Nghị quyết cổ xúy và bảo vệ nhân quyền khi biểu tình ôn hòa

- Quảng Cáo -

bt onhoa

Với 31 phiếu thuận, 9 phiếu chống và 7 phiếu trắng, ngày 28/3/2014 Hội Đồng Nhân quyền LHQ đã thông qua cuộc bầu phiếu phê chuẩn Nghị quyết Cổ xúy và Bảo vệ Nhân quyền liên quan đến Biểu tình ôn hòa.

Biểu tình ôn hòa là một trong các hình thức thể hiện một xã hội có dân chủ, gắn liền với quyền tự do bày tỏ và quyền tụ họp ôn hòa. Đây là một bước tiến vững chắc nữa của cộng đồng quốc tế trong việc kêu gọi các nước thành viên cần phải có các biện pháp cụ thể bảo vệ người tham gia biểu tình. Nghị quyết kêu gọi tránh dùng võ lực, an toàn cho các ký giả, truyền thông…v.v..

Hội Cựu tù nhân lương tâm VN (CTNLTVN) xác nhận rằng biểu tình ôn hòa là một hình thức quan trọng để bày tỏ quyền tự do và quan tâm đến các hành động đánh đập, quấy phá, trấn áp người biểu tình ôn hòa phản đối Trung Quốc, các cuộc gặp gỡ của người bảo vệ nhân quyền, đặc biệt là đối với bà con dân oan tại VN trong thời gian qua đồng thời kêu gọi nhà cầm quyền csvn phải thừa nhận quyền tự do của mọi người bày tỏ niềm uất ức hay khát vọng của họ nơi công cộng một cách ôn hòa mà không sợ bị tấn công, đe dọa, quấy phá, bắt bớ và giam cầm.

- Quảng Cáo -

Nhưng như một phản đề, đại diện VN tại Geneva cùng với Trung Quốc, Cuba, Nga và Venezuela đã bỏ phiếu chống lại nghị quyết này. Sau cuộc biểu quyết, VN lặp lại quan điểm rằng các hoạt động của người bảo vệ nhân quyền phải nằm trong khuôn khổ luật pháp về an ninh quốc gia. VN cũng phản đối khi cho rằng bản nghị quyết này không khách quan và thiếu thăng bằng và không tạo ra phương thức đối thoại giữa các bên.

 

Người dân gom cả chuối non bán cho thương lái Trung Quốc

chuoinonChỉ trong vài ngày qua, giá chuối ở các tỉnh miền Tây tăng gấp đôi. Giới thương lái ồ ạt thu mua chuối của các nhà vườn để nhập kho hàng, chờ đóng gói xuất cảng.

Theo Thanh Niên, nông dân trồng chuối ở miền Tây đang vui mừng vì giá chuối tăng gấp đôi, tức khoảng gần 10 cent mỗi pound. Nhiều thương lái buôn chuối cho biết, giá chuối tăng mạnh nhờ phía Việt Nam ký được một số hợp đồng bán chuối cho thương lái Trung Quốc.

Báo Thanh niên dẫn lời một số nhà vườn Việt Nam nói rằng, thương lái Trung Quốc xuất hiện tại một số tỉnh miền Tây đặt mua chuối già với số lượng không giới hạn. Ở một trạm thu mua chuối của ông Nguyễn Phước Hiền, dốc cầu Mỹ Thuận, tỉnh Vĩnh Long, người ta thấy cứ vài phút lại có một xe chở đầy chuối đến giao cho ông, kể cả chuối non. Thương lái Trung Quốc đặt mua chuối già; còn chuối xiêm, chuối sáp và chuối cao thì chuyển đến Sài Gòn để bán.

Một số chủ vựa chuối ở tỉnh Tiền Giang, Vĩnh Long, Bến Tre đều xác nhận rằng, người dân thi nhau đốn chuối để giao cho thương lái vẫn không đủ số lượng theo yêu cầu. Ông Nguyễn Văn Quy, thương lái tỉnh Vĩnh Long cho biết, chuối tăng giá không ngừng trong vòng một tháng trở lại đây. Cũng theo ông Quy, chuối già tăng giá rất mạnh nhờ Việt Nam ký được hợp đồng xuất cảng chuối cho người Trung Quốc.

Báo Thanh niên dẫn lời một cán bộ nông nghiệp tỉnh Vĩnh Long nói rằng, cứ mỗi lần Trung Quốc có nhu cầu mua chuối của Việt Nam thì giá lại vọt lên. Tuy nhiên, giá chuối không ổn định trên thị trường. Ông này cũng cho rằng nhà vườn cần cảnh giác trước yêu cầu thu mua cả chuối non của thương lái Trung Quốc vì đôi khi họ chỉ yêu cầu suông rồi không chịu mua vào giờ chót, khiến nông dân gặp thiệt hại vì trót đốn cả chuối non.

 

29 người H’Mong bị cáo buộc “hoạt động phỉ”

140320-HMong-3Hôm 2/04 29 người H’Mong đã bị tò án tỉnh Điện Biên đưa ra xử với cáo buộc họ đã “hoạt động phỉ” theo quy định tại Điều 83, Bộ luật Hình sự. Phiên xử này dự trù sẽ kéo dài trong một tuần và được tổ chức theo hình thức lưu động.

Xét xử lưu động là hình thức xét xử được thực hiện bên ngoài trụ sở tòa án với mục tiêu “giáo dục, răn đe”. Việc đem 29 người H’Mong ra xử lưu động được thực hiện sau khi hàng ngàn H’Mong biểu tình, phản đối việc chế độ Hà Nội đưa các đồng đạo của họ ra xử hồi tháng trước ở huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang.

Trong thập niên vừa qua, do theo – thực hiện các nghi thức của một tôn giáo mà nhà cầm quyền CSVN gọi là “tà đạo Dương Văn Mình”,  nhiều người H’Mong đã bị đưa ra tòa, bị phạt tù vì bị vu cho tội “gây rối trật tự công cộng” hoặc “lợi dụng các quyền tự do, dân chủ xâm phạm lợi ích Nhà nước, tổ chức và công dân”. Đây là lần đầu tiên, các nạn nhân của đàn áp tôn giáo tại Việt Nam bị cáo buộc “hoạt động phỉ”.

Từ cuối thập niên 1980 đến nay, càng ngày càng nhiều người H’Mong nghe theo lời ông Dương Văn Mình, từ bỏ nhiều tập quán có tính chất hủ tục, ví dụ như giữ người chết trong nhà, sống cùng với thi thể người chết ba ngày ba đêm, hoặc bảy ngày bảy đêm, thậm chí chín ngày đêm, mổ trâu bò, cùng ăn uống rồi mới chôn cất. Hoặc khi đau ốm thì không cúng kiếng mà đi chữa bệnh.

Tuy nhiên khi người H’Mong thôi dùng thầy cúng, thôi tin ma, ngừng giữ và thực hiện các hủ tục thì chế độ Hà Nội lại cảm thấy bất an. Họ gọi những quan điểm tín ngưỡng mà ông Dương Văn Mình truyền bá, dựa một phần vào đạo Thiên Chúa, và được nhiều người H’Mong tán thành là “tà đạo Dương Văn Mình”.

Ông Dương Văn Mình và nhiều người H’Mong bị tống giam, bị phạt tù vì “gây rối trật tự công cộng”, “lợi dụng các quyền tự do, dân chủ xâm phạm lợi ích Nhà nước, tổ chức và công dân”. Người H’Mong câm lặng chịu đựng sự đàn áp thô bạo này cho đến cuối tháng 4 đầu tháng 5 năm 2011 thì sự kiện Mường Nhé bùng phát. Mường Nhé là một huyện thuộc tỉnh Điện Biên, mà ranh giới vừa giáp biên giới Trung Quốc, vừa giáp biên giới Lào. Ngày 30 tháng 4 năm 2011, hàng ngàn người H’Mong đã đổ đến Mường Nhé cầu nguyện, đòi tự do tín ngưỡng.

Kể từ sau sự kiện Mường Nhé, người H’Mong từ các tỉnh biên giới phía Bắc Việt Nam liên tục đổ về Hà Nội khiếu nại, đòi tự do tôn giáo, đòi thả những người bị bắt. Tháng trước, trong hai ngày 18 và 21, hàng ngàn người H’Mong từ nhiều nơi đã đổ về trụ sở Tòa án huyện Hàm Yên, giương cao các khẩu hiệu đòi tự do tôn giáo và trả tự do cho ba người H’Mong bị đưa ra xét xử ở hai vụ xử cách nhau ba ngày, song với cùng một cáo buộc là “lợi dụng các quyền tự do, dân chủ xâm phạm lợi ích Nhà nước, tổ chức và công dân”.

Những người H’Mong tham gia phản kháng cho biết, có ít nhất bốn người bị bắt, 30 người bị ngất do cảnh sát cơ động đánh đập. Cuối cùng, ông Dương Văn Tu bị phạt 1 năm 9 tháng tù. Còn ông Lý Văn Dinh bị phạt 1 năm 5 tháng tù.

Các vụ phản kháng đòi tôn trọng tự do tôn giáo của người H’Mong ở Mường Nhé, Điện Biên (2011) và của người thiểu số ở Tây Nguyên (2001, 2004) là một trong những lý do để năm ngoái, Bộ Công an Việt Nam vận động Ủy ban Thường vụ của Quốc hội Việt Nam gia tăng đầu tư cho cảnh sát cơ động – lực lượng vũ trang của công an, chuyên thực hiện nhiệm vụ trấn áp.

Ngoài trang bị cá nhân, hơn hẳn quân nhân, năm ngoái, lực lượng này được trang bị thêm cả súng B.40, xe bọc thép. Qua “Pháp lệnh Cảnh sát cơ động”, Ủy ban Thường vụ của Quốc hội Việt Nam còn cho phép lực lượng này mua phi cơ, tàu thủy và “nổ súng trấn áp bạo loạn, tụ tập đông người phá rối an ninh”.

 

Đài Loan nhượng bộ trước áp lực đòi quan hệ bình đẳng với Hoa Lục

dailoanSau 17 ngày biểu tình liên tục gây sức ép, phong trào sinh viên Đài Loan chống thỏa thuận thương mại với Trung Quốc giành được chiến thắng đầu tiên. Sáng nay 4/04/2014 chính phủ Đài Bắc chấp thuận một dự luật đòi hỏi hành pháp phải theo dõi chặt chẽ các hiệp ước hợp tác kinh tế và thương mại với Hoa lục trong tương lai.

Các biện pháp giám sát này, gồm thủ tục tham khảo ý kiến dân chúng và một cơ cấu bảo vệ an ninh quốc gia, đã được đưa ra nghị viện Đài Loan xem xét và biểu quyết.

Sau khi ký với Bắc Kinh thỏa thuận khung hợp tác kinh tế vào năm 2010 ECFA để mở rộng quan hệ thương mại với Trung Quốc, Đài Bắc quyết định tiến thêm bước thứ hai mở rộng dịch vụ cho doanh nhân Trung Quốc qua hiệp ước gọi là « Thỏa thuận Dịch vụ giữa hai bờ eo biển » nhưng đã gặp sự phản đối mạnh mẽ của sinh viên và đối lập.

Phong trào phản kháng, nay mang tên là Hoa hướng dương, huy động hàng chục ngàn người biểu tình và chiếm đóng quốc hội để chống thỏa thuận mà nếu được thi hành thì Hoa lục sẽ mở 80 lãnh vực dịch vụ cho doanh nhân Đài Loan và ngược lại hải đảo phải mở 64 lãnh vực kinh tế cho doanh nghiệp Trung Quốc.

Tuy nhiên, giới trẻ và công nhân Đài Loan lo ngại Trung Quốc sẽ đưa nhân công của họ sang làm việc tại hải đảo, các công ty vừa và nhỏ sẽ bị đóng cửa trước sự cạnh tranh của Hoa lục và công nhân Trung Quốc, chấp nhận lương thấp, sẽ chiếm việc làm của công nhân Đài Loan.

Dự luật mới buộc chính phủ Đài Bắc mỗi khi đàm phán một hiệp ước thương mại với Trung Quốc phải dựa trên nguyên tắc « bình đẳng, tương kính, tôn trọng quyền lợi lẫn nhau và nhất là bảo vệ an ninh quốc gia ».

 

 

- Quảng Cáo -

Chúng Tôi Mong Có Góp Ý Kiến Thêm Từ Quý Vị

Please enter your comment!
Please enter your name here