Quảng Cáo

Trung Quốc bắt 6 ngư dân Việt Nam tại vịnh Bắc Bộ

Quảng Cáo

Trung Quốc bắt 6 ngư dân Việt Nam tại vịnh Bắc Bộ

Tin từ báo chí trong nước, thì sáu ngư dân Việt Nam bị kiểm ngư Trung Quốc bắt giữ cùng tàu cá của họ, vào ngày 3/07 trong khi đang làm nghề tại «vùng đánh cá chung» trên Vịnh Bắc Bộ.

Chi hội trưởng Chi hội nghề cá xã Phổ Thạnh (huyện Đức Phổ, Quảng Ngãi), ông Phan Hiển, xác nhận tàu cá QNg 94912 TS của ông Võ Đạt (ở thôn Thạnh Đức 1, xã Phổ Thạnh) và 6 ngư dân bị tàu ngư chính 3103 của Trung Quốc bắt giữ. Vào lúc tàu của ông Võ Đạt bị bắt giữ, có rất nhiều tàu của ngư dân Việt Nam đang khai thác hải sản. Đây không phải là lần đầu tiên Trung Quốc bắt giữ nhiều ngư dân trên hàng trăm tàu cá làm việc tại các ngư trường ở Biển Đông. Biến cố này có thể làm gia tăng các căng thẳng vốn có giữa Việt Nam và Trung Quốc hiện nay tại Biển Đông.

Hiện tại Bộ Ngoại giao Việt Nam chưa đưa ra bình luận nào về vụ sáu ngư dân bị Trung Quốc bắt giữ. Trong khi đó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, tuyên bố rằng sáu ngư dân nói trên bị bắt vì «hoạt động bất hợp pháp tại vùng nước của họ».

 

Hãng Nhật giúp đưa cá ngừ Việt Nam vào thị trường Mỹ, Châu Âu

Theo một bản tin trên báo Bình Định thì Nhật Bản không chỉ hỗ trợ nâng cao chất lượng cá ngừ đại dương, Công ty Kato Hitoshi General (Nhật Bản) còn cam kết giúp ngư dân Bình Định xuất khẩu sang thị trường Châu Âu, Mỹ.

Theo lời ông Masakazu Shoga, chuyên gia thủy sản của Công ty Kato Hitoshi General cho biết, trung bình mỗi năm Nhật Bản tiêu thụ khoảng 600.000 tấn cá ngừ đại dương, trong đó 50% nhập khẩu từ Indonesia, Phillippines, Đài Loan… 10.000 tấn trong số này là hàng tươi sống, còn lại hàng đông lạnh.

Hơn một năm qua, tỉnh Bình Định lập nhiều đoàn công tác sang Nhật Bản xúc tiến đầu tư, đặt vấn đề với doanh nghiệp giúp tư vấn kỹ thuật đánh bắt cũng như tiêu thụ cá ngừ đại dương. Các chuyên gia Nhật hỗ trợ tập huấn kỹ thuật, chuyển giao bộ ngư cụ đánh bắt cá ngừ đại dương đảm bảo chất lượng thủy sản tươi sống xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản.

Bản tin cũng ghi lời ông Masakazu Shoga: “Mô hình thí điểm nơi đây thành công, ngư dân ở các tỉnh miền Trung sẽ áp dụng làm theo, sản lượng cá ngừ đại dương xuất sang Nhật Bản ngày càng nhiều. Chúng tôi cam kết không chỉ giúp ngư dân xây dựng thương hiệu, tiêu thụ cá ngừ đại dương tại thị trường Nhật Bản mà còn chế biến, giới thiệu xuất khẩu sang Châu Âu, Mỹ góp phần mang lại thu nhập cao cho họ”. ông Masakazu Shoga cho biết thêm, cá ngừ đại dương của Việt Nam chuyển đến thị trường Nhật Bản bằng đường hàng không sẽ được đưa đến phiên chợ đấu giá, sau đó đưa ra thị trường tiêu thụ ngay trong ngày.”

 

Người Đức xem Trung Quốc là một mối đe dọa

Kết quả một cuộc điều tra dư luận do BBC World Service tiến hành gần đây cho thấy, Đức là quốc gia có cái nhìn tiêu cực nhất về Trung Quốc, 76% số người được phỏng vấn cho rằng “Trung Quốc là nước chủ yếu gây ra những tác động tiêu cực đối với thế giới”, tỷ lệ này thậm chí còn vượt qua Nhật (73%).

Kết quả này thu hút sự chú ý đối với dư luận, bởi giữa Trung Quốc và Đức không hề có bất kỳ tranh chấp lãnh thổ, không tồn tại lịch sử thù hằn, quan hệ văn hóa và kinh tế tốt đẹp, tại sao người dân Đức lại có cái nhìn tiêu cực đối với Trung Quốc như vậy? Những năm gần đây, cùng với sự trỗi dậy “hòa bình” của Trung Quốc, truyền thông Đức khá quan tâm đến tình hình Trung Quốc, theo đó các mặt xấu của chính quyền Bắc Kinh theo đó cũng được phơi bày.

Tính tổng cộng các bài báo của truyền thông Đức viết về Trung Quốc năm 2008 là 8.766 bài, nhưng đa số các bài viết đều là tiêu cực. Theo đó, truyền thông Đức miêu tả Trung Quốc là “một quốc gia độc tài”, “tội phạm phá hoại môi trường”, “nhà sản xuất sản phẩm giá rẻ”, “kẻ vi phạm bản quyền”, “tiến hành chủ nghĩa thực dân tại châu Phi”… Ngoài ra, Đức còn phê phán chế độ tử hình, chế độ lao động, vấn đề an toàn thực phẩm, đồ chơi độc hại cho trẻ em, sự ngược đãi đối với dân tộc thiểu số vùng Tân Cương, vấn đề tự do tôn giáo, tình hình nhân quyền không mấy tốt đẹp của Trung Quốc, cũng được cho là nguyên nhân khiến cho người dân Đức có một cái nhìn thiếu thiện cảm đối với Trung Quốc. Thêm vào đó, các vấn nạn tiêu cực như nhiều xí nghiệp tại Đức phải đóng cửa, thất nghiệp gia tăng, giá sữa và hàng hóa gia tăng cũng được giới chức trách Đức đánh giá một phần nguyên nhân là những “trò chơi bẩn” của Trung Quốc như ăn cắp sáng chế, hàng nhái, phá giá thị trường…

Không chỉ Đức, rất nhiều quốc gia khác trên thế giới cũng nhìn Trung Quốc với “đôi mắt hình viên đạn” bởi những hành xử ngang ngược, “chơi xấu” và đặc biệt là chủ nghĩa bành trướng ngày càng lộ rõ của nước này. Có vẻ như hình ảnh Trung Quốc đang ngày càng trở nên xấu xí trong con mắt quốc tế, và thực sự đang phải đối mặt với nhiều thách thức.

 

Đại sứ quán Trung Quốc có thể nằm trên số 1 đường Lưu Hiểu Ba, tại Washington ?

Hoa Kỳ đang chuẩn bị đổi tên tuyến phố tại Washington có trụ sở đại sứ quán Trung Quốc theo tên của một nhà hoạt động đối lập nổi tiếng Lưu Hiểu Ba, đang bị Bắc Kinh bắt giam. Dự thảo đổi tên đường nêu trên do nghị sĩ bang Virginia Frank Wolf đề xuất, kế hoạch này đang được đệ trình kèm với dự thảo luật ngân sách của Bộ ngoại giao Mỹ. Theo đó, địa chỉ mới của đại sứ quán Trung Quốc sẽ là số 1 đường Lưu Hiểu Ba. Ông Lưu là một người đã đoạt giải Nobel Hòa bình, nhưng đang phải thụ án 11 năm tù tại Trung Quốc về tội âm mưu lật đổ chính quyền.

Ông Lưu Hiểu Ba được trao giải Nobel Hòa bình năm 2010, do được ghi nhận về sự đấu tranh “vì một Trung Quốc dân chủ và minh bạch hơn” trong suốt hơn 2 thập niên.

Theo nghị sĩ Frank Wolf thì việc đổi tên sẽ phát đi “một thông điệp rõ ràng và mạnh mẽ rằng nước Mỹ có sự cam kết mạnh mẽ trong việc bảo vệ nhân quyền trên toàn thế giới”.

Trong đợt bỏ phiếu hôm thứ Ba vừa qua, dự thảo luật đã được một Ủy ban của Hạ viện Mỹ thông qua, và hiện chỉ còn chờ phê chuẩn của Thượng viện.

Trước thông tin trên, Bộ ngoại giao Trung Quốc đã lập tức phản đối dữ dội.

 

 

 

 

Quảng Cáo
Bài Liên Hệ
Leave a Comment
Quảng Cáo
WordPress Appliance - Powered by TurnKey Linux