Sau 2 tháng ‘lình xình” trong nội bộ kể từ khi Bắc Kinh cho mang giàn khoan HD981 vào tận sân nhà của Việt Nam vào ngày 2/5 cho đến nay, bốn nhân vật lãnh đạo cao cấp nhất của đảng Cộng sản Việt Nam đã có những phát biểu mà một vài dư luận đã vội đánh giá rằng đã có thái độ “cứng rắn” đối với các quan hệ hữu nghị với Trung Quốc hiện nay.
Thủ tướng chính phủ Nguyễn Tấn Dũng phát biểu: “Không đánh đổi chủ quyền để nhận lấy hữu nghị viển vông và lệ thuộc”.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang phát biểu: “Chủ quyền là thiêng liêng, bất khả xâm phạm, phải gìn giữ”.
Tổng bí thư đảng Nguyễn Phú Trọng phát biểu: “Gìn giữ hữu nghị với Trung Quốc, nhưng đồng thời cũng phải giữ vững chủ quyền”.
Tuy mỗi người phát biểu mỗi vẻ khác nhau, nhưng đều tập trung vào hai vấn đề “hữu nghị” và “chủ quyền” trong quan hệ ngày một phức tạp giữa CSVN và Trung Cộng hiện nay.
Đọc kỹ các phát biểu này rõ ràng là lãnh đạo Hà Nội không nhắm vào đối tượng chính là nhà cầm quyền Bắc Kinh mà là để nói cho người dân, hay đúng hơn là cho cán bộ và đảng viên đảng Cộng sản Việt Nam nghe cho bớt bức xúc trước hành động hung hăng và bạo ngược của tàu hải giám Trung Cộng tấn công thô bạo vào các tàu cảnh sát biển của Việt Nam.
Nói cách khác là những leo thang các hành động ngang ngược của Bắc Kinh – qua vụ đâm nát tàu cảnh sát biển rồi còn tố ngược lại là do chính tàu Việt Nam gây sự, tấn công và những thái độ khinh miệt, gọi Việt Nam là “đứa con hoang đàng” phải “dạy cho một bài học” – đã phá vỡ lô cốt “tự kiềm chế để tránh những xung đột” của lãnh đạo Hà Nội bấy lâu nay, để nhích lên lằn ranh “chỉ trích Bắc Kinh” nhưng lại hướng vào dư luận Việt Nam chứ không phải Trung Cộng.
Đây là điểm then chốt mà chúng ta phải nhận diện cho rõ để không có những vọng động như một số người đã “bày tỏ” vui mừng rằng lãnh đạo Hà Nội đã thay đổi lập trường – từ mềm sang cứng – đối với Bắc Kinh.
Có người còn cho rằng các phát biểu nói trên còn biểu hiện sự thống nhất quan điểm của Bộ chính trị để “bật đèn xanh” cho phía chính phủ tiến hành vấn đề pháp lý kiện Trung Quốc ra tòa trọng tài Liên hiệp quốc nay mai.
Những phát biểu của bộ tứ còn được tô đậm thêm bằng màn biểu diễn mới đây của ông Nguyễn Tấn Dũng khi chủ tọa phiên họp chính phủ đầu tháng 7/2014 về cái gọi là “chuẩn bị cho tình huống xấu” nếu Trung Quốc tấn công về mặt kinh tế”.
Gọi đây là màn biểu diễn vì trong thực tế chính phủ của ông Nguyễn Tấn Dũng không có khả năng đối phó nếu Trung Quốc thực sự gây khó khăn cho nền kinh tế của Việt Nam trên ba lãnh vực: 1/ Nguyên vật liệu sản xuất bao gồm các mặt hàng công nghiệp; 2/ Đóng cửa giao thương ở biên giới; 3/ Rút các gói thầu và đầu tư ra khỏi Việt Nam.
Rõ ràng là 2 tháng qua, chính sách bảo vệ chủ quyền bằng đường lối thương thuyết ngoại giao hòa bình của Hà Nội đã hoàn toàn thất bại. Nó đã không chỉ khiến cho Trung Quốc ngày càng hung hăng bạo ngược thêm trên biển Đông, mà còn tỏ thái độ khinh thị, coi thường ý chí chiến đấu của dân tộc Việt Nam khi chính bộ trưởng quốc phòng Phùng Quang Thanh đánh giá vụ HD 981 chỉ là “mâu thuẫn nhỏ trong gia đình”.
Ngoài ra, sự kiện quốc hội không ra nghị quyết về vụ giàn khoan HD 981 vì cho là tình hình chưa đến mức nghiêm trọng, đã như giọt nước làm tràn sự phẫn uất của dư luận nên vì thế mà lãnh đạo Hà Nội đã phải chữa cháy bằng một số phát biểu nói trên.
Tóm lại, toàn bộ các tuyên bố và xử sự của bộ tứ Hùng, Dũng, Sang, Trọng trong những ngày qua vẫn không có gì đột phá mang tính giải pháp mà chỉ là những trò múa may để “tự lừa”, nhằm khỏa lấp thái độ nhu nhược không dám có bất cứ hành động nào, đối với sự hung hăng trên biển Đông của Trung Cộng hiện nay.
Lý Thái Hùng
Leave a Comment