Kể từ ngày giàn khoan của TQ xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của VN, có thể nói cách nghĩ của người dân trong việc thể hiện thái độ với Tàu Cộng đang ngày một khác xa so với cách nghĩ của giới quan chức.
Về phía các quan chức, mặc dù có vài vịở cấp cao phát biểu rất gay gắt vài lần, nhưng lắng kỹ lời lẽ của các vị lãnh đạo thì thấy đa số họ lên tiếng vì buộc phải lên tiếng. Và dù khẳng định lập trường bảo vệ chủ quyền, nhưng họ cũng luôn nhấn mạnh vào những biện pháp để giữ vững hòa bình hữu nghị. Họ khéo léo nói để dân chúng hiểu rằng chiến tranh là mất mát nhiều lắm, rằng hòa bình kiểu gì cũng tốt gấp vạn lần so với chiến tranh. Họ cố tìm cách cho dân hiểu rằng chỉở tầm của họ mới có thể sáng suốt tìm ra được giải pháp hợp lý để lèo lái vận mệnh dân tộc, rằng nếu hành động theo “lòng dân” thì hậu quả sẽ vô cùng thảm khốc.
Về phía dân chúng, dù có đến bất kỳ nơi nào trên đất nước này thì cũng nghe đa số bà con thể hiện sự phẫn uất trước thái độ ngang ngược của Tàu Cộng. Đa số thể hiện thái độ chấp nhận mất mát nếu chiến tranh xảy ra.
Vậy phải chăng người dân đa số là nông cạn? Hay là họ hiếu chiến? Hay không có gì để mất?
Xưa nay, khi một con người hay một cộng đồng bị ăn hiếp, bao giờ cũng có hai quan điểm về cách phản ứng. Một là cứng: kiên quyết chống lại bằng hành động, hoặc ra những tuyên bố dứt khoát để cảnh cáo kẻ ăn hiếp, nhằm ngăn chặn những hành động ngang ngược tiếp theo. Hai là mềm. Nhưng mềm thì có hai kiểu.
Kiểu thứ nhất là làm ngơ, không thèm để tâm đến sự thóa mạ của kẻ khác khi nó không thể gây ra được những hậu quả tồi tệ. Đức Phật đã xử sự như vậy. Ngài không bận lòng chút nào đến những lời nhục mạ đối với Ngài. Hàn Tín thời Tiền Hán, vì cả sự nghiệp còn ở phía trước, đã chấp nhận chui qua háng một gã côn đồ để khỏi phí cuộc đời một danh tướng hạng nhất thiên hạ vào việc tranh chấp vặt với kẻ tiểu nhân.
Tuy nhiên, kẻ quỳ gối bao giờ cũng tự biện minh là mình giống Đức Phật hay giống như danh tướng cỡ Hàn Tín. Nếu việc như vậy chỉ liên quan đến kẻ quỳ gối thì mặc xác họ. Nhưng nếu sự việc liên quan đến cộng đồng thì đó là chuyện khác.
Cho dù cứng hay mềm, dù là mềm kiểu thứ nhất hay kiểu thứ hai, thì bao giờ người ta cũng cho rằng mình đúng. Người “cứng” theo kiểu liều lĩnh, hung cùn, vẫn cho mình là bậc trượng phu. Còn kẻ “mềm” theo kiểu quỵ lụy, hèn mạt, vẫn cho mình là người thông thái, biết hy sinh cái nhỏ vì “đại cục”.
Vậy trong trường hợp Tàu Cộng liên tục gây hấn hai tháng nay (và nhiều tháng, nhiều năm tới) thì thái độ nào đúng hơn, vàđúng đến mức nào?
Lý sự chỗ này rõ ràng gần như vôích. Sẽ chẳng ai chịu ai. Mọi lý sự nghe ra đều hợp lý.
Tôi không muốn lý sự. Đặc biệt khi những lý lẽ của tôi chỉ là lý lẽ của kẻ vô danh tiểu tốt. Tôi chỉ thích đối chứng. Trong trường hợp này là đối chứng với thái độ và giải pháp của hai quốc gia láng giềng khác của TQ: Nhật và Philippines. Nếu ai đó nói rằng cứng rắn hơn cách của lãnh đạo VN hiện nay ắt sẽ dẫn đến chiến tranh với Tàu Cộng thì người đó hãy xem lại thái độ của chính phủ hai nước này.
Trong vấn đề quần đảo Senkaku và Hoàng Hải, Nhật Bản kiên quyết không nhượng bộ TQ. Nhật còn tiến hành quốc hữu hóa Senkaku để ra chỉ dấu cho TQ thấy rằng họ không nên đụng đến quần đảo này. Nhật cũng kiên quyết bác bỏ việc TQ đơn phương thiết lập vùng nhận dạng phòng không. Trong việc nâng cao tiềm lực quốc phòng, thủ tướng Shinzo Abe nói không úp mở về mục đích đối phó và tỏ ra sẵn sàng đối đầu quân sự với TQ. Trong vấn đề biển Đông, Nhật thể hiện rõ ràng quan điểm ủng hộ tích cực tất cả các nước có tranh chấp lãnh hải với TQ. Nhật cũng đã điều tàu chiến đến hỗ trợ Philippines, và sẽ cung cấp nhiều tàu tuần duyên cho nước này. Ông Abe còn sang tận châu Âu để kêu gọi G-7 có những động thái kiên quyết phản đối sự gây hấn của TQ trên biển Đông.
Một thái độ tương tự cũng được chính phủ Philippines thể hiện trước sự ngông nghênh của TQ. Đặc biệt, Philippines đã kiện TQ ra tòa trọng tài LHQ về những yêu sách phi lý và những hành động của TQ cản trở hoạt động hàng hải của Philippines.
Và kết quả là thế nào? Nhật Bản và Philippines đã bị TQ “trừng phạt” chăng? Không, ngược lại. Chính thái độ sẵn sàng đối đầu của chính phủ hai nước này đã làm TQ phải rụt vòi, chỉ còn lu loa như mấy mụ đàn bà lắm mồm.
TQ hiện đang hướng toàn bộ cách hành xử lưu manh của nó vào VN. Lý do chính vì cái “mềm” vô nguyên tắc của VN.
Nhìn lại mấy chục năm trước, chính quyền họ Mao ở Bắc Kinh đã từng rất muốn “giải phóng” Đài Loan. Nhưng chỉ sau vài vụ đụng độ ở vài đảo nhỏ trong vùng, Bắc Kinh đã phải im lặng bỏ cuộc, không còn dám nói đến việc chiếm lại Đài Loan bằng vũ lực nữa.
Rõ ràng, chính quyền của cái quốc gia đông dân nhất thế giới này thuộc loại “mềm nắn, rắn buông”, nên “mềm” với bọn đó sẽ chỉ có hại.
Tất nhiên, ai đó có thể phản bác. Một là Nhật và Philippines có Mỹ “chống lưng”, còn VN thì không có cường quốc nào cỡ như Mỹ đứng sau. Hai là VN có cái khó vì là “đồng chí” với giặc Tàu. Cả hai cái lý đó đều đúng. Nhưng, thử hỏi: Ai đã đẩy VN đến tình cảnh như vậy? Các thế lực thù địch chăng?
Rõ ràng, nếu VN “rắn” từ trước thì TQ đã không dám gây hấn như trong thời gian qua. Nhưng ngay cả bây giờ, một thái độ kiên quyết và tỏ ra sẵn sàng chấp nhận những đổ vỡ trong quan hệ vẫn sẽ làm TQ phải chùn tay. Bọn họ vẫn đe nẹt được VN chỉ vì họ thấy nhà chức trách VN vẫn tỏ ra cần đến họ.
Leave a Comment