Quảng Cáo

Seoul không hưởng ứng Bắc Kinh đi tin sai lạc về Nhật Bản

Quảng Cáo

Seoul không hưởng ứng Bắc Kinh đi tin sai lạc về Nhật Bản

Ngày19/06/2014, hãng thông tấn Tân Hoa Xã đưa tin cho hay vào ngày 3 và 4 tháng 7, ông Tập Cận Bình, Chủ tịch Trung quốc, sẽ sang thăm Hàn quốc với tư cách Quốc khách, sau đó lại lên đường đi Brazil xem trận chung kết World Cup theo lời mời của Tổng thống quốc gia này và tham dự hội nghị 5 quốc gia Tân hưng gồm Brazil, Nam Phi,Nga, Ấn Độ và Trung quốc. Tân Hoa Xã cũng không quên nhắc cho mọi người biết hiện thời điểm này Thủ tướng Lý Khắc Cường đang công du Anh quốc để đẩy mạnh việc giao thương, rồi kết luận rằng Trung quốc ngày càng phát triển mạnh về ngoại giao với nhiều nước, trong khi Nhật Bản bị thế giới, đặc biệt là các quốc gia Đông Á và Đông Nam Á, cô lập vì lãnh đạo nước này không nhận thức đúng về lịch sử.

Chính quyền Bắc Kinh muốn hãng thông tấn Yonhap và báo đài Hàn quốc đưa tin này và bình luận y chang như hãng thông tấn Tân Hoa Xã của mình là Nhật Bản đang bị thế giới cô lập để rồi sử dụng các bản tin của truyền thông Hàn quốc tuyên truyền ngược lại vào Hoa lục chứ Tân Hoa Xã bình luận thì người dân Trung quốc chẳng ai tin.

Ngày 20 tháng 6, hầu hết báo đài ở Seoul đều loan tin về chuyện ông Tập Cận Bình sẽ viếng thăm Hàn quốc, cũng nói đến chuyện Thủ tuớng Abe cũng như nhiều tiền nhiệm của ông ta không nhận thức đúng về lịch sử, nhưng không có chuyện Nhật Bản đang bị thế giới cô lập, ngược lại Bắc Kinh mới là quốc gia đang phải đối diện với nhiều chỉ trích của thế giới, nhất là vụ giàn khoan HD-981 ở biển Đông.

Một quan chức ngoại giao Hàn quốc, muốn dấu tên, cho các ký giả biết trong cuộc họp với bộ Ngoại giao Trung quốc hôm thứ hai 23 tháng 6 vừa rồi để lên kế hoạch cho chuyến viếng thăm Hàn quốc của ông Tập Cận Bình, Bắc Kinh đã tỏ ra không vừa lòng khi không thấy truyền thông Hàn quốc tung hứng bản tin và phần bình luận của Tân Hoa Xã về chuyện Nhật Bản đang bị thế giới cô lập. Bắc Kinh còn trách rằng tại sao đất nước Triều Tiên bị Nhật đô hộ với chính sách khắc nghiệt mà truyền thông quý vị không cùng chúng tôi công kích Nhật Bản vào lúc này. Đoàn Ngoại giao Hàn quốc chúng tôi trả lời rằng chính phủ Hàn quốc không có quyền bắt truyền thông phải loan tin theo ý mình, hơn nữa Nhật Bản hiện nay có bị thế giới cô lập đâu mà loan tin như vậy. Nếu Trung quốc theo dõi thì phải biết rằng chính quyền cũng như báo đài Hàn quốc vẫn thường chỉ trích mạnh Nhật Bản mỗi khi lãnh đạo của quốc gia này có những phát ngôn hay hành động phủ nhận tội ác của họ đối với dân tộc Triều Tiên.

Nhiều bình luận gia Hàn quốc đã nhắc lại cuộc Đối thoại Shangri-La 13 diễn ra ở Singapore hồi cuối tháng 5 vừa rồi để cho rằng chính Trung quốc đang là đối tượng bị nhiều quốc gia cô lập hay ít ra cũng chẳng ai dám tin những lời cam kết của họ. Tại cuộc Đối thoại này, Thủ tướng Nhật, ông Abe đã phát biểu rằng không giải quyết việc tranh chấp giữa hai quốc gia bằng vũ lực mà phải bằng luật pháp quốc tế. Không ai có thể chấp nhận việc sử dụng vũ lực để thay đổi hiện trạng. Qua ngày thứ hai của Đối thoại Shangri-La, các Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Úc, Phi v.v…đã lập lại những gì mà Thủ tướng Nhật phát biểu vào ngày hôn trước để nhấn mạnh về chủ trương phải giải quyết chuyện tranh chấp lãnh thổ bằng luật pháp quốc tế. Trong khi đó Trưởng phái đoàn Trung quốc là Trung tướng Vương Quan Trung (Phó Tổng tham mưu trưởng quân đội Nhân dân) miệng thì nói Trung quốc tôn trọng chủ quyền, độc lập của mọi quốc gia. Trong trường hợp trường hợp Trung quốc có phân tranh về lãnh thổ và lãnh hải với quốc gia nào thì chúng tôi không muốn giải quyết bằng vũ lực quân sự mà bằng đường lối hội đàm song phương. Chuyện ông Trung tướng họ Vương bác bỏ việc giải quyết bằng luật quốc tế và luật biển của Liên hiệp quốc đã làm cho cử tọa ngao ngán, chẳng muốn nghe. Chỉ cần quan sát về toàn cảnh của cuộc Đối thoại Shangri-La 13 là thấy ngay Nhật Bản không bị quốc gia nào cô lập cả. Chính quyền Bắc Kinh có thể nói Nhật Bản đang bị cô lập để tuyên truyền với người dân Hoa lục vốn dĩ chỉ được nghe thông tin một chiều, nhưng chính sách tuyên truyền này hoàn toàn không có chổ đứng trong môi trường thông tin đa chiều. Mặc dù Hàn quốc vẫn còn nhiều vấn đề bất đồng với Nhật, nhưng không thể bịa chuyện ra để tuyên truyền, nói xấu Nhật Bản như Trung quốc đang làm.

Thưa quý thính giả, trong khi mọi người đều cảnh giác trước một Trung quốc xâm lược, tuyên truyền láo khoét thế mà lãnh đạo đảng CSVN vẫn khẳng định đó là người bạn tốt của Việt Nam cho dù Bắc Kinh đang đẩy mạnh chính sách xâm lược Việt Nam. Chưa bị sát nhập vào Trung quốc như Tây Tạng, Tân Cương hay Nội Mông thì chưa thấy thân phận hèn kém của kẻ mất nước, nhưng khi đã trở thành một tỉnh, một khu tự trị của Trung quốc rồi thì có muốn thoát ra không phải dễ. bây giờ không quyết liệt chống sự xâm lược của Trung quốc thì đừng mong bá quyền phương Bắc nương tay.

 

Hàng trăm ngàn người dân Hồng Kông đòi bầu cử trực tiếp, dân chủ thực sự

Năm 1997, khi nhận lại nhượng địa Hồng Kông từ Anh quốc, chính quyền Cộng sản Trung quốc đã cam kết rằng sẽ áp dụng chính sách ’’Một quốc gia hai chế độ’’, cho Hồng Kông được hưởng một quy chế tự trị cao trong vòng 50 năm (2047). Ngoài hai lãnh vực Quốc phòng và Ngoại giao thì người dân Hồng Kông có quyền quyết định mọi chuyện, thế nhưng cho đến nay người dân Hồng Kông chưa bao giờ được chọn lựa một người Đại diện cho mình vào chức vụ Chưởng Quản (tức là chức vụ đứng đầu đặc khu hành chánh Hồng Kông) qua một cuộc bầu cử trực tiếp vì tất cả những ai ra ứng cử vào chức vụ này phải được chính quyền Trung ương Bắc Kinh chấp nhận mới được. Nói cho dễ hiểu là theo kiểu đảng cử dân bầu như ở Hoa lục.
Năm 2017 tới đây là lần thứ 5, người dân Hồng Kông sẽ đi bầu lại chức vụ Chưởng Quản, vì không muốn phải đi bầu theo kiểu Cộng sản  nên vào ngày 22 tháng 6 vừa qua, nhiều tổ chức xã hội dân sự ở Hồng Kông đã tiến hành một cuộc thăm dò dư luận bằng hình thức trưng cầu dân ý kéo dài trong 10 ngày để xem có bao nhiêu phần trăm người dân Hồng Kông muốn được trực tiếp chọn lựa người Đại diện cho mình thay vì phải bầu cho một người nào đó nằm trong danh sách do Bắc Kinh đưa ra.
Các tổ chức Dân sự ở Hồng Kông đã lập ra 15 địa điểm bỏ phiếu để cho những người dân Hồng Kông từ 18 tuổi trở lên có thể đến bầu chọn vào ngày chủ nhật 22/06/2014, Ngoài các địa điểm bỏ phiếu ra, Ban tổ chức còn lập thêm một trang web để mọi người có thể vào bầu online cho tiện, thế nhưng trang Web bỏ phiếu online này mới vừa mở ra được vài tiếng là đã bị tin tặc đánh sập, Ban tổ chức đang cố gắng hồi phục lại trang web này.  Để cho công bằng, Ban tổ chức trưng cầu dân ý đã mời nhiều chuyên gia độc lập vào Ban Giám sát. Theo tin tức ghi nhận được thì chỉ trong ngày chủ nhật 22 tháng 6 vừa rồi đã có đến 689 ngàn người đi bỏ phiếu, một con số vượt xa sức dự tưởng của Ban tổ chức vì lúc đầu ai cũng nghĩ nếu đạt được ngưỡng cửa 100 ngàn người bỏ phiếu là coi như thành công.

Bà Chang Fang On Sang (74 tuổi, đã từng nắm chức Phó Chưởng Quản Hồng Kông từ năm 1997 đến măm 2001) có mặt tại một địa điểm bỏ phiếu đã trả lời các ký giả rằng mặc dù cuộc trưng cầu dân ý này không có giá trị ràng buộc về mặt pháp lý, nhưng nó có một  ý nghĩa rất lớn là nói cho chính quyền Trung ương Bắc Kinh biết rằng người dân Hồng Kông muốn có bầu cử trực tiếp, tự do thực sự.

Rất nhiều sinh viên, thanh niên sau khi bỏ phiếu xong được các ký giả hỏi cảm tưởng đều trả lời rằng tôi muốn Hồng Kông có tự do, có dân chủ thực sự đó là lý do khiên tôi có mặt tại địa điểm bỏ phiếu này trong ngày hôm nay. Ba năm tới, danh sách ứng viên Chưởng Quản lại cũng được Bắc Kinh phê chuẩn chứ không phải người dân Hồng Kông, như thế là không công bằng, chúng tôi sẽ không thể bầu một người Đại diện thực sự, đó không phải là dân chủ thực sự. Tại sao chính quyền Bắc Kinh miệng thì nói tự do, dân chủ mà vẫn áp dụng thể thức đảng cử dân bầu.
Bắc Kinh đã gọi cuộc trưng cầu dân ý này là bất hợp pháp, không có giá trị pháp lý và nhất là không phản ánh nguyện vọng của người dân Hồng Kông, đó là chưa kể đến việc gây xáo trộn sinh hoạt xã hội.

Trong ngày trưng cầu dân ý vừa rồi, báo chí phát hành ở Hồng Kông đăng tin cho hay chính quyền Trung ương Bắc Kinh đang tìm cách nuốt sạch cam kết để cho Hồng Kông tự trị vì cảm nhận rằng càng tự trị thì Hồng Kông ngày càng tách rời Trung quốc. Tin này được dẫn chứng bằng những lời phát biểu của Thủ tướng Lý Khắc Cường trong báo cáo với Quốc hội Trung quốc vào ngày 07/03/2014. Ông Thủ tướng Lý Khắc Cường nói rằng: Để Hồng Kông tự trị không tốt bằng bắt nó phải thống thuộc vào chính quyền Trung ương, Chính quyền ông Tập Cận Bình bắt đầu thực hiện việc này.

Ông Cường còn trân tráo nói thêm rằng ngoại trừ nội các của Thủ tướng Chu Dung Cơ ra còn tất cả các vị Thủ tướng Trung quốc khác đều muốn phải thống trị Hồng Kông chứ đâu để cho nó có quyền tự trị cao độ được. Diễn đàn hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương vào tháng 9 năm 2014 sẽ do Trung quốc đứng ra tổ chức, lúc đầu chúng ta đã chọn Hồng Kông làm nơi hội họp, nhưng vì thấy Hồng Kông ngày càng muốn tách Trung quốc nên chúng ta đem về Bắc Kinh tổ chức.

Thủ tướng của một nước lớn vậy mà ông Lý Khắc Cường bỏ qua một cách dễ dàng những gì mà tiền nhiệm của ông ta đã long trọng cam kết với người dân Hồng Kông và dư luận thế giới thì thử hỏi có quốc gia nào còn muốn đẩy mạnh bang giao với Trung quốc nữa, ngay đến những nước chư hầu của Trung quốc mà còn không tin lời hứa của Bắc Kinh huống chi là các quốc gia chủ quyền, có độc lập. Đó là nhận xét của các tổ chức xã hội dân sự ở Hồng Kông.

 

 

 

Quảng Cáo
Bài Liên Hệ
Leave a Comment
Quảng Cáo
WordPress Appliance - Powered by TurnKey Linux