Trong cuộc họp giữa Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai với các sở, ngành và hai hiệp hội doanh nghiệp Đài Loan và Nhật Bản vào ngày 26 tháng 5 vừa qua, đại tá Lý Quang Dũng, phó giám đốc công an tỉnh Đồng Nai tiết lộ cho báo chí biết rằng đã bắt được ba đối tượng khai rằng đảng Việt Tân đã chỉ đạo và cung cấp tiền cho họ xuống đường kích động biểu tình, xảy ra cuộc bạo động hôm 13 và 14 tháng 5 tại khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.
Ba ngày sau, chiều ngày 29 tháng 5, Trung tướng Hoàng Kông Tư, thủ trưởng cơ quan điều tra Bộ công an đã tham dự cuộc họp báo của chính phủ cho rằng nguyên nhân dẫn đến cuộc biểu tình là do công nhân bất bình Trung Quốc, nhưng đã xảy ra bạo động là bởi sự bực tức của một số công nhân vốn có mâu thuẫn với chủ nhân và có cả sự kích động của thế lực thù địch. Tướng Hoàng Kông Tư cho biết là công an đang bắt giữ 3 đối tượng có nghi vấn liên quan đến Việt Tân.
Để tìm hiểu thêm về vấn đề này chúng tôi xin kính mời quý vị theo dõi phần trình bày của ông Lý Thái Hùng, Tổng Bí Thư Đảng Việt Tân trong chương trình phát thanh hôm nay.
Radio CTM: Trước hết, xin ông cho biết là công an CSVN đã có bắt giữ thành viên nào của đảng Việt Tân trong thời gian xảy ra vụ biểu tình chống giàn khoan HD 981 của Trung Quốc trong hơn 20 ngày vừa qua hay không?
Lý Thái Hùng: Một cách tổng quát thì trong thời gian ngắn vừa qua kể từ khi xảy ra biến cố HD 981, không có đảng viên hay cộng tác viên nào của đảng Việt Tân bị công an CSVN bắt giữ và bị câu lưu cho đến nay.
Radio CTM: Tại sao công an CSVN lại tổ chức họp báo tuyên bố rằng họ bắt giữ 3 người có liên hệ đến đảng Việt Tân?
Lý Thái Hùng: Chúng tôi có theo dõi nội dung tường thuật các phát biểu của Đại tá Lý Quang Dũng, phó giám đốc công an tỉnh Đồng Nai và Trung tướng Hoàng Kông Tư, thủ trưởng cơ quan điều tra Bộ công an. Tựu trung họ đều dựa trên cái gọi là đã bắt giữ 3 đối tượng và nghi vấn 3 đối tượng này liên hệ đến đảng Việt Tân. Từ đó công an cáo buộc rằng đảng Việt Tân đã chỉ đạo và cung cấp tiền cho họ xuống đường kích động biểu tình.
Biến cố xảy ra cuộc bạo động ở Bình Dương, Đồng Nai đã và đang tạo ra sự quan tâm rất lớn trong công luận, với nhiều nghi vấn về sự bao che hay nhúng tay của bộ máy công an. Nếu là một chính quyền tôn trọng pháp luật, cơ quan an ninh tại Đồng Nai phải nhận trách nhiệm trước tiên và sau đó phải công bố công khai và rõ ràng những thủ phạm liên hệ, không thể dựa trên những “nghi vấn” để tung ra những cáo buộc mang tính vô căn cứ và hồ đồ như hai phát biểu của Đại tá Lý Quang Dũng và Tướng Hoàng Kông Tư.
Thứ nhất, sự việc còn đang trong vòng điều tra, tức là chưa có kết luận. Thế nhưng công an lại xì tin này ra cho công luận trong một cuộc họp báo và nhất là không cung cấp danh tánh của ba đối tượng cùng với những hành vi phạm tội rõ ràng. Điều này cho thấy là bộ máy công an đã không những vi phạm luật điều tra mà còn coi thường công luận.
Thứ hai, dựa trên cái gọi là “nghi vấn liên hệ” để từ đó quy chụp rằng đảng Việt Tân là thủ phạm kích động biểu tình, gây bạo động mà không có bất cứ bằng chứng, tang chứng gì cho thấy là công an sẵn sàng ép cung, mớm cung và tra tấn buộc các nạn nhân phải nhận tội theo đúng những chỉ đạo của bộ máy công an, như đã từng làm trong suốt nhiều năm qua và đã được các nạn nhân tố cáo sau khi ra khỏi tù.
Nói tóm lại, những cáo buộc hàm hồ nói trên của bộ máy công an cho thấy rằng đây không phải hệ thống điều tra hay hệ thống pháp luật đúng nghĩa, mà chỉ là công cụ sẵn sàng làm những việc hèn kém theo chỉ thị của một thiểu số cai trị.
Radio CTM: Theo ông thì khi công an dựa trên nghi vấn liên hệ đến Việt Tân để cáo buộc đảng Việt Tân đã chỉ đạo và cung cấp tiền cho họ xuống đường kích động biểu tình thì nhằm vào mục tiêu gì?
Lý Thái Hùng: Ông Hoàng Kông Tư và ông Lý Quang Dũng nêu ra ba đối tượng gây ra các cuộc bạo động là những công nhân vốn có bất mãn với chủ nhân bị kích động bởi những nhóm tội phạm và những thế lực thù địch mà trong trường hợp này là đảng Việt Tân.
Tuy nhiên phát biểu của hai ông công an nói trên đã không trả lời nghi vấn của dư luận trong suốt thời gian qua là tại sao lực lượng an ninh lại im lặng, kể cả lực lượng vũ trang cũng không thấy xuất hiện trong suốt hai ngày 13 và 14 tháng 5. Nhiều công nhân còn kể rằng họ đã thấy nhiều công an chạy theo đám kích động dữ dằn quấn cờ đỏ chỉ để nhìn mà không có một thái độ nào.
Trong chế độ công an trị như hiện nay người ta không tin là công an đã không ứng phó kịp thời nếu không muốn nói là chính công an đã nhúng tay kích động bạo lực vì một số mục tiêu chính trị nào đó. Vì thế việc công an cố tình cáo buộc đảng Việt Tân lần này, theo tôi họ nhắm vào 3 mục tiêu sau đây.
Thứ nhất, che đậy sự nhúng tay của công an trong việc đồng lõa cho một nhóm người tạo ra cuộc bạo động theo chỉ thị của lãnh đạo vì nhu cầu chính trị. Nói cách khác, dùng Việt Tân để che đậy sự hèn yếu của một thế lực muốn trả đòn Trung Quốc nhưng lại sợ bị Bắc Kinh trả thù.
Thứ hai, tìm cách vừa cô lập Việt Tân, vừa ngăn cấm mọi cuộc biểu tình ôn hòa bất bạo động của người dân và của các đoàn thể yêu nước muốn tổ chức các cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc. Với lý cớ này CSVN cố trì hoãn việc thông qua dự luật biểu tình.
Thứ ba, tiếp tục bôi nhọ đảng Việt Tân là tổ chức khủng bố, bạo động chứ không chủ trương đấu tranh ôn hòa bất bạo động khi thấy đảng Việt Tân phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam cũng như mở rộng các quan hệ đối với những tổ chức phi chính phủ quốc tế và chính phủ của các quốc gia dân chủ.
Nói tóm lại, thủ đoạn của công an CSVN trong vụ cáo buộc lần này là để chuyển hướng dư luận ra khỏi sự bất lực của lãnh đạo CSVN trước họa xâm lược trắng trợn của Bắc Kinh.
Radio CTM: Qua sự phân tích của ông thì việc CSVN cáo buộc đảng Việt Tân là một thủ đoạn nhằm chuyển hướng dư luận. Xin ông phân tích kỹ hơn về thủ đoạn chuyển hướng dư luận này như thế nào và liệu CSVN có thành công hay không?
Lý Thái Hùng: Ai cũng thấy rõ là vụ giàn khoan Hải Dương 981 đang đặt CSVN vào thế tiến thoái lưỡng nan.
Nếu lãnh đạo Hà Nội đi quá gần với Hoa Kỳ và Nhật Bản để ra mặt chống lại Trung Quốc một cách mạnh mẽ, Bắc Kinh sẽ không để yên mà tìm cách khuynh loát nội bộ đảng và tung những đòn phá hoại kinh tế, tạo ra những rối loạn xã hội khó lường.
Nếu lãnh đạo Hà Nội chỉ chống đối cầm chừng theo kiểu tự kiềm chế để đi đêm với Bắc Kinh hầu tiếp tục duy trì quan hệ hữu nghị 16 chữ vàng và 4 tốt thì nội bộ đảng và lực lượng dân chủ sẽ tiếp tục chống đối và tạo sức ép mạnh mẽ lên lãnh đạo.
Với những phản ứng của lãnh đạo CSVN trong một tháng vừa qua cho thấy là Bộ chính trị không dám phá vỡ mối quan hệ 16 chữ vàng và 4 tốt với Trung Quốc hiện nay. Những phát biểu có vẻ mạnh mẽ của ông Nguyễn Tấn Dũng cũng chỉ là để thỏa mãn sự bất bình chung của dư luận. Rốt cuộc là Hà Nội chỉ chống cho lấy có, chờ đến ngày 15 tháng 8 mọi sự sẽ chìm xuồng.
Vì thế để che đây sự hèn nhát đó, kịch bản cáo buộc đảng Việt Tân được công an chế ra nhằm vào ba mục tiêu:
Thứ nhất, che đậy những kẻ bạo động thật sự dưới sự điều động của công an cho một mục tiêu chính trị trong nội bộ đảng trước vấn đề hung hăng của Trung Quốc.
Thứ hai, tạo lý cớ để tiếp tục trấn áp, đe dọa và ngăn chận những nhà dân chủ và đồng bào yêu nước kêu gọi tham gia những cuộc biểu tình chống Trung Quốc.
Thứ ba, thay vì hướng cả nước vào sự chống đối hành vi xâm lược của Trung Quốc thì lại dùng sự xáo trộn xã hội do các thế lực thù địch kích động, bạo loạn để cả nước im lặng đồng loã với lãnh đạo.
Tuy nhiên, CSVN sẽ không thành công với các âm mưu chuyển hướng nói trên vì CSVN không còn khả năng kiểm soát thông tin khi mạng xã hội đã và đang bùng nổ tại Việt Nam.
Ngoài ra, những hành động xâm phạm trắng trợn của Trung Quốc trên biển Đông đã không chỉ xúc phạm đến lòng yêu nước của người dân Việt Nam mà còn là một nguy cơ mất nước mà người dân đã nhìn ra thủ phạm chính là tập đoàn lãnh đạo Hà Nội.
Do đó tôi tin rằng những điều dàn dựng và cáo buộc đối với đảng Việt Tân hiện nay sẽ tạo ra phản ứng ngược cho chế độ, đó là làm lộ rõ hơn bộ mặt trí trá, gian xảo, mị dân và bất lực của lãnh đạo CSVN.
Radio CTM: Đảng Việt Tân từng đưa ra chủ trương đấu tranh bất bạo động như vậy theo quan điểm của ông thì có đồng tình với những vụ bạo động vừa xảy ra ở khu công nghiệp Tỉnh Bình Dương và tại Vũng Áng, tỉnh Hà Tĩnh hay không?
Lý Thái Hùng: Từ nhiều năm qua, đảng Việt Tân theo đuổi đường lối đấu tranh ôn hòa bất bạo động cho mục tiêu dân chủ, nhân quyền và bảo vệ chủ quyển đất nuớc. Đường lối này không những phù hợp với khuôn khổ đấu tranh của tình hình thế giới hiện nay nhằm huy động số đông tham gia vào các cuộc phản kháng mà còn cho phép chúng ta tránh những đổ vỡ, tiết kiệm đuợc tiềm lực dân tộc cho giai đoạn xây dựng hậu cộng sản.
Việc Trung Quốc mang giàn khoan Hải Dương 981 vào trong thềm lục địa Việt Nam đã làm sôi sục lòng yêu nước của mọi thành phần dân tộc. Cuộc biểu tình của công nhân tại Bình Dương, Đồng Nai hay tại Vũng Áng, Hà Tĩnh cùng xuất phát từ lòng yêu nước đó. Con số hàng ngàn công nhân tham gia các cuộc biểu tình phải nói là một biến cố đáng cho chúng ta ngưỡng mộ và quan tâm.
Sự kiện xảy ra các cuộc bạo động sau đó, dù do ai gây ra, chúng tôi đảng Việt Tân đều không tán thành. Chúng tôi khẳng định là bất kỳ cá nhân nào chủ trương hay nhúng tay vào các cuộc bạo động, đốt nhà, hôi của, hại người đều đáng bị lên án và không phải là người của đảng Việt Tân hay cộng tác với đảng Việt Tân.
Radio CTM: Trước những vu cáo của bộ công an CSVN như vậy liệu đảng Việt Tân có gặp khó khăn gì và đảng Việt Tân sẽ đối phó ra sao trong thời gian tới thưa ông?
Lý Thái Hùng: Đây không phải là lần đầu tiên công an CSVN dàn dựng ra vụ cáo buộc theo kiểu “gắp lửa bỏ tay người”. Vào tháng 11 năm 2007, công an CSVN đã trắng trợn nhét 1 khẩu súng lục và 13 viên đạn vào hành lý của 2 người Mỹ gốc Việt vô can khi họ vừa đáp xuống phi trường Tân Sơn Nhất, vu cáo họ liên hệ đến đảng Việt Tân để cáo buộc đảng Việt Tân chủ trương khủng bố. Khi bị chính phủ Hoa Kỳ đòi hỏi điều tra nghiêm túc thì Hà Nội âm thầm trả tự do cho hai nạn nhân này và nhận chìm nội vụ.
Lần này cũng vậy, CSVN công bố việc bắt giữ 3 đối tương nhưng lại không hề công bố danh tính và họ bị bắt trong trường hợp nào cũng như vào lúc nào. Chỉ cần dựa vào các điều này đủ thấy là những cáo buộc của công an đều nhằm phục vụ cho mục tiêu chính trị của đảng chứ không nhằm vào việc giải đáp câu hỏi ai đứng sau các vụ bạo động tại Đồng Nai.
Nhìn như vậy tôi thấy là CSVN đang bị sức ép của công luận rất lớn nên họ phải cố chạy trốn trách nhiệm khi tìm cách đổ cho “thế lực phản động” đứng đằng sau. Nhưng càng cố chạy tội, CSVN càng phơi bày sự lúng túng che đậy và bất lực của bộ máy công an khi đã để cho các cuộc bạo động bùng nổ kéo dài đến 2 ngày.
Những cáo buộc hiện nay chỉ là bước thăm dò lúc đầu. Nhiều phần công an CSVN sẽ tung ra một số dữ kiện mới kể cả lời thú tội được thu qua dạng Youtube của một vài nhân vật để chứng minh rằng đảng Việt Tân có nhúng tay vào các cuộc bạo động.
Đương nhiên khi tình huống leo thang như vậy, đảng Việt Tân chắc chắn sẽ lên tiếng và thách thức chế độ CSVN trước công luận.
Cụ thể là đảng Việt Tân thách thức lãnh đạo CSVN đưa các tang chứng cụ thể ra trước thế giới và để cho các cơ quan quốc tế đến Việt Nam giám sát một cách tự do và minh bạch.
Radio CTM: Xin cảm ơn ông Lý Thái Hùng đã tham dự chương trình phỏng vấn hôm nay.
Leave a Comment