Diễn đàn Kinh tế Mùa Xuân 2014
Diễn đàn Kinh tế Mùa Xuân 2014 được tổ chức trong hai ngày 28 và 29 tháng 4 tại thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh qui tụ giới chuyên gia kinh tế được cho là hàng đầu của Việt Nam với chủ đề: ‘Động lực phát triển mới từ cải cách thể chế’.
Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, ông Nguyễn Đình Cung phát biểu tại diễn đàn rằng ‘Nhà Nước không thay đổi thì sẽ không có đột phá thể chế’. Ông này nói rõ điểm nghẽn của thể chế đang nằm ở vai trò của Nhà nước trong nền kinh tế thị trường hiện nay. Tuy vậy theo ông Nguyễn Đình Cung thì đổi mới vai trò của Nhà nước và quan hệ giữa Nhà nước và thị trường lại rất ít được bàn đến.
Theo các chuyên gia thì không phải đây là lần đầu tiên vấn đề cải cách thể chế được đặt ra tại Việt Nam; tuy nhiên nói nhiều mà thực hiện chưa được bao nhiêu.
Tại Diễn đàn Kinh tế Mùa Xuân 2013 hồi tháng tư năm ngoái, ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đưa ra nhận định rằng từ năm 2007 đến năm 2013 không có điểm mới đáng kể nào trong thực tiễn kinh tế Việt Nam, ngoài trừ xu hướng xấu đi của tình hình.
Vào lúc kinh tế xuống đáy, Đảng và Nhà nước CS Việt Nam kêu gọi cải cách thể chế để tạo động lực phát triển mới. Thế nhưng nhiều chuyên gia cho rằng Việt Nam đã khước từ một cơ hội cải cách thể chế quan trọng bậc nhất trong dịp sửa đổi Hiến pháp hồi năm ngoái. Bản Hiến pháp 2013 vẫn duy trì kinh tế Nhà nước là chủ đạo và đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý.
Nợ công gây nguy hiểm cho nền tài chính Việt Nam
Cũng tại Diễn đàn Kinh tế mùa Xuân 2014 được tổ chức tại Quảng Ninh, hàng loạt chuyên gia kinh tế đã cảnh báo rằng an ninh tài chính của Việt Nam đang đến chỗ nguy hiểm vì quan niệm sai về nợ công, vay mượn càng ngày càng nhiều, khoản tiền phải trả càng ngày càng lớn.
Thật ra những cảnh báo này không mới, đã được lặp đi, lặp lại trong vài năm qua nhưng nhà cầm quyền CSVN không màng vì cho rằng “nợ công chưa vượt quá 60% GDP”.và vẫn liên tục phát hành trái phiếu (một loại giấy nhà nước đứng ra vay nợ để kiếm thêm tiền).
Cũng vì vậy, ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, chỉ trích, nguy cơ lớn nhất không nằm ở con số mà ở quan niệm sai về nợ công. Do không tính (gạt bỏ) những khoản nợ mà nhà nước đứng ra bảo lãnh, nợ chưa thanh toán cho các công trình xây dựng cơ bản, để trấn an rằng nợ công chưa đến ngưỡng nguy hiễm (60% GDP) nên nhà cầm quyền CSVN không nhận định về nguy cơ.
Theo ông Thiên, nếu tính đủ, nợ công đã xấp xỉ 100% GDP. Nói rằng nợ công chỉ mới 55,7% là “ảo tưởng về mức độ an toàn của sự rủi ro”. Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam chỉ ra những điểm đáng lo khác cho an ninh tài chính của Việt Nam: Tốc độ nợ tăng rất nhanh so với GDP. Các khoản vay chủ yếu để trả nợ chứ không phải cho phát triển.
TS Lê Đăng Doanh, một chuyên gia kinh tế khác, cảnh báo rằng với tốc độ tăng nợ công như hiện nay, chỉ một thời gian ngắn nữa Việt Nam sẽ bất lực với nợ công. Vào lúc này, tổng thu ngân sách đã không đủ để chi hoạt động thường xuyên của bộ máy.
Liên quan đến tình hình kinh tế VN, vào ngày 27.4.2014 vừa qua, tại Hội nghị Thủ tướng Chính Phủ với Doanh Nghiệp diễn ra ở Hà Nội, Phòng Thương Mại- Công nghiệp Việt Nam báo cáo với người đứng đầu chính phủ Việt Nam rằng trong nước có tới 300 ngàn doanh nghiệp dù có đăng ký nhưng không có hoạt động trên thực tế.
Báo cáo cũng cho thấy trong năm ngoái có hơn 60 ngàn doanh nghiệp trên cả nước phải giải thể ), tăng 11,9 % so với cùng kỳ năm trước. Số phải tạm ngừng hoạt động là gần 51 ngàn doanh nghiệp.
RSF vinh danh 100 “anh hùng thông tin”
Theo RSF, với lòng can đảm mẫu mực, « 100 người hùng » này bằng công việc hay cuộc chiến đấu của mình đã đóng góp vào việc xúc tiến tự do báo chí được ghi trong điều 19 của Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền, « tìm kiếm, tiếp nhận và lan truyền mà không quan tâm đến biên giới, các thông tin và ý tưởng dù bằng phương tiện biểu hiện nào ».
Danh sách này gồm các nhà báo và blogger từ 25 đến 75 tuổi thuộc 65 quốc tịch khác nhau. Người trẻ tuổi nhất là phóng viên ảnh Oudom Tat của Cam Bốt, và người lớn tuổi nhất là nhà báo Pakistan Muhammed Ziauddin. Châu Á- Thái Bình Dương có 25 nhà báo được vinh danh, trong khi châu Âu chỉ có 8 người. Các quốc gia có từ ba « anh hùng thông tin » trở lên là Việt Nam, Trung Quốc, Nga, Iran, Azerbaijan, Mêhicô và Eritrea.
Ông Christophe Deloire, tổng thư ký RSF trong thông cáo báo chí tuyên bố : « Ngày Tự do Báo chí Thế giới, từ sáng kiến của RSF, là dịp để vinh danh lòng can đảm của các nhà báo và blogger, hàng ngày đã hy sinh sự an toàn và đôi khi cả mạng sống cho thiên chức của mình. Các anh hùng thông tin là nguồn cảm hứng cho mọi người nam cũng như nữ có khát vọng tự do. Không có quyết tâm của họ và những người như họ, thì hoàn toàn không thể nào mở rộng được tự do ».
Leave a Comment