Người dân Bắc Ninh đua nhau nuôi gián, bán cho Trung Quốc
Phong trào nuôi gián đất công khai đến nổi người qua lại trông thấy một công ty ở thôn Phú Thọ, xã Xuân Lai treo bảng ghi “Chuyên bán buôn gián đất” tại cổng ra vào. Trong đợt kiểm soát diễn ra hồi cuối năm 2013, giám đốc công ty này thú nhận đã mua trứng gián của một công ty ở tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc, với giá khoảng 450,000 đồng, tương đương 22.5 đô la một kí.
Ông giám đốc công ty còn cho biết, các chuyên viên người Trung Quốc sang tận nhà giúp xây dựng địa điểm và hướng dẫn kỹ thuật nuôi. Một số cư dân quanh vùng cũng bắt chước mua mỗi người chừng 100 kg trứng gián về ấp, chờ trứng nở con. Hầu hết người dân đều cho rằng đó là loại gián đất có thể chữa được bệnh ung thư, và họ được khuyến khích nuôi để bán kiếm tiền.
Theo lương y Vũ Quốc Trung của Hội Đông Y Hà Nội, gián đất được dùng trong các bài thuốc có tác dụng làm tan huyết ứ, hoặc chữa bệnh đau dạ dày, viêm loét miệng… nhưng không có khẳng định nào nói rằng gián đất chữa được bệnh ung thư.
Hiện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Ninh đang chờ chỉ thị của Bộ để xử phạt các gia đình nông dân tự ý đưa gián từ Trung Quốc về nuôi.
Dân biểu Hoa Kỳ đệ trình dự luật Chế tài Nhân quyền Việt Nam
Thông cáo cho biết đây là một dự luật lưỡng đảng, nhắm mục tiêu vào những quan chức chính phủ, công an, và những người khác vi phạm nhân quyền đối với những nhà bất đồng chính kiến ôn hòa. Những biện pháp được kiến nghị bao gồm những hạn chế du hành và trừng phạt về tài chính.
Cụ thể, những cá nhân có tên trong danh sách sẽ không được nhập cảnh hay quá cảnh ở Hoa Kỳ, không được cấp bất kỳ quy chế di trú hợp pháp nào, và cũng không được phép nộp đơn hay thỉnh nguyện liên quan đến những việc này. Về mặt tài chính, những cá nhân này sẽ bị phong tỏa tài sản, bị hạn chế hoặc bị cấm giao dịch tài chính và đưa tài sản vào hay ra khỏi Hoa Kỳ.
Trong phần dẫn nhập, Dân biểu Ed Royce nói dự luật này “làm mạnh thêm tiếng nói của những người dũng cảm lên tiếng chống lại chính quyền Cộng sản ở Việt Nam.”
Dân biểu Ed Royce là một trong những nhà lập pháp Mỹ cổ xúy mạnh mẽ nhất cho vấn đề nhân quyền của Việt Nam.
Ông là tác giả của dự luật H. Res.128 kêu gọi Bộ Ngoại giao Mỹ đưa Việt Nam vào lại danh sách những quốc gia cần quan tâm đặc biệt về tôn giáo. Ông cũng là người đồng bảo trợ chính cho Dự luật Nhân quyền Việt Nam được Hạ viện bỏ phiếu thông qua hồi năm 2013 nhưng bị chặn ở Thượng viện.
Tội ác của chế độ Bắc Triều Tiên ngang hàng với tội ác Khmer Đỏ
Căn cứ vào bản báo cáo đã được công bố cách nay đúng một tháng, đại diện Liên Hiệp Quốc ông Michael Kirby, nhấn mạnh đến « bổn phận của quốc tế » phải đương đầu với « những hành vi vi phạm nghiêm trọng về quyền của con người, những tội ác chống nhân loại đã diễn ra tại Bắc Triều Tiên ». Chủ tịch ủy ban điều tra của Liên Hiệp Quốc nói thêm là ở vào thế kỷ XXI, quốc tế không thể nhắm mắt làm ngơ để cho chế độ Bình Nhưỡng muốn làm gì thì làm.
Báo cáo dầy 400 trang của ủy ban điều tra trực thuộc Liên Hiệp Quốc được công bố hôm 17/02/2014, lên án chính quyền Bắc Triều Tiên « phân loại dân chúng, đàn áp vì những lý do như tôn giáo, chính trị, sắc tộc, sát hại trẻ vị thành niên, bỏ đói dân chúng, … ». Đây là lần đầu tiên Bắc Triều Tiên bị kết tội vi phạm « tội ác chống nhân loại »
Vẫn theo văn bản nói trên hàng trăm ngàn tù chính kiến đã thiệt mạng trong 50 năm qua. Theo ủy ban điều tra của Liên Hiệp Quốc, hiện vẫn còn khoảng từ 80 ngàn đến 120 ngàn tù nhân chính trị bị giam trong 4 nhà tù Bắc Triều Tiên. Bên cạnh đó còn phải kể đến những vụ người Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản bị bắt cóc hay mất tích. Theo lời ông Kirby, lãnh tụ tối cao Bắc Triều Tiên phải chịu trách nhiệm về những tội ác nói trên. Một lần nữa chuyên gia Liên Hiệp Quốc yêu cầu Tòa án Hình sự quốc tế CPI can thiệp.
Châu Âu trừng phạt 21 nhân vật Nga và Crimée
Trong một bản tin nhắn trên tài khoản Twitter, Ngoại trưởng Lít Va Linas Linkevicius tiết lộ là Bruxelles đã quyết định trừng phạt 21 nhân vật bị xét là có trách nhiệm trong vụ Nga sát nhập vùng Crimée của Ukraina. Các biện pháp trừng phạt bao gồm việc cấm visa nhập cảnh cũng như phong tỏa tài sản.
Như vậy, các Ngoại trưởng Liên Hiệp Châu Âu đã cụ thể hóa điều được họ gọi là giai đoạn hai trong chiến lược « phản ứng từng bước » chống lại các hành động của Nga ở Ukraina, được thông qua hôm 06/03. Giai đoạn hai này bao gồm việc trừng phạt hàng chục quan chức Nga và Crimée.
Ngay từ khuya ngày 16/03, giới ngoại giao châu Âu đã thảo luận về một danh sách hơn một trăm nhân vật Nga cũng như Crimée, bị coi là đã can dự vào những hành động « đe dọa chủ quyền, sự toàn vẹn lãnh thổ và nền độc lập của Ukraina ».
Trong danh sách này có nhiều lãnh đạo quân sự và chính trị cấp cao của Nga. Những người bị trừng phạt sẽ bị cấm nhập cảnh châu Âu, tài sản của họ ở Liên Hiệp Châu Âu sẽ bị phong tỏa.
Các Ngoại trưởng châu Âu cũng dự trù hủy bỏ một hội nghị thượng đỉnh EU- Nga vào tháng Sáu tới tại Sotchi.
Leave a Comment