Kỹ sư Nguyễn Văn Thạnh và cơn bão lũ miền trung năm 2013 (phần 2)

- Quảng Cáo -

Thưa quý thính giả, Kỹ sư Nguyễn Văn Thạnh sinh năm 1983, là người Bình Định. Anh là người đã đứng tên và kêu gọi giới trẻ Việt nam tham gia ký vào “Đơn Kiện Thủy Điện” khi nhìn thấy hàng loạt đồng bào phải bỏ mạng trước những đợt xả lũ vô trách nhiệm của một số cơ quan nhà nước. Cuộc vận động của anh đã được nhiều người tham gia ký tên ủng hộ. Tuy nhiên, cùng lúc ấy, bản thân anh và gia đình đã phải chịu liên tiếp những áp lực và tấn công từ nhà cầm quyền.

Ngày hôm nay, Chuyện Dân Tôi xin được chia sẻ cùng quý thính giả CTM câu chuyện và những gian nan của gia đình kỹ sư Nguyễn Văn Thạnh qua vụ việc anh đứng tên “Đơn Kiện Thuỷ Điện”

Mùa bão lũ
Cha chống lại căn nhà
gió tốc liêu xiêu
Mẹ xốc lại đôi quang gánh
quằn nặng nỗi lo
Con thu mình co ro
giấc mơ sũng ướt

Mùa bão lũ
Nhòa ranh giới giữa trời và nước
Bà run run ôm kỷ vật
nước chạy theo chân
Ông đau đáu đăm đăm
con trai mình vẫn ở trên tàu đánh cá

- Quảng Cáo -

Mùa bão lũ
Em đi học đôi chân trượt ngã
sách vở nhòe nước mắt nước mưa
Cô gầy hơn trong tiếng giảng bài trưa

Mùa bão lũ
Thuyền xoay như lá
Mạng người là cỏ
Nhà cửa là rơm
Miếng cơm
trộn với bùn và nước

Trước tai hoạ của đồng bào do những đợt xả lũ, kỹ sư Thạnh đã viết một loạt bài kêu gọi mọi người cùng ký tên vào đơn kiện, với nội dung như sau:

Đã có tổng kết đợt mưa lũ vừa rồi: có ít nhất 29 người vừa chết và mất tích. Trong đó có những cái chết rất thương tâm như câu chuyện hai cô giáo còn rất trẻ, mới 22 tuổi đi dạy rồi bị nước cuốn chết. Chưa kể hàng vạn người trắng tay, màn trời chiếu đất, cơ nghiệp cả đời tiêu tan chỉ trong một đêm.

Nguyên nhân của những đau thương trên là do trời: ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, gây mưa. Trời làm thì không thể tránh hay kiện cáo được.

Nhưng cũng như những tên trộm lợi dụng đêm tối để gây án rồi tẩu thoát, các thủy điện đã lợi dụng “cơ trời” để gây tội: 15 thủy điện đã đồng loạt xả lũ. Bao nhiêu nước do trời mưa, bao nhiêu nước do thủy điện xả lũ, không ai biết. Vì không thể biết nên các chủ nhà máy thủy điện dễ chối tội và vô can.

Điều cay đắng, đây không phải là lần đầu tiên. Năm nào người dân Miền Trung nghèo khó cũng bị đại nạn này. Thủy điện xả lũ đã thành đại họa cho dân miền trung. Như án tử hình treo lơ lửng trên đầu họ.

Mỗi lần gây ra tai họa, cộng đồng lại dậy sóng chỉ trích các thủy điện, thậm chí là các cấp chính quyền có liên quan, nhưng rồi mọi việc lại đâu vào đó. Vì sao vậy? Vì cái ác không bị phán xét và trứng phạt thích đáng. Tội ác nếu không được phán xét, trừng phạt thích đáng thì nó sẽ không bao giờ dừng lại.

Và có một thực tế, chúng ta không thể van xin lòng tốt của kẻ khác. Chúng ta cần lôi chúng ta tòa để công lý được thực thi.

Dù bị thiệt hại nặng nề, tính mạng, tài sản bị đe dọa nhưng từng người dân nghèo, thấp cổ bé họng không thể kiện cáo được. Họ bị hạn chế về tiền bạc, thời gian cũng như kiến thức về luật pháp.

Trước thực trạng trên, tôi có ý định lập một ủy ban để tiến hành kiện các chủ nhà máy thủy điện ra tòa. Rất mong nhận được sự ủng hộ của mọi người.

Nguyễn Văn Thạnh

Sau khi nhận được 3000 chữ ký ủng hộ đơn kiện Thuỷ điện. Gia đình người kỹ sư lương thiện đã phải đơn thân đối mặt với cường quyền. Mái ấm của gia đình anh cũng tan tác theo đơn kiện. Anh chị bị đuổi nhà liên tục, vì áp lực của công an, không một ai dám cho họ mướn nhà.

Mới đây nhất ngày 16/2/2014 anh đã bị công an xã Hòa Phước huyện Hòa Vang đánh đập tàn nhẫn trong khi tới thăm gia đình người em trai. Nhưng điều bất hạnh nhất là cái áp lực đè nặng lên đôi vai mỏng manh của người vợ đã và đang đe doạ đến hạnh phúc gia đình anh. Hãy nghe anh tâm sự trong bài viết mang tên: “Tôi, vợ và con đường dân chủ”.

Người lương thiện là người có trái tim yêu thương. Tình thương theo lẽ tự nhiên sẽ dành cho người thân, bạn bè, rồi mới đến đất nước, đồng bào. Tôi cũng vậy. Giây phút mẹ tôi khóc, yêu cầu tôi về quê (http://www.thanhblog.org/2014/02/tiep-theo-cau-chuyen-me-toi-ra-on-ca-xa.html?m=1) là giây phút khủng hoảng tinh thần đối với tôi. Lúc đó tôi rất đau khổ và cũng định nghỉ, về quê cùng với mẹ.

Nhưng lý trí mách bảo tôi rằng, tôi cần phải vượt qua, không thể để mình mềm lòng (tôi về nhà lúc đó bố mẹ tôi sẽ nhốt tôi lại, tịch thu máy móc liên lạc vì họ quá sợ tôi sẽ bị giết). Tôi biết rằng, giai đoạn này đất nước cần những người như tôi, tôi không thể đầu hàng và gục ngã. Và bây giờ tôi thấy đó là lựa chọn đúng.

Tuy nhiên, điều tôi đau lòng, mệt mỏi nhất lúc này là chuyện vợ. Bất cứ người phụ nữ nào cũng muốn có một gia đình yên ấm, công việc ổn định, an toàn cho chồng con. Vợ tôi cũng vậy. Vợ tôi là một giáo viên nhà nước nên càng ít có lựa chọn hơn. Dù cô ấy có lúc ủng hộ việc tôi làm nhưng cô ấy không thể đứng vững trước sự truy kích, làm khó của cường quyền suốt trong thời gian dài.

Nắm được điểm yếu này, lâu nay cường quyền liên tục tấn công làm khó khăn không cho tôi thuê nhà. Tôi nghĩ họ biết việc họ làm là bẩn thỉu và không hiệu quả nhưng họ vẫn làm vì mục tiêu là tác động đến sự xáo động gia đình, dùng vợ để ngăn cản chồng hoặc làm cho tôi mệt mỏi, nhụt ý chí.

Thời gian rồi tôi phải sống ở Lăng Cô-Huế(nhà anh Phan Đình Thành) trong khi vợ tôi sống ở Đà Nẵng. Sự xa cách, chia rẽ tư tưởng và việc làm khó của chính quyền (http://www.thanhblog.org/2014/03/gay-phien-ha-va-nhung-lam-qua-muc.html) làm cho tình cảm vợ chồng tôi chia rẽ.

Đây là điều làm tôi rất đau lòng. Nhiều khi tôi muốn buông xuôi nhưng hình ảnh ánh mắt trẻ thơ oan ức do bố bị công an đánh chết mà không tìm được công lý, hình ảnh ngư dân bị Trung Quốc ức hiếp, đánh đập thậm chí là giết chết, rồi hình ảnh người yêu nước như thầy Định bị bách hại làm tôi thấy có điều gì đó đau đớn, bứt rức trong người nếu không tiếp tục nói, viết ra điều mình biết, mình cho là đúng.

Tôi đang đứng trước sự lựa chọn vô cũng khó khăn: im lặng để có một gia đình yên ấm hay tiếp tục đi con đường đã chọn? Tôi biết rằng dù lựa chọn thế nào trong tôi cũng có những tổn thương ghê gớm. Tôi đang đau khổ.

Thưa quý thính giả, Kỹ sư Thạnh hay đại đa số đồng bào tại quê nhà đang đứng giữa những lựa chọn khó khăn nhất. Im lặng, cúi đầu để mặc cho cái ác hoành hành, hay đứng lên đòi lại cái quyền cơ bản của con người. Đòi lại quyền được sống đàng hoàng cho chính mình và các thế hệ tương lai?

Thưa quý thính giả, MH và VĐ xin được nhường câu trả lời lại cho quý vị và xin phép được tạm dừng chương trình lại ở đây. Chúng tôi xin mượn lời nhắn của kỹ sư Nguyễn Văn Thạnh như một lời chia tay:

Phải nói tôi choáng váng và rất đau lòng. Tôi quyết tâm đưa “chế độ khủng bố” này ra ánh sáng, hầu mang lại tương lai cho đất nước, cho dân tộc.

Tôi lùi có nghĩa là các ác đã thắng, cơ hội để có người lên án đến cùng cái ác là vô cùng hiếm.

Xin các bạn hãy nghĩ và làm gì đó để góp công sức, xin đừng bàn lùi. Không tôi thì cũng phải có ai đó thôi các bạn. Nếu không  có ai thì vận nước xem như đen tối, cái ác hoàng hành không ai chống nổi.

Tôi đau lòng lắm nhưng vì nghĩa lớn, tôi không có nhiều lựa chọn.

 

- Quảng Cáo -

Chúng Tôi Mong Có Góp Ý Kiến Thêm Từ Quý Vị

Please enter your comment!
Please enter your name here