Trung Cộng gửi kháng thư tố cáo Việt Nam gây bất ổn biển Đông !
Theo AFP, đây là hành động của phía Bắc Kinh nhằm tìm kiếm sự ủng hộ của Liên Hiệp Quốc trong cuộc tranh chấp gây xung đột căng thẳng từ nhiều tháng nay với các quốc gia láng giềng. Trong kháng thư này, Trung Cộng lập lại điều mà họ cho rằng tàu kiểm ngư của nhà cầm quyền Việt Nam đã đâm vào tàu của họ đến 1,400 lần tại khu vực đặt giàn khoan Hải Dương 981.
Hãng thông tấn Trung Cộng cũng nhấn mạnh đến việc Phó đại diện Trung Cộng tại Liên Hiệp Quốc trao kháng thư tố giác nhà cầm quyền Việt Nam “ngăn trở bất hợp pháp hoạt động của Trung Cộng tại biển Đông, làm ảnh hưởng tự do lưu thông và an toàn hàng hải tại vùng biển.”
Tờ Global Time của Trung Cộng nói rằng sức mạnh của Việt Nam, Philippines và Nhật Bản cộng lại cũng không thể nào ngăn nổi bước tiến của họ. Chiều 10 tháng 6 nói rằng, giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Cộng đã di chuyển theo hướng đông – đông nam. Bốn chiếc máy bay và đội tàu hộ tống của họ quanh giàn khoan Hải Dương 981 vẫn lên tới 119 chiếc chưa kể lực lượng tàu đánh cá hùng hậu. Nhóm tàu đánh cá Trung Cộng được sự trợ giúp của tàu hải cảnh nước này ngày càng tỏ ra hung hãn, vây ép tàu đánh cá của ngư dân Việt Nam không ngớt.
Ngày 10 tháng 6, 2014, tàu đánh cá vỏ sắt Trung Cộng lại áp dụng chiêu mới là chạy lùi vào đoàn tàu đánh cá của Việt Nam để vu khống tàu đánh cá Việt Nam đâm vào họ từ đàng sau.
Sài Gòn: 1,800 công nhân bị nợ lương 5 tháng
Theo VNExpress, công ty Môi Trường Ðô Thị Sài Gòn, viết tắt là CITENCO, qui tụ đến 1 800 công nhân đảm nhận công việc vận chuyển mỗi ngày 7 500 tấn rác từ khu vực trung tâm chuyển đến bãi rác Hóc Môn. Tổng chi phí khối lượng công việc thu gom, vận chuyển rác mà chính quyền Sài Gòn phải chi trả cho công ty này lên tới 300 tỉ đồng, tương đương 15 triệu đô la từ đầu năm 2014 cho đến nay.
Được biết, trước đây, nhà cầm quyền Sài Gòn ủy quyền cho Sở Tài Nguyên và Môi Trường Sài Gòn ký kết hợp đồng và chi tiền cho đơn vị thu gom rác. Tại cuộc họp sáng ngày 10 tháng 6, 2014, Giám Ðốc CITENCO Huỳnh Minh Nhựt đã phải lên tiếng cầu cứu, yêu cầu Sở Tài Nguyên và Môi Trường Sài Gòn trả khoản chi phí trên để trả công ty có tiền trả lương công nhân. Ông này nói rằng cả hai cấp nhà nước là Sở Tài Nguyên và Môi Trường Sài Gòn và Ủy Ban Nhân Dân Sài Gòn đã đùn đẩy trách nhiệm cho nhau, nên không ai chịu chi trả khoản chi phí nêu trên.
Sự đùn đẩy qua lại này khiến công nhân đổ rác cuối cùng chịu thiệt thòi hơn ai hết. Họ đã làm việc cật lực suốt 5 tháng qua mà không được trả lương. Sáng ngày 10 tháng 6, 2014, báo Thanh Niên cho hay, cuối cùng thì chính quyền Sài Gòn cũng đã đồng ý giải ngân khoản tiền 300 tỉ đồng cho công ty CITENCO trong những ngày tới
Trung Cộng ào ạt mua gạo Việt Nam
Đây là hiện tượng rất khó hiểu. Có thể vì lo ngại tình hình căng thẳng ở biển Ðông mà thương nhân Trung Cộng hối hả mua gạo Việt Nam để dự trữ. Họ có mặt tại cảng Cần Thơ đích thân chỉ huy việc thu mua, gom vét gạo thường và cả gạo tấm của nông dân Việt Nam. Gạo được chuyển đến cảng Cần Thơ, bốc lên tàu rầm rộ chuyển ra biên giới phía Bắc. Con số thống kê từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho thấy 5 tháng đầu năm nay, lượng gạo xuất khẩu tiểu ngạch lên đến 600,000 tấn, tăng hơn 50% so với cùng kỳ.
Một số thống kê cho thấy, Trung Cộng đang dẫn đầu các quốc gia nhập cảng gạo Việt Nam nhiều nhất thế giới 5 tháng đầu năm 2014. Tổng số gạo Việt Nam được nước này nhập cảng 5 tháng qua lên tới xấp xỉ 1 triệu tấn, trị giá hơn 10 tỉ đồng.
Trong khi truyền thông Việt Nam hô hào giảm lệ thuộc nền kinh tế Trung Cộng để thể hiện ý thức bảo vệ lợi ích quốc gia và tinh thần độc lập tự chủ trong quan hệ kinh tế với nước này, tin tức mới nhất từ phía bộ Nông nghiệp – Phát triển Nông thôn Cộng sản Việt Nam cho hay, có gần 42% sản lượng gạo Việt Nam xuất cảng sang Trung Cộng. Dư luận cho rằng, tín hiệu trên là không đáng mừng.
Truyền thông Việt nam cho rằng lãnh đạo Hà Nội không thấy hết nguy cơ tiềm ẩn trong việc để cho giới đầu tư Trung Cộng thao túng nền kinh tế Việt Nam, nên tỏ thái độ bàng quan trước tình hình lệ thuộc quá nhiều vào nhà đầu tư Trung Cộng trong lĩnh vực kinh tế.
Hiện nay, có đến 90% dự án điện của Việt Nam lọt vào tay nhà thầu Trung Cộng, nhờ chiến lược giá rẻ. Báo Người Lao động nói rằng nhà đầu tư Trung Cộng thường đưa giá thấp, nhưng khi đã trúng thầu thì ép chủ đầu tư Việt Nam phải chấp nhận tiêu chuẩn phẩm chất của họ, thấp và rẻ tiền hơn nhiều so với thiết kế ban đầu của chủ đầu tư.
Môn lịch sử ở Việt Nam bị học sinh tẩy chay
Một số thầy cô giáo cho biết có đến 30% bài thi kiểm tra giữa học kỳ 2 mới đây của học sinh chỉ ghi chép đề môn sử thật sạch rồi… bỏ trống. Một thầy giáo dạy sử ở quận Bình Tân, Sài Gòn cho rằng các em học sinh bậc trung học hiện nay coi môn sử là một thứ hết sức xa xỉ. Còn ông hiệu trưởng trường Quang Trung thì cho rằng môn lịch sử Việt Nam quá nặng lý thuyết, đầy con số và sự kiện khô khan, không thu hút người đọc.
Tại một trường trung học ở Sài Gòn mới đây, hàng trăm học sinh đã xé vụn bài học môn sử rồi vất trắng sân trường khi nghe tin học sinh được phép từ chối môn sử trong kỳ thi tốt nghiệp bậc trung học.
Theo dư luận, môn sử hiện nay không chỉ nặng lý thuyết mà đầy những con số và sự kiện dối trá, bóp méo lịch sử, tô hồng vai trò của đảng Cộng sản Việt Nam, không dám nhìn nhận sự thật đã khiến giới trẻ không còn chút hứng thú để đọc, nói chi đến việc phải học thuộc lòng.
Nay khi được phép thì hầu như đến 100% học sinh quay lưng với môn sử.
Leave a Comment