Quảng Cáo

Đối Sách Của CSVN Về Vụ HD 981: Tự Kiềm Chế và Câu Giờ !

Quảng Cáo

Radio Chân Trời Mới (Radio CTM): Một ngày sau khi Bắc Kinh mang giàn khoan HD 981 vào vùng biển của Việt Nam, ngày 3/5, Cục Hải Sự Trung Quốc cho biết là giàn khoan này sẽ tác nghiệp cho đến ngày 15/8 mới rút đi nơi khác. Để bảo vệ cho giàn khoan này, Bắc Kinh hiện đã đưa hơn 90 tàu hải giám và tàu chiến bảo vệ, chi phí lên đến 400 ngàn Mỹ Kim một ngày. Qua những chi tiết này cho thấy là Trung Quốc đã chi một số tiền rất lớn để gọi là “tìm dầu khí dưới biển Đông”.

Dư luận thế giới nói chung đều cho rằng Bắc Kinh mang HD 981 vào trong vùng biển VN không nhằm vào mục tiêu kinh tế mà hoàn toàn vì mục tiêu chính trị. Trong khi đó để đối phó với vụ giàn khoan HD 981, lãnh đạo CSVN tuyên bố rằng họ chọn hành động tự kiềm chế để tránh xung đột và thông qua con đường ngoại giao để yêu cầu Bắc Kinh rút HD 981 ra khỏi vùng biển Việt Nam. Nhưng Trung Quốc thì không muốn đối thoại ngoại giao và dùng vòi rồng tấn công, phá hoại các tàu cảnh sát biển, tàu kiểm ngư của Việt Nam khi đến gần giàn khoan.

Rõ ràng là các biện pháp của Hà Nội đưa ra hoàn toàn đối nghịch với thái độ hung hăng, hiếu chiến từ phía Trung Quốc. Dư luận đều cho rằng CSVN quá lo sợ Bắc Kinh trả đũa nên không dám có hành động mạnh và chỉ chống đối theo kiểu câu giờ cho đến ngày 15 tháng 8 là thời điểm Bắc Kinh nói sẽ rút HD 981 đi nơi khác. Thật sự Hà Nội có đang đấu tranh theo kiểu câu giờ hay không, xin mời quý thính giả theo dõi phần nhận định sau đây của ông Lý Thái Hùng Tổng Bí Thư Đảng Việt Tân trong chương trình hôm nay.

***


Radio CTM:
Cho đến nay vụ giàn khoan HD 981 kéo đến vùng biển Việt Nam đã hơn 20 ngày.  Dư luận đã tốn khá nhiều công sức để phân tích, bình luận về sự kiện này. Về phía Trung Quốc, theo ông thì họ đã đạt mục tiêu chưa, và đó là mục tiêu gì, khi tạo cho vấn đề biển Đông nóng trở lại trong thời gian qua?

Lý Thái Hùng: Khi kéo giàn khoan HD 981 từ Hải Nam xuống vùng biển Hoàng Sa, Cục Hải Sự Trung Quốc tuyên bố rằng để thăm dò dầu khí ở vùng biển này từ ngày 2/5 đến 15/8. Nếu dựa theo mục tiêu này thì phải nói là Trung Quốc chưa đạt kết quả vì chưa tìm ra dầu và thời gian tác nghiệp còn đến 2 tháng.

Tuy nhiên không ai tin là Trung Quốc mang giàn khoan đến tìm dầu mà thực ra là nhằm vào ba mục tiêu mang tính chính trị như sau:

Thứ nhất là thách đố Tổng thống Obama trong việc Hoa Kỳ đang tạo vòng đai bao vây sự trổi dậy của Trung Quốc qua chuyến viếng thăm 4 nước gồm Nhật Bản, Nam Hàn, Phi Luật Tân, Mã Lai hồi đầu tháng 4 vừa qua.

Thứ hai là tạo sức ép và gây phân hóa trong khối ASEAN để không có một sự đồng thuận nào về biển Đông, cụ thể làm chậm tiến trình đàm phán và thông qua bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông, để dễ bề cô lập Phi Luật Tân, Việt Nam với các nước còn lại trong khối, không ngoài mục tiêu củng cố quyền lực trong vùng nói riêng và thực hiện tham vọng bá quyền nói chung.

Thứ ba là gây sức ép lên nhà cầm quyền CSVN để đẩy Hà Nội rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan,  phải chấp nhận đi đêm với Trung Quốc do nhu cầu tồn tại, nếu không sẽ bị Bắc Kinh lũng  đoạn và khuynh loát.

Nhưng nhiều phân tích cho thấy là Trung Quốc không chỉ nhắm vào ba mục tiêu chính trị nói trên mà còn một âm mưu khác. Đó là đánh lạc hướng dư luận thế giới về việc Bắc Kinh đang cho tiến hành xây dựng một dự án quân sự lớn trên đảo Gạc Ma (Johnson Reef) mà Trung Quốc đã chiếm của CSVN hồi năm 1988.

Nói cách khác, để không bị quấy rối trong việc xây dựng căn cứ không quân tại Gạc Ma, Trung Quốc mang HD 981 đến vùng biển Việt Nam hầu tập trung sự chú ý của dư luận vào đó.

Nói tóm lại, sau 20 ngày kéo giàn khoan HD 981 vào vùng biển Việt Nam, Trung Quốc đã đạt được 3 mục tiêu chính trị mong muốn. Nhưng hậu quả mang lại cho động thái này là Bắc Kinh đã khiến cho khối ASEAN e ngại hơn về sự trổi dậy của Trung Quốc và làm cho nội bộ lãnh đạo đảng CSVN bị phân hóa trong thế thuần phục Bắc Kinh như trước đây.

Radio CTM: Nếu Trung Quốc đã đạt những mục tiêu nhất định như vậy thì phía CSVN, qua vụ HD 981, theo ông thì Hà Nội đã bị những thiệt hại gì hay nói đúng hơn là chịu những hậu quả gì từ các hành động hung hãn của Bắc Kinh.

Lý Thái Hùng: Tuy biến cố HD 981 chỉ mới xảy ra trong 20 ngày qua nhưng nhìn vào các ứng xử của lãnh đạo CSVN cho thấy là chưa bao giờ Hà Nội rơi vào thế lúng túng, tiến thoái lưỡng nan trong quan hệ Việt Trung như hiện nay.

Trước hết, cái gọi là quan hệ “16 chữ vàng và 4 tốt” với Trung Quốc mà CSVN cố tuyên truyền trong dư luận Việt Nam đã trở thành điều lố bịch. Những cuộc biểu tình tự phát lẫn biểu tình quốc doanh đều biểu hiện một điều rất rõ là quan hệ Việt Trung đang chuyển qua thời kỳ sóng gió. Lãnh đạo Hà Nội không còn có thể ung dung dựa vào Bắc Kinh để giữ quyền lực như trong thời gian qua mà có thể biến thành ngòi nổ phá nát chế độ bất cứ lúc nào.

Kế đến, nền kinh tế Việt Nam đã bắt đầu dao động mạnh, đặc biệt là thị trường chứng khoán, giá đồng Mỹ Kim, và giá vàng. Ngoài ra, nền kinh tế Việt Nam hiện lệ thuộc quá nhiều vào sự giao thương buôn bán với Trung Quốc. Tuy Trung Quốc không phải là nhà đầu tư lớn ở Việt Nam nhưng Trung Quốc đầu tư nhiều vào hạ tầng cơ sở và là quốc gia chiếm địa vị số một trong việc xuất khẩu hàng công nghiệp sang thị trường Việt Nam. Việc Trung Quốc vội vã rút hàng ngàn công nhân ra khỏi Việt Nam sau biến cố bạo động tại Bình Dương, Hà Tĩnh là một báo hiệu Bắc Kinh có thể ra tay khuynh loát nền kinh tế Việt Nam bất cứ lúc nào.

Sau cùng, Việt Nam thật sự cô đơn và mang  hình ảnh “thảm hại” trong Cộng đồng quốc tế. Đáng lý ra, Hà Nội đã phải có những phản ứng mạnh mẽ về chủ quyền biển đảo đối với Trung Quốc từ rất lâu, nhất là can đảm đứng cùng với Phi Luật Tân kiện Bắc Kinh về đường lưỡi bò chín khúc. Nếu có những động thái như vậy, các quốc gia ASEAN và Hoa Kỳ, Nhật Bản đã không chỉ lên tiếng chiếu lệ như vừa qua, mà có thể đã có những hành động như tẩy chay hay cấm vận Bắc Kinh vì không chỉ vi phạm trắng trợn chủ quyền mà còn thách đố hòa bình biển Đông.

Nói tóm lại, hậu quả nhìn thấy rõ nhất đối với CSVN qua vụ HD 981 là sự yếu kém của lãnh đạo CSVN và tình hình kinh tế – xã hội Việt Nam rất bấp bênh.

Radio CTM: Đường lối giải quyết vụ HD 981 của CSVN hiện nay là tự kiềm chế để tránh xung đột và đi theo con đường ngoại giao. Theo ông thì liệu đường lối này có giải quyết được vấn đề hay không, hay chỉ giúp củng cố thêm thái độ hung hãn của Bắc Kinh lần này và trong những lần tới?

Lý Thái Hùng: Vì lo ngại xảy ra những xung đột lớn trên biển Đông với Trung Quốc có thể dẫn đến những rối loạn trong xã hội, nên CSVN đã chọn cái gọi là giải pháp “tự kiềm chế”. Tức là không dám đối đầu bằng quân sự hay pháp lý, mà dùng thương thảo ngoại giao để yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan ra khỏi vùng biển Việt Nam.

Trong cuộc gặp gỡ báo chí tại phiên khai mạc quốc hội vào ngày 20/5 vừa qua, ông Phạm Bình Minh, Bộ trưởng ngoại giao cho biết là đã có 20 cuộc gặp gỡ giữa đại diện bộ ngoại giao CSVN và Trung Quốc; nhưng phía Trung Quốc nhất định không rút giàn khoan mà còn tố giác rằng Hà Nội gây hấn, bạo động đối với họ.

Qua phát biểu của ông Phạm Bình Minh, rõ ràng là Bắc Kinh đang dùng đòn đánh phủ đầu lên đối phương để buộc CSVN phải chấp nhận những điều họ đưa ra.

Thứ nhất, Bắc Kinh không muốn bàn thảo về HD 981 với Hà Nội. Thái độ này không khác gì họ đã áp dụng đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, coi như chuyện đã rồi. Sự kiện Bắc Kinh đã chủ động cho xì tin ông Tập Cận Bình từ chối lời yêu cầu gặp gỡ của ông Nguyễn Phú Trọng, sau 5 ngày xảy ra vụ HD 981 đủ thấy là Bắc Kinh muốn bắt Hà Nội phải coi vụ giàn khoan là chuyện đã rồi, không thể thay đổi.

Thứ hai, Bắc Kinh đã sử dụng các phương tiện truyền thông và các kênh ngoại giao cố tình thổi phồng những vụ bạo động tại Bình Dương, Hà Tĩnh để biến họ từ một tập đoàn xâm lược thành nạn nhân chủ nghĩa bài Hoa tại Việt Nam. Thâm độc nhất là Bắc Kinh đã mang tàu đưa hàng ngàn công nhân Trung Quốc rời Việt Nam. Mục đích của Bắc Kinh là hướng dư luận vào hình ảnh công nhân Trung Quốc bị đả thương để khỏa lấp mục tiêu xâm lược.

Qua thái độ của Trung Quốc như vậy, chắc chắn là đường lối thương thảo ngoại giao của CSVN chỉ khuyến khích thêm sự hung hăng và coi thường của phía Bắc Kinh mà thôi.

Radio CTM: Mặc dù chọn thái độ tự kiềm chế theo đường lối ngoại giao, nhưng tại sao CSVN lại ra lệnh cấm các quân nhân hay cựu quân nhân mặc quân phục, quân hàm tham gia các buổi mít tinh chống Trung Quốc kể cả việc ngăn cấm và đàn áp người dân đi biểu tình trong các tuần lễ vừa qua, thưa ông?

Lý Thái Hùng: Chính vì Hà Nội tin tưởng vào cái gọi là tình hữu nghị “16 chữ vàng và 4 tốt” nên cố gắng dùng kênh ngoại giao để đối thoại với Bắc Kinh. Và để tránh những lý cớ mang tính cù nhầy từ Bắc Kinh như xúi giục người dân biểu tình chống Trung Quốc, hay chuẩn bị quân đội chiến đấu v.v… CSVN đã có những ngăn cấm rất phi lý như chị đã đề cập, và có những đối sách ngược chiều giữa hai cuộc xuống đường hôm 11 và 18 tháng 5 vừa qua.

Điều mà CSVN lo sợ hơn cả những suy diễn của Bắc Kinh khi cấm các cựu quân nhân mặc quân phục tham gia biểu tình, đó là vì khí thế chống đối, các cựu quân nhân sẽ kích thích tinh thần những bạn đồng ngũ còn đang phục vụ trong quân đội phải lên tiếng, đòi hỏi lãnh đạo đảng phải có thái độ cứng rắn với Bắc Kinh, khiến cho hàng ngũ quân đội rối loạn, và phá vỡ chủ trương tự kiềm chế của lãnh đạo.

Khi biến cố HD 981 mới xảy ra, lãnh đạo CSVN có phần nào bật đèn xanh cho người dân tham gia các cuộc biểu tình ngày 11-5 vì vừa muốn: 1/Xả xú bắp sự bất mãn của dân chúng; vừa 2/Dùng sự bất mãn này để tạo áp lực lên Bắc Kinh qua việc hăm dọa một số hãng xưởng của Tàu. Nhưng sau chính những vụ bạo động xảy ra tại Bình Dương và Hà Tĩnh mang tính chỉ đạo của công an,  CSVN lại lấy cớ để ngăn cản các cuộc biểu tình và đàn áp các nhà dân chủ, các sinh viên tham gia biểu tình ngày 18 tháng 5.

Nói tóm lại, CSVN chẳng những không cho các cựu quân nhân mặc quân phục, đeo quân hàm tham dự các cuộc mít tinh, họ còn ngăn chận và đàn áp nguời dân tham gia biểu tình vì họ biết là vụ HD 981 có thể châm ngòi cho những bất mãn của quần chúng và trong nội bộ đảng đang dâng cao tột cùng hiện nay.

Radio CTM: Những phản ứng bất mãn của dư luận trong và ngoài nước qua biến cố giàn khoan HD 981 đã làm cho CSVN lo ngại nên vừa rồi Hà Nội đã tuyên bố  sẽ thông qua Luật Biểu Tình sau năm 2015. Điều này theo ông mang ý nghĩa gì và liệu quyết định nói trên có làm ảnh hưởng đến các nỗ lục đấu tranh trong thời gian tới hay không?

Lý Thái Hùng: Qua vụ HD 981, lãnh đạo Hà Nội thấy rõ là khả năng kiểm soát tình hình của bộ máy an ninh đang bị suy thoái. Họ không còn có thể  dùng bạo lực công an để khống chế người dân như cách nay vài năm. Do đó để mua thời gian duy trì sự kiểm soát, một mặt Hà Nội tung bánh vẽ sẽ có luật biểu tình cho phù hợp với xu thế thời đại; mặt khác họ trì hoãn việc thông qua luật này vì sẽ gặp nhiều bất trắc. Tôi không tin là Hà Nội sẽ thông qua luật biểu tình sau năm 2015, mà họ sẽ mãi mãi  không thông qua vì đó là con dao hai lưỡi:

Thứ nhất, nếu có luật biểu tình thì tuy được tiếng là nhà nước công nhận quyền con người nhưng hợp thức hóa quyền bày tỏ sự phản đối, bất mãn của người dân một cách công khai sẽ là một đe dọa lớn cho chế độ.

Thứ hai, dù luật biểu tình có đưa ra hàng trăm quy định chặt chẽ để kiểm soát hay giới hạn các hoạt động của người tham gia biểu tình, nhưng người dân sẽ chỉ dựa trên quyền tự do biểu tình được công nhận để làm những gì họ muốn mà Hà Nội không thể cấm hay đàn áp.

Nói tóm lại, chúng ta đừng nên chờ CSVN lập ra luật biểu tình mà chính chúng ta phải hành xử quyền con người được công nhận trong hiến pháp 2013 để đi biểu tình và chính số đông sẽ làm áp lực buộc CSVN phải thoái lui.

Radio CTM: Xin cảm ơn ông Lý Thái Hùng đã chia sẻ một số nhận đnịh về tình biển Đông và những đối phó mang đầy tính lúng túng của CSVN trong chương trình phát thanh hôm nay.

 

 

Quảng Cáo
Bài Liên Hệ
Leave a Comment
Quảng Cáo
WordPress Appliance - Powered by TurnKey Linux