Quảng Cáo

Báo chí Trung Quốc nói gì về chuyến đi Việt Nam của Dương Khiết Trì ?

Quảng Cáo

Báo chí Trung Quốc nói gì về chuyến đi  Việt Nam của Dương Khiết Trì ?

Báo chí quốc tế (bao gồm The Diplomat) cho rằng sẽ không hy vọng có một bước đột phá trong quan hệ TQ-Việt Nam qua chuyến thăm của Ủy viên quốc vụ viện TQ Dương Khiết Trì tới Hà Nội trong tuần này.

Theo The New York Times thì “Căng thẳng không hề giảm giữa Việt Nam và TQ“. BBC thì nhấn mạnh “Bế tắc tại các cuộc đàm phán TQ-Việt Nam“, và Reuters thì giật tít : “Trung Quốc mắng Việt Nam đã ‘thổi phồng’ chuyện giàn khoan dầu ở biển Đông”.

Trong khi đó, phương tiện truyền thông TQ lại nhìn nhận vấn đề hoàn toàn khác. Phiên bản tiếng Anh của Tân Hoa Xã viết: “TQ, Việt Nam đồng ý sẽ xử lý đúng đắn các vấn đề song phương nhạy cảm“; còn China Daily thì nhấn mạnh: “Bắc Kinh, Hà Nội nguyện hành động để giải quyết bất đồng“. Một đoạn video của CCTV thì tập trung vào tuyên bố của họ Dương cho rằng ngay cả khi mối quan hệ TQ-Việt Nam tồi tệ hơn nhiều so với hiện nay, hai bên vẫn sẽ phải nghĩ ra cách để nhanh chóng giải quyết vấn đề. Dựa trên các bài báo của truyền thông TQ, có vẻ như các cuộc họp của Dương Khiết Trì với lãnh đạo Việt Nam là một bước tiến quan trọng trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng hiện nay.

Nhưng điều đó không có nghĩa là TQ sẽ sẵn sàng thỏa hiệp. Ngược lại, tất cả mọi bài báo từ TQ đều khẳng định việc mang giàn khoan vào biển Đông là chuyện riêng của TQ, và rằng Việt Nam nên ngừng những quấy rối bất hợp pháp. Các bài báo của TQ cũng ngụ ý rằng Hà Nội đã thay quan điểm. Không một bài nào từ báo chí TQ tường thuật giống như những gì truyền thông Việt Nam và phương Tây đã mô tả về sự cương quyết của phía Việt Nam, yêu cầu TQ phải rút giàn khoan ra khỏi biển Đông. Thay vào đó, một bài viết từ Tân Hoa Xã nói rằng Việt Nam và TQ đã đồng ý để “xử lý đúng đắn các vấn đề song phương”, không quốc tế hóa tranh chấp biển Đông, và không để cho các căng thẳng trên biển làm ảnh hưởng tới quan hệ song phương.
Báo chí TQ cũng mô tả chuyến thăm của Dương không chỉ là một chiến thắng về mặt ngoại giao, mà còn về mặt đạo đức. Lời lẽ của những bài báo này mô tả Dương giống như một thầy giáo nhẫn nại được TQ gửi đến để huấn thị một học sinh ngỗ ngược. Thái độ này thể hiện rõ nhất từ tờ Hoàn Cầu, một tờ báo sặc mùi chủ nghĩa dân tộc. Hoàn Cầu mô tả chuyến thăm của Dương như một món quà từ TQ, tặng cho Việt Nam một cơ hội để “tự kiềm chế trước khi quá muộn.” Nhiệm vụ của Dương tại Hà Nội là để “vạch ra những điểm quan trọng và nêu ra những ưu và khuyết ” của tình hình. Hoàn Cầu còn ví von là qua việc nói chuyện với Việt Nam,TQ đang “đôn đốc đứa con hoang đàng trở về nhà”. Từ cách nhìn nhận này, có vẻ như Dương không phải đến Hà Nội để đối thoại, mà đơn giản là để giảng bài cho Việt Nam.

Mỗi bài tường thuật đều mô tả Việt Nam như một kẻ quấy rối, trong khi TQ thì lại rất kiên nhẫn và khoan dung, đã gửi họ Dương đến để khuyên bảo Việt Nam. Những bài báo này cũng nhấn mạnh đến sự đồng thuận mà hai phía đã đạt được từ các cuộc họp. Những lời này sẽ được dùng để chống lại Hà Nội nếu cuộc khủng hoảng vẫn sẽ tiếp tục như hiện nay. Truyền thông TQ cũng gửi một thông điệp mạnh mẽ rằng bây giờ đến lượt Việt Nam phải đáp lại các thiện ý của TQ, bằng cách chấm dứt các hoạt động ngăn cản trên biển cũng như các cuộc biểu tình trên đường phố chống giàn khoan TQ. Thật vậy, bài báo trên tờ Hoàn Cầu kết thúc bằng một cảnh cáo là cộng đồng quốc tế sẽ kiểm chứng là liệu Việt Nam có giữ đúng lời hứa sau cuộc họp với Dương hay không ?

 

San hô Việt Nam bị khai thác và tận diệt

Theo Báo Dân Trí cho biết, rặng san hô dọc thềm bờ biển Việt Nam đã bị khai thác đến mức cạn kiệt, có nguy cơ biến mất hoàn toàn. Báo này dẫn thống kê của các đơn vị bảo tồn sinh vật biển nói rằng, san hô Việt Nam đang bị “suy thoái trầm trọng” về số lượng lẫn phẩm chất. Con số thống kê cho thấy, chỉ còn 1% trong số 1,300 kí lô mét vuông san hô dọc bờ biển Việt Nam được cho là “đang trong tình trạng rất tốt,” trong khi có đến 31% được nhận xét là “nghèo.”

Cũng theo báo Dân Trí, có đến 96% rặng san hô khắp vùng biển Việt Nam đang gánh chịu sự tác động tiêu cực vì hoạt động khai thác cấp tập của con người, có nguy cơ bị huỷ diệt. Tại Đà Nẵng, ngư dân địa phương đã dùng đủ loại lưới câu hái các rặng san hô ở khu vực phía nam bán đảo Sơn Trà, khiến toàn rặng san hô ở khu vực này có nguy cơ biến mất.

Tại vùng biển Khánh Hoà, Bà Rịa – Vũng Tàu, người ta còn dùng tất cả các loại phương tiện cơ giới như máy đào, máy xúc để lấy san hô, sau đó tự tiện dùng xe hơi chở đi. Cũng theo phúc trình trên, tính trung bình mỗi năm có hơn 50 tấn san hô bị biến mất vì hoạt động kinh doanh, khai thác tại Việt Nam.

Đó là chưa kể việc khai thác, lấy đi cả loại san hô đen quý  tại các vùng biển thuộc tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Quảng Trị, Quảng Bình.  Theo một số chuyên viên môi trường thế giới, toàn bộ san hô tại vùng biển Việt Nam sẽ biến mất hẳn trong vòng 20 năm tới, nếu tiếp tục bị khai thác ở tốc độ cấp tập như hiện nay. Nhiều tài liệu trước đó cho biết, ở Việt Nam có đến 340 loài san hô trong tổng số 800 loài san hô khắp hành tinh, hiện diện tại các vùng biển từ miền Bắc kéo dài đến miền Nam của Việt Nam.

Các rặng san hô xuất hiện ở mật độ cao trong các giai đoạn trước ở vùng biển Nha Trang, Hoàng Sa, Trường Sa, biển Hòn Mun thuộc tỉnh Khánh Hoà. Tại vịnh Hạ Long, Côn Đảo cũng có đến hàng trăm loài san hô. Các đơn vị bảo tồn sinh vật biển Việt Nam xác nhận rằng, Việt Nam là một trong những quốc gia sở hữu nhiều loài san hô biển nhất thế giới.

Thế nhưng, vai trò quyết định của loài san hô đối với sự phát triển bền vững hệ sinh thái của quốc gia đã không được nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam coi trọng để bảo tồn. 

 

Dân Sài Gòn lo sợ về những bất cập và hiểm nguy đường sá

Dù mỗi năm, các cơ quan và chính quyền Sài Gòn vẫn nhận được những số tiền khổng lồ để  sửa chữa, nâng cấp đường sá ở thành phố, thế nhưng mọi thứ ngày càng lộ dần về việc tắc trách, xuống cấp rất nhanh của hệ thống giao thông. Mới đây, vụ nổ lớn gây nứt, mở thành những hố sâu ngầm ở quận Bình Thạnh, Saigon, lại càng dân chúng lo ngại hơn.

Trưa 16/6, mặt đường Hoàng Sa bên kênh Nhiêu Lộc đoạn gần dạ cầu cầu Bùi Hữu Nghĩa (thuộc phường Đa Kao, Q.1, Sài Gòn) bỗng nhiên phát nổ lớn, nứt toác từng lớp nhựa khiến nhiều người hoảng sợ.  Sau tiếng nổ khoảng 20 phút, mặt đường bị nứt toác 2 vết dài hơn 2m. Một lớp nhựa đường bị trồi lên, cho thấy một hố ngầm lớn chạy dài bên dưới. dân chúng đi đường hoảng hốt ngừng xe, hoặc quay đầu để chạy tránh. Vụ nổ lớn và mạnh đến mức các tấm rào chắn bê tông bên lề đường bị lệch. Lề đường có những rãnh lớn sau vụ nổ. Các nhân viên giao thông ít lâu sau, đã đến nơi đã phong tỏa khu vực xảy ra vụ nổ và tìm hiểu nhưng không tìm ra nguyên nhân.

Cho đến nay, các kết quả tìm hiểu đều cho ra những chứng cứ khác nhau, khiến người dân sống gần đó đều hoang mang.

Các vụ nổ gây ra hố tử thần hay sụt lún, nứt đường sá gần đây xảy ra khá nhiều ở Việt Nam. Tại Hà Nội, tháng 8 năm ngoái cũng đã có vụ nổ lớn, gây ra hố tử thần, tức một miệng hố lớn hàng chục mét và sâu hun hút. Nhưng tới nay, các kết quả vẫn mập mờ, không rõ là như thế nào.

Vụ nổ ở quận Bình Thạnh, Sài Gòn, không phải là vụ đầu tiên. Tháng 10/2013, mặt đường Bình Lợi, phường 13, Q.Bình Thạnh cũng đã xảy ra một vụ nổ khiến khói lửa bốc lên. Công an và sở Giao thông công chánh đã đến tìm hiểu và sau đó đưa ra nguyên nhân là do chập hệ thống điện bên dưới mặt đường. Và đây là lần thứ hai xảy ra ở quận Bình Thạnh, với tiếng nổ và đường nứt lớn hơn khiến ai nấy đều hoảng sợ không biết nay mai sẽ ra sau.

Sài Gòn giờ đây có đủ những điều làm cuộc sống trở nên bất an. Từ cướp giật, tệ nạn cho đến công an nhũng nhiễu dân chúng… và nay thì đến hệ thống hạ tầng đang sụp đổ từng phần do cán bộ tham nhũng tiền vật liệu công trình, cũng như tắc trách trong xây dựng.

Được biết, vào đầu năm, chính quyền tại Sài Gòn đã đòi Trung Ương cấp thêm 13.000 tỉ đồng (tức hơn 500 triệu Mỹ kim)để chỉnh sửa thêm đường sá.

 

 

 

 

Quảng Cáo
Bài Liên Hệ
Leave a Comment
Quảng Cáo
WordPress Appliance - Powered by TurnKey Linux