Liên đoàn FIDH kêu gọi nhà cầm quyền Việt Nam phóng thích 3 nhà hoạt động
Ba nhà bảo vệ nhân quyền tại Việt Nam có tên trong danh sách vận động của FIDH bao gồm Đỗ Thị Minh Hạnh, Hồ Thị Bích Khương, và Tạ Phong Tần.
Theo ông Andrea Giorgetta, Giám đốc khu vực Châu Á của Liên đoàn Quốc tế Nhân quyền FIDH, thì “Ba phụ nữ này là những trường hợp đặc biệt quan trọng vì họ bị tuyên án tù nhiều năm chỉ vì các hoạt động cổ xúy nhân quyền căn bản. Đặc biệt nghiêm trọng là hai người trong số này là nạn nhân của tệ tra tấn, ngược đãi trong trại giam. Chúng tôi dùng trường hợp của họ để nêu bật thực trạng đáng bạo động trong các trại nhà lao Việt Nam.”
FIDH kêu gọi những người sử dụng internet trên toàn cầu dùng tài khoản Twitter liên lạc với những người có thẩm quyền để thúc đẩy trả tự do cho những nhà bảo vệ nhân quyền đang bị giam cầm tùy tiện vì các hoạt động cổ xúy dân chủ.
Nhà hoạt động vì quyền đất đai Hồ Thị Bích Khương bị bắt lần thứ ba vào đầu năm 2011 và bị kết án 5 năm tù giam về tội danh “tuyên truyền chống nhà nước” vì đăng tải lên mạng những bài viết bị Hà Nội cho là phê phán chính phủ, chống nhà nước.
Nhà hoạt động công đoàn Đỗ Thị Minh Hạnh bị kêu án 7 năm tù hồi năm 2010 với cáo buộc “phá rối an ninh trật tự nhằm chống lại chính quyền nhân dân” sau khi rải truyền đơn và tổ chức cho công nhân đình công đòi tăng lương.
Blogger Tạ Phong Tần bị tuyên án 10 năm tù cuối năm 2012 về tội danh “tuyên truyền chống nhà nước” về các bài viết phản ánh tham nhũng và bất công xã hội. Bà Tần từng được Bộ Ngoại giao Mỹ vinh danh Giải Phụ nữ Can đảm 2013 vì “sự dũng cảm đặc biệt và khả năng lãnh đạo để vận động cho quyền và sức mạnh phụ nữ, bất chấp rủi ro cá nhân”.
FIDH kêu gọi cộng đồng quốc tế đòi hỏi Hà Nội phải chấm dứt đàn áp giới bất đồng chính kiến ôn hòa và phóng thích tất cả tù nhân chính trị.
Liên đoàn FIDH gồm 178 tổ chức phi chính phủ bảo vệ nhân quyền tại hơn 100 quốc gia trên thế giới nói một nhà bảo vệ nhân quyền là người có các hoạt động ôn hòa nhằm cổ xúy hoặc bảo vệ các quyền con người được quy định trong Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền.
Giáo dân Cồn Dầu Tiếp Tục Bị Cưỡng Chế
Trước ngày cưỡng chế, vào đêm 26.3 tất cả những hộ gia đình có trong danh sách cưỡng chế đều bị cắt hết điện nước, cả một vùng tối đen. Lực lượng công an bắt đầu lượn vào trong làng đi kiểm tra. Khoảng nửa đêm, họ vào từng nhà đọc lệnh cưỡng chế.
Cách đây hơn một tuần, một số giáo dân giáo xứ Cồn Dầu đã ra Hà Nội để kêu oan nhưng đến nay vẫn chưa thấy về.
Cũng xin được nhắc lại, giáo xứ Cồn Dầu là một giáo xứ thuộc giáo Phận Đà Nẵng, nằm ven bờ sông Cẩm Lệ. Giáo xứ Cồn Dầu có lịch sử với bề dày hơn 135 năm. Nhưng vào tháng 5.2007, nhà cầm quyền Tp.Đà Nẵng đã công bố kế hoạch bán 430ha đất tại khu vực phường Hòa Xuân, bao gồm toàn bộ làng Cồn Dầu (110 ha), cho các nhà đầu tư quốc tế xây dựng một khu biệt thự cao cấp và khu “Du lịch sinh thái.” Việc mua bán giữa nhà cầm quyền Tp Đà Nẵng và các nhà đầu tư không được người dân đồng ý, cũng như việc đền bù giải tỏa của chính quyền cho người dân không công bằng dẫn đến nhiều cuộc xung đột giữa người dân với nhà cầm quyền. Hiện nay, nhà cầm quyền Tp. Đà Nẵng đã di dời toàn bộ khu nghĩa trang của giáo xứ lên một nơi gần miền núi, cách xa giáo xứ mấy chục km. Họ ép hơn một nửa giáo dân trong giáo xứ ký biên bản, nhận tiền và di chuyển đi nơi khác. Một số hộ còn lại vẫn chống cự và nhất quyết không bỏ đất, bỏ giáo xứ.
Người Trung Quốc vẫn tiếp tục làm việc bất hợp pháp tại Việt Nam
Trên nguyên tắc, luật pháp Việt Nam chỉ cho phép giới đầu tư và các doanh nghiệp đưa người ngoại quốc vào Việt Nam làm việc nếu họ có kinh nghiệm, khả năng chuyên môn trong lĩnh vực quản lý hoặc kỹ thuật. Người ngoại quốc muốn cư trú và làm việc tại Việt Nam phải có giấy phép.
Nhưng trong thực tế, các qui định pháp luật vừa kể không được áp dụng với người Trung Quốc. Đa số người Trung Quốc được các nhà thầu Trung Quốc đưa vào Việt Nam làm việc đều thuộc dạng “lao động phổ thông” (không có kinh nghiệm lẫn chuyên môn). Tất nhiên họ cũng không có giấy phép cư trú hay làm việc và bất chấp các cảnh báo liên tục trong nhiều năm qua, mà chính quyền các cấp vẫn làm ngơ.
Tờ Tuổi Trẻ dẫn một báo cáo của Sở Lao động – Thương binh – Xã hội Trà Vinh cho biết, có khoảng 900 người Trung Quốc đang làm việc tại Trung tâm Điện lực Duyên Hải, tọa lạc tại huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh. Trong đó có khoảng 400 không có giấy phép cư trú và làm việc.
Tình trạng “du di” cho người Trung Quốc, bất chấp luật pháp hiện hành không chỉ xảy ra ở Trà Vinh. Tại Thanh Hóa, một nhà thầu Trung Quốc đã đưa 163 người Trung Quốc đến làm việc tại Nhà máy ximăng Công Thanh. Trong số này, có tới 114 người Trung Quốc làm những công việc mà người Việt Nam dư sức đáp ứng nhưng họ không gặp bất kỳ trở ngại nào.
Tương tự, khi các nhà thầu Trung Quốc được chọn thực hiện dự án Formosa ở Khu kinh tế Vũng Áng, tọa lạc tại huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh, các nhà thầu này đã đưa hàng ngàn người Trung Quốc vào Việt Nam làm công việc của những “lao động phổ thông”. Khu Kinh tế Vũng Ánh hiện là nơi có 3,730 người Trung Quốc làm việc và hơn một nửa không hề có giấy phép.
Làm ngơ, bất kể việc người Trung Quốc tràn sang Việt Nam cư trú, làm việc bất hợp pháp vi phạm các qui định hiện hành cũng là lý do hình thành “làng Trung Quốc” ở xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận.
Manila tiếp tục kiện Trung Quốc về Biển Đông
Trung Quốc đã đòi hỏi chủ quyền trên hầu như toàn bộ Biển Đông. Không chỉ phớt lờ các tuyên bố chủ quyền của các nước khác trong vùng, từ Philippines, Việt Nam, cho đến Malaysia, Brunei, Bắc Kinh còn dùng sức mạnh lấn chiếm và giành quyền kiểm soát nhiều vùng biển đảo của nước khác, kể cả những khu vực trên nguyên tắc nằm trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của láng giềng, rất xa bờ biển của Trung Quốc.
Sau vụ Trung Quốc giành quyền kiểm soát thực tế khu vực bãi Scarborough Shoal ở Biển Đông nằm ngay trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines, Manila vào tháng 01/2013 đã đệ đơn kiện Trung Quốc trước tòa án trọng tài Liên Hiệp Quốc về Luật Biển. Bắc Kinh từ chối tham gia vụ kiện, nhưng không ngăn được tiến trình tố tụng.
Từ đó đến nay, Trung Quốc vừa tiếp tục lấn lướt Philippines ở những khu vực khác tại Biển Đông đang nằm dưới quyền kiểm soát của Manila – cụ thể là tại bãi Second Thomas Shoal (Trường Sa), nơi có một đơn vị Thủy quân lục chiến Philippines đồn trú – vừa liên tục hù dọa Philippines đòi nước này rút lại đơn kiện.
Thứ Tư 26/03 vừa qua, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi lại cảnh cáo Philippines về khả năng quan hệ song phương bị sứt mẻ, nếu Manila vẫn tiếp tục các hành vi mà Trung Quốc cho là «sai trái ».
Tuyên bố khẳng định tiếp tục vụ kiện của Phủ Tổng thống Philippines là lời đáp trả của Manila. Trong đơn kiện của mình, Philippines cáo buộc rằng các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc tại các vùng Biển Đông cách xa Trung Quốc đến 870 hải lý (1.611 km) đều bất hợp pháp theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển mà hai bên đều ký kết năm 1982.
Leave a Comment