Vẫn chưa làm rõ vụ xí nghiệp Bản Đồ bị cháy
Đây là xí nghiệp cơ mật quan trọng do Bộ Quốc phòng quản lý, nơi đang lưu giữ rất nhiều tài liệu quý về chủ quyền đất nước Việt Nam, bao gồm các khu văn phòng, xưởng chế bản, kho tàng, hệ thống máy tính… nơi in ấn, lưu trữ bản đồ Việt Nam – trong đó có cả các bản đồ cổ của việt Nam khẳng định chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa. Trước năm 1975 tòa nhà trụ sở Xí nghiệp Bản đồ này là Nha Địa dư quốc gia, được xây dựng từ năm 1939 và hoàn thành vào năm 1943. Sau năm 1975, Nha Địa dư quốc gia trở thành nơi thiết lập, biên tập, in các loại bản đồ, trực thuộc Cục Bản đồ, do Bộ Tổng Tham mưu Quân đội Việt Nam quản lý.
Trong bối cảnh căng thẳng hiện nay ở biển Đông trước sự xâm lăng trắng trợn của Trung cộng hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 trong lãnh hải VN, sự việc cháy Xí nghiệp Bản đồ xảy ra, khiến người ta liên tưởng ngay đến bàn tay của ai đó đang cố ý phá hoại, vì lửa cháy vào lúc nửa đêm, khi máy móc đều đã được tắt và tất cả công nhân làm việc tại xí nghiệp đều về nhà.
Vụ nổ cháy kéo dài gần 5 tiếng đồng hồ, đã thiêu hủy hoàn toàn vật dụng cùng phần lớn tòa nhà cổ dùng làm Xí nghiệp Bản đồ này.
Từ những vụ việc xảy ra ở Bình Dương và Hà Tĩnh, nếu chịu khó kết nối các sự việc vào người ta sẽ thấy ai là người có lợi trong tất cả các chuyện này, và có thể biết là ai đã nhúng tay vô.
Theo các phản ứng trên mạng Internet được ghi nhận trong những ngày qua, đa số công luận đặt dấu hỏi về bàn tay của tình báo Trung Cộng, vốn đã được hoạt động gần như tự do trên đất VN từ nhiều năm qua, đến độ công an CSVN thường xuyên lấy bóng đen “an ninh TQ” ra hù dọa nhiều người Việt biểu tình chống xâm lược bị bắt giữ tại các đồn công an trước đây. Cũng có người nghi ngờ có bàn tay của chính phe nhóm trong giới lãnh đạo đảng CSVN đã và đang “phục vụ Bắc Kinh”. Vì càng nhiều bằng chứng về chủ quyền VN được in ấn và quảng bá rộng rãi thì sẽ càng khó cho nhóm này bênh vực chính sách “tiếp tục đàm phán song phương với Trung Quốc”.
Đây cũng là lý do giải thích tại sao trong những ngày qua Cơ quan chức năng vẫn giữ im lặng và chưa làm rõ nguyên nhân vụ nổ cháy này.
Con buôn Trung Quốc dụ nông dân bẻ bông thanh long
Ông Nguyễn Văn Thân, chủ nhiệm hợp tác xã Ðức Mỹ ở huyện Càng Long tố cáo thương lái Trung Quốc có mặt hầu như khắp vùng Càng Long, hỏi mua bông nhằm ý đồ làm suy yếu vườn thanh long Việt Nam.
Ông Thân cho biết, cách nay vài tháng, người Trung Quốc đã nhờ thương lái Việt Nam ở tỉnh Tây Ninh đến gặp ông đặt mua bông thanh long khô với số lượng lớn, với giá 50,000 đồng, tương đương 2.5 đô la một ký, với điều kiện chỉ mua bông thanh long còn búp, không phân biệt lớn nhỏ, và từ chối mua bông đã nở.
Theo ông Thân, những người này nói mua bông thanh long khô để chế biến trà xuất cảng. Thế nhưng, khi ông Thân yêu cầu ký hợp đồng thu mua thì các thương lái Tây Ninh nói chỉ ký hợp đồng khi đủ số lượng bông thanh long cần thiết. Họ bỏ đi, và đã không quay trở lại theo lời hứa.
Ông Thân cho rằng, đó là chiêu lừa của thương lái Trung Quốc, muốn đưa nông dân Việt vào bẫy ồ ạt bẻ bông để bán. Khi số lượng bông thu hái quá nhiều, thương lái Trung Quốc chỉ cần tỏ vẻ “chậm chạp” một chút cũng đủ làm giá bông giảm thảm hại. Ông Thân cũng cho rằng cây thanh long bị “lặt” hết bông sẽ kiệt sức, không trổ bông trong vụ tới, dẫn đến nguy cơ thất mùa.
Ông Lê Văn Bé, chủ tịch Hội Làm Vườn tỉnh Trà Vinh cho biết, cũng đã báo động về việc thương lái Trung Quốc lùng mua bông thanh long ruột đỏ. Ông nói đã yêu cầu nông dân, các chủ vườn của tổng cộng khoảng 100 ha thanh long ruột đỏ khắp tỉnh Trà Vinh không được lặt bông để bán. Ông này cảnh cáo rằng, bán hết bông thì nhà vườn có nguy cơ không thu đủ sản lượng để xuất cảng, sẽ bị thiệt hại nặng.
Du lịch Ðà Nẵng trả giá đắt vì lệ thuộc khách Trung Quốc
Theo báo mạng Infonet, ngành du lịch ở thành phố Ðà Nẵng những năm qua hầu như “đổi lốt,” vì sự tràn ngập của du khách Trung Quốc. Chỉ riêng trong năm 2013, có đến 105,605 lượt người Trung Quốc đến viếng Ðà Nẵng. Các hãng hàng không Trung Quốc cũng như Vietnam Airlines của Việt Nam, đã mở một loạt 13 chuyến bay trực tiếp nối các tỉnh Trung Quốc với Ðà Nẵng.
Trong vòng ba năm, từ 2010 đến 2013, Ðà Nẵng có thêm 8,000 phòng khách sạn. Chỉ riêng năm rồi, Ðà Nẵng có 65 khách sạn, nhà trọ mới với trên 3,000 phòng. Ðến giờ này, tổng số cơ sở khách sạn, nhà trọ ở Ðà Nẵng lên đến con số 400, với 14,000 phòng, có thể tiếp đón 8.5 triệu lượt khách mỗi năm.
Trước đó, người ta ước tính, số du khách Trung Quốc chiếm 20% lượt khách ngoại quốc đến Ðà Nẵng, sẽ tăng dần và chiếm đến một nửa tổng số du khách ngoại trong năm 2014. Ðó là chưa kể các nhà hàng, quán nhậu, tiệm bán hàng lưu niệm và các dịch vụ đi kèm… mọc lên như nấm tại thành phố Ðà Nẵng.
Tuy nhiên, tính chất hoạt động chỉ “chăm bẳm” vào thị trường Trung Quốc đã khiến ngành du lịch thành phố này gần như rơi xuống đáy những ngày qua. Hiện nay, hầu hết các khách sạn 2-3 sao mới xây dựng sau này “ế” khách thê thảm. Có nơi chỉ đón được vài ba người khách mỗi đêm, lợi tức thu được không đủ trả tiền điện và lương nhân viên. Con số hàng trăm ngàn du khách Trung Quốc đến Ðà Nẵng nay chỉ còn lèo tèo vài ngàn người mỗi tháng.
Ông Huỳnh Tân Vinh, chủ tịch Hiệp Hội Du Lịch Ðà Nẵng đã từng cảnh cáo giới doanh nhân ngành du lịch Ðà Nẵng việc lệ thuộc quá nhiều vào một thị trường, mà không chịu “đa dạng hóa” thị trường.
Theo ông, chỉ vì xây dựng quá nhiều cơ sở vật chất làm tăng nguồn cung cao ngất, trong khi thiếu biện pháp quảng bá để lôi cuốn du khách khắp nơi để đẩy mạnh mức cầu, là phương hướng kinh doanh sai lầm. Khi căng thẳng biển Ðông bùng nổ, thị trường Trung Quốc “teo” lại khiến mức cầu tuột thấp thảm hại, cơ sở kinh doanh thương mại của ngành du lịch đua nhau “sập tiệm.”
Hiện nay, chỉ còn hai đường bay trực tiếp nối Hồng Kông và Quảng Châu với Ðà Nẵng của Dragon Air, Vietnam Airlines và Jetstar. Ðiều đáng lo, theo đại diện của Sở Văn Hóa-Thể Thao-Du Lịch Ðà Nẵng, số lượng du khách Trung Quốc đến thành phố này sẽ giảm dần từ nay cho đến hết tháng 7, 2014. Phải sau 2 tháng nữa, người ta mới có thể ước lượng đầy đủ sự suy sụp nặng nề của ngành kinh doanh du lịch tại đây, vì để lệ thuộc quá lớn vào thị trường Trung Quốc.
Thêm một nạn nhân bị đánh chết trong đồn công an
Anh Lý Vị Hùng sinh năm 1985 bị tạm giam tại nhà tạm giữ Công an quận 11 từ ngày 9-2 vì hành vi trộm cắp. Gia đình vẫn thường xuyên thăm nuôi và biết sức khỏe Hùng bình thường. Tối 20.03, điều tra viên gọi điện thoại báo tin cho bà Vân là Hùng đang được cấp cứu tại bệnh viện Chợ Rẫy.
Gia đình vào gặp và đến nửa đêm hôm sau thì Hùng qua đời. Công an bảo rằng Hùng chết vì chấn thương sọ não do té khi đang tắm. Tuy nhiên, bà Vân nghi ngờ con mình bị giết vì trên người có nhiều vết thương.
Em trai Hùng cho biết thêm, lúc cởi đồ Hùng ra để khám nghiệm tử thi, thấy trên đỉnh đầu, sau ót, hàm dưới bên trái sưng bầm, nhiều vết thương. Những dấu hiệu như thế không thể là té ngã mà chỉ có thể hiểu là Hùng đã chịu đựng nhiều trận tra tấn nhục hình mới đến nông nỗi.
Lý Vị Hùng thu mua đồ cũ rồi bán lại ở vỉa hè, Hùng bị bắt vì trộm chiếc tivi cũ. Nếu bà Lý Thu Vân không tới tờ báo Pháp Luật kêu ca thì vụ giết người này sẽ không ai biết đến. Lý Vị Hùng là nạn nhân thứ 8 chết trong tay Công an CSVN trong năm 2014.
Phần lớn các vụ tra tấn nhục hình đến chết người của công an thường được nói là nạn nhân tự tử dù thi thể đầy dấu vết bầm tím rướm máu. Qua sự bao che của đồng bọn qua các bản báo cáo gian dối, những kẻ tra tấn chết người không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Từ tháng 11 năm 2013, nhà cầm quyền CSVN đã ký tên vào Công ước chống tra tấn của Liên Hiệp Quốc, nhưng từ đó đến nay, hơn một chục người đã bị tra tấn đến chết khi bị tạm giam.
Leave a Comment