Mỗi năm Việt Nam lãng phí 2 tỉ Mỹ kim về phân bón
Ông Trần Xuân Định, Phó cục trưởng Cục Trồng Trọt thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cộng sản Việt Nam cho biết, Việt Nam có khoảng 26 triệu hecta đất nông nghiệp với nhu cầu sử dụng lượng phân bón khoảng 10.3 triệu tấn mỗi năm.
Phần lớn được sản xuất trong nước và chỉ một số ít được nhập cảng từ Trung Quốc. Cũng theo thống kê của Cục Trồng Trọt, hơn 5,000 loại phân bón khác nhau hiện được bày bán trên thị trường, mà đến một nửa là hàng gian, hàng giả, hàng không đạt phẩm chất theo qui định.
Ông Nguyễn Hạc Thúy, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam nói thêm rằng, phân bón lâu nay là một trong bốn yếu tố giúp nông dân tăng sản lượng trồng trọt là nước, phân, cần, giống, nay lại trở thành tác nhân nguy hại, gây tổn thất không ít cho nghề nông. Cũng theo ông Nguyễn Hạc Thúy, nhiều công ty mua phân bón từ Trung Quốc về sau đó trộn với đất sét, bột cao lanh, bột gạch rồi tung ra bán, gây thiệt hại đáng kể cho nông dân.
Tình trạng hỗn loạn thị trường phân bón hiện nay hầu như vượt ra khỏi tầm kiểm soát của cơ quan chức năng tại Việt Nam.
Ba nhà máy nước sạch vừa xây xong đã đóng cửa
Được biết, cả 3 nhà máy nước sạch được xây dựng bằng nguồn vốn từ mục tiêu quốc gia và tiền của người dân đóng góp lên đến 28,3 tỉ đồng. Hàng ngàn người dân kỳ vọng sẽ có được nguồn nước sạch để sử dụng, thay cho nguồn nước đang nhiễm xăng, nhiễm phèn, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân. Nhưng oái oăm thay, khi các công trình trên vừa đưa vào sử dụng đã bộc lộ rõ những yếu kém cả về chất lượng và chuyên môn để rồi đến nay đều phải đóng cửa.
Công trình vừa xây xong đã bị gặp nhiều vấn đề như đường ống, nhà vận hành nước, ngày càng bị xuống cấp trầm trọng, một số còn bị mất trộm, hư hỏng do không được bảo quản gây thất thoát, lãng phí tiền của nhà nước và người dân, lúc thiết kế công trình không tính toán được dòng hải lưu, dòng chảy mạnh của nước sông, dẫn đến hậu quả lượng cát phù sa lớn bồi đắp lấp mất máy bơm. Nên khi vận hành máy bơm đều bị cháy. Ngoài số tiền được Nhà nước đầu tư, hàng trăm hộ dân sinh sống ở đây mỗi hộ còn phải bỏ ra số tiền 2 triệu đồng để xây dựng nhà máy nước sạch. Vậy mà giờ đây người dân đang phải chịu cảnh đi xin từng xô nước sạch để dùng, hàng nghìn gia đình vẫn phải dùng nguồn nước bẩn.
Trẻ sơ sinh tử vong vì bị tiêm nhằm thuốc
dư luận không khỏi bàng hoàng về sự kiện một loạt 3 trẻ sơ sinh chết tại huyện Hướng Hóa hồi tháng 7/2013 vì bị chích nhầm thuố thay vì vắc xin viêm gan B.
Sau hơn nửa năm điều tra, Công an tỉnh Quảng Trị khởi tố bà Nguyễn Thị Thuận và mời thêm 7 cán bộ bệnh viện có liên quan đến sự việc để thẩm vấn. Sau vụ này, Bộ Y tế Cộng sản Việt Nam đã yêu cầu Bộ Công an bắt tay vào việc điều tra.
Kết quả của cuộc điều tra nói rằng, bà Nguyễn Thị Thuận y tá có 20 năm trong nghề, từng được bệnh viện Hướng Hoá cũng như Trung tâm Y tế Hướng Hoá ca ngợi là người đáng tin cậy của ngành y địa phương, đã chích nhầm một loại thuốc có chất độc và chất gây mê, vô tình làm trẻ mất mạng.
Hiện nay, tình hình chích ngừa vaccine Quinvaxem “5 trong 1” tại Việt Nam chưa trở lại bình thường vì phụ huynh vẫn còn rất hoang mang về điều gọi là “sốc phản vệ” khiến trẻ có thể bị thiệt mạng.
Tại tỉnh Lâm Ðồng, ba tháng đầu năm 2014, số trẻ chích ngừa “5 trong 1” chỉ đạt khoảng 20% tổng số trẻ trong độ tuổi cần được chích ngừa.
Có đến 40% cầu treo ở Việt Nam có nguy cơ sập
Người ta chưa quên vụ sập cầu Chu Va 6 tại tỉnh Lào Cai làm ít nhất 8 người thiệt mạng, và 38 người bị thương. Hiện nay, Tổng cục Đường bộ của Bộ Giao thông – Vận tải Cộng sản Việt Nam đã phác thảo một đề án xây dựng lại các cầu treo tại 28 tỉnh miền núi, trung du phía Bắc, miền Trung, và Tây Nguyên, và tại 22 tỉnh có đông đồng bào sắc tộc.
Tổng chi phí xây dựng số cầu treo cần thiết cho việc đi lại của người dân có thể lên đến 1,700 tỉ đồng, tương đương 85 triệu đô la. Các quan chức Bộ Giao thông – Vận tải Cộng sản Việt Nam thú nhận rằng đây là vấn đề nan giải lớn khiến họ trù trừ việc tu sửa, xây mới cầu treo, gây nên không ít thảm kịch sập cầu.
Leave a Comment