Quảng Cáo

Xóa bỏ tai họa công thư Phạm văn Đồng 1958

Quảng Cáo

Công thư Phạm Văn Đồng quả thật là một tai họa cho Việt Nam trong vấn đề tranh chấp chủ quyền Biển Đảo của Việt Nam với Trung Quốc.

Những lập luận của chuyên gia và cán bộ Ngoại giao gần đây rất hời hợt. Về luận bàn pháp lý với thiên hạ, nhất là với Trung Quốc mà đơn giản hời hợt như thế, có thể gọi là vô trách nhiệm. Có người chỉ nói đó là văn thư chính trị (ông Di, ông Lợi…), có người cho công thư ấy không có giá trị vì anh không thể cho cái không phải quyền của anh… Thật ra công thư ấy là gì. Trước hết nó là một văn bản của một Thủ tướng một Chính phủ có danh hiệu và có một số nước, dẫu là XHCN, công nhận. Công thư ấy trả lời về một bản tuyên bố của một Chính phủ có danh nghĩa quốc tế, vừa được cái Quốc hội của nước ấy thông qua.

Dẫu tính chất pháp lý của nó không cao, nhưng đó là pháp lý của hai cái Chính phủ đang giao dịch với nhau. Không thể bác bỏ tính pháp lý của nó với những lập luận chính trị chủ quan nói lấy được, một thói quen xấu của cộng sản. Chỉ có thể bác bỏ giá trị của nó bằng một văn bản có tính pháp lý cao hơn.

Nội dung công thư Phạm Văn Đồng rất tai hại, rất phản động (theo lập trường giữ chủ quyền độc lập và toàn ven lãnh thổ của Việt Nam).

Công thư ấy “ghi nhận và tán thành bản tuyên bố ngày 4-9-1958 của CP nước CHNDTH” và” chỉ thị triệt để tôn trọng hải phận 12 hải lý của TQ trong mọi quan hệ với nước CHNDTH trên mặt bể.”

Điều cần nói là đã có sự nhanh nhảu đoảng kỳ lạ, là dường như chẳng có bao nhiêu thì giờ để nghiên cứu một vấn đề hệ trọng như thế liên quan đến quốc gia dân tộc! Chỉ có đúng 10 ngày, từ 4 tháng 9 họ ra tuyên bố thì 10 ngày sau đã có công thư hưởng ứng (14-9-1958).

Tán thành bản tuyên bố của CP CHNDTH có nghĩa là công nhận toàn bộ nội dung của tuyên bố ấy. Trong đó họ nêu hai điều rõ ràng. Một là lãnh hải của họ rộng 12 hải lý và bao gồm cả Bành Hồ, Đông Sa, Tây Sa, Trung Sa, Nam Sa; có nghĩa là toàn bộ hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam bấy giờ do CPVNCH quản lý. Như thế là đã công khai tuyên bố thừa nhận chủ quyền của Trung Quốc ở các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa rồi còn gì.

Không thể cãi chày cãi cối như kiểu ông thứ trưởng ngoại giao nọ, cũng không thể biện hộ như một vài luật sư trên báo chí vừa qua.

Vấn đề hiện nay là Quốc Hội mới của CHXHCN VN phải phủ quyết cái công thư phản động ấy. Bằng bất kỳ cách nào. Muốn bảo vệ toàn vẹn chủ quyền biển đảo thì phải làm. Còn cứ ẩm ương như hiện nay thì coi như mặc nhiên thừa nhận chủ quyền của họ đối với đất đai trời biển của mình. Một công hàm có tác hại phản quốc phải hủy bỏ. Đó cũng là chuẩn bị cơ sở pháp lý để đấu tranh đòi chủ quyền Biển Đảo của VN./.

N.K.M

Nguồn: Bauxite Việt Nam

Quảng Cáo
Bài Liên Hệ
Leave a Comment
Quảng Cáo
WordPress Appliance - Powered by TurnKey Linux