Các thể chế cầm quyền trên thế giới có thể chia làm hai loại: đóng và mở.
Thể chế đóng là thể chế được thiết lập bởi một tập đoàn cầm quyền, tồn tại trước hết vì quyền lợi của tập đoàn đó. Nó có thể đem lại cho xã hội hoặc cho phép xã hội tự đạt được một số quyền lợi nào đó, nếu không làm tổn hại đến lợi ích của tập đoàn cầm quyền. Trong trường hợp quyền lợi của xã hội mâu thuẫn với quyền lợi của tập đoàn này, nó sẽ tìm cách triệt tiêu mọi con đường để xã hội có được những quyền lợi đó.
Thành phần nhân sự của tập đoàn cầm quyền tất nhiên không hoàn toàn cố định; theo thời gian, một số nhân vật bị đào thải (do tuổi tác hoặc vì lý do khác) và được thay thế bởi những nhân vật khác. Tuy nhiên, sự biến động chậm chạp về nhân sự cộng với sự cố thủ về đường lối làm cho tập đoàn cầm quyền mang một tính chất giống như một nhóm người không có sự thay đổi về thành phần.
Các nhà nước chiếm hữu nô lệ, phong kiến, độc tài, độc đảng các loại đều thuộc loại thể chế đóng. Đặc điểm chung của chúng là tự tuyệt đối hóa, coi tập đoàn cầm quyền là “con trời”, là “đỉnh cao nhất của trí tuệ nhân loại”. Một trong những dấu hiệu nhận diện thể chế đóng là sự hiện diện của chính sách “bảo vệ thể chế” và sự thực hiện chính sách đó bằng mọi giá, kể cả đàn áp khốc liệt.
Thể chế mở là thể chế trong đó nhà nước chỉ giống như một tập thể những người làm một nghề như bao nghề khác. Không có một đặc quyền nào cho những người trong cái tập thể đó. Việc thay đổi thành phần nhân sự của tập thể này diễn ra thường xuyên. Người muốn tham gia vào bộ máy nhà nước chỉ cần thạo việc và không phạm luật, không có tiền án, tiền sự. Tuy nhiên, để bảo đảm cho những người trong bộ máy công quyền không cấu kết với nhau để biến nhà nước thành thể chế đóng, hiến pháp và các bộ luật phải tạo ra hành lang pháp lý cho chế độ đa đảng và sự phân lập quyền lực (thông thường là tam quyền).
Chỉ có thể chế mở mới là thể chế dân chủ. Thể chế đóng, dù có nói bao nhiêu lời hoa mỹ về “quyền làm chủ của dân”, đều là phản dân chủ.
*
Dù là do kết quả của một cuộc cách mạng từ bên ngoài hay do xung đột vì mâu thuẫn bên trong, mọi thể chế đóng đều có kết cục tất yếu là sụp đổ. Đó là sự thể hiện của một nguyên lý triết học: hữu sinh (thì) hữu tử. Một thực thể, nếu đã được sinh ra, thì cũng sẽ đến lúc phải biến đi. Cho dù ai đó luôn nuôi hy vọng vào sự vĩnh hằng của thực thể này, nhưng đó chỉ là hy vọng hão. Chỉ có thể chế mở, trong đó nhà nước không phải là một thực thể cố định, mà như một dòng sông luôn được thay nước mới, mới có triển vọng trường tồn.
Trong lịch sử nhân loại, mỗi khi ở một quốc gia xuất hiện những hiện tượng như lòng dân oán thán thể hiện ra bằng những bài vè, câu ca, lời đồng dao nói bóng gió về sự suy đồi của chế độ, thì đó là lúc chế độ đang đứng ở bờ vực tiêu vong. Nặng hơn nữa, nếu thường xuyên xảy ra những vụ đàn áp điên cuồng nhắm vào những tầng lớp quần chúng và giới sỹ phu, những vụ tước đoạt tài sản, quyền sống, quyền làm người của nhân dân lao động, thì chế độ đã đến hồi kết!
Những cố gắng cuối cùng để tự “chỉnh đốn” chỉ có tác dụng trong vài năm, thậm chí mấy tháng. Sau đó, tất cả sẽ lại diễn ra theo quy luật: sự tha hóa của các lực lượng công quyền ngày càng trầm trọng, mâu thuẫn giữa bộ máy cầm quyền cùng lực lượng bảo vệ nó với dân chúng ngày càng sâu sắc. Sẽ sớm đến ngày không còn một nhân vật nào hay nhóm người nào có thể ngăn cản được sự lao dốc của một con tàu đã hỏng phanh.
Trừ khi nhà cầm quyền chấp nhận để cho thể chế chuyển thực sự một cách kịp thời sang hướng mở.
MICHAEL LANG
http://daohieu.wordpress.com/2014/04/07/ket-cuc-tat-yeu-cho-mot-the-che-dong/
Leave a Comment