Hội đồng Liên Tôn Việt Nam cùng hơn 200 đoàn thể, tổ chức, hội đoàn gởi thư cho tổng thống Obama
Thỉnh nguyện thư nêu lên việc Trung Quốc thường xuyên vi phạm các khu vực đặc quyền kinh tế của Việt Nam, Philippines và các nước ASEAN khác. Gần đây nhất, Trung Quốc tiếp tục chính sách bành trướng và vi phạm luật pháp quốc tế bằng cách đem một giàn khoan dầu khổng lồ vào hoạt động trong vùng biển của Việt Nam. Trong vài tuần qua, tàu Trung Quốc đã mở rộng chu vi tuần tra của họ và đâm tàu thuyền Việt Nam, gây thiệt hại và thương tích nghiêm trọng.
Hành động của Trung Quốc cũng đe dọa quyền lợi thiết thân của Hoa Kỳ, an ninh khu vực và tự do hàng hải trong vùng biển quốc tế. Nếu Bắc Kinh tiếp tục khiêu khích mà không gặp phải phản ứng mạnh mẽ nào từ cộng đồng quốc tế đặc biệt là từ Hoa Kỳ, Trung Quốc có thể xem đó như là một lời mời gọi cho các hành động ngang ngược hơn đối với Việt Nam, Philippines, Nhật Bản và các quốc gia yêu chuộng hòa bình khác.
Trong những năm qua, nhân dân Việt Nam đã cố gắng phản đối sự xâm lược của Trung Quốc bằng những biện pháp ôn hòa, đồng thời vận động dư luận của thế giới. Nhưng điều không may là Trung Quốc đang có nhiều ảnh hưởng đối với Đảng Cộng sản Việt Nam, nên những nỗ lực của nhân dân Việt Nam đã bị chính quyền cộng sản Hà Nội quấy nhiễu, đàn áp và bắt bớ. Nhiều nhà hoạt động lẫn người dân Việt Nam bình thường đã bị kết án tù vì những hoạt động chống đối sự xâm lấn của Trung Quốc.
Hai nhà cầm quyền Cộng sản tại Việt Nam và Trung Quốc đang gây trở ngại và thiệt hại cho nhân dân Việt Nam và tất cả những ai hỗ trợ cho một Đông Nam Á thịnh vượng và độc lập. Điều đó hiển nhiên cho thấy là chế độ độc tài cộng sản Hà Nội không đại diện cho ý muốn và quyền lợi của nhân dân Việt Nam.
Vì vậy, các thành viên của cộng đồng người Mỹ gốc Việt, các tổ chức ủng hộ dân chủ và xã hội dân sự Việt Nam cùng kêu gọi Hoa Kỳ hãy có những biện pháp mạnh nhất để giải tỏa tình trạng căng thẳng hiện nay, và ngăn chặn Trung Quốc tiếp tục theo đuổi những tham vọng phi lý của họ về lãnh thổ và lãnh hải. Ngoài ra, Thỉnh Nguyện Thư cũng kêu gọi Hoa Kỳ hãy sát cánh cùng nhân dân Việt Nam trong công cuộc tranh đấu xây dựng một đất nước Việt Nam tự do và dân chủ, góp phần làm nền tảng cho nhân quyền, sự thịnh vượng và ổn định trong vùng.
Trà Vinh cấp phép 2.100 lao động Trung Quốc
Bản tin ghi rằng theo bà Sơn Thị Ánh Hồng, phó chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh cho biết, quyết định này được ban hành ngày 2/7. Theo đó, Trà Vinh đã cho phép Công ty China Chengda Engineering được tuyển trên 2.100 người lao động Trung Quốc đến làm việc tại công trình Nhà máy nhiệt điện Duyên Hải 3 (tỉnh Trà Vinh). Với lý do không tuyển được lao động người Việt Nam, để che đậy sự bất lực của nhà cầm quyền.
Theo Báo Đất Việt, còn có một vấn đề vẫn chưa giải quyết xong ở đây, đó là tình trạng người lao động phổ thông Trung quốc lậu tràn lan khắp các dự án lao động trong nước nhưng địa phương không quản lý được.
Ngay tại tỉnh Trà Vinh, theo các cơ quan chức năng của tỉnh cho biết thì hiện có 920 lao động, hầu hết là người Trung Quốc, đang làm việc tại Trung tâm Điện lực Duyên Hải (huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh). Thế nhưng trong đó chỉ có 517 người được cấp giấy phép lao động, 165 người đang xin cấp giấy phép, 8 người miễn cấp giấy phép và 230 người đang làm việc nhưng chưa được cấp giấy phép.
Lao động Việt tại Đài Loan vẫn chịu gánh nặng tiền môi giới
Trong bản báo cáo thường niên về tình hình buôn người trên thế giới, công bố ngày 20/06/2014 của bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nói:”Các công ty xuất khẩu lao động Việt Nam, hầu hết là các đơn vị thành viên của các công ty nhà nước, và các cá nhân môi giới lao động trung gian không có giấy phép hoạt động, đôi khi đã bắt người lao động phải đóng những khoản phí vượt quá mức quy định của pháp luật để được đi xuất khẩu lao động. Kết quả là, người lao động Việt Nam phải gánh chịu những khoản nợ cao nhất trong số những lao động người châu Á, và họ rất dễ rơi vào cảnh bị cưỡng ép lao động, bao gồm việc phải làm công trừ nợ.
Sau khi đến nước tiếp nhận lao động, một số người mới nhận ra rằng họ bị bắt buộc phải làm việc trong những điều kiện tồi tàn, được trả lương rất ít hoặc không được trả lương, bất chấp những khoản nợ đang đè nặng trên vai, cũng như không được tiếp cận với kênh trợ giúp pháp lý đáng tin cậy nào…”.
Trước tình trạng bỏ trốn ngày càng nhiều như trên không những gây thiệt hại cho người lao động mà còn đẩy thị trường Đài Loan đến nguy cơ đóng cửa đối với Việt Nam do tỷ lệ lao động bất hợp pháp ngày càng tăng. Theo tờ Tuổi Trẻ, bộ Lao động Việt Nam đã thanh tra và xử lý hành chính hàng chục công ty xuất khẩu lao động sai phạm. Nhưng vấn đề là vào tháng 8 năm ngoái, nhà cầm quyền CSVN lại ban hành Nghị định 95 về “Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.”. Trong nghị định này có một điều khoản quy định phạt từ 80 triệu đồng đến 100 triệu đồng đối với những lao động “ bỏ trốn khỏi nơi đang làm việc theo hợp đồng”, trong khi trên thực tế, nhiều lao động Việt Nam đã bỏ trốn bởi vì không chịu được cảnh làm việc gần như nô lệ, hậu quả của việc thu phí môi giới quá cao.
Điều nghịch lý là trong khi hàng trăm ngàn công nhân Việt Nam phải lang thang tại các nước Đông Nam Á và lặn lội đến cả Trung Đông và Bắc Phi để kiếm việc trong tình cảnh vô cùng khó khăn và nhục nhã thì hàng trăm ngàn công nhân Trung quốc đã và đang được phép tràn vào thị trường lao động Việt Nam chiếm trọn các công trình xây dựng mà nhà cầm quyền hầu như luôn luôn cho các công ty Trung Quốc trúng thầu.
Leave a Comment