Bạo lực thường xuyên tại các bịnh viện ở Trung quốc
Cư dân mạng Internet ở Hoa lục chỉ đồng ý với bộ Y tế Trung quốc về lý do thiếu bác sĩ và y tá, thiếu sự trao đổi ý kiến giữa bác sĩ và bịnh nhân, còn việc đòi bồi thường cao chỉ là một vài trường hợp đơn lẻ chứ thường thì phía bịnh nhân chịu thiệt thòi. Hơn 90% các vụ kiện tụng về y tế đều xử thắng cho phía bịnh viện vì phía các bịnh nhân làm gì có đủ bằng chứng về chuyện bác sĩ thiếu tay nghề, chẩn đoán bịnh sai…Một lý do chính và là nguyên nhân của mọi nguyên nhân mà bộ Y tế Trung quốc lờ đi không nói đến đó là bịnh nhân nghèo mà vào bịnh viện là bị bỏ lơ.
Cuối tháng 3 vừa qua, một bác sĩ khoa tai mắt mũi họng của bịnh viện Ôn Lĩnh thuộc tỉnh Triết Giang bị bịnh nhân giết chết, thế là qua ngày hôm sau hàng trăm bác sĩ, y tá và nhân viên y tế thuộc tỉnh Triết Giang kéo đến Ủy Ban Nhân dân tỉnh biểu tình kháng nghị yêu cầu chính quyền phải phạt thật nặng thủ phạm hầu ngăn chận nạn bạo hành nhân viên Y tế. Hơn 300 bịnh viện trên toàn quốc đã lên tiếng ủng hộ cuộc biểu tình kháng nghị này. Chuyện cả ngành Y tế Hoa lục lên tiếng về vụ một bác sĩ bị bịnh nhân giết chết vừa rồi là sự kiện chưa từng có ở Trung quốc, nhưng qua đó cho thấy tình trạng bạo lực của bịnh nhân hay gia đình bịnh nhân đối với nhân viên y tế đang phổ biến khắp nơi.
Các nhà hoạt động xã hội ở Hoa lục nói với các ký giả rằng dù bất cứ lý do gì thì cũng chẳng ai chấp nhận hành động bạo lực đối với nhân viên y tế, nhưng muốn ngăn chận nạn bạo hành này không thể chỉ phạt nặng phạm nhân là đủ mà còn phải làm sạch tệ nạn bịnh viện, bác sĩ, y tá bắt bịnh nhân hay gia đình bịnh nhân phải đút lót mới sốt sắng ra tay cứu chữa. Tệ nạn này điều tra không khó vì nó gần như công khai, phổ biến khắp cả nước. Ngoài việc bác sĩ làm chết bịnh nhân một cách vô lý còn có thêm chuyện nói láo với gia đình bịnh nhân. Một trong những vụ không thể tha thứ được đã xảy ra ở bịnh viện sản khoa nằm trong quận Phú Bình, tỉnh Xiễm Tây là một cháu bé trai vừa mới sinh ra là bác sĩ nói ngay với gia đình sản phụ rằng bé mắc phải bịnh truyền nhiễm bẩm sinh, suốt đời phải tàn tật, thôi để bịnh viện đem đi cho người nhà giàu hiếm con thì mới có tiền chữa trị cho cháu sống được ngày nào hay ngày đó. Mấy năm sau biết được đứa bé đó chẳng hề có bịnh tật gì, rất khỏe mạnh bị bác sĩ đem bán cho một gia đình giàu sang để lấy tiền bỏ túi.
Nói tóm lại hiện nay ở khắp Hoa lục tình trạng bịnh viện, bác sĩ bắt chẹt bịnh nhân được chút nào hay chút đó, còn phía bịnh nhân và gia đình của họ thì ai cũng bất mãn về thái độ hành sử của bịnh viện, bác sĩ từ đó nghi ngờ tất cả nếu không muốn nói là bất tín về ngành y tế của Trung quốc. Đáng lý ra bịnh viện là nơi cứu người thế mà nay đang trở thành chiến trường giữa bịnh nhân và bác sĩ vì hở một chút là cãi lộn, ẩu đả nhau kể cả việc giết người. Đây là một thực tế đau buồn mà nhà nước thay vì phải công khai giải quyết đến tận gốc thì lại dấu đi.
Lỗ Tấn, một người được xem như là đại văn hào của Trung quốc ngày nay nói rằng các bác sĩ tay đã nhúng chàm, những bịnh nhân hở một chút là sử dụng bạo lực với nhân viên y tế đều là những người đang mang bịnh về Tâm hồn. Chuyện bạo lực thường xảy ra tại bịnh viện ở khắp Hoa lục không phải là một hiện tượng mà là biểu tượng của một chứng bịnh xã hội. Hồi học sinh tôi muốn sau này trở thành bác sĩ, nhưng nhận thấy rằng người Trung quốc ở Hoa lục phần đông đang mắc phải chứng bịnh về tâm hồn và để chữa trị cho chứng bịnh này tôi đã phải chuyển sang lãnh vực văn học.
Câu nói Lương y như từ mẫu hình như không còn có giá trị thực tế tại Trung quốc hay Việt Nam. Đúng là chủ nghĩa cộng sản đã và đang phá nát tất cả những điều nhân bản của con người, thưa có đúng vậy không quý thính giả.
Tình hình bang giao Nhật-Hàn vẫn căng thẳng cho dù hội đàm tay ba Hàn-Mỹ Nhật đã diễn ra
Tình hình ngoại giao Hàn-Nhật càng căng thẳng thì thế liên minh Hàn-Mỹ Nhật càng bị thiệt hại. Chính vì lý do đó mà Tổng thống Hoa Kỳ, ông Obama đã đứng ra dàn xếp để lãnh đạo hai nước Hàn-Nhật ngồi lại nói chuyện với nhau có sự hiện diện của Hoa Kỳ. Cuộc hội đàm này đã được diễn ra vào ngày 25 tháng 3 khi cả ba nguyên thủ này có mặt tại hội nghị Thượng đỉnh an ninh hạt nhân tại Hague, thủ đô Hòa Lan.
Vì cuộc hội đàm được tổ chức tại Hòa Lan nên báo chí nước này đã tích cực đưa tin và có nhận xét rằng hình như nữ Tổng thống Hàn quốc vì cả nể Tổng thống Obama nên mới nhận lời chứ trong thâm tâm không muốn ngồi chung với Thủ tướng Nhật. Trong phần bắt tay chào hỏi xã giao để chụp hình quảng cáo, người ta thấy bà Huệ ngó đi chỗ khác khi ông Abe lên tiếng chào một câu bằng tiếng Hàn quốc, bà Huệ chỉ bắt tay Tổng thống Obama chứ làm ngơ khi Thủ tướng Nhật đưa tay ra bắt. Cứ nhìn cái không khí như vậy thì chẳng ai nghĩ rằng cuộc hội đàm sẽ đạt được kết quả tốt. Truyền thông Hòa Lan đánh giá rằng nữ Tổng thống Phát Cận Huệ thiếu kinh nghiệm trong vấn đề ngoại giao, cho dù không thích người đối diện, nhưng trên cương vị một Tổng thống và nhất là trước ống kính truyền thông quốc tế thì không nên có cử chỉ như thế.
Về phần truyền thông Hàn quốc thì nói rất nhiều khía cạnh về cuộc hội đàm này, trước tiên tờ Trung ương nhật báo cho rằng tuy cuộc hội đàm có tính gượng ép, nhưng việc lãnh đạo ngồi lại nói chuyện với nhau là một dấu hiệu tốt, nhưng tiếc thay tất cả thì giờ đều đổ vào vấn đề ngăn chận Bình Nhưỡng chế tạo vũ khí hạt nhân chứ chuyện hòa giải giữa hai nước Hàn-Nhật chỉ phớt qua cho có chuyện để nói. Tờ Triều Tiên nhật báo thì nói thẳng rằng trong hơn 1 năm qua Hàn-Nhật coi như đoạn nhau, bây giờ ngồi lại được với nhau là chuyện tốt, nhưng nếu phía Nhật bản cứ tránh né vấn đề thì chẳng giải quyết được gì cả. Hãng thông Yonhap thì bình luận rằng cuộc hội đàm tay ba vừa rồi cho thấy việc cải thiện bang giao giữa hai nước Hàn-Nhật vẫn còn ở trong đường hầm. Tờ Hankyoreh thì viết rằng cuộc hội đàm vừa qua tại Hague là màn trình diễn của hai ông Obama và Abe chứ phía Hàn quốc chẳng có lợi lộc gì cả, lẽ ra bà Phát Cận Huệ không nên tham dự. Tờ báo này còn nói thêm rằng, ngay sau cuộc hội đàm, phía Nhật Bản còn dã tâm đưa chuyện hòn đảo Dokdo của chúng ta vào sách giáo khoa của họ để dạy cho học sinh Nhật đó là hòn đảo của mình. Điều này chứng tỏ Nhật Bản không biết phục thiện.
Truyền thông Nhật Bản đương nhiên cũng đề cập đến cuộc hội đàm này với một thái độ chừng mực, không khích tướng và cho rằng chuyện giao hảo tốt đẹp thì có lợi cho cả hai nước chứ chẳng riêng gì Nhật Bản.
Theo ý kiến của một số nhà ngoại giao phương Tây ở Seoul và Tokyo thì tình trạng bang giao giữa hai nước Hàn-Nhật sẽ căng thẳng thêm một thời gian nữa ít ra cũng vài ba năm, sau đó thì chắc chắn phải cải thiện vì thực tế hai quốc gia phải dựa vào nhau để bảo vệ an ninh và phát triển.
Leave a Comment