Quảng Cáo

Nhật Bản Trạm Dừng Chân Đầu Tiên Của Tổng Thống Obama Trong Chuyến Công Du 4 Nước Á Châu

Quảng Cáo

Nhật Bản Trạm Dừng Chân Đầu Tiên Của Tổng Thống Obama Trong Chuyến Công Du 4 Nước Á Châu

Chiều ngày 23 tháng 4, chiếc máy bay Air Force One đáp xuống phi trường Haneda (Tokyo) mở đầu cho chuyến công du 4 nước Á châu của Tổng thống Hoa Kỳ. Đây là lần đầu tiên ông Obama viếng thăm Nhật với tư cách là một Quốc Khách, chuyến viếng thăm này đã được ông Abe, Thủ tướng Nhật, chính thức lên tiếng mời vào tháng 2 năm 2013. Khi biết Tổng thống Obama nhận lời của ông Abe thì nữ Tổng thống Hàn quốc cũng lên tiếng mời ông Obama sang thăm Hàn quốc với tư cách một Quốc khách vì cho rằng đã thăm Nhật tại sao không ghé thăm Hàn quốc. Lời mời này đã khiến cho ông Obama khó xử vì lịch trình của một Quốc khách khi đến thăm một quốc gia nào ít nhất cũng phải mất 2 đêm 2 ngày mà Tổng thống Obama không có đủ thời giờ vì sau đó còn phải thăm viếng Malaysia và Philippines. Nhà Trắng (White House) đã phải đem chuyện này ra bàn và theo tin hành lang thì có thể Tổng thống Obama chỉ viếng thăm Nhật trong vòng 1 đêm 2 ngày và sau đó sang thăm Hàn quốc với lịch trình tương tự. Seoul khi nghe được tin này đã cho rằng đây là một chiến thắng ngoại giao của họ đối với Nhật Bản. Truyền thông Hàn quốc phụ họa theo chiến thắng này bằng nhiều bài bình luận cho rằng Nhà Trắng quyết định như thế là đúng vì không thể coi trọng mối bang giao với Nhật Bản hơn Hàn quốc. Nhiều báo đài Hàn quốc còn chọc quê Nhật bản một chút khi viết rằng đón tiếp Quốc khách gì mà chỉ có 1 đêm 2 ngày, rất chụp giựt chẳng khác nào đám cưới chạy tang.

Nhật Bản tuy không hài lòng với lịch trình 1 đêm 2 ngày khi đón tiếp một Quốc khách như Tổng thống Obama, nhưng không lên tiếng gì cả vì cho rằng đó chưa phải là quyết định chính thức, tuy nhiên cũng đồng ý rằng với lịch trình đó quả thật quá eo hẹp về thời gian cho việc đón tiếp một Quốc khách.

Tháng trước, Nhật Bản thở phào nhẹ nhõm khi Nhà Trắng chính thức thông báo lịch trình viếng thăm Nhật của Tổng thống Obama là 2 đêm 3 ngày, thời gian tối thiểu của một Quốc khách và sau đó sang thăm Hàn quốc 1 đêm 1 ngày. Trước công bố chính thức này, truyền thông Hàn quốc xoay qua chỉ trích chính quyền Phát Cận Huệ vì coi đây là một thất bại về ngoại giao của Hàn quốc. Nhiều tờ báo còn viết rằng nói là 1 đêm 1 ngày cho ra vẽ dài ngày chứ thật ra ông Obama chỉ có mặt tại Hàn quốc 24 tiếng đồng hồ mà thôi.

Một số bình luận gia Hàn quốc cho rằng chiến thắng về ngoại giao là làm sao thắt chặt thêm tình hữu nghị với các quốc gia, kể cả những nước chưa thiết lập bang giao chứ không phải là kèo nèo thời gian viếng thăm Hàn quốc của Tổng thống Obama phải bằng thời gian ông ta lưu lại Nhật Bản. Nếu coi đây là một thất bại về ngoại giao thì quả thật quá ấu trỉ.

Thưa quý thính giả, bình thường thì một nguyên thủ quốc gia nào đến thăm Nhật với tư cách là Quốc khách thì sẽ ở tại nhà khách quốc gia, tiếng Nhật gọi là Geihin kan, thế nhưng không hiểu vì lý do gì mà Tổng thống Obama không ở tại đây mà mướn khách sạn và không có phu nhân Michelle đi theo. Truyền thông Nhật đặt câu hỏi này với Bộ trưởng Phủ Thủ tướng kiêm phát ngôn viên Chính phủ Nhật thì được trả lời rằng chúng tôi đã dành Geihin kan để đón tiếp, nhưng Tổng thống Obama muốn ở khách sạn là quyền của Tổng thống. Trước đây cũng có nhiều Quốc khách không ở tại nhà Khách Quốc gia chứ đâu phải đây là trường hợp đầu tiên đâu.

Theo các nhà ngoại giao phương Tây ở Tokyo và Seoul thì có lẽ ông Obama chỉ muốn Nhật Bản đón tiếp đơn giản chừng nào hay chừng đó để truyền thông Hàn quốc khỏi so bì chẳng có lợi gì cho chính quyền nữ Tổng thống Phát Cận Huệ nên quyết định không ở tại nhà Khách quốc gia Nhật Bản. Ngoài chuyện này ra thì chẳng có lý do nào khác. Ở tại Geihin kan tiện lợi rất nhiều kể cả việc bảo vệ an ninh.

Cũng theo các nhà ngoại giao này thì Bắc Triều Tiên và Trung quốc đặc biệt quan tâm về chuyến viếng thăm 4 nước Á châu lần này của Tổng thống Obama. Bình Nhưỡng cho rằng chuyến đi này của ông Obama mang tính phản động vì nó làm căng thẳng thêm tình hình quân sự trong vùng. Còn Bắc Kinh thì lên tiếng cảnh cáo tình hình châu Á-Thái Bình dương sẽ tồi tệ hơn nếu ông Obama đề cập đến quần đảo Senkaku (Điếu Ngư) hay tình hình biển Đông tại Nhật và Philippines. Mặc dù vậy nhưng trong buổi họp báo chung với Thủ tướng Abe vào ngày 24/04/2014, Tổng thống Obama vẫn tuyên bố rằng theo điều 5 của Hiệp ước Bảo an Mỹ-Nhật, Hoa kỳ có nhiệm vụ bảo vệ an ninh cho toàn lãnh thổ Nhật Bản kể cả quần đảo Senkaku (Điếu Ngư). Đây là lần đầu tiên một Tổng thống Hoa Kỳ trực tiếp nói đến việc bảo vệ quần đảo Senkaku cho Nhật. Lời tuyên bố này đã được ghi trong bản thông báo chung sau khi Tổng thống Obama kết thúc chuyến công du Nhật Bản.

Bắc Kinh đã tức giận vì câu tuyên bố đó và lên tiếng chỉ trích thậm tệ, còn về hành động thì sẽ làm gì chưa ai biết. Nhật Bản coi như thành công lớn trong chuyến thăm của Tổng thống Obama đến đất nước mình.

 

Truyền Thông Quốc Tế Nói Về Trung Quốc Trong Vụ Máy Bay Malaysia

Tính đến nay đã trên 1 tháng rưỡi thế mà người ta vẫn chưa biết chuyến bay MH 370 của hãng hàng không dân dụng Malaysia bị rớt hay mất tích nơi đâu, Malaysia và nhiều nước khác vẫn tiếp tục nỗ lực tìm kiếm chiếc máy bay này. Trên chuyến bay này có đến 152 hành khách mang quốc tịch Trung quốc nên chính phủ và người dân nước này quan tâm và hiệp tác tìm kiếm chiếc máy bay này là chuyện đúng, nhưng vì phản ứng quá lố đã làm cho truyền thông quốc tế nói thẳng quá kém, không bình thường.

Trước hết là các cuộc biểu tình trước sứ quán Malaysia ở Bắc Kinh, theo yêu cầu của người biểu tình, nhân viên sứ quán Malaysia đã ra cúi đầu xin lỗi, trình bày tất cả các diễn biến mới nhất mà sứ quán nhận được và cho biết chính phủ Malaysia sẽ làm bất cứ chuyện gì có thể làm được để tìm kiếm cũng như bồi thường, thế nhưng người biểu tình không chịu lên tiếng sỉ vã thậm tệ, nhào đến đè nhân viên sứ quán Malaysia phải quỳ gối thú nhận đã phạm vào tội giết người vậy mà công an có mặt ở hiện trường vẫn làm ngơ không hề can thiệp. Ký giả tờ The Wall Street Journal ấn bản Á châu chứng kiến cảnh đó nên đã viết như sau: Mọi người đều đồng tình với nổi đau khổ của tất cả gia đình nạn nhân, nhưng sự đồng tình đó không phải là vô hạn, có nhiều nguyên nhân đưa đến tai nạn này nhưng không thể bảo rằng Malaysia phạm vào tội giết người.

 

Nhiều quốc gia đã và đang hợp tác với Malaysia trong công việc cứu hộ và tìm kiếm máy bay chứ không riêng gì Trung quốc, nhưng không thể vì chuyện hợp tác đó mà cho rằng khả năng cứu hộ, tìm kiếm của Trung quốc ở biển Đông chỉ giới hạn trong phạm vi đảo Hải Nam. Tây Sa (tức Hoàng Sa của Việt Nam) và xung quanh một số biển đảo trong vùng vì vậy cần phải xây phi trường và hải cảng ở vùng biển Đông. Rõ ràng là Trung quốc đã lợi dụng vụ máy bay này để thực hiện âm mưu xâm lược của mình đối với các quốc gia trong vùng. Đó là nhận xét của nhiều bình luận gia tình hình Á châu-Thái Bình dương.

Trong công tác tìm kiếm máy bay, chính Trung quốc là kẻ phá rối chứ không phải là hiệp tác. Đó là nhận xét của tờ International New York Times số phát hành ngày 16/04/2014. Theo tờ báo này thì vào ngày 4 và 5 tháng 4, tàu Hải tuần 01 của Trung quốc đánh điện về Bắc Kinh cho biết là bắt được một làn sóng tín hiệu ở dưới đáy biển trong vùng tàu đang tìm kiếm, có khả năng rất cao đây là sóng phát ra từ Hộp Đen (Black Box) gắn ở buồn lái chiếc máy bay Malaysia. Đáng lý ra Trung quốc thay vì phải báo cáo chuyện này cho đơn vị chỉ huy tìm kiếm ở vùng biển này là Úc biết thì lại dấu đi, đến khi hãng thông tấn Tân Hoa Xã đưa tin thì mọi người mới biết. Nếu thông báo ngay thì Úc sẽ điều động thêm lực lượng tìm kiếm của mình cũng như nhiều quốc gia khác như Anh, Pháp, Mỹ, Nhật đến để hỗ trợ hầu tìm cho lẹ, nếu không thì chỉ còn vài ngày nữa là Black Box hết pin. Vùng biển mà Trung quốc phụ trách tìm kiếm có độ sâu trên 4000 mét, Bộ Tư lịnh tìm kiếm đã yêu cầu Trung quốc sử dụng các khí tài thích ứng, thế nhưng Trung quốc không nghe theo, chỉ sử dụng các dụng cụ tìm kiếm ở biển cạn nên coi như đi tìm kiếm cho vui vậy thôi chứ chẳng có hiệu quả gì.

 

Trong thời gian qua, báo đài Malaysia đã cố nhịn không muốn lời qua tiếng lại trước thái độ, phản ứng quá lố của chính phủ cũng như truyền thông, dư luận Trung quốc, nhưng sức chịu đựng nào cũng có cái giới hạn của nó nên bắt đầu phản pháo lại trong một chừng mực nào đó, lên tiếng yêu cầu truyền thông Trung quốc đừng sử dụng các ngôn từ đao to búa lớn, đừng gọi đây là tội giết người của chính phủ Malaysia vì gọi như thế thì hóa ra chính quyền Bắc Kinh cũng là kẻ sát nhân hay sao đối với tai nạn đường sắt cao tốc ở tuyến đường từ Hàng Châu đi Phúc Châu năm 2011 hay bất cứ một tai nạn giao thông nào xảy ra ở Hoa lục.

Về phía Trung quốc, trong những ngày qua cũng đã phản pháo lại bằng những lý luận đơn điệu như truyền thông tây phương luôn tuyên truyền chống phá Trung quốc, đưa toàn tin có lợi cho Malaysia trong khi Trung quốc là nạn nhân thì dèm pha hết lời, xem nổi khổ đau của các gia đình nạn nhân như một trò cười v.v..và v.v…

Các nhà ngoại giao ở Bắc Kinh cho rằng sự phản luận của truyền thông Trung quốc chỉ cốt tạo ấn tượng cho người dân Hoa lục thấy là chính quyền rất lo cho người dân chứ với lý lẻ như vậy thì làm sao thuyết phục được dư luận thế giới.

 

 

Quảng Cáo
Leave a Comment
Quảng Cáo
WordPress Appliance - Powered by TurnKey Linux