

Chưa bao giờ nền kinh tế Việt Nam sa sút như lúc này

Khắp nơi từ Sài Gòn, Huế, Đà Nẳng, Hà Nội…v.v đâu đâu cũng vang lên tiếng rên siết của người dân trước các khó khăn của đời sống, mưu sinh.

Bà Trương Thị Mai, chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội thú nhận rằng hiện nay, chênh lệch giàu – nghèo có xu hướng gia tăng đột biến. Số liệu công bố mới nhất của Ngân hàng Thế giới và Tổng cục Thống kê cho thấy hệ số chênh lệch này đã tăng đều từ 8,1 lên 9,4.

Tờ Thời báo kinh tế Saigon cũng là một trong những tiếng nói cảnh báo hiện trạng này, nhấn mạnh rằng chuyện phân hóa giàu nghèo đang ngày càng nghiêm trọng, và dễ dàng nhận thấy qua cuộc sống hàng ngày hầu như trên mọi luồng thông tin, ai cũng có thể nhìn thấy Việt Nam bây giờ là đầy các đô thị rực rỡ đèn màu về đêm, chen chúc trong đó là những căn lều xiêu vẹo trong con hẻm tối tăm. Cuộc sống xã hội phân hóa đến mức các đại gia chi tiêu hàng chục triệu đồng cho một buổi tiệc tùng tiếp bạn bè thì có những gia đình không đủ ngày hai bữa cơm.

Thống kê cho thấy số người ở Việt Nam có tài sản trên 1 triệu Mỹ kim đang tăng đáng kể từ 170 người vào năm 2011, hai năm sau đã lên 195 người với tổng tài sản khoảng 20 tỉ Mỹ kim, và Việt Nam được xếp thứ 13 ở châu Á với mức tăng số lượng người giàu có trong năm qua là 14,7%. Mặt trái của hiện tượng này là sự bất công nhức nhối và ngày càng bất mãn của số đông người nghèo trong nước.

Có một thực tế mà ai cũng thấy, là ở Việt Nam hiện nay, muốn khá giả, là phải dựa vào quyền thế của nhà nước để thủ lợi. Hoặc cấu kết với nhà nước để bóc lột ngược lại đồng bào của mình trong nước thì mới nhanh thăng tiến.

Cưỡng chế đất đai, mua bán và nâng giá mặt bằng…v.v là một trong những chuyện làm giàu bất chính rất nhanh ở Việt Nam, có thể khiến một số người đột ngột giàu có đến hàng triệu mỹ kim, nhưng đồng thời cũng đẩy hàng trăm, hàng ngàn người nghèo khác vào đường cùng khi mất đất, mất tài sản mà không còn biết kêu gào với ai.

 

Quảng Cáo
Bài Liên Hệ
Leave a Comment
Quảng Cáo
WordPress Appliance - Powered by TurnKey Linux